Người mắc Covid-19 khỏi bệnh tham gia chống dịch sẽ được tuyển dụng, trả lương
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều tối 2/9, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuộc họp báo định kỳ về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Tỉ lệ tử vong do COVID-19 đang giảm
Tại buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính đến 18 giờ ngày 1/9, thành phố có 227.129 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 226.681 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, tăng 10.815 người so với ngày 30/8 (216.314 trường hợp). Hiện, thành phố đang điều trị 41.040 bệnh nhân, trong đó có 2.890 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.749 bệnh nhân nặng đang thở máy và 19 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Mặt khác, trong ngày 1/9, Thành phố có 3.369 bệnh nhân xuất viện, tăng 617 người so với số bệnh nhân xuất viện vào ngày 30/8. Tổng số người xuất viện từ ngày 1/1/2021 đến nay là 116.337 người.
Một tín hiệu tích cực trong công tác phòng, chống dịch của Thành phố, theo ông Phạm Đức Hải là số trường hợp tử vong theo ngày của Thành phố Hồ Chí Minh đang giảm dần trong 3 ngày qua, từ 335 người trong ngày 30/8 xuống còn 217 người trong ngày 1/9. Tổng số ca tử vong vì COVID-19 từ ngày 1/1/2021 đến nay tại Thành phố Hồ Chí Minh là 9.724 người.
Về công tác tiêm vaccine, đến ngày 1/9, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm được 6.225.960 mũi, trong đó tổng số mũi 1 là 5.894.452 và tổng số mũi 2 là 350.584. Số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 685.694 người.
Về công tác an sinh, trong ngày 2/9, Trung tâm an sinh tại các kho của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận nhiều loại mặt hàng như rau củ, gạo… từ các tỉnh, thành phố trên cả nước cùng các doanh nghiệp, trị giá hơn 5,3 tỉ đồng. Nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm, thuốc và rau củ các loại cũng được phân phối đến các quận 1, 3, 4, 6, 8, Tân Phú, Bình Thạnh và các huyện Nhà Bè, Cần Giờ cùng 17 bếp ăn trên địa bàn Thành phố, trị giá 4,3 tỉ đồng. Lũy kế số liệu thực hiện công tác an sinh theo Nghị quyết 68, Quyết định 23, Nghị quyết 09 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các công văn số 2209, 2512, 2627, 2799, tính đến ngày 2/9, Thành phố đã tiếp nhận và phân phối 3.083 tỷ đồng đến người dân. Bên cạnh đó, từ ngày 15/8 đến 2/9, hơn 1,37 triệu túi an sinh đã được chuyển đến các quận, huyện, thành phố Thủ Đức.
Ông Phạm Đức Hải cho biết, trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 09 về tăng cường triển khai các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 do Bộ Y tế ban hành. Theo đó, Thành phố tiếp tục tăng cường thực hiện và vận hành hiệu quả mô hình trạm y tế lưu động; thực hiện tốt chương trình điều trị có kiểm soát người mắc COVID-19 tại nhà và triển khai các gói chăm sóc sức khoẻ tại nhà. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện nghiêm yêu cầu 5K và thông điệp 5T bao gồm "Tuân thủ nghiêm 5K – Thực phẩm đủ tại nhà – Thầy thuốc đến tại gia – Test Covid tất cả – Tiêm chủng tại phường, xã" cùng các hình thức tuyên truyền, truyền thông hiệu quả để người dân quan tâm, ủng hộ và tự giác tham gia.
Lượng hàng hoá do shipper vận chuyển tăng mạnh
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, sau hơn 3 ngày được hoạt động trở lại trong điều kiện còn khá nhiều hạn chế, ràng buộc, số lượng shipper (người giao hàng) tham gia chỉ mới ở mức khoảng hơn 10.000 người nhưng đơn hàng vận chuyển thì tăng rất nhanh.
Cụ thể, ngày 30/8, shipper tại Thành phố Hồ Chí Minh đã vận chuyển 138.000 đơn hàng, ngày 31/8 là 164.000 đơn hàng và ngày 1/9 là 196.000 đơn hàng. Theo đó, số lượng đơn hàng do lực lượng shipper vận chuyển ở thời điểm cao nhất trong 3 ngày qua (ngày 1/9) đã vượt qua tổng số đơn hàng do toàn bộ lực lượng đi chợ thay của cả thành phố thực hiện ở thời điểm cao nhất trong cùng mốc thời gian (ngày 30/8 với gần 177.000 đơn hàng).
Ông Nguyễn Nguyên Phương nhận định, nhu cầu tăng mạnh của người dân đối với hoạt động của shipper cho thấy việc cho phép lực lượng này hoạt động lại đã giúp giảm tải rất nhiều cho các địa phương trong việc đi chợ thay và giúp đáp ứng kịp thời nhu cầu đa dạng của người dân. Trước đó, nhằm kịp thời bổ sung nguồn hàng và thực phẩm thiết yếu đến với người dân, Sở Công Thương Thành phố Chí Minh đã đề nghị UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức hỗ trợ triển khai mô hình đi chợ hộ của các ứng dụng mua sắm và giao hàng như Shopee, Tiki, Be, Sendo và Grab.
Về công tác xét nghiệm COVID-19 cho các shipper được lưu thông trên đường, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong hai ngày 30/8 và 31/8, các trạm y tế lưu động trên địa bàn Thành phố đã thực hiện test nhanh mẫu gộp cho 542 shipper, trong đó phát hiện 7 trường hợp dương tính. Ngày 1/9, Thành phố tiếp tục xét nghiệm cho 2.898 shipper thì có 27 trường hợp dương tính. Hôm nay 2/9, xét nghiệm 3.291 shipper thì có 30 trường hợp dương tính. Qua 4 ngày thực hiện, công tác xét nghiệm đã được tiến hành nhanh chóng và hiệu quả khi kịp thời phát hiện ra những trường hợp dương tính để kịp thời cách ly, điều trị, đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
- 2 quận huyện đầu tiên của TP HCM công bố kiểm soát được dịch bệnh Covid-19
- Hà Nội sẽ thiết lập 3 vùng đỏ, cam, xanh sau đợt giãn cách dịch Covid-19 thứ 3
- Công Phượng tiếp sức quê hương Nghệ An chống dịch
Người mắc COVID-19 khỏi bệnh tham gia chống dịch sẽ được tuyển dụng, trả lương
Bác sỹ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến ngày 1/9, Thành phố Hồ Chí Minh đã có 116.337 trường hợp người mắc COVID-19 đã được chữa trị khỏi và xuất viện. Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá đây là những lao động rất quý, vì sau khi điều trị khỏi COVID-19, những người này đã có nồng độ kháng thể trong cơ thể, có thể miễn nhiễm tạm thời với virus SARS-CoV-2. Thành phố đang hướng tới việc tuyển dụng và trả lương đối tượng này để tham gia vào các công tác chăm sóc người mắc COVID-19 đang điều trị.
Theo bác sỹ Nguyễn Hoài Nam, trước khi huy động, tuyển dụng, ngành Y tế Thành phố sẽ xét nghiệm kháng thể đối với từng nhóm người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh theo từng mốc cụ thể như: Ngay sau khi xuất viện, đã xuất viện 1 tuần, đã xuất viện 1 tháng để đánh giá nồng độ kháng thể của từng cá nhân và bố trí ở vị trí phù hợp.
"Những người có kháng thể tốt, ngành Y tế sẽ vận động tham gia vào công tác phòng, chống dịch. Lực lượng này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho ngành Y tế Thành phố trong công tác hướng dẫn, vệ sinh khử khuẩn, hỗ trợ điều dưỡng và chăm sóc bệnh nhân trong các khu cách ly, điều trị COVID-19 để lực lượng y tế có thời gian tập trung cho công tác chuyên môn thay vì phải kiêm nhiệm quá nhiều việc ngoài công tác chuyên môn như hiện nay. Thành phố trân trọng mời gọi người mắc COVID-19 khỏi bệnh đủ điều kiện cùng tham gia chống dịch", bác sỹ Nguyễn Hoài Nam nói.
Trước đó, tại cuộc họp giữa Tổ Công tác của Chính phủ và lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra vào cuối tháng 8/2021, các ý kiến đã thống nhất về sự cần thiết phải huy động thêm những người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh, đủ sức khoẻ hỗ trợ phòng, chống dịch ở những công việc phù hợp.
TTXVN