Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội
Sáng 28/6, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII đã khai mạc Hội nghị lần thứ 8.
Nhiều vấn đề quan trọng được xem xét, thảo luận, cho ý kiến tại Hội nghị gồm: Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 và cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025; báo cáo về việc giao kế hoạch vốn đầu tư công và kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của thành phố; báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 của thành phố; dự thảo Chương trình hành động của Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...
Ngoài ra, có 2 nội dung gửi báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố bằng văn bản là Báo cáo kết quả 1 năm triển khai thực hiện 10 chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII và Báo cáo công tác xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Thành ủy. Dự kiến, Hội nghị diễn ra trong hai ngày (28-29/6).
Phát biểu khai mạc Hội nghị, chỉ ra những tồn tại ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện giải ngân kế hoạch vốn cũng như đã công khai tỷ lệ giải ngân của từng lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, địa phương, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ, sau gần 6 tháng triển khai, kết quả giải ngân vốn đầu tư công toàn thành phố tính đến ngày 16/6/2022 đạt rất thấp, chỉ đạt 17,4% kế hoạch giao và thấp hơn mức trung bình của cả nước (tính đến ngày 31/5/2022 cả nước đạt 20,45%).
Trong đó, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn thực hiện các nhiệm vụ, dự án đầu tư cấp thành phố chỉ đạt 14,5% kế hoạch, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cấp huyện đạt 19,9%. Một số dự án đã được bố trí vốn song do nhiều nguyên nhân không thể đảm bảo tiến độ giải ngân nhưng cũng có một số dự án có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ. Bên cạnh đó, đến nay vẫn còn một số nguồn vốn với khoảng 3.268 tỷ đồng chưa được phân bổ chi tiết đã ảnh hưởng đến kết quả giải ngân, trong đó, có nguồn vốn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới và giảm nghèo bền vững là các chương trình rất quan trọng của thành phố.
Chỉ ra những tồn tại ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan có tính căn cơ, trên cơ sở đó xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể; đồng thời, đề xuất giải pháp, nhất là giải pháp có tính đột phá cho các “điểm nghẽn” có tính chủ quan trong chỉ đạo, điều hành giải ngân vốn đầu tư công của các cấp, ngành. Đặc biệt, các đại biểu cần thảo luận, cho ý kiến về phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; nhu cầu điều chỉnh, bổ sung vốn cho chương trình, dự án trọng điểm của thành phố; đánh giá tác động của phương án điều chỉnh kế hoạch năm 2022 đến kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được HĐND thành phố thông qua.
Xác định đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong quản lý nhà nước là một trong những khâu đột phá, giải pháp trọng tâm để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước đã được đề ra tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, Bí Thư thành ủy Hà Nội cho biết, thực hiện chủ trương trên, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND thành phố sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về phân cấp quản lý nhà nước lĩnh vực hạ tầng, kinh tế xã hội trên địa bàn thành phố theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền cho các địa phương.
Theo Bí thư Thành ủy, Ban cán sự Đảng UBND thành phố đã nghiêm túc, tích cực chỉ đạo các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã rà soát toàn bộ nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền của thành phố (gồm cấp thành phố, cấp huyện, cấp xã) trong các ngành, lĩnh vực để đề xuất điều chỉnh phân cấp cho phù hợp với văn bản pháp luật và thực tiễn của thành phố.
Đến nay, Ban cán sự đảng UBND thành phố đã bước đầu hoàn thiện Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp, cho ý kiến về những quan điểm, định hướng lớn trong Đề án và thống nhất trình xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố để tiếp tục thảo luận, hoàn thiện Đề án trước khi trình HĐND thành phố phê duyệt theo thẩm quyền.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, các đồng chí tập trung thảo luận, đánh giá quá trình thực hiện phân cấp, ủy quyền thời gian qua theo Nghị quyết 08 ngày 3/8/2016 của HĐND thành phố và Quyết định số 41 ngày 19/9/2016, Quyết định số 14 ngày 6/9/2021 của UBND thành phố. Trên cơ sở đó đề xuất nội dung, lĩnh vực, nhiệm vụ cần đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cũng như thủ tục hành chính có thể ủy quyền cho chính quyền địa phương trên tinh thần cấp nào, địa phương nào làm tốt hơn, hiệu quả hơn, thuận lợi, kịp thời hơn thì giao cho cấp đó nhằm phục vụ tốt nhất đời sống dân sinh và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, nguồn thu từ tiền sử dụng đất, trong đó có thu từ đấu giá quyền sử dụng đất chiếm một tỷ trọng tương đối lớn trong cơ cấu thu ngân sách địa phương, tạo nguồn lực đầu tư phát triển cho thành phố. Tuy nhiên, trong năm 2022, công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là về quy trình, thủ tục hành chính, các quy định mới của pháp luật liên quan và có thể ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách năm nay.
Vì vậy, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND thành phố có báo cáo về tình hình triển khai và tiến độ công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố để xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về chủ trương, giải pháp lớn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ công tác đấu giá quyền sử dụng đất trong 6 tháng cuối năm và những năm tiếp theo; đồng thời nghiên cứu, đề xuất thêm giải pháp nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai theo đúng quy định của pháp luật, ví dụ như việc chuyển hình thức đấu giá quyền sử dụng đất sang đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất…
- Toàn văn bài diễn văn bế mạc Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ
- Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII bế mạc, đề ra ba khâu đột phá
- Khai mạc Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII
Sau phát biểu khai mạc của Bí thư Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã nghe các tờ trình của Ban cán sự Đảng UBND thành phố về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022 và cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 ngân sách cấp thành phố; báo cáo về việc giao kế hoạch vốn đầu tư công và kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của thành phố; báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 của thành phố; phân cấp quản lý nhà nước giữa các cấp chính quyền địa phương của thành phố Hà Nội; báo cáo về tình hình triển khai và tiến độ công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố.
Ban Thường vụ Thành ủy trình Tờ trình về Dự thảo Chương trình hành động của Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Sau đó, các ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ về các tờ trình, dự thảo chương trình, nghị quyết được trình tại Hội nghị.
Tuyết Mai