Tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương
Ngày 2/6, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 67-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ban Chỉ đạo). Đây là căn cứ quan trọng để Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố đề ra phương hướng hoạt động hiệu quả, trách nhiệm.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã trao đổi với ông Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Địa phương 1, Ban Nội chính Trung ương.
* Trước khi có Quy định 67-QĐ/TW của Ban Bí thư, đã có 5 địa phương chủ động thành lập Ban Chỉ đạo để tham mưu giúp tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Qua theo dõi, ông đánh giá gì về việc thành lập Ban Chỉ đạo tại một số cấp ủy vừa qua, khắc phục được hạn chế gì so với trước đó?
- Một số địa phương thời gian qua thành lập Ban Chỉ đạo, cụ thể là thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh để chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, đề án, chương trình hành động của tỉnh ủy, thành ủy về phòng, chống tham nhũng (Hà Nội, Sóc Trăng). Các Ban Chỉ đạo này hoạt động khá bài bản, hiệu quả, từ việc xây dựng chương trình, kết hoạch, đến kiểm tra, giám sát và chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc cụ thể.
Thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy (Thái Bình) hoặc Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy (An Giang) làm Trưởng ban để chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc cụ thể về kinh tế, tham nhũng, tiêu cực. Trên thực tế, các địa phương này trong hai năm qua đã và đang chỉ đạo xử lý rất quyết liệt, hiệu quả các vụ án, vụ việc âm ỷ, kéo dài từ trước đó rất lâu. Khi Ban Chỉ đạo vào cuộc, các khâu yếu, việc khó dần được tháo gỡ, nhất là công tác phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật được trơn tru, thông đạt rõ rệt.
Tại Khánh Hòa thành lập Tổ tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thanh tra Chính phủ do đồng chí Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, hoạt động khá hiệu quả thời gian qua.
* Nhiệm vụ hàng đầu mà Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, khi thành lập cần làm là gì, thưa ông?
- Những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu mà Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cần chỉ đạo thực hiện khi được thành lập, đó là: Yêu cầu, nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trọng tâm là đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; gắn đấu tranh phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, đặc biệt là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các cấp ủy, tổ chức đảng trong hệ thống chính trị; đồng thời, yêu cầu tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, cơ sở. Vì vậy, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khi thành lập sẽ giải quyết những vấn đề trọng tâm nêu trên, cụ thể là bốn vấn đề sau:
Một là, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Đây là nội dung đầu tiên cần đặt trọng tâm hàng đầu trong nhiệm vụ chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bởi vì từ thực tiễn kinh nghiệm trong hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã cho thấy, việc Ban Chỉ đạo Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã tạo ra những kết quả phòng, chống tham nhũng mang tính đột phá, xử lý dứt điểm, nghiêm minh, công khai nhiều cán bộ cao cấp, cả đương chức và nghỉ hưu, cả tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang có vi phạm liên quan đến các vụ án. Kết quả xử lý cho thấy quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước ta trong việc loại trừ tham nhũng, nhân dân tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm xử lý tham nhũng, làm trong sạch nội bộ Đảng và hệ thống chính trị ở nước ta.
Hai là, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc và hành vi tiêu cực khác ngoài tham nhũng ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, thành phố. Đây chính là nội dung mới mà Đảng ta đã giao cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bên cạnh xử lý tham nhũng thì phải tập trung xử lý tiêu cực, nhất là xử lý những hành vi thể hiện sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức viên chức. Vì suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên là nguồn gốc, căn nguyên gây ra tham nhũng, tiêu cực. Do đó, chống suy thoái chính là chống tham nhũng, tiêu cực từ cái gốc.
Ba là, chỉ đạo xử lý các vụ việc nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công. Ngoài quan tâm đến xử lý tham nhũng lớn, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khi được thành lập cũng phải quan tâm xử lý “tham nhũng vặt”. Hiện nay, “tham nhũng vặt” xuất hiện ở nhiều nơi, trong nhiều cơ quan, tổ chức và ở những vị trí khác nhau liên quan trực tiếp đến đội ngũ cán bộ công quyền tiếp xúc với doanh nghiệp, người dân. Nhiều cán bộ công chức khi giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp còn có tư tưởng làm ơn, ban phát, có qua có lại “muốn ăn chân giò phải thò chai rượu” nên tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công hiện chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tổng hợp kiến nghị của cử tri tại nhiều kỳ họp Quốc hội gần đây cho thấy cử tri còn bất bình vì nạn “tham nhũng vặt” chưa giảm. Trong khi đó, “tham nhũng vặt” có tác động lớn và trực tiếp đến người dân, đặc biệt là người nghèo, tạo ra những rủi ro về mặt thủ tục pháp lý (làm chậm hoặc sai lệch các quy trình, thủ tục hành chính), làm nản lòng các nhà đầu tư, phá hoại môi trường kinh doanh của quốc gia và suy giảm lòng tin của nhân dân. Do vậy, nội dung này cần được đưa vào là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Bốn là, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương. Việc kiểm tra, giám sát là để phòng ngừa và kịp thời xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực và các sai phạm có liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nếu được tiến hành thường xuyên, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực hoặc vào các cán bộ, đảng viên có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, nhiều đơn thư phản ánh, tố cáo tham nhũng, tiêu cực, giàu nhanh, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; có biểu hiện nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp thì sẽ phục vụ đắc lực cho việc “kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn”; đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước.
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khi được thành lập sẽ tiến hành ngay một số công việc sau: Chỉ đạo kiện toàn tổ chức, bộ máy, ban hành Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo; quyết định phân công nhiệm vụ các thành viên; xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trọng tâm năm 2022 và thời gian tới; chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát và xây dựng Quy chế phối hợp hoạt động giữa Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy với các cơ quan hữu quan. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương.
Chọn một số khâu yếu, việc khó, có nhiều vướng mắc trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực để tập trung chỉ đạo tháo gỡ những lĩnh vực trọng tâm để kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhất là kiểm tra, giám sát thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, kiểm tra chuyên đề về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực y tế, thuế, hải quan, đất đai. Chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương.
* Qua thực tiễn tham gia các Đoàn kiểm tra về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ông thấy công tác này tại các địa phương hiện đang có những vấn đề gì nổi lên?
- Theo chúng tôi, về nền tảng chủ quan, đáng lo ngại nhất là tình trạng nể nang, né tránh, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm ràng buộc lẫn nhau… ở một số nơi là những rào cản lớn trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương hiện nay.
Về nhóm nội dung, nổi lên trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, có thể kể đến 03 nhóm vấn đề sau: Một là, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, quy hoạch, đất đai, đấu thầu, đấu giá, mua sắm tài sản công, lựa chọn nhà đầu tư, cổ phần hóa doanh nghiệp.
Hai là, kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.
Ba là, các lĩnh vực, vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội gần đây như y tế, giáo dục, hỗ trợ và phòng, chống dịch COVID-19…
- Quyết liệt chống tham nhũng, tiêu cực nhìn từ vụ Việt Á
- Tăng cường phòng chống tham nhũng trong đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Cuộc đấu tranh chống tham nhũng còn lâu dài, gian khổ, quyết liệt
* Để Ban Chỉ đạo cấp tỉnh hoạt động hiệu quả, thực chất, theo ông, đâu là yếu tố quan trọng?
- Theo chúng tôi có ba yếu tố quan trọng để Ban Chỉ đạo cấp tỉnh hoạt động thực chất, hiệu quả. Một là, Ban Chỉ đạo Trung ương cần chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tăng cường giao nhiệm vụ thông qua những vụ án, vụ việc cụ thể. Điều này giúp Ban Chỉ đạo địa phương vừa có chỗ dựa vững chắc về chính trị, vừa khắc phục được tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy, lộ ích cục bộ ở địa phương…
Hai là, đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy phải thực sự trong sáng, công tâm khách quan, nêu gương, nói đi đôi với làm, phải có đủ dũng khí, đặt giá trị, lợi ích công lên trên tư, công trước tư sau, vì công mà quên tư.
Ba là, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để nhân dân và cán bộ, đảng viên hiểu sâu sắc về chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của Ban Chỉ đạo, từ đó họ tin tưởng, trở thành những đôi mắt, cánh tay giúp Ban Chỉ đạo hoạt động hiệu quả.
* Xin trân trọng cảm ơn ông!
Quỳnh Hoa/TTXVN (thực hiện)