Khai bút đầu Xuân Kỷ Hợi tại Đền thờ Quốc sư Chu Văn An
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 12/2, tại Đền thờ thầy giáo Chu Văn An (phường Văn An, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương), Thị ủy và UBND thị xã Chí Linh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương tổ chức Lễ khai bút và khai mạc Hội sách Xuân Kỷ Hợi 2019.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, một số trường đại học, đại diện Ban giám hiệu các trường mang tên thầy Chu Văn An ở nhiều tỉnh tại miền Bắc, lãnh đạo huyện Thanh Trì (Hà Nội) - quê hương thầy Chu Văn An cùng đông đảo nhân dân đã về dự lễ.
- Lấy ý kiến thiết kế Đền thờ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hi sinh tại chiến trường Điện Biên Phủ
- Tấn công bằng dao ngay sau vụ lao xe tải gần đền thờ ở Anh
- Xử lý nghiêm hành vi sơn thếp nham nhở đền thờ Thánh Gióng
Tại Lễ khai bút, các đại biểu đã ôn lại những hình ảnh tốt đẹp về thầy giáo Chu Văn An - người thầy giáo của muôn đời và nêu bật nét đẹp của phong tục khai bút đầu xuân. Theo sử sách, thầy Chu Văn An sinh năm 1292, tên thật là Chu Văn, quê ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học, truyền bá, giáo dục tư tưởng, đạo đức Khổng giáo vào nước ta. Đến đời vua Trần Minh Tông mời ông ra làm tư nghiệp Quốc tử giám, dạy học cho Thái tử Trần Vượng - vua Trần Hiến Tông sau này. Đến đời vua Trần Dụ Tông, triều chính thối nát, gian thần khắp nơi, ông dâng Thất trảm sớ xin chém 7 tên gian thần nhưng không được nhà vua chấp thuận nên ông đã quay về núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương) ở ẩn. Thầy dạy học, viết sách cho đến khi qua đời vào năm 1370, thọ 79 tuổi. Tương truyền khi về núi Phượng Hoàng ở ẩn và dạy học, mỗi lần học trò về thăm, thầy đều trò chuyện và hỏi han từng người rồi tự tay viết tặng mỗi trò một chữ để khích lệ trò phấn đấu.
Lễ khai bút đầu xuân tại Đền thờ thầy giáo Chu Văn An được tổ chức thường niên từ nhiều năm qua, nhằm tỏ lòng thành kính của hậu thế với các bậc tiền nhân, đề cao sự học, trọng trí tuệ của người Việt. Đền thờ thầy giáo Chu Văn An đã trở thành di tích có ý nghĩa giáo dục truyền thống hiếu học, thường đón hàng vạn lượt du khách tới dâng hương mỗi dịp Tết đến, xuân về. Nhiều người về đây thường xin chữ với mong muốn học hành đỗ đạt, sự nghiệp như ý.
Tại buổi lễ, nghệ nhân thư pháp thuộc Câu lạc bộ thư pháp tỉnh Hải Dương Phạm Hùng đã khai 4 chữ Hán: Khánh, Thịnh, Phồn, Vinh với ý nghĩa mừng vui trước sự đổi mới, thịnh vượng của dân tộc. Tiếp đó, đại biểu Trung ương, tỉnh Hải Dương, thị xã Chí Linh, huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã thực hiện nghi thức khai bút chữ quốc ngữ với 9 chữ: Trí, Đức, Tài, Thành, Đạt, Vinh, An, Khang, Phát.
Cùng với Lễ khai bút, tại Đền thờ thầy giáo Chu Văn An còn khai mạc Hội sách Xuân Kỷ Hợi 2019 nhằm hưởng ứng Ngày sách Việt Nam 21/4, tôn vinh giá trị của tri thức, giá trị của sách, qua đó góp phần phát triển văn hóa đọc. Với quy mô khoảng 1.000 đầu sách giới thiệu đến công chúng, độc giả, Hội sách sẽ diễn ra hết tháng Giêng năm Kỷ Hợi.
Để chung sức xây dựng thư viện các nhà trường, nhân dịp này, Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương đã trao tặng tủ sách cho Trường Tiểu học Chu Văn An, thị xã Chí Linh. Các doanh nghiệp trong tỉnh cũng trao 100 triệu đồng hỗ trợ Quỹ khuyến học; tặng 100 suất học bổng cho học sinh vượt khó, học giỏi.
Mạnh Minh/TTXVN