A+ A A- Kiểu đọc sách

New Zealand ghi nhận 53 ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng

16:12 30/08/2021
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 30/8, New Zealand ghi nhận 53 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng tại thành phố Auckland. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này đến nay là 562 ca.   

Dịch COVID-19: Hàng nghìn hành khách mắc kẹt trên du thuyền ở New Zealand do có ca nghi nhiễm 

Dịch COVID-19: Hàng nghìn hành khách mắc kẹt trên du thuyền ở New Zealand do có ca nghi nhiễm 

Ngày 15/3, giới chức y tế New Zealand thông báo khoảng 3.700 hành khách và thủy thủ đoàn trên du thuyền Golden Princess cập cảng Akaroa, gần thành phố Christchurch, miền Nam nước này, không được phép rời tàu do phát hiện trường hợp nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo thống kê của Bộ Y tế New Zealand, có tổng cộng 547 ca lây nhiễm trong cộng đồng ở Auckland, thành phố lớn nhất cả nước, trong khi thủ đô Wellington có 15 ca.     

Phát biểu họp báo, Thủ tướng Jacinda Ardern tuyên bố thành phố Auckland sẽ vẫn duy trì lệnh phong tỏa toàn quốc cấp độ 4 trong hai tuần nữa, với khu vực phía Nam sẽ chuyển sang áp đặt lệnh phong tỏa cấp độ 3 trong vòng 1 tuần kể từ 23h59 tối 31/8. Trong khi đó, khu vực phía Bắc sẽ áp đặt lệnh phong tỏa cấp độ 3 bắt đầu từ 23h59 tối 2/9.   

Theo quy định phong tỏa cấp độ 4, các cơ sở kinh doanh và trường học đều phải đóng cửa, ngoại trừ những cơ sở thiết yếu như siêu thị, hiệu thuốc và các cây xăng. Trong khi đó, với cấp độ 3, các biện pháp hạn chế sẽ được nới lỏng một phần. Các công trình xây dựng và dịch vụ bán đồ ăn mang về có thể được nối lại, song phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch.  

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại thành phố Auckland, New Zealand. Ảnh: AFP/TTXVN

New Zealand đã áp đặt lệnh phong tỏa kể từ ngày 17/8 vừa qua sau khi ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Delta trong cộng đồng tại Auckland. Trong số tất cả các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng ở New Zealand, có 42 trường hợp chưa xác định rõ nguồn lây.   

Cùng ngày, Bộ Y tế New Zealand ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên có liên quan đến vaccine ngừa COVID-19 của nhà sản xuất dược phẩm Pfizer (Mỹ). Nạn nhân là một phụ nữ gặp tác dụng phụ hiếm thấy dẫn đến viêm cơ tim.

Tuyên bố của bộ trên nêu rõ: "Đây là trường hợp tử vong đầu tiên ở New Zealand sau nhiều ngày tiêm chủng có liên quan đến vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer”.

Hội đồng giám sát tiêm chủng nhận định nguyên nhân dẫn tới tử vong là do viêm cơ tim, một tác dụng phụ hiếm gặp nhưng đã biết ở vaccine của Pfizer. Viêm cơ tim là tình trạng viêm lớp cơ dày của thành tim khiến cơ tim bị tổn thương, ảnh hưởng tới chức năng co bóp của cơ tim.   

Phản ứng về vụ việc trên, hãng Pfizer thừa nhận “có thể có rất ít báo cáo về tình trạng viêm cơ tim sau khi tiêm chủng, nhưng các tác dụng phụ như vậy cực kỳ hiếm. Pfizer cũng đánh giá rất kỹ lưỡng các nguy cơ có thể liên quan đến vaccine của hãng”. Hãng này cũng khẳng định rằng luôn “ theo dõi chặt chẽ tất cả các trường hợp như vậy và thu thập thông tin để chia sẻ với các cơ quan quản lý trên toàn thế giới”.   

Bộ Y tế New Zealand nhận định nhiều vấn đề sức khỏe khác trong cùng một thời điểm có thể ảnh hưởng đến kết quả sau khi tiêm chủng. Tuy nhiên, lợi ích của việc tiêm vaccine vẫn lớn hơn rất nhiều so với nguy cơ mắc COVID-19 hoặc gặp phải các tác dụng phụ.   

New Zealand đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech, Johnson&Johnson và AstraZeneca, song hiện chỉ có vaccine do Pfizer sản xuất được cấp phép tiêm chủng đại trà.   

Minh Tâm/TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...