Lầu Năm Góc phối hợp với đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Biden
(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 2/12, người phát ngôn của Lầu Năm Góc Sue Gough cho hay Bộ Quốc phòng Mỹ đã tăng cường phối hợp với nhóm đặc trách chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Theo đó, trong tuần này, nhóm đặc trách của ông Biden sẽ tập trung làm việc với các thành viên của Nhóm đánh giá trung gian (ART).
Bà Gough nêu rõ theo Đạo luật chuyển giao tổng thống, chính sách của Bộ Quốc phòng và biên bản thỏa thuận giữa Nhà trắng và đội ngũ chuyển giao của liên danh Tổng thống và Phó Tổng thống đắc cử Biden-Harris, Bộ Quốc phòng đã cấp phòng làm việc cho nhân sự của chính quyền sắp tới và một số thành viên ART đã thăm quan văn phòng của họ trong tuần này.
- Bầu cử Mỹ 2020: Chủ tịch Trung Quốc gửi điện chúc mừng ông Joe Biden
- Bầu cử Mỹ 2020: Đội ngũ vận động tranh cử của Tổng thống D.Trump rút đơn kiện ở bang Michigan
ART do nhóm chuyển giao quyền lực của liên danh Biden - Harris thành lập tháng 11 vừa qua với nhiệm vụ tìm hiểu rõ hoạt động của các cơ quan chính phủ liên bang, đảm bảo việc chuyển giao quyền lực suôn sẻ, đồng thời chuẩn bị cho Tổng thống đắc cử và Phó Tổng thống đắc cử cùng nội các có thể bắt đầu làm việc ngay từ ngày đầu tiên sau khi nhậm chức.
Bà Gough cũng lưu ý rằng nhóm đặc trách chuyển giao quyền lực của Bộ Quốc phòng đã bắt đầu các thủ tục hành chính như cấp thể nhân viên tạm thời cho đội ngũ chuyển giao của ông Biden, đáp ứng các yêu cầu ban đầu của đại diện chính quyền sắp tới về cung cấp thông tin.
Trong khi đó, tờ The New York Times ngày 2/12 đưa tin Tổng thống đắc cử Biden có kế hoạch rút lại một số chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump sau khi ông nhậm chức.
Trả lời phỏng vấn của báo trên, ông Biden sẽ nỗ lực hướng tới các cuộc đàm phán nhanh chóng về các yêu cầu mới đối với Iran nếu Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), ký giữa Tehran và Nhóm P5+1. Ông Biden nhấn mạnh "sẽ khó khăn”, song nếu Iran quay trở lại tuân thủ JCPOA, Mỹ sẽ trở lại thỏa thuận này như một điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán tiếp theo.
Theo New York Times, chính quyền ông Biden sẽ nỗ lực gia hạn các lệnh hạn chế đối với việc sản xuất vật liệu hạt nhân của Iran. Ngoài ra, Iran cũng sẽ phải giải quyết các vấn đề liên quan đến những hành động ủy nhiệm tại Liban, Iraq, Syria và Yemen trong các cuộc đàm phán mà đội ngũ của ông Biden hé lộ rằng có thể bao gồm các nước láng giềng Arab của Iran, trong đó có Saudia Arabia.
Năm 2018, Tổng thống Trump đã đơn phương rút Mỹ khỏi JCPOA và tái áp đặt các lệnh trừng phạt Iran trong khuôn khổ chiến dịch “gây sức ép tối đa” đối với Tehran.
Cũng trong cuộc phỏng vấn của báo trên, ông Biden cho biết ông sẽ nỗ lực giúp tháo gỡ bế tắc kéo dài nhiều tháng giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa liên quan gói kích thích kinh tế nhằm hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ông khẳng định ưu tiên hàng đầu của ông sau khi lên nắm quyền là vực dậy nền kinh tế và sẽ không tiến tới bất kỳ một thỏa thuận thương mại mới nào cho đến khi tạo ra đầu tư lớn trong nước, tạo thêm việc làm và tăng cường cho giáo dục.
Ngọc Ánh - Thanh Hương/TTXVN