loading...
Bộ Y tế cho biết, hiện hơn 9 triệu người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi bệnh, trong số các F0 đang điều trị còn hơn 600 ca nặng, thấp nhất trong nhiều tháng qua; Bộ Y tế yêu cầu truyền thông, quảng cáo khám hậu COVID-19 phải tuân thủ quy định, tránh lạm dụng chỉ định khi khám...
Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA) cho thấy việc kéo dài thời gian giữa 2 mũi vaccine cơ bản lên 12 tuần sẽ giúp tăng cường khả năng miễn dịch trước virus SARS-CoV-2.
Cả nước chỉ còn hơn 600 ca COVID-19 nặng đang điều trị
Theo thống kê của Bộ Y tế ngày 23/4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 10.365 ca nhiễm mới, tất cả đều ghi nhận trong nước tại 59 tỉnh, thành phố, trong đó có 7.412 ca trong cộng đồng.
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 12.428 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.554.689 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 106.705 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.546.941 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội 1.539.772), TP. Hồ Chí Minh (607.962), Nghệ An (479.143), Bắc Giang (383.164), Bình Dương (383.163)
Tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh ở nước ta là: 9.081.494 ca
Số bệnh nhân đang thở ô xy là 685 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 505 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 93 ca; Thở máy không xâm lấn: 17 ca; Thở máy xâm lấn: 68 ca; ECMO: 2 ca. Đây là số bệnh nhân nặng đang điều trị thấp nhất ở nước ta trong nhiều tháng qua.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 10 ca.Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.004 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Truyền thông, quảng cáo khám hậu COVID-19 phải tuân thủ quy định
Theo Bộ Y tế, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay, số lượng người mắc COVID-19 đã gia tăng ở khắp các tỉnh, thành phố, trong đó một số người dân xuất hiện các dấu hiệu, triệu chứng kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc khả năng lao động và có nhu cầu đi kiểm tra sức khỏe.
Để thực hiện hiệu quả công tác khám, chữa bệnh cho người dân sau khi mắc COVID-19 (hậu COVID-19) trong giai đoạn hiện nay, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh cho người bệnh (người lớn và trẻ em) khi mắc và hậu COVID-19 theo đúng các hướng dẫn chuyên môn do Bộ Y tế đã ban hành, như:
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19, trong đó có hướng dẫn phục hồi chức năng cho người bệnh COVID-19 sau ra viện, chăm sóc sức khỏe tâm thần; Hướng dẫn Phục hồi chức năng bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do SARS-CoV-2 (COVID-19)...
Khám, chữa bệnh cho người có dấu hiệu, triệu chứng hậu COVID-19 nói riêng và khám bệnh, chữa bệnh nói chung theo phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở, theo các lĩnh vực chuyên khoa khi người dân có các dấu hiệu, triệu chứng thuộc các chuyên khoa, tránh tình trạng lạm dụng chỉ định hoặc chỉ định không phù hợp, không cần thiết.
Thực hiện truyền thông, quảng cáo khám bệnh, chữa bệnh, khám hậu COVID-19 phải tuân thủ theo quy định tại Thông tư số 09/2015/TT-BYT ngày 25/5/2015 của Bộ Y tế quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế.
Bộ Y tế cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động khám, chữa bệnh tại các khoa, phòng chuyên môn.
TP HCM có bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 mới nhất
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP HCM vừa có Quyết định về ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch đối với các hoạt động, ngành nghề, lĩnh vực trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch trên địa bàn.
Quyết định này thay thế các Quyết định ban hành Bộ tiêu chí liên quan đến đánh giá hoạt động trong phòng, chống dịch COVID-19 trước đây.
Bộ tiêu chí đánh giá có 3 phần gồm tiêu chí an toàn chung (bắt buộc đối với tất cả hoạt động, ngành nghề, lĩnh vực); tiêu chí đặc thù và tiêu chí an toàn trong tổ chức dịch vụ ăn uống.
Với tiêu chí an toàn chung, tất cả người dân, người lao động, người tham gia các hoạt động đều phải tuân thủ đeo khẩu trang theo quy định hiện hành; các hoạt động, ngành nghề, lĩnh vực bố trí nhân sự kiểm tra, nhắc nhở việc tuân thủ đeo khẩu trang.
Các cửa ra vào, cửa sổ thường xuyên mở cửa trong thời gian làm việc, sinh hoạt… để thông khí; không gian kín phải có biện pháp thông thoáng. Tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 đủ các mũi tiêm theo độ tuổi dựa trên khuyến cáo của Bộ Y tế hoặc đã khỏi COVID-19 dưới 3 tháng phải đạt 90%...
Phải sử dụng mã QR để quản lý thông tin người ra/vào, đảm bảo không sử dụng quá công suất phục vụ của địa điểm.
Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch và Tổ an toàn COVID-19 cũng như có kế hoạch phòng, chống dịch.
Theo SK&ĐS
loading...