Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế
Ngày 20/10, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 4.
Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã nghe Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dù có nhiều khó khăn, thách thức khó lường, đất nước ta vẫn đạt được những kết quả rất tích cực.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2022 tăng 8,83%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng giai đoạn 2021-2022, vượt dự kiến kịch bản đặt ra. Đà phục hồi tăng trưởng 9 tháng được thể hiện rõ nét ở cả ba khu vực kinh tế. Ước cả năm, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%), tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 đã đề ra. Ước thực hiện cả năm có 14/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt mục tiêu kế hoạch được Quốc hội giao, nhất là về tăng trưởng kinh tế…
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh cần đặc biệt quan tâm, không lơ là, chủ quan, không nóng vội nhưng cần phải bám sát tình hình, chủ động, linh hoạt, quyết liệt, nghiêm túc triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023).
Ngoài ra, cần điều hành đồng bộ, chủ động, linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ và chính sách vĩ mô khác, chủ động phương án ứng phó với các tình huống phát sinh; trọng tâm là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, đồng thời chống suy giảm đà phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nghiên cứu giải pháp hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp trước áp lực về giá, chi phí sản xuất, sinh hoạt tăng cao.
Về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong năm tới, nước ta hướng tới mục tiêu tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh. Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới.
Bên cạnh đó, cần quyết liệt và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đột phá chiến lược, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Để đạt được những mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Giữ vững thành quả phòng, chống dịch COVID-19, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh thế giới, có phương án ứng phó hiệu quả với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, nhất là nguy cơ “dịch chồng dịch”…
Tăng trưởng còn phụ thuộc vào yếu tố vốn và lao động
Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn về tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm, nhất là Quý III cao song không nên chủ quan vì nền tăng trưởng cùng kỳ thấp (Quý III/2021, GDP giảm hơn 6%). Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là một trong các chỉ tiêu rất quan trọng phản ánh khả năng cạnh tranh của nền kinh tế không đạt, cho thấy chất lượng nền kinh tế còn hạn chế, tăng trưởng còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố vốn và lao động. Việc hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế (đạt 92% dân số) là thách thức lớn, đồng thời là nhiệm vụ cấp bách cần quan tâm.
Đề cập dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục những tồn tại, bất cập, vướng mắc về kinh tế - xã hội như đã nêu ở trên; đồng thời bổ sung, nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó nêu rõ việc kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng; Nghiên cứu mở rộng hơn không gian chính sách tài khóa gắn với hiệu quả của đầu tư công.
Đối với các chính sách an sinh xã hội, nghiên cứu mở rộng đối tượng và chú trọng tới nhóm lao động thuộc khu vực phi chính thức; ưu tiên tập trung nguồn lực hỗ trợ, giải quyết hậu quả thiên tai, bão lũ, nhất là với các hộ nghèo hoặc hộ gặp hoàn cảnh khó khăn.
Cùng với đó coi trọng công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế để khắc phục những khiếm khuyết của các thị trường, qua đó khơi thông, tạo điều kiện cho các thị trường phát triển một cách lành mạnh và bền vững; tăng cường cơ cấu lại nền kinh tế theo các nhiệm vụ trọng tâm đề ra tại Nghị quyết số 31/2021/QH15; thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 61/2022/QH15 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030; tăng tốc và đẩy mạnh quá trình số hóa và điện tử hóa hoạt động quản lý Nhà nước cũng như cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp và người dân; xây dựng kế hoạch, thực hiện tốt vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước
Trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và nhân dân vui mừng, phấn khởi khi nước ta đã kiểm soát được đại dịch COVID-19; trân trọng ghi nhận sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước trong công tác xây dựng pháp luật, nhất là những đạo luật liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ và đời sống của nhân dân như: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Xây dựng; Luật Nhà ở; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Thanh tra… Cử tri và nhân dân mong đợi, kỳ vọng lớn vào Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc hiện nay.
Bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ rất cao và ngày càng tin tưởng sâu sắc hơn vào đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cử tri và nhân dân cũng hoan nghênh các cơ quan chức năng đã kịp thời điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham ô, tham nhũng trong phòng, chống dịch COVID-19, vi phạm trong quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, thao túng thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp... Cử tri đánh giá cao việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay tại địa phương, cơ sở.
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị với Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết 5 nội dung cụ thể.
Theo đó, cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện cải cách tiền lương nhằm cải thiện thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, sớm sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về xã hội hóa, cơ chế tự chủ tài chính, cơ chế đấu thầu trong lĩnh vực y tế, giáo dục để sớm giải quyết căn cơ, dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị phục vụ khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Cử tri và nhân dân cũng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông để phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế; đề nghị nghiên cứu, sớm bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần khẩn trương tham mưu thể chế hóa Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; có hình thức phù hợp biểu dương, động viên những tấm gương tiêu biểu, dám dấn thân vào nơi khó khăn, đương đầu với việc khó, việc mới, việc chưa có tiền lệ vì lợi ích chung; tiếp tục khơi dậy khát vọng cống hiến xây dựng đất nước của các giai cấp và tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội…
Tăng cường hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 2.640 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như: Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế; Tài nguyên và Môi trường; Nội vụ; Nông nghiệp, nông thôn; Giáo dục, đào tạo… Đến nay, 2.596 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 98,3%.
- Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Biểu quyết nhiều nội dung quan trọng trong ngày làm việc cuối cùng
- Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Linh hoạt trong kiềm chế giá xăng dầu tăng cao
- Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Rà soát, sửa đổi các quy định về đất đai, quy hoạch đô thị
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, ông Dương Thanh Bình cũng chỉ ra một số hạn chế đối với việc tập hợp, tổng hợp kiến nghị của cử tri và đối với Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương. Cụ thể, việc tập hợp, tổng hợp kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội qua các đợt tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp của một số Đoàn đại biểu Quốc hội còn chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; có kiến nghị nội dung còn chung chung, chưa cụ thể nên các cơ quan gặp khó khăn khi nghiên cứu để giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri; một số kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương vẫn được tập hợp đề nghị các cơ quan ở Trung ương giải quyết.
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình kiến nghị các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Các Đoàn đại biểu Quốc hội nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý kiến nghị của cử tri; đảm bảo đúng tiến độ, thời gian gửi báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri theo quy định. Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành giải quyết những tồn tại hạn chế như đã nêu trong báo cáo; rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghị, đảm bảo việc giải quyết có chất lượng, đúng lộ trình đã báo cáo với cử tri.
Hoàng Thị Hoa/TTXVN