loading...
Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Communications Medicine, các nhà khoa học Anh đã phát hiện "một phân tử kích hoạt" có trong cà phê dẫn tới sự thay đổi khứu giác của những người mắc COVID-19.
Những người từng mắc COVID-19 có nguy cơ hình thành các cục máu đông trong phổi, cũng như mắc các triệu chứng về đường hô hấp, cao gấp đôi so với những người chưa từng mắc.
Mất khứu giác là một triệu chứng của bệnh COVID-19, với ước tính khoảng 18% người trưởng thành ở Anh mắc triệu chứng này. Một số người cũng trải qua tình trạng rối loạn khứu giác, hay còn gọi là chứng parosmia - sự thay đổi trong nhận thức bình thường về mùi, theo đó, những mùi dễ chịu bị biến thành mùi hôi thối như mùi rác hoặc mùi cống rãnh. Cơ sở sinh học cho vấn đề này vẫn là một điều bí ẩn đối với các nhà khoa học.
Tuy nhiên, các nhà khoa học Anh hiện đã phát hiện một phân tử mùi mạnh dường như là nguyên nhân khiến người mắc chứng parosmia ngửi thành mùi hôi thối. Phân tử này được gọi là phân tử 2-furanmethanethiol, có trong cà phê. Người có khứu giác bình thường sau khi ngửi mùi này mô tả là giống mùi cà phê hay mùi bỏng ngô trong khi những người mắc chứng parosmia mô tả là mùi hôi thối.
Tiến sĩ Jane Parker, Giám đốc Trung tâm Flavour tại Đại học Reading đồng thời là đồng tác giả nghiên cứu, cho biết đây là bằng chứng rõ ràng rằng rối loạn khứu giác không những liên quan tới hệ thần kinh mà còn có thể liên quan tới các thành phần trong thực phẩm.
Theo một cuộc khảo sát tiến hành mới đây trên quy mô toàn cầu, có khoảng 10% trong số những người mất khứu giác do COVID-19 mắc chứng parosmia và tỉ lệ này đã tăng lên 47% khi những người này được phỏng vấn lại sau đó 6 hoặc 7 tháng.
Phân tử gây ra chứng parasmia có phổ biến nhất trong cà phê, socola, thịt, hành tây và kem đánh răng.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học Anh tiến hành thử nghiệm đối với các tình nguyện viên mắc chứng parosmia và những người không mắc chứng này khi cho từng người ngửi mùi hương cà phê, rồi sau đó tiến hành so sánh. Từ hàng trăm hợp chất hương thơm có trong cà phê, những người mắc parosmia có thể chỉ ra hợp chất nào gây ra chứng bệnh này.
Kết quả cho thấy trong số 29 tình nguyện viên, các nhà khoa học đã phát hiện 15 hợp chất phổ biến nhất trong cà phê gây ra chứng parosmia, với "thủ phạm" hàng đầu là hóa chất được đặt tên 2-furanmethanethiol mà 20 tình nguyện viên cho rằng có mùi kinh khủng.
Mũi có hơn 400 cơ quan khác nhau cảm thụ mùi, với mỗi cơ quan nhạy cảm với các mùi hương khác nhau. Theo Tiến sĩ Jane Parker, hóa chất 2-furanmethanethiol có ngưỡng quá thấp để cơ quan cảm thụ khứu giác có thể nhận được và có thể là một trong những hóa chất đầu tiên gây ra rối loạn khứu giác. Tiến sĩ Parker cho rằng não bộ dường như đã "phân loại nhầm" mùi này, đồng thời cho rằng các nhà khoa học cần làm sáng tỏ về yếu tố điều kiện này.
Trong khi đó, ông Simon Gane, một trong những người tham gia nghiên cứu thuộc Viện tai mũi học Hoàng gia Anh và bệnh viện nha khoa Eastman cho biết đây là nghiên cứu đầu tiên làm sáng tỏ về cơ cấu trong mũi và các nhà khoa học vẫn còn phải đi một chặng đường dài mới làm sáng tỏ được vấn đề này.
Minh Châu/TTXVN
loading...