loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Việc mắc COVID-19 nghiêm trọng làm tăng nguy cơ phải nhập viện và tử vong. Mặc dù tình trạng này được cho là chủ yếu ảnh hưởng tới những người lớn tuổi và những người có bệnh nền như tim mạch, tiểu đường hay các bệnh về thận, song những người trẻ tuổi và khỏe mạnh cũng đối mặt với nguy cơ tương tự.
Được phát hiện lần đầu vào ngày 11/11/2021 tại Botswana, đến nay biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Để lý giải hiện tượng này, các nhà khoa học đã nỗ lực nghiên cứu xem gene người có tác động thế nào đến nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng.
Nhà dịch tễ học Seiamak Bahram cho biết kể cả những người trong cùng độ tuổi, cùng giới tính hay tình trạng sức khỏe, thì họ vẫn có thể phản ứng rất khác nhau khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Nhóm của ông Bahram đã tiến hành nghiên cứu các phân tử RNA trong gene của một nhóm gồm 94 người trong làn sóng dịch bệnh đầu tiên tại Pháp. Các đối tượng đều dưới 50 tuổi, không có bệnh nền. Trong số này có 47 người mắc COVID-19 nghiêm trọng phải điều trị tích cực, 25 người mắc bệnh nhẹ và 22 người khỏe mạnh.
Thông qua việc quan sát cách thức phân tử RNA của họ hoạt động và so sánh kết quả với một nhóm đối tượng khác, nhà nghiên cứu Bahram có thể tập trung vào vai trò của một biểu hiện gene có tên gọi ADAM9. Những gene mang biểu hiện này sẽ trở thành mục tiêu bị mắc COVID-19 nghiêm trọng hoặc hội chứng suy hô hấp cấp nặng. Nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí Science Translational Medicine vào đầu tháng này.
Cách tiếp cận trên được xem là khá độc đáo khi phần lớn nghiên cứu hiện nay chỉ xem xét cách thức gene phản ứng với COVID-19 thông qua việc nghiên cứu trực tiếp gene của bệnh nhân và so sánh với mức độ mắc bệnh nghiêm trọng. Trong một nghiên cứu tiến hành vào tháng 6/2020, các nhà nghiên cứu đã đánh giá 1.980 bệnh nhân mắc COVID-19 nghiêm trọng tới từ Italy, Tây Ban Nha, so sánh họ với nhóm người có gene tương tự nhưng trong tình trạng sức khỏe tốt. Qua so sánh, nghiên cứu đã chỉ ra nhóm 6 gene có khả năng khiến người bệnh dễ bị tổn thương trước các vấn đề về hô hấp.
Tuy nhiên, giá trị thực tiễn của nghiên cứu này khá hạn chế. Bên cạnh việc chỉ xác định được những đột biến gene phổ biến nhất, các kết quả lại quá chung chung để có thể giúp xác định cách một loại gene có thể tác động đến phản ứng của cơ thể trước COVID-19.
Trong khi đó, một nghiên cứu khác lại có cách tiếp cận ngược lại, khi tập trung vào các vấn đề về gene để xem chúng có phải là nguyên nhân dẫn đến việc mắc COVID-19 nghiêm trọng hay không. Bằng cách này, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một gene khác là TLR7, mang những đột biến có thể thay đổi phản ứng miễn dịch trong giai đoạn đầu nhiễm virus. So với các nhóm còn lại của dân số, các đột biến của TLR7 phổ biến hơn ở nam giới mắc COVID-19 nghiêm trọng. Tuy nhiên, cho đến nay, việc phân tích cấu trúc gene người không giúp ích trong việc ngăn ngừa nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng, bởi các nhà khoa học không thể kiểm tra gene của tất cả mọi người.
Thay vào đó, các chuyên gia cho biết công trình nghiên cứu của họ có thể giúp ích cho việc phát triển các phương pháp điều trị. Điển hình là TLR7 có thể ngăn cơ thể phản ứng mạnh với một số protein như interferon, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phản ứng miễn dịch. Điều này đã thúc đẩy việc nghiên cứu sâu thêm về các phương pháp điều trị dựa vào interferon, song các thử nghiệm lâm sàng cho đến nay vẫn mang lại rất ít kết quả.
Tuy nhiên, các nghiên cứu đều chỉ ra rằng không có một loại gene nào có thể khiến COVID-19 trở nên nguy hiểm hơn đối với những người đã mắc bệnh.
Đặng Ánh - TTXVN
loading...