Hướng dẫn viên Du lịch mất việc vì tiêu chuẩn cấp thẻ quá cao
(TT&VH) - Trong đợt đổi thẻ hướng dẫn viên (HDV) 2010, gần 400 HDV du lịch quốc tế nội địa (inbound) với bề dày kinh nghiệm lâu năm “bỗng dưng”… mất việc vì quy định HDV inbound phải có bằng đại học. Theo một số người hoạt động lâu năm trong ngành du lịch đánh giá: quy định này có nhiều điểm không phù hợp với tình hình thực tế và ngay cả việc đào tạo nhân sự cho lĩnh vực này cũng có… vấn đề.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Lữ hành Lửa Việt, kiêm Chủ nhiệm CLB HDV TP.HCM cho rằng Tổng cục Du lịch nên xem xét lại các quy định về tiêu chuẩn cấp thẻ cho HDV.
Phân biệt đối xử giữa HDV quốc tế và nội địa
Vào tháng 10/2010, Hiệp hội Du lịch TP.HCM đã có công văn gửi Bộ VH,TT&DL về việc CLB HDV Du lịch TP.HCM phản ánh những bất cập trong việc đổi thẻ cho HDV Du lịch. Cụ thể, theo quy định của Luật Du lịch thì HDV quốc tế phải có bằng ĐH chuyên ngành hoặc ĐH khác nhưng phải trải qua lớp đào tạo HDV thì mới được cấp thẻ hành nghề. Điều này đã khiến cho hàng trăm HDV quốc tế phải “treo nghề”.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM cho biết: “Trong thực tế hiện nay số HDV có thẻ tạm thời phần lớn thuộc các ngôn ngữ hiếm như: Nhật, Hoa, Thái, Tây Ban Nha, Đức... Trong đó HDV tiếng Hoa ở TP.HCM là trường hợp đặc thù vì tiếng Hoa là ngôn ngữ chính của họ, hầu hết số HDV này đều là người Việt gốc Hoa”. Theo bà Khánh, Hiệp hội đã đề nghị Bộ VH,TT&DL, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Sở VH,TT&DL TP.HCM xem xét tình hình thực tế của TP để sớm có giải pháp nhằm đảm bảo sự ổn định và phát triển ngành du lịch của TP.
Anh Huỳnh Đức Dũng (ngoài cùng bên phải) một HDV
quốc tế được cấp thẻ đợt 2010 nhờ có bằng ĐH
Tuy nhiên, gần đây, Sở VH,TT&DL TP.HCM đã liên tục gửi công văn đề nghị Tổng cục Du lịch xem xét một số trường hợp đặc biệt và cấp thẻ tạm thời cho các đối tượng HDV tiếng hiếm nhưng không được chấp nhận.
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Lữ hành Lửa Việt, việc quy định trong Luật Du lịch, HDV quốc tế phải có trình độ ĐH và sử dụng thành thạo 1 ngoại ngữ mới được cấp thẻ thì quả là khó. Trong khi đó, HDV nội địa chỉ cần có bằng THPT và có chứng chỉ nghiệp vụ về hướng dẫn du lịch. Ông Mỹ kiến nghị: “Điều này là phân biệt đối xử giữa khách du lịch Việt Nam và khách du lịch nước ngoài. Tôi đề nghị phải thống nhất lại về mặt tiêu chuẩn, trước hết nên hạ tiêu chuẩn HDV quốc tế xuống chỉ bằng mức trình độ CĐ, còn HDV nội địa là trình độ trung cấp. Tuy nhiên, về lâu dài nên thống nhất 1 tiêu chuẩn mà thôi. Ngoài ra, mình phải xét đặc cách cho những trường hợp HDV có ngoại ngữ giỏi, có kinh nghiệm lâu năm nhưng không có bằng ĐH vì hiện nay HDV như vậy là rất thiếu”.
Mặt khác, ông Mỹ cho rằng: “Cần phải có lộ trình bổ sung bằng ĐH đối với HDV quốc tế có kinh nghiệm, không chỉ là 4 năm học ĐH vì những người này có điều kiện khó khăn hơn do tuổi tác, có gia đình... theo tôi, phải cho từ 8 năm trở lên thì họ mới có đủ thời gian học”.
Đào tạo du lịch - phải dạy cái cần
Nhìn nhận về chất lượng đào tạo nhân sự cho ngành du lịch, có một số doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh khách sạn đánh giá, hiện nay việc cung cấp lao động đủ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp còn rất nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do thiếu giáo viên, giảng viên có kinh nghiệm thực tế trong ngành này và thiếu luôn cả cán bộ giảng dạy có khả năng sử dụng tiếng Anh tốt. Chính vì thế, sinh viên chỉ chủ yếu được học nhiều về lý thuyết, việc dạy chưa bám sát vào nhu cầu của thị trường, của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp muốn sử dụng nguồn nhân lực đã qua đào tạo, họ phải đào tạo lại.
Chị Nguyễn Thị Tình, nguyên sinh viên chuyên ngành HDV Du lịch khóa 8, Trường Trung cấp Du lịch và Tiếp thị quốc tế TP.HCM cho biết: “Theo tôi trong quá trình học, hầu hết sinh viên rất yếu về ngoại ngữ. Để có đủ khả năng nhận hướng dẫn khách nước ngoài khi tham quan TP.HCM, tôi phải mất thêm một thời gian dài để học thêm tiếng Anh”.
Là người tham gia giảng dạy các môn liên quan đến lĩnh vực du lịch tại một số trường ĐH ở địa bàn TP.HCM, ông Nguyễn Văn Mỹ cho rằng: “Có thứ doanh nghiệp cần mà nhà trường lại không dạy hoặc dạy qua loa. Hiện nay vấn đề lớn nhất, quan trọng nhất của ngành du lịch là thiết kế tour, nhưng thời lượng dạy cho mảng thiết kế tour rất hạn chế. Chính vì thế, có thực tế hiện nay các công ty lữ hành ăn cắp ý tưởng thiết kế mà thiếu đi tính sáng tạo, đó là một bất cập lớn của ngành du lịch hiện nay. Ngoài ra, việc giảng dạy trong nhà trường hiện nay là dạy đủ thứ nhưng sinh viên chỉ hiểu lơ mơ không sâu, ví dụ như chuyên ngành Quản trị - khách sạn, theo tôi đó là cách hiểu sai bản chất, nên tách bạch đào tạo ra thành 2 mảng: quản trị lữ hành du lịch và quản trị khách sạn để sinh viên được học chuyên sâu hơn”.
Thái Nguyên - Anh Đức