loading...
Ngày 23/5, các bác sĩ và các nhà khoa học tại Mỹ đã công bố những kết quả nghiên cứu đầu tiên nhằm giải mã nguyên nhân khiến một số người phải vật lộn với hội chứng Covid kéo dài (Long Covid) - một trong những “bí ẩn” lớn nhất trong đại dịch Covid-19.
Giới chuyên gia New Zealand cho biết dịch bệnh Covid-19 vẫn đang lây lan và khoảng 200.000 người dân nước này đang phải đối mặt với các triệu chứng Covid kéo dài (Long Covid).
Ngay đại dịch COVID-19 bùng phát, các bác sĩ, các nhà nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia (NIH) đã bắt đầu phân tích bệnh án của hàng trăm bệnh nhân nhằm tìm hiểu nguyên nhân khiến những người này mắc hội chứng COVID kéo dài.
Song song với đó, hơn 130 thử nghiệm đã được thực hiện này nhằm xác định một loạt câu hỏi: Liệu có bất kỳ tổn thương nào đối với các cơ quan quan trọng trong cơ thể họ hay không? Liệu virus SARS-CoV-2 còn ẩn náu trong cơ thể họ và gây các vấn đề về sức khỏe hiện nay? Hệ thống miễn dịch của họ có bị “chọc thủng”, khiến họ bị ốm mặc dù virus đã biến mất ?.
Tiến sĩ Michael Sneller phụ trách nghiên cứu cho biết điều trước tiên các nhà khoa học ghi nhận là hơn một nửa số bệnh nhân COVID-19 dù đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 sau nhiều tháng nhưng vẫn có các triệu chứng mệt mỏi, sương mù não, đau đầu, tức ngực và nhiều biểu hiện khác.
Tuy nhiên, họ khẳng định số người gặp các triệu chứng trên không chiếm tới 50% số ca đã khỏi bệnh. Con số thực tế có thể thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, ngay cả con số thực chỉ chiếm một phần nhỏ thì vẫn có rất nhiều người gặp phải hội chứng này.
Điều thứ hai là các nhà khoa học hiện chưa thể tìm thấy bằng chứng về việc virus vẫn tồn tại hoặc ẩn náu trong cơ thể.
Họ cũng không tìm được bằng chứng cho thấy hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức hoặc hoạt động sai cách có thể gây ra tổn thương cho các cơ quan chính trong cơ thể. Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu nhận thấy ngày càng nhiều phụ nữ mắc hội chứng COVID kéo dài và trải qua cảm giác lo lắng khi gặp phải vấn đề này.
Theo Tiến sĩ Sneller, điều này không đồng nghĩa các vấn đề của họ là do tâm lý. Tiến sĩ Sneller hy vọng những phát hiện bước đầu của ông và các cộng sự sẽ giúp các bác sĩ hiểu được phần nào vấn đề của người bệnh và có thể tập trung vào những biện pháp hữu ích, như các phương pháp trị liệu vật lý và nhận thức hành vi.
Tiến sĩ Sneller cho biết thêm rằng ông và các cộng sự tại NIH đang tiếp tục tiến hành một nghiên cứu quy mô lớn và chuyên sâu hơn với hàng nghìn bệnh nhân nhằm tìm ra nguyên nhân gốc rễ gây hội chứng COVID kéo dài.
Minh Tâm/TTXVN
loading...