A+ A A- Kiểu đọc sách

Tàu cổ Quảng Ngãi: Đưa về bảo tàng hay để dưới biển?

10:05 04/08/2013
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Cuộc khai quật con tàu cổ có niên đại 700 năm tại vùng biển Quảng Ngãi (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) đã kết thúc sau hơn 40 ngày khai quật và thu được hơn 4.000 hiện vật. Tuy nhiên, vẫn còn một “kho báu” khác, còn nằm ở dưới nước, đó chính là xác của con tàu này. Việc trục vớt đem về phục dựng tại bảo tàng hay bảo tồn tại chỗ để khai thác du lịch lặn biển là một dấu hỏi làm đau đầu các nhà nghiên cứu.

Đã có nhiều ý kiến được đưa ra. Để rộng đường dư luận, TT&VH xin giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á. Rất quan tâm đến việc bảo quản xác tàu đắm, ông đã có mặt tại hiện trường và đưa ra nhiều ý kiến tại các cuộc họp liên quan.

Trục vớt để bảo quản là một thách thức

Nhờ sáng kiến và cố gắng của Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương - công ty trúng thầu khai quật khảo cổ con tàu đắm, cũng như sự cố gắng của những chuyên gia khảo cổ học có kinh nghiệm trong khai quật tàu đắm và nghiên cứu tàu thuyền cổ, cuộc khai quật con tàu đắm thế kỷ 14 tại Quảng Ngãi diễn ra trong tháng 6/2013 đã lần đầu tiên cho phép đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà báo, và khách khứa tham quan được tận mắt chứng kiến, chạm vào một con tàu cổ đã đắm chìm dưới đáy biển từ trên dưới 700 năm nay.

Cố gắng này cũng mở ra khả năng cho các nhà bảo tàng học Việt Nam lần đầu tiên có thể tiến hành trục vớt, bảo quản và phục dựng một con tàu cổ như một hiện vật khảo cổ đặc biệt, nguồn gốc hữu cơ và có kích thước rất lớn.

Quang cảnh nơi khai quật tàu đắm TK 14 cách bờ chừng 100 m
Công tác trục vớt, bảo quản, phục dựng cả con tàu gỗ cổ như vậy, thực sự là một thách thức lớn đối với cả công ty trục vớt lẫn các nhà khoa học. Bởi lẽ, phần vỏ gỗ của con tàu hiện nằm dưới đáy biển ngập cát ở độ sâu khoảng 4m và đã qua 700 năm nên gỗ đã bắt đầu mềm, dễ bở nát. Số chuyên gia Việt Nam có kinh nghiệm và từng trải trong lĩnh vực bảo quản gỗ ngậm nước và phục dựng tàu thuyền còn rất ít. Bảo tàng địa phương đứng trước tình trạng vừa thiếu chuyên gia lẫn thiếu kinh phí...

Tuy nhiên, với nhận thức giá trị hiếm hoi và đặc biệt quý giá của vỏ tàu, theo tinh thần phát biểu của ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Văn Thích, Trưởng ban Chỉ đạo rằng con tàu đắm này không phải chỉ là di sản quý giá của của riêng nhân dân Quảng Ngãi mà còn là một di sản đặc biệt của cả dân tộc, công ty trục vớt lẫn các nhà khoa học trung ương và địa phương đã tỏ rõ quyết tâm trong việc trục vớt và  bảo tồn vỏ tàu. 

Phát biểu tại cuộc họp báo, TS Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tang Lịch sử quốc gia đề xuất nên cố gắng trục vớt và bảo quản, phục dựng con tàu. PGS. TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam nêu ra những tiền lệ về khả năng bảo tồn tại chỗ tàu đắm trên thế giới, tuy nhiên ông nhấn mạnh tính không phù hợp với điều kiện địa hình, môi trường tại Bình Châu, theo ông các cơ quan chức năng của trung ương và địa phương nên gắng sức trục vớt và bảo quản con tàu này.

Nếu đưa về bảo tàng thì sẽ bảo quản ra sao?

Theo dự kiến của các chuyên gia bảo quản phục chế gỗ tàu đắm thuộc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, thì trước hết, gỗ vỏ thuyền đã được tháo rời sẽ ngâm tẩy mặn trong một bể chứa nước ngọt khoảng từ 180-200 ngày, sau đó sẽ được sử lý hóa chất và ngâm dung dịch PEG 200/400/2000 từ 300 - 500 ngày nữa. Sau khi được ngâm tẩm và làm khô thì gỗ vỏ thuyền cổ sẽ trở nên cứng và bền chắc, công tác gắn chắp, phục dựng con tàu sẽ bắt đầu.

Và nếu trình tự trục vớt, bảo quản phục chế diễn ra đúng như dự kiến thì sau khoảng 3 năm, nhân dân Quảng Ngãi cũng như cả nước và quốc tế có thể sẽ được chiêm ngưỡng con tàu buôn cổ thế kỷ 14.

Mặc dù vậy, với tinh thần thận trọng của người chịu trách nhiệm cao nhất, ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Quang Thích đã đề nghị Sở VH,TT&DL Quảng Ngãi tiếp tục tổ chức một hội thảo khoa học nữa để bàn về các phương án bảo tồn vỏ con tàu. Theo tinh thần đó, thì vỏ con tàu quý giá tiếp tục nằm lại đáy biển cho đến khi một hội thảo khoa học được tổ chức tại Quảng Ngãi.

Theo dự kiến của TS Nguyễn Đăng Vũ, thời gian hoàn tất các thủ tục hành chính cho một hội thảo như vậy nhanh nhất cũng phải 6 tháng.

Dùng áp lực vòi nước khai quật đồ gốm sứ trong lòng các khoang tàu
Cân nhắc sớm

Việc trục vớt con tàu bao gồm cả vỏ tàu về bảo tàng tỉnh  vốn dĩ đã nằm trong biên bản thỏa thuận giữa Công ty Đoàn Ánh Dương với UBND tỉnh Quảng Ngãi. Đại diện của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã chính thức phát biểu trước lãnh đạo UBND tỉnh và đại diện các ban ngành chức năng của trung ương và địa phương trong cuộc họp báo ngày 30/6/2013 tại bảo tàng tỉnh Quảng Ngại, nhận giúp Bảo tàng tỉnh cả trong khâu kỹ thuật, tổ chức chuyên gia lẫn kinh phí mua nguyên liệu hóa chất trong quá trình bảo quản, phục dựng con tàu.

Hiện tại, các nhà quản lý Quảng Ngãi đang cân nhắc giữa hai phương án: Để vỏ tàu lại đáy biển như một hình thức “bảo tồn tại chỗ” hoặc trục vớt để bảo quản và phục dựng.

Công ty Đoàn Ánh Dương đã cho biết, với đội ngũ nhân viên lành nghề, việc trục vớt toàn bộ con tàu gỗ đưa về nơi tập kết (Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi) sẽ chỉ diễn ra trong vòng hai, ba ngày.

Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi rất phân vân không biết với lực lượng cán bộ bảo tàng như ngày nay sẽ làm cách nào để gánh được trách nhiệm bảo tồn con tàu sẽ trở nên nổi tiếng thế giới và được xếp hạng theo đúng luật di sản, trong tình trạng con tàu ở chỗ nông 1- 2m khi thủy triều rút, chỉ cách bờ 100m liền sát với bờ vịnh đông dân cư, thuyền bè chài lưới. Phương án trục vớt con tàu xem ra nhiều khả thi hơn, khi các công ty trục vớt lẫn các chuyên gia ở trung ương và bảo tàng địa phương đều đã sẵn sàng.

Công việc có thể làm ngay là xây một bể ngâm tẩy mặn và chống khô nứt từng cấu kiện gỗ vỏ tàu. Giá thành cho một bể ngâm như vậy (rộng 6m, dài 20m, cao 1,5m) trong khuôn viên bảo tàng là việc có thể làm trong tầm tay. Việc trục vớt và vận chuyển vỏ tàu về bảo tàng cũng có thể được Công ty Đoàn Ánh Dương thực hiện trong vòng không quá một tuần lễ. Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á - cơ quan đứng ra nhận chịu trách nhiệm cả về chuyên gia lẫn hóa chất ngâm tẩm, phục dựng cũng vẫn thường trực tại địa phương, sẵn sàng ký kết đảm bảo lời hứa của mình.

Với những nỗ lực như vậy, chúng ta vẫn hy vọng cứu vãn được sự tiếp tục làm đắm chìm đi một con tàu cổ quý giá. Và trong một tương lai gần nhất nhân dân Quảng Ngãi cũng như nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế có thể được thăm viếng, chiêm ngưỡng một con tàu cổ quý hiếm với tư cách nó là một di sản đặc biệt của Quảng Ngãi, của quốc gia và của cả thế giới nữa. 

Kỳ sau: Vớt dễ, bày khó

TS Nguyễn Việt
Thể thao & Văn hóa
loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...