Những quốc gia nào đang tẩy chay đồng đô la Mỹ?
(Thethaovanhoa.vn) - Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc thay thế đồng tiền giao dịch từ đô la Mỹ sang đồng euro. Đây là động thái mới nhất hiện thực ý tưởng xóa bỏ vai trò của đồng bạc xanh khỏi thị trường quốc tế.
- Tạm giữ ba kẻ nước ngoài siêu lừa đảo với chiêu nộp tiền tẩy sạch triệu đô la
- Mỗi năm làm Tổng thống, Obama 'đốt' khoảng 10 triệu đô la cho các kỳ nghỉ
Trước đó, Mỹ cảnh cáo trừng phạt các công ty EU làm việc với Iran. Giải pháp đổi đồng đô la sang đồng euro có thể giúp EU nắm giữ một trong những thị trường lớn nhất thế giới – thị trường thương mại được mở ra sau khi thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Tehran và nhóm nước P5+1 được ký kết vào hồi tháng 6/2015.
Ý tưởng loại trừ vai trò của đồng bạc xanh trong giao dịch quốc tế không phải là mới. Bên cạnh EU, trước đó đã có một số quốc gia khác hiện thực hóa ý tưởng.
Kênh truyền hình Nga RT đã có cuộc trò chuyện với một số chuyên gia phân tích để nhận định về tình hình các nước đồng loạt “tẩy chay” đồng đô la Mỹ như hiện này.
Theo Alexandre Kateb – chủ tịch hãng Competence Finance SAS, Iran hiện là quốc gia chịu áp lức nhất trong việc từ bỏ đồng đô la khi Tehran phần nào đang điều chỉnh hoạt động thương mại mà không cần sự xuất hiện của đồng tiền Mỹ.
“Khi Iran bị áp đặt các lệnh trừng phạt từ năm 2012 đến năm 2015, nước này đã thiết lập các cơ chế mới để luồn lách qua các tổ chức tài chính liên quan đến Mỹ, bao gồm hối đoái đổi hàng (không trả bằng tiền mặt) hoặc thay thế đồng đô la Mỹ thành các loại tiền tệ khác, như đồng nhân dân tệ (NDT) khi giao dịch với Trung Quốc hay đồng euro khi giao dịch với các quốc gia châu Âu”, nhà kinh tế học giải thích.
Cùng lúc, động thái gần đây của Trung Quốc khi dùng NDT giao dịch dầu mỏ được coi là bước đi đầu tiên nhằm thách thức sự thống trị của đồng đô la. Stephen Innes – giám đốc công ty cung cấp nền tảng giao dịch FX Trading for OANDA khu vực châu Á-Thái Bình Dương – nhấn mạnh nhiều thỏa thuận thương mại song phương, được các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương ký kết, sẽ thực hiện giao dịch bằng đồng NDT.
Các chuyên gia đều nhất trí quan điểm những thỏa thuận song phương và đa phương giữa các quốc gia có thể trở thành yếu tố chủ chốt trên con đường nhằm làm giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la trong giao dịch quốc tế.
“Điều này sẽ phụ thuộc vào đòn bẩy kinh tế mà EU, Anh, Nga và Trung Quốc áp dụng. Kịch bản dễ xảy ra nhất là sự đa dạng hóa – các thỏa thuận song phương, thỏa thuận khu vực… đang dần thay thế cho các thỏa thuận đa phương hỗ trợ sự thống trị của đồng đô la”, Ramaa Vasudevan – Phó Giáo sư Khoa Kinh tế trường Đại học bang Colorado cho biết.
Tuy nhiên, giới phân tích thừa nhận việc loại bỏ đồng bạc xanh là một nhiệm vụ không hề dễ dàng. Mất gần một thế kỷ đồng đô la Mỹ mới thay thế đồng bảng của Anh để thống trị thị trường. “Rất khó để có thể bỏ được thói quen cũ vì phần lớn các công ty đảm bảo tài chính toàn cầu đều giao dịch bằng đồng đô la Mỹ, như Nymex hay ICE”, chuyên gia Innes nhận xét.
“Đồng đô la Mỹ vì nhiều lý do mà vẫn sẽ là sự lựa chọn tiền tệ dự trữ và giao dịch quốc tế. Toàn bộ hệ thống tài chính quốc tế hiện được cấu trúc xoay quanh Mỹ và đồng đô la”, chuyên gia Kateb giải thích.
Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh hệ thống quốc tế sẽ thay đổi đáng kể. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ blockchain (công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian) cùng với các đồng tiền ảo được cho là sẽ mang đến một quá trình biến đổi.
“Cuối cùng, sự phát triển của tài chính toàn cầu sẽ gắn chặt với sự tiến triển cân bằng quyền lực toàn cầu. Nó sẽ không xảy ra chỉ sau một đêm. Nó sẽ mất khá nhiều thời gian với các cuộc khủng hoảng và sự chuyển đổi cân bằng quyền lực. Không một ai thực sự biết hệ thống mới sẽ ra sao”, chuyên gia Kateb kết luận.
Hồng Hạnh/Báo Tin tức