Nhớ Võ An Ninh, nhà viết sử bằng ảnh, nhớ nạn đói đau đớn năm Ất Dậu
(Thethaovanhoa.vn) - Võ An Ninh là nhà nhiếp ảnh nổi tiếng, đứng đầu trong những nhà nhiếp ảnh nổi tiếng. Không những là một cây đại thụ của cuộc đời, ông còn là cây đại thụ của nền nhiếp ảnh Việt Nam. Ông sinh ngày 18-6-1907, qua đời vào ngày 4-6-2009.
Bằng ống kính nghề nghiệp và bằng vốn sống của mình, Võ An Ninh được xem như một nhân chứng lịch sử của đất nước ta thế kỷ XX. Những bức ảnh của ông là món quà vô giá dành cho hậu thế. Chính vì thế mà ông là một trong số rất ít nhà nhiếp ảnh được ghi vào lịch sử văn hoá Việt Nam với tư cách một danh nhân và là người được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên.
Nhiếp ảnh đã đưa Võ An Ninh lên đỉnh cao nghệ thuật chính là thứ nhiếp ảnh được nuôi dưỡng bởi tình yêu nghệ thuật và lòng yêu nước.
Trước hết, ông là người có một tình yêu Tổ quốc rất đặc biệt, nên phong cảnh Việt Nam với ông là những vẻ đẹp không gì sánh được, vẻ đẹp thoát tục như những chốn thiên thai, tiên cảnh. Không chỉ ghi chép Tổ quốc rộng dài qua ống kính, ông còn dày công chọn góc độ, khuôn hình tô đậm hình ảnh đất nước bằng chất thơ trữ tình của một nghệ sĩ lớn, bằng tâm hồn của một bậc minh triết. Thế giới đã tôn vinh ông là “Người nghệ sỹ của phong cảnh”.
Ảnh phong cảnh là một trong mảng ảnh đưa tên tuổi Võ An Ninh tới đỉnh cao, tiêu biểu như bộ ảnh Hà Nội… với nhiều bức ảnh đạt tới độ “thượng thừa” khiến Hồ Gươm trở nên kinh điển, hay với bộ ảnh phong cảnh Sa Pa, ông là người đầu tiên giới thiệu Sa Pa ra công chúng và để chinh phục Sa Pa ông đã lên đó không dưới 40 lần. Và ông cũng là người phát hiện ra những cái đẹp “một đi không trở lại” của thời đại như cảnh chợ hoa ngày Tết, vẻ đẹp của các cô thiếu nữ thời những năm 30, những ông đồ nho bày mực tàu giấy đỏ viết câu đối xuân…
Theo nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam: “Nói về những đóng góp của Võ An Ninh cho nhiếp ảnh Việt Nam, tôi thấy có hai phần mà chúng ta cần nhấn mạnh. Thứ nhất là, với tâm hồn người nghệ sỹ, nhiếp ảnh có khả năng thể hiện vẻ đẹp của đất nước, thể hiện tình yêu quê hương và Võ An Ninh đã làm được điều đó. Cụ nhìn Hà Nội, phong cảnh Hồ Gươm rất đẹp, cụ thấy Tháp Rùa với cành lá liễu ở một góc nào đó mà không ai chụp được thì cụ phát hiện ra cụ chụp. Hay cụ nhìn Sapa với cái nét đẹp của những bức tranh thủy mặc, của Á Đông. Nó rất khác lạ. Thứ hai, ông là một nhà báo sắc sảo. Cần ghi công của Võ An Ninh là một trong những nhà báo nhiếp ảnh đóng góp cho tài liệu lịch sử Việt Nam”.
Quả không sai khi các sử gia, các nhà nghiên cứu văn học, nghệ thuật tặng ông danh hiệu “Nhà viết sử bằng ảnh”. Đi và thu lại trong ống kính của mình những hình ảnh và sự kiện. Tuân thủ nguyên tắc này, nên tác phẩm của ông có chiều sâu và ý nghĩa không chỉ là nghệ thuật mà còn mang tính tư liệu giá trị.
Cũng theo nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành, “Chúng ta đều biết Võ An Ninh là một nhà nhiếp ảnh lớn của nền nhiếp ảnh Việt Nam. Nhiều nhà báo cũng như nhiều nhà nhiếp ảnh, những người viết lý luận phê bình nói rằng Võ An Ninh là một trong những người chép sử bằng ảnh. Nó xuất phát ở cái nhìn của Võ An Ninh với cuộc sống. Võ An Ninh là nhiếp ảnh nhưng mà không tách rời những cái biến động của lịch sử, của xã hội. Không tách rời ống kính của mình với số phận của nhân dân mình. Đặc biệt là bộ ảnh Nạn đói năm 45 đã trở thành một tư liệu rất quý cho Việt Nam, tố cáo sự tàn bạo của chủ nghĩa phát xít và nói lên nỗi thống khổ của người dân mất nước”.
Bằng nỗi cảm thông sâu sắc, bằng trái tim nhạy bén của người nghệ sỹ, Võ An Ninh đã ghi lại những đau đớn của Việt Nam trong nạn đói 1945. Đây là một bộ tư liệu quý trong bộ sưu tập ảnh của Võ An Ninh, ông đã truyền cảm xúc xót đau đến với người xem bằng những hình ảnh đắt giá chưa từng có và nó là một chứng nhân về những gì mà thực dân Nhật-Pháp đã gây nên ở miền Bắc nước ta.
Cho tới hôm nay, mỗi một người Việt Nam chân chính khi đối diện với những hình ảnh bi thảm của mùa xuân Ất Dậu ấy đều không thể không xót lòng mà nghĩ: Chúng ta sẽ phải làm mọi việc để thảm cảnh ấy không bao giờ lặp lại trên mảnh đất hình chữ S thân yêu này.
Cố Tổng Bí thư Trường Chinh từng đánh giá: “Bộ phóng sự ảnh này của ông Võ An Ninh là một tài sản vô giá của loài người, một bản án kết tội chủ nghĩa thực dân mà không cần thêm một lời nói nào cả!”.
Giá trị ảnh của ông là ở chỗ đó, là những tư liệu lịch sử quý giá, lưu giữ những gì đã mất đi không cưỡng lại được bởi thời gian, chiến tranh và cả sự hủy hoại của con người.
Có thể nói, Võ An Ninh đã sống một cuộc đời vắt qua hai thế kỷ, chứng kiến những thời khắc quan trọng của đất nước để rồi ung dung đi vào lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam và thế giới.
Với những đóng góp trọn đời cho nghệ thuật nhiếp ảnh và sự nghiệp cách mạng, ông đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều giải thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương chống Mỹ, cứu nước hạng Nhì, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Công dân danh dự Thành phố Hồ Chí Minh.
T.N