loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Việc đi lại an toàn không chỉ là nhu cầu của người dân mà còn là huyết mạch của nền kinh tế quốc dân. Do đó, việc triển khai “hộ chiếu vaccine” là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc triển khai “hộ chiếu vaccine” cũng cần triển khai từng bước và thận trọng trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch.
Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 6891/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc công nhận "Hộ chiếu vaccine".
Chìa khoá để mở cánh cửa ra quốc tế
Theo bà Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao (đơn vị chủ trì triển khai chương trình “hộ chiếu vaccine”), “hộ chiếu vaccine” thực tế là một cách gọi khác đối với Giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine khi người dân sử dụng Giấy này cho mục đích di chuyển, đảm bảo sự an toàn về y tế trong hoạt động đi lại.
Người mang hộ chiếu vaccine được hiểu là đã được tiêm chủng đầy đủ và đang trong thời gian vaccine phát huy hiệu quả - tức là từ 14 ngày đến 12 tháng sau khi tiêm vaccine mũi thứ hai.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, mục tiêu đẩy lùi hoàn toàn dịch bệnh là việc chưa thể thực hiện ngay, thì chiến lược “hộ chiếu vaccine”, “thẻ xanh sức khỏe” hay “giấy chứng nhận sức khỏe số”… được xem là giải pháp khả thi nhằm từng bước gỡ khó và mở lối đi cho nền kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch, dịch vụ vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh thời gian qua.
Hiện nay, trên thế giới đã có nhiều quốc gia áp dụng “hộ chiếu vaccine” để mở cửa nền kinh tế, đưa hoạt động kinh tế-xã hội trở lại trạng thái bình thường mới. Xu hướng chung là điều chỉnh chính sách xuất nhập cảnh, cách ly theo hướng ưu tiên người có “hộ chiếu vaccine”. Các chính sách này có thể là việc mở cửa riêng đối với người đã được tiêm chủng đến từ vùng dịch; cho phép người nhập cảnh có “hộ chiếu vaccine” được hưởng các ưu đãi về các biện pháp kiểm soát y tế, như: giảm thời gian hoặc miễn cách ly tập trung, giảm số lần xét nghiệm...
Đối với Việt Nam, tỷ lệ tiêm chủng trong nước đã tăng nhanh, cũng cần có chính sách hợp lý để những người đã được tiêm chủng được đi lại, được làm việc hoặc tham gia các hoạt động xã hội một cách an toàn. Bên cạnh đó, việc đi lại an toàn không chỉ là nhu cầu của người dân mà còn là huyết mạch của nền kinh tế quốc dân, bởi Việt Nam có rất nhiều ngành công nghiệp, dịch vụ cần được kết nối với thế giới.
Do đó, ngày 25/9/2021, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc công nhận “hộ chiếu vaccine”. Văn bản nêu rõ, việc công nhận “hộ chiếu vaccine” lẫn nhau giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới rất quan trọng và đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng của các quốc gia ASEAN, EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác trên thế giới để công nhận lẫn nhau về “hộ chiếu vaccine”.
Theo bà Nguyễn Thị Hương Lan, việc quan tâm thúc đẩy tiêm chủng rộng rãi cho người dân và triển khai công nhận “hộ chiếu vaccine” với các nước là chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta cả về cách tiếp cận cũng như thời điểm. Đánh dấu bước chuyển của chiến lược chống dịch của ta từ hướng tới số ca nhiễm COVID-19 bằng không, sang chung sống an toàn với dịch bệnh, tức là có số lượng ca bệnh trong tầm kiểm soát, hạn chế tối đa các trường hợp bệnh nặng và tử vong.
Việc công nhận “hộ chiếu vaccine” lẫn nhau giữa Việt Nam và các nước/vùng lãnh thổ còn quan trọng và cần thiết, bởi đây là chìa khoá để mở cánh cửa ra quốc tế, nới lỏng dần các hạn chế nhập cảnh và nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ, khôi phục các ngành du lịch, lữ hành, khách sạn...
Cần triển khai từng bước và thận trọng
Bộ Ngoại giao đã nghiên cứu từ sớm kinh nghiệm của các nước về triển khai “hộ chiếu vaccine”, các tiêu chí, thông tin hiển thị trên loại giấy này, điều kiện để sử dụng cho việc đi lại quốc tế…
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã xây dựng phương án đàm phán cụ thể với các nước. Theo đại diện Cục Lãnh sự, một mặt, Cục Lãnh sự thông báo cho các nước về chính sách của Việt Nam sẵn sàng trao đổi để công nhận lẫn nhau đối với “hộ chiếu vaccine” và các tiêu chí công nhận của ta.
Mặt khác, tạm thời công nhận một số “hộ chiếu vaccine” của các nước để triển khai thí điểm hướng dẫn cách ly tập trung 7 ngày đối với người đã được tiêm chủng đầy đủ. Cho tới nay đã có 3 chuyến bay chở người mang “hộ chiếu vaccine “nhập cảnh Việt Nam qua cảng hàng không Vân Đồn, hiệu ứng đánh giá của các cơ quan liên quan, của người nhập cảnh đối với chính sách này rất khả quan.
Trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã tích cực phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông để xây dựng bộ tiêu chí công nhận đối với “hộ chiếu vaccine” của nước ngoài để sử dụng tại Việt Nam. Đến nay, bộ tiêu chí này đã được Chính phủ thông qua và hiện được sử dụng để làm cơ sở để Việt Nam đàm phán với các quốc gia/vùng lãnh thổ về việc công nhận “hộ chiếu vaccine” lẫn nhau trên cơ sở có đi có lại.
Liên quan đến việc triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine” tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hương Lan cho biết, triển khai “hộ chiếu vaccine” không đồng nghĩa với việc mở cửa chính sách nhập cảnh như trước đại dịch, việc này cần triển khai từng bước và thận trọng, đối tượng nhập cảnh được xem xét mở rộng dần dần, thí điểm ở một số địa phương và sau khi đảm bảo an toàn thì mở rộng ra các địa phương khác.
Hiện nay, Việt Nam hiện chỉ cho phép công dân Việt Nam và người nước ngoài nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ, chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao và thân nhân, học sinh và sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam, cùng một số trường hợp là thân nhân của những người nêu trên. Chúng ta sẽ áp dụng “hộ chiếu vaccine” đối với những người này và cân nhắc cho phép thêm một số đối tượng nhập cảnh, ví dụ như thí điểm đón khách du lịch mang “hộ chiếu vaccine” vào Phú Quốc, một số điểm du lịch an toàn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, một trong những tiêu chí để công nhận hộ chiếu vaccine nước ngoài là giấy tờ đó được cấp bởi quốc gia/vùng lãnh thổ có hệ số an toàn cao, tỷ lệ tiêm chủng rộng rãi. Khi đất nước/vùng lãnh thổ đó không còn an toàn đối với dịch bệnh thì ta có thể xem xét dừng hoặc tạm dừng việc công nhận hộ chiếu vaccine.
Ngoài ra, do tiêu chí an toàn, đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch luôn là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong quá trình xây dựng chính sách về “hộ chiếu vaccine”, Bộ Ngoại giao luôn tham khảo ý kiến và phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương liên quan để đảm bảo các chính sách đưa ra có thể được áp dụng, triển khai đảm bảo hiệu quả và an toàn, phù hợp với diễn biến dịch bệnh tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Hương Lan khẳng định việc triển khai chính sách “hộ chiếu vaccine” của Việt Nam là hoàn toàn có chọn lọc, trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch, không phải là mở cửa ồ ạt, đại trà.
Minh Hiếu/TTXVN (tổng hợp)
loading...