loading...
Số ca mắc COVID-19 trong nước tiếp tục có xu hướng giảm; hiện hơn 9,5 triệu F0 đã khỏi; Một nghiên cứu của Hội Thầy thuốc trẻ cho thấy nữ giới có xu hướng mắc hậu COVID-19 nhiều hơn nam.
Hiện nay, trên thị trường Hà Nội xuất hiện nhiều quảng cáo "thần thánh" thuốc bổ hậu COVID-19 có tác dụng hỗ trợ giải độc phổi, thanh lọc, làm sạch phổi, giúp thở dễ dàng hơn, làm giảm nguy cơ mắc các căn bệnh nguy hiểm liên quan đến phổi...
Trung bình số ca COVID-19 mới trong nước ghi nhận 7 ngày qua: 868 ca/ngày
Thống kê của Bộ Y tế cho biết, ngày 9/6, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 802 ca nhiễm mới, trong đó 3 ca nhập cảnh và 799 ca ghi nhận trong nước (giảm 114 ca so với ngày trước đó) tại 45 tỉnh, thành phố (có 612 ca trong cộng đồng).
Hà Nội vẫn là địa phương nhiều nhất, tuy nhiên đây là ngày thứ 4 liên tiếp số ca mắc COVID-19 của Hà Nội dưới 200/ ngày; 44 tỉnh, thành khác số mắc mới từ 1- 64 ca, trong đó gần 30 tỉnh, thành chỉ ghi nhận từ 1- 10 ca/ ngày.
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 868 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.728.720 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.341 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.720.955 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.602.390), TP. Hồ Chí Minh (609.618), Nghệ An (484.932), Bắc Giang (387.610), Bình Dương (383.788).
Tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi là: 9.535.998 ca. Hiện nay đang điều trị, giám sát 1.149.641 trường hợp, trong đó có 75 trường hợp nặng đang điều trị, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 65; Thở ô xy dòng cao HFNC: 4; Thở máy không xâm lấn: 3; Thở máy xâm lấn: 3.
Nữ giới có xu hướng mắc hậu COVID-19 cao hơn nam giới
Nghiên cứu khảo sát trên 17.000 người dân từng mắc COVID-19 cho thấy tỉ lệ nữ giới có xu hướng mắc hậu COVID-19 cao hơn nam giới (nữ 64,63% và nam 35,37%) và đối với nhóm lao động trẻ, bệnh lý nền không phải yếu tố ảnh hưởng đến khả năng bị hội chứng hậu COVID-19.
Đây là kết quả của nghiên cứu do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam chủ trì. Nhóm nghiên cứu đã triển khai ban hành bộ câu hỏi khảo sát gồm 4 phần và 20 câu hỏi trực tuyến. Tổng cộng 17.093 người dân đã tham gia khảo sát, trong đó tập trung vào đối tượng lao động trẻ, độ tuổi 16-35, được 13.313 phản hồi, chiếm 77,89%.
Theo đó, kết quả nghiên cứu cho thấy đa phần bệnh nhân còn tồn tại triệu chứng hậu COVID-19 từ 2 - 5 tháng (khoảng 68%), tuy nhiên có đến 17,4% bệnh nhân có triệu chứng hậu COVID-19 nhiều hơn 5 tháng và gần 5% bệnh nhân vẫn còn những triệu chứng này sau 10 tháng kể từ ngày có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Bệnh nhân thường có từ 2-3 triệu chứng điển hình liên quan đến hậu COVID-19 trong số 203 triệu chứng mà Bộ Y tế đã xác định, chủ yếu tập trung ở nhóm bệnh lý liên quan đến tâm thần như (chóng mặt, đau đầu, khó tập trung, mất ngủ, …) và nhóm bệnh lý về hô hấp (ho, khó thở).
Nghiên cứu chỉ ra mức độ và thời gian bị triệu chứng COVID-19 kéo dài không liên quan đến thời gian bị nhiễm COVID-19.
Theo kết quả nghiên cứu này, dinh dưỡng không đầy đủ hoặc béo phì cũng có thể là nguyên nhân khiến người bệnh có nhiều khả năng bị kéo dài triệu chứng COVID-19. Với nhóm lao động trẻ, bệnh lý nền không phải yếu tố ảnh hưởng đến khả năng bị hội chứng COVID-19 kéo dài (chỉ 3,6% bệnh nhân có bệnh lý nền)...
Theo Sức khỏe & Đời sống
loading...