Nước Mỹ sau hai năm đại dịch Covid-19 hoành hành
(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây 2 năm, nước Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì virus SARS-CoV-2 lây lan trên khoảng 1.000 người dân trên cả nước.
Ngay từ năm 2020, trang CNN đã đăng tải bài viết kêu gọi người dân cảnh giác, không thể coi virus này là điều đơn giản sẽ sớm biến mất mà đó sẽ là loại virus làm thay đổi cuộc sống của mỗi người.
Khi đó, tại cuộc họp báo của Nhà Trắng, Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ đã đưa ra cảnh báo khiến nhiều người không hài lòng rằng người Mỹ ở khắp nơi trên cả nước cần thay đổi cách sống “ngay từ bây giờ”. Khi đó, ông Fauci đã lưu ý mọi người dân trên cả nước dù ở bang có ca bệnh hay chưa có ca bệnh cũng cần phải thay đổi thói quen sinh hoạt vì loại virus lây lan nhanh này.
Hai năm sau, hơn 967.500 người Mỹ đã tử vong vì COVID-19 và khoảng 79,5 triệu người đã mắc bệnh. Hầu như mọi công việc, hình thức di chuyển và cách giao lưu, tiếp xúc với mọi người xung quanh đều đã khác rất nhiều. Hai năm trước, chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump thậm chí còn đưa ra kế hoạch chặn đà lây lan trong….15 ngày.
Dù vậy, vẫn đến lúc người dân Mỹ thực sự phải thay đổi lối sống, nhiều nơi cũng đã chứng kiến cảnh các siêu thị cháy hàng các nhu yếu phẩm, người dân xếp hàng mua giấy vệ sinh, nước sát khuẩn, các công viên và bãi biển đóng cửa. Hai năm sau đại dịch, nhiều nhân viên văn phòng tại Mỹ hẳn vẫn chưa quên ngày đầu tiên họ tải về ứng dụng “Zoom” để làm việc nhóm trực tuyến.
Những hiểu biết về virus cũng đã thay đổi đáng kể so với thời gian đầu, cùng với đó là cung cách sinh hoạt của con người. Nếu như những ngày đầu các biện pháp giãn cách xã hội và sát khuẩn tay là những cách phòng dịch chủ yếu thì hiện nay khẩu trang và vaccine là 2 thứ vũ khí được coi là lợi hại nhất.
Các cửa hàng, văn phòng và trường học từng bước khôi phục hoạt động cùng với việc duy trì các biện pháp y tế cộng đồng tùy thuộc vào hướng dẫn của mỗi địa phương. Sau một số lần đóng rồi mở, đến nay hầu hết các địa điểm công cộng đều đã hoặc chuẩn bị mở cửa trở lại. Các trang cập nhật thông tin dịch bệnh dần ngừng hoạt động hoặc ít được quan tâm hơn.
Đến nay, nước Mỹ đang đứng trước sự thay đổi lớn nhất liên quan đại dịch COVID-19. Không phải cực kỳ ngỡ ngàng như những lần đầu phong tỏa, nước Mỹ đang có sự chuyển mình chấn động chưa từng có dù không gây chú ý đến thế. Đó là khi nước Mỹ chuẩn bị bước sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu.
CNN dẫn nhận định của Tiến sĩ Sanjay Gupta về vấn đề này cho rằng dù khi bước vào giai đoạn đại dịch, con người nhận thức rất rõ sự khác biệt nhưng khi bước sang giai đoạn bệnh đặc hữu thì mọi thứ trở nên mờ nhạt hơn. Một dịch bệnh được coi là bệnh đặc hữu là bệnh sẽ xuất hiện bất kỳ lúc nào ở một khu vực hoặc một nhóm dân số, có thể dự đoán được về tốc độ lây lan mà không dẫn đến những sự gián đoạn như trong thời kỳ đại dịch. Việc chuyển sang giai đoạn tiếp theo sẽ tùy thuộc vào những đánh giá chuyên môn và các cơ sở khoa học.
Dù học cách sống chung với COVID-19 thay vì loại bỏ dịch bệnh là điều không dễ dàng nhưng với nhiều người đây chính là lúc bắt đầu lấy lại nhịp sống bình thường. Trong bài phát biểu hồi đầu tháng này về kế hoạch sống chung với COVID-19, Tổng thống Joe Biden cho rằng người Mỹ vẫn có thể vừa cảnh giác vừa bước sang giai đoạn mới an toàn và ít gián đoạn hơn.
Theo ông, người Mỹ đã mệt mỏi, kinh hoàng và rệu rã vì đại dịch nhưng nhờ những tiến bộ trong công tác phòng chống dịch trong năm 2021, COVID-19 đã không còn chi phối đời sống của người Mỹ. Theo kế hoạch mới, người dân Mỹ sẽ bước vào giai đoạn mới theo những cách thức khác nhau. Những người trẻ tuổi đã được tiêm phòng và tiêm mũi tăng cường sẽ trở lại cuộc sống gần như bình thường.
- Chuyên gia Mỹ: Vẫn cần cảnh giác trước nguy cơ bùng phát biến thể mới của virus SARS-CoV-2
- Chuyên gia Mỹ khuyến nghị cách tiếp cận thận trọng trong giai đoạn tiếp theo của đại dịch Covid-19
- Mỹ cảnh giác trước nguy cơ bùng phát làn sóng Covid-19 mới
Tuy nhiên, những nhóm có nguy cơ cao bệnh nặng vẫn lo ngại việc dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang khi ở trong nhà sẽ gây nhiều nguy cơ hơn khi bản thân họ và những người thân trong gia đình trở lại các hoạt động tiếp xúc trực tiếp. Theo Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), hiện nước này có gần 7 triệu người trưởng thành bị suy giảm miễn dịch, khoàng 61 triệu người bị ít nhất một khuyết tật trên cơ thể, trong đó có hơn 3 triệu trẻ em.
Hiện chỉ khoảng 2% dân số Mỹ (7 triệu người) sống ở khu vực có nguy cơ dịch COVID-19 trong cộng đồng cao, còn lại ở mức thấp và trung bình - những nơi không khuyến nghị đeo khẩu trang hoặc chỉ những người suy giảm miễn dịch mới cần các biện pháp phòng ngừa.
CDC cũng dự báo trong 4 tuần tới, số ca nhập viện và tử vong sẽ giảm, tình hình tiếp tục lắng dịu nhờ thời tiết tốt hơn, người dân ra ngoài nhiều hơn nên nguy cơ lây nhiễm trong không gian kín ít hơn. Theo xu hướng tích cực này, người dân Mỹ sẽ được thấy lại nhịp sống bình thường hoặc gần như bình thường trong mùa Xuân và Hè tới, nhưng vẫn tùy thuộc vào tình hình đột biến ở virus.
Lê Ánh/TTXVN