Ngành giáo dục TP.HCM phản hồi về thiếu sót trong tổ chức kỳ thi học sinh giỏi quốc gia
Chiều 26/5, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp báo định kỳ thông tin về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.
Nhiều nội dung liên quan đến kết luận của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo về những hạn chế, thiếu sót trong công tác tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh; vấn đề hỗ trợ tiền thuê nhà trọ dành cho người lao động; vấn đề thiếu nhân viên y tế tại các trạm y tế địa phương được đại diện các cơ quan chức năng thông tin.
Công tác tổ chức nhằm đảm bảo kỳ thi diễn ra thuận lợi
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Sở vừa có văn bản phản hồi vào sáng 26/5 đến Bộ Giáo dục và Đào tạo về các thiếu sót của đơn vị vừa bị Thanh tra Bộ chỉ ra khi tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia.
Theo ông Hồ Tấn Minh, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2021-2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Để tạo thuận lợi cho thí sinh dự thi, các hội đồng thi được thành lập tại địa phương. Cán bộ coi thi chủ yếu được Bộ Giáo dục và đào tạo phân công đến từ các địa phương khác nhằm đảm bảo tính công bằng và khách quan cho kỳ thi.
Theo kết luận của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số đội tuyển của đơn vị dự thi Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có số lượng thí sinh vượt quy định ở một số môn thi, cụ thể là trên 6 thí sinh mỗi môn.
Về việc này, ông Hồ Tấn Minh lý giải, do hai năm liên tiếp, những môn thi đó có kết quả trên 80% thí sinh đoạt giải nên có vượt số thí sinh quy định. “Việc này đã được Cục Quản lý chất lượng của Bộ Giáo dục và đào tạo cho phép bằng văn bản”, ông Hồ Tấn Minh cho biết.
Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu vấn đề, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh không xếp số báo danh theo thứ tự A-B-C của tất cả thí sinh mà xếp thí sinh của ba đơn vị dự thi tại các phòng thi riêng biệt đối với môn Tin học và tiếng Anh.
Về vấn đề này, ông Hồ Tấn Minh nói: Để tổ chức thi, Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã triển khai các khâu đăng ký, cấp số báo danh và sắp xếp phòng thi để các địa phương gửi dữ liệu và tổ chức thực hiện trên phần mềm của Cục.
- Đề nghị quy định Lịch sử là môn học bắt buộc với khối lượng kiến thức phù hợp
- Bộ GD&ĐT tạo sẽ cân nhắc các phương án dạy học môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông mới
- Chi tiết môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới
Theo đó, hội đồng coi thi học sinh giỏi quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh là hội đồng ghép từ ba đơn vị dự thi gồm: Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, Trường phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Trung học Thực hành, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đại diện cho ba đơn vị trên, thực hiện khai báo dữ liệu trên phần mềm của Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trên thực tế, Cục đã cấp 3 mã số báo danh cho cả 3 đơn vị với số lượng lần lượt: Sở Giáo dục và Đào tạo là 58, Trường Phổ thông Năng khiếu là 66 và Trường Trung học Thực hành là 70.
Do mã số của các đơn vị khác nhau nên phần mềm đã sắp xếp theo thứ tự của thí sinh ở mỗi môn thi theo từng đơn vị dự thi. Để quá trình coi thi diễn ra thuận lợi, đảm bảo tiến độ công việc cho hội đồng có nhiều thí sinh thi Ngoại ngữ và Tin học, Sở đã xếp thí sinh thi hai môn này theo từng đơn vị dự thi, tức là thí sinh thuộc ba đơn vị trên thi tại ba phòng khác nhau. Thiếu sót lớn nhất của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh là không báo cáo sự việc này bằng văn bản tới Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Gần 1,2 triệu lao động sẽ nhận hỗ trợ tiền thuê nhà trọ
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Toàn Thành phố có gần 1,2 triệu lao động thuộc diện được hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân theo Quyết định 08 của Chính phủ. Các sở, ngành và địa phương đã lên danh sách cụ thể và đang chờ phê duyệt. Dự kiến, Thành phố sẽ chi 2.097 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động.
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, danh sách người lao động được đề xuất nhận hỗ trợ của 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã được chuyển sang Sở Tài chính để xem xét phê duyệt trên cơ sở đối chiếu với danh sách từ phía Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện có 10 quận, huyện có số liệu chưa khớp với Bảo hiểm Xã hội Thành phố. Các địa phương đã có báo cáo tổng hợp lại để làm cơ sở đối chiếu số liệu.
Dự kiến, đầu tuần tới, Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trình phương án chi hỗ trợ cho người lao động theo danh sách đã được phê duyệt và chi tiền về các địa phương. Chủ tịch các quận, huyện và thành phố Thủ Đức sẽ phê duyệt quyết định chi trả và chuyển về các doanh nghiệp để chuyển vào tài khoản người lao động hoặc trao trực tiếp thông qua hình thức ký nhận. Thời gian từ khi doanh nghiệp nhận được tiền đến khi trao đến tay người lao động không được quá 2 ngày.
Để được hưởng chính sách hỗ trợ, ông Nguyễn Văn Lâm cho biết, người lao động sẽ làm đơn, chủ nhà trọ là người xác nhận, doanh nghiệp là đơn vị tổng hợp đơn và công khai tại nơi làm việc 2 ngày nếu có khiếu nại, thắc mắc thì chủ doanh nghiệp sẽ xử lý. Danh sách người được đề xuất nhận hỗ trợ tiền thuê nhà trọ sẽ được doanh nghiệp gửi tới Ủy ban nhân dân quận, huyện thẩm định và ký phê duyệt quyết định chi trả. Thành phố Hồ Chí Minh cố gắng làm nhanh nhất, sớm nhất có thể để chuyển được số tiền trợ cấp của Chính phủ cho người lao động trên cơ sở chính xác, minh bạch, khách quan. Thành phố sẽ kiểm tra, giám sát công tác chi hỗ trợ, ngăn chặn triệt để việc trục lợi chính sách.
Nhiều trạm y tế thiếu bác sĩ có chứng chỉ hành nghề
Sau dịch COVID-19, nhiều cán bộ, y bác sĩ nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển công tác... khiến nhiều trạm y tế thiếu bác sĩ có chứng chỉ hành nghề hoặc không còn người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật.
Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện tượng nhân viên y tế nghỉ việc không phải vấn đề mới, mà đã xảy ra nhiều năm nay. Vì vậy, Sở Y tế đã trình và được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua Nghị quyết về các chính sách đặc thù củng cố nâng cao năng lực của trạm y tế đến năm 2025.
Bà Như cho hay, để đảm bảo hoạt động của trạm y tế trước tình hình thiếu nhân sự, Sở đã bắt đầu triển khai các giải pháp. Về tăng cường lực lượng khám chữa bệnh ban đầu, hiện Sở Y tế đã hướng dẫn, cấp kinh phí cho các trạm y tế ký hợp đồng với các bác sỹ nghỉ hưu, nhằm phụ trách chuyên môn tại trạm. Với những trạm chưa ký được hợp đồng với bác sỹ nghỉ hưu, Sở tiếp tục luân phiên bác sỹ từ các bệnh viện quận, huyện và thành phố Thủ Đức đến công tác tại trạm.
Bên cạnh đó, các bác sỹ mới tốt nghiệp ngoài thực hành tại bệnh viện sẽ được tăng cường về trạm y tế để thực hiện một số hoạt động không cần đến chứng chỉ hành nghề, như hỗ trợ quản lý F0 tại nhà, quản lý các chương trình sức khỏe, chương trình phòng, chống dịch.
TTXVN