loading...
(Thethaovanhoa.vn) - VTV Đặc biệt - Ranh giới có thời lượng dài hơn 50 phút, với bối cảnh là Khu K1, BV Hùng Vương - nơi điều trị cho các sản phụ mắc Covid-19 gây xúc động mạnh cho người xem. Mạng xã hội ngập tràn những chia sẻ, bình luận khi phim vừa lên sóng.
VTV Đặc biệt - Ranh giới lên sóng lúc 20h10 ngày 8/9 trên kênh VTV1 ghi lại những hình ảnh về đội ngũ y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch, ngày đêm giành giật sự sống cho các sản phụ nhiễm Covid-19 tại bệnh viện Hùng Vương khiến người xem không khỏi bàng hoàng, day dứt, xót xa.
>> Link xem lại VTV Đặc biệt - Ranh giới
https://vtvgo.vn/kho-video/vtv-dac-biet-ranh-gioi-839737.html
VTV Đặc biệt - Ranh giới: Cuộc chiến chống Covid-19 khốc liệt
50 phút phim VTV Đặc biệt - Ranh giới không lời bình, ê-kíp sản xuất đưa người xem trực tiếp đến "hiện trường", nơi các bác sĩ ngày đêm giành giật sự sống cho bệnh nhân Covid-19. Đó là cuộc chiến của những dũng sĩ tuyến đầu với thần chết để dành lấy sinh mạng cho không chỉ một mà là 2 người cùng lúc.
Ranh giới lột tả bức tranh trần trụi nhất ở chính giữa lằn ranh sự sống và cái chết - đó là nơi những bác sĩ phải tiếp thêm nghị lực sống cho những bệnh nhân chấp chới nơi cửa tử, là những hoạt động cấp cứu diễn ra hàng giờ, là nụ cười hạnh phúc khi người bệnh từ cõi chết trở về, là giọt nước mắt khi những y sĩ thất bại trong nhiệm vụ của mình, là sự giằng xé tâm can vì những cuộc điện thoại thông báo cho người thân bệnh nhân…
Trong không gian đó, âm thanh gần như duy nhất mà khán giả nghe được là tiếng máy thở, tiếng nói của những bác sĩ ân cần khuyên nhủ người bệnh. Trong phim tài liệu Ranh giới, người xem được chứng kiến rõ ràng cuộc chiến chống Covid-19 khốc liệt ra sao.
Ranh giới được hiểu là nơi lằn ranh giữa sự sống và cái chết, ngay tại khoa điều trị sản phụ, là nơi mà lẽ ra ở bất cứ đâu trên thế giới, sẵn sàng chào đón những sinh linh bé bỏng được ra đời, nhưng rồi lại trở thành nơi mà chính những người bác sĩ, y sĩ, phải đưa ra những lựa chọn khó khăn, là nơi không ai nghĩ tới sẽ là điểm trút hơi thở cuối cùng của những bà mẹ và cả đứa con - tất cả là vì Covid-19.
Xúc động và ám ảnh!
Xúc động và ám ảnh là cảm xúc chung của rất nhiều khán giả sau khi xem xong phim VTV Đặc biệt - Ranh giới. Cảm xúc đó thôi thúc người xem viết những lời chia sẻ về bộ phim trên mạng xã hội:
* Chân thực!
* Ám ảnh cái tiếng tít tít từ máy đo oxy nhịp tim trong phòng cấp cứu...
* Xem những hình ảnh này của VTV mới thấy được rằng rất nhiều người hùng mà hầu hết chúng ta không hề biết tới và họ cũng không mưu cầu được nổi tiếng...
Chúng ta còn được ở nhà và khoẻ mạnh, là thật may mắn và biết ơn!
* Tôi đã khóc khi xem phóng sự này. Thật sự ám ảnh, rợn người về hậu quả tàn khốc của Covid. Khâm phục và biết ơn các nhân viên y tế và VTV đã có những thước phim chân thực này.
* Anh ơi, em sợ lắm! Mình bị ám ảnh câu này xuyên suốt chương trình, nó miêu tả rất thật cảm giác của những người mắc Covid-19, những người đang ngấp nghé cửa tử. Đọc báo nhiều, xem ảnh nhiều nhưng thú thực đây là lần đầu tiên mình được nhìn, được cảm nhận rõ những thứ đằng sau cánh cửa một bệnh viện điều trị Covid-19.
Không biết phải dùng từ gì để diễn tả hết những cảm xúc ngổn ngang này. Thương các bệnh nhân, thương cả những y bác sĩ. Tuyệt vời thật sự VTV!
* Bộ phim không chỉ là ranh giới của sự sống và cái chết, mà nó còn là ranh giới giữa sự từ bỏ và ý chí vượt lên hoàn cảnh của các y - bác sĩ. Cái thực của cảm xúc này thì không một đạo diễn nào bắt họ diễn được. Nó chỉ có thể được gọi tên bằng tinh thần trách nhiệm, sự trân trọng từng nhịp tim, hơi thở qua mỗi giây, mỗi phút của các y bác sĩ khi đối diện với sự sống - chết của bệnh nhân. Covid-19 không chừa ai cả!
Bác sĩ họ cũng sợ tử thần! Nhưng nếu họ từ bỏ thì ai giữ bệnh nhân ở lại cuộc sống này?! Nếu ai đó cho rằng bộ phim đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ truyền thông, vì đã khai thác những hình ảnh chạm đến trái tim của người xem, cũng chẳng sao! Vì miêu tả cái thực mà còn có cảm giác thực hơn cả cái hiện thực khốc liệt bên ngoài, nghĩa là đã thành công rồi!
Ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh quá!
Ranh giới là bộ phim tài liệu thứ 6 của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư phát sóng trong khung giờ VTV Đặc biệt. Đây là sản phẩm của anh và đồng nghiệp sau chuyến tác nghiệp vào TP Hồ Chí Minh trong những ngày cuối tháng 7/2021, khi nơi ấy đang là tâm dịch Covid-19 của cả nước. Hành trang ngày trở về của đạo diễn là hai bộ phim tài liệu, mang tên Ranh giới và Ngày con chào đời (dự kiến phát sóng ngày 22/9).
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư chia sẻ, tháng 7/2021, anh cùng 4 đồng nghiệp của Trung tâm Phim tài liệu và phóng sự, Đài Truyền hình Việt Nam được cử đi công tác vào thành phố Hồ Chí Minh - tâm dịch Covid-19 của cả nước ở thời điểm bấy giờ.
Nhóm 5 người gồm đạo diễn, quay phim, biên tập viên chia làm hai ê-kíp sản xuất, một nhóm vào tác nghiệp tại các bệnh viện dã chiến, thực hiện phóng sự, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và quay phim Viết Phong vào khu K1 - bệnh viện Hùng Vương. Đây là nơi được chuyển đổi thành khu điều trị cho các sản phụ bị nhiễm Covid-19 lớn nhất thành phố với quy mô 120 giường.
Anh kể trên VTV News: "Áp lực nhất lúc đó là mình sẽ làm gì... Trong rất nhiều đề tài miên man suy nghĩ trong đầu, tôi quyết định làm về các thai phụ bị nhiễm Covid-19. Lý do tôi chọn đề tài này vì nghĩ cuộc sống giống như một vòng tròn luân hồi, dịch bệnh đã cướp đi rất nhiều sinh mạng nhưng bên cạnh đấy vẫn có những em bé được chào đời.
Người bình thường mắc Covid-19 đã rất khổ sở rồi thì không hiểu các thai phụ mắc Covid-19 sẽ vật vã như thế nào. Chính sự tò mò này đã khiến tôi quyết tâm theo đuổi".
"Tôi nhớ một buổi tối, tôi được chứng kiến đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Hùng Vương thuyết phục bệnh nhân để cố gắng giữ được cho họ thở dù họ đôi khi không chấp nhận, phản đối nhưng các bác sĩ vẫn rất nhẫn nại.
Nếu không nghe theo bác sĩ thì chỉ số SPO2 của bệnh nhân sẽ tụt rất nhanh. Ranh giới sống chết lúc này bộc lộ rõ nhất, chỉ trong khoảnh khắc là thai phụ có thể bị ngất xỉu, mê man.
Khi ấy, tôi thấy ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh quá. Chính vì vậy, tôi quyết định đặt tên phim là Ranh giới và dự định nói về ranh giới sự sống, cái chết, rồi sự ra đời của các em bé ở trong này" - theo đạo diễn Tạ Quỳnh Tư.
Đạo diễn Ranh giới cũng thừa nhận những điều anh chứng kiến khác xa những gì anh đã nghĩ và thấy trong các hình ảnh - phim về Covid-19 của nước ngoài. Anh kể: "Ngày đầu tiên vào khu K1 tôi đã được chứng kiến cảnh các thai phụ mắc Covid-19 kinh khủng như thế nào. Đúng là lúc đó tôi bị sốc, sốc bởi khác xa với những gì mình được xem, được nhìn.
Được chứng kiến những cái giây phút mà người bệnh nhân sợ không thở được và thèm thở, muốn thở thì nó mới khủng khiếp như thế nào. Người bình thường thở đã khó, thai phụ thở cho hai người còn khó gấp đôi.
Tôi sốc khi chứng kiến, nhìn tận mắt, thấy bệnh nhân chỉ trong tích tắc vừa nói chuyện, vừa được mình giơ tay động viên cố lên thì chỉ 2 phút sau ngoảnh lại đã nằm bất động và các bác sĩ đang phải dồn lực để nhấn tim cho thai phụ đấy.
Từ đó tôi mới thấy là sao cuộc sống con người mỏng manh, dễ dàng mất đi như thế trong mùa dịch này. Chính điều đấy khiến cho tôi sốc và tự ngẫm trân trọng cuộc sống, quý trọng hơi thở mình đang có hơn.
Điều khiến tôi sốc nữa khi bác sĩ lựa chọn cứu mẹ hay cứu con. Họ đã bàn bạc rất kỹ nhưng công việc buộc họ phải lựa chọn cứu một trong hai. Rồi từ đó mình thấy có những việc ta được lựa chọn nhưng có những cái ta không được lựa chọn.
Bác sĩ tâm sự ngày xưa nếu cứu chữa bệnh nhân theo phác đồ đấy, quy trình đấy phương thức đấy thì tự tin sẽ cứu được bệnh nhân nhưng đối với bệnh nhân thai phụ mắc Covid-19 thì niềm tin đấy không còn nữa, bản thân các bác sĩ nói nó cũng mong manh quá, không còn cho mình quyền quyết định cứu được hay không".
Đạo diễn hi vọng thông qua bộ phim Ranh giới khán giả sẽ có cái nhìn tường tận hơn về sự khắc nghiệt khi mắc Covid-19, để mọi người cẩn trọng, tự bảo vệ mình trước dịch bệnh: "Thông qua bộ phim mọi người sẽ thấy quý trọng bản thân, quý trọng cuộc sống và những gì đang có, quý trọng sự hi sinh của đội ngũ y tế ở tuyến đầu đang ngày đêm căng mình chống dịch. Quý trọng tình cảm mà họ trao cho nhau, dành cho nhau, quý trọng sự tử tế đoàn kết vượt khó của cả một đội ngũ.
Thông điệp của phim chính là sự vượt khó, tình yêu, sự hi sinh quên mình của các bác sỹ dành cho thai phụ, của các thai phụ dành cho con và đằng sau đấy là cả gia đình, cộng đồng, xã hội, đất nước đang chống chọi với đại dịch khủng khiếp COVID-19. Mong sao một ngày dịch bệnh qua đi và mọi người trở lại cuộc sống bình thường".
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
|
Bảo Anh (tổng hợp)
loading...