Nga khẳng định nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng trong dự án Sakhalin 2 không bị ảnh hưởng
Điện Kremlin ngày 1/7 tuyên bố Nga không có lý do gì để dừng cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ dự án Sakhalin 2 sau khi thành lập một công ty mới để điều hành dự án này.
Theo một sắc lệnh được Tổng thống Vladimir Putin ký ngày 30/6, Nga thành lập một công ty để tiếp quản tất cả các quyền và nghĩa vụ của Công ty đầu tư năng lượng Sakhalin hiện điều hành dự án Sakhalin 2.
Phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, nêu rõ "cho đến nay chưa có lý do gì" khiến hoạt động xuất khẩu LNG từ Sakhalin 2 bị ảnh hưởng bởi động thái trên.
Trả lời câu hỏi của báo giới liệu cách tiếp cận của Nga đối với Sakhalin 2 có được áp dụng đối với các dự án khác liên quan đến các công ty phương Tây đang hoạt động tại Nga hay không, ông Dmitry Peskov cho biết: "Không thể có quy định chung, sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể".
Hiện hãng Shell của Anh cùng hai công ty của Nhật Bản là Mitsui và Mitsubishi nắm giữ chưa đến 50% cổ phần trong Công ty đầu tư năng lượng Sakhalin. Theo sắc lệnh trên, Kremlin sẽ quyết định các công ty nước ngoài này có thể tiếp tục tham gia Sakhalin-2 hay không.
- G7 sẽ đề ra mức giá trần đối với dầu mỏ Nga, dòng khí đốt Nga sang châu Âu vẫn ổn định
- Kế hoạch khẩn cấp khí đốt của Đức khiến EU lo ngại
- Nga tiếp tục chuyển khí đốt tới châu Âu qua Ukraine
Trong trường hợp không được ở lại dự án, các công ty này sẽ được trả một khoản bồi thường cho bất kỳ thiệt hại nào sau một cuộc kiểm toán của chính phủ. Các khoản tiền bồi thường này sẽ được trả vào các tài khoản đặc biệt và giữ ở đó cho đến khi có thông báo mới.
Nhiều công ty phương Tây đang tìm cách rời khỏi Nga sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tập đoàn Shell của Anh, nắm giữ khoảng 27,5% cổ phần trong dự án Sakhalin 2, ngày 28/2 thông báo sẽ rút khỏi dự án. Hiện Gazprom đang nắm khoảng 50% cổ phần trong dự án.
Lan Phương/TTXVN