loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên vào cuối tháng 11 vừa qua, biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 đã nhanh chóng lây lan ra hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.
Ngày 15/12, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cảnh báo Omicron, biến thể mới nhất của virus SARS-CoV-2, có thể trở thành biến thể chủ đạo tại châu Âu vào tháng tới.
Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh nước này cho biết số ca nhiễm Omicron đã tăng gấp 7 lần chỉ trong vòng 1 tuần, từ tỷ lệ 0,4% lên 2,9% trong tổng số ca mắc COVID-19. Riêng tại New York và New Jersey, tỷ lệ nhiễm Omicron chiếm đến 13%.
Trong khi đó, giới chức y tế Anh cho biết trong một hộ gia đình, nguy cơ lây lan biến thể Omicron từ một người cho các thành viên khác cao gấp 3 lần so với biến thể Delta cũng là biến thể có khả năng lây nhiễm cao.
Các nhà khoa học đã bắt tay vào tìm hiểu nguyên nhân tại sao biến thể Omicron có thể lây lan nhanh như vậy.
Nhà virus học Michael Chan Chi-wai và các đồng nghiệp tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc) đã tiến hành thí nghiệm với mô phế quản của người bằng cách đưa vào mẫu thử các biến thể Delta, Omicron và một biến thể khác lưu hành năm 2020. Kết quả cho thấy trong 24 giờ, biến thể Omicron nhân lên nhanh hơn gấp 70 lần so với biến thể Delta.
Theo nhà miễn dịch học Wilfredo Garcia-Beltran thuộc Viện Ragon của Bệnh viện đa khoa Massachusetts (Mỹ), phát hiện trên cho thấy các đột biến của Omicron đã đẩy nhanh quá trình xâm nhập hoặc nhân lên của biến thể này trong mô phế quản. Tuy nhiên, chưa rõ phát hiện này liên quan thế nào với tải lượng virus bên trong hệ hô hấp của một người.
Nhóm nghiên cứu trên cũng đã tiến hành thí nghiệm với mô phổi. Đáng chú ý là ở mô phổi, biến thể Omicron xâm nhập tế bào ít hơn so với biến thể Delta hoặc chủng virus gốc.
Việc Omicron xâm nhập phế quản mạnh hơn xâm nhập phổi có thể giải thích cho việc biến thể này có thể ít gây bệnh nặng hơn so với biến thể Delta hoặc chủng virus gốc. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận như vậy.
Trên mạng xã hội Twitter, nhà miễn dịch học Marc Veldhoen thuộc Đại học Lisbon (Bồ Đào Nha) lưu ý rằng việc biến thể Omicron dễ lây nhiễm hơn Delta là không tốt, nhất là khi cơ thể không có miễn dịch. Nếu không có khả năng miễn dịch, virus có thể nhanh chóng lan từ phế quản đến phổi và các cơ quan khác, gây nguy cơ bệnh nặng.
Nghiên cứu trên cũng tương đồng với một nghiên cứu khác được nhà khoa học Garcia-Beltran và các đồng nghiệp công bố ngày 14/12, theo đó biến thể Omicron lây lan mạnh hơn biến thể Delta. Sử dụng virus giả, họ phát hiện ra rằng protein gai của Omicron giúp biến thể này xâm nhập tế bào tốt hơn protein gai của biến thể Delta hoặc chủng virus gốc. Protein gai là vùng bám vào tế bào người để gây lây nhiễm.
Theo nhóm chuyên gia này, biến thể Omicron có khả năng lây truyền mạnh gấp 4 lần so với chủng gốc SARS-CoV-2 và gấp 2 lần so với biến thể Delta. Các dữ liệu cho thấy biến thể Omicron có thể lây lan kể cả khi tải lượng virus thấp hơn biến thể Delta và chủng virus gốc.
Trần Quyên/TTXVN
loading...