loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Vào tháng 7/2020, chỉ vài tháng sau khi đại dịch COVID-19 bắt đầu vượt khỏi tầm kiểm soát, Giám đốc điều hành tập đoàn dầu khí Shell, Ben van Beurden, nhận định nhu cầu dầu thế giới có thể đã qua mức đỉnh, đồng thời dự báo về triển vọng ảm đạm của hoạt động kinh doanh cốt lõi của Shell sau khi báo cáo lợi nhuận quý II/2021 giảm mạnh.
Giá vàng thế giới tăng khoảng 2% trong phiên giao dịch 6/1, nối dài đà tăng trong chuỗi ngày đầu năm mới do tình hình bất ổn tại Kazakhstan- một thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu tại Libya.
Giống như nhiều lĩnh vực khác trong thời kỳ đại dịch, những gì xảy ra trên thị trường nhiên liệu trong thời gian qua là điều chưa có tiền lệ.
Hai năm đầy biến động
Nhu cầu dầu mỏ đã giảm mạnh do mọi người ngừng đi du lịch giữa bối cảnh đại dịch lây lan mạnh, trong khi ngành dầu mỏ không thể cắt giảm sản lượng đủ nhanh để phù hợp với tình hình đó.
Tệ hơn nữa, nhu cầu sụt giảm diễn ra khi Nga và Saudi Arabia - hai thành viên quyền lực nhất của nhóm Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, bị “mắc kẹt” trong tình trạng dư cung trên toàn cầu. Nguồn cung dầu quá lớn, trong khi nhu cầu sụt giảm mạnh dẫn tới tình trạng không còn chỗ chứa. Vào giữa tháng 4/2020, giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ đã giảm xuống mức âm, đồng nghĩa với việc người bán phải trả tiền để “giải phóng” dầu tồn kho.
Thế nhưng chưa đầy hai năm sau, những dự đoán của ông Van Beurden và những người khác về sự sụp đổ của thị trường dầu mỏ đã "tan biến". Lần đầu tiên kể từ năm 2014, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn đạt mức 100 USD/ thùng vào ngày 23/2 sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo sẽ triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Khả năng xung đột ở phía Đông châu Âu làm gián đoạn nguồn cung dầu đã thúc đẩy đà tăng gần đây của giá “vàng đen”, vốn được củng cố bởi sự phục hồi nhu cầu nhanh hơn khi các hạn chế của đại dịch dần được nới lỏng. Sang ngày 24/2 giá dầu thế giới đã tăng vượt ngưỡng 105 USD/thùng sau khi Nga- nhà sản xuất dầu thô lớn thứ hai thế giới - có hành động quân sự ở miền Đông Ukraine, làm gia tăng lo ngại về tình hình ở khu vực này. Giá khí đốt tự nhiên của châu Âu cũng tăng cao hơn trước tình hình bất ổn địa chính trị tại Đông Âu, với lo ngại về gián đoạn nguồn cung, đặc biệt là sau khi Chính phủ Đức trong tuần này ngừng quá trình phê duyệt dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc 2.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu tiêu thụ dầu trên toàn thế giới trong năm 2021 đã vượt nguồn cung khoảng 2,1 triệu thùng/ngày và sẽ vượt qua mức của năm 2019 trong năm nay. Các nhà cung cấp dầu đã phải sử dụng đến lượng hàng tồn kho để đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ này, và các quốc gia tiêu thụ lớn đang nài nỉ các công ty năng lượng như Shell gia tăng sản lượng khai thác.
Trong suốt lịch sử của thị trường dầu mỏ, chu kỳ lên xuống như vậy đã lặp lại một cách khá thường xuyên. Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao của Price Futures Group ở Chicago, cho biết: “Nếu quay trở lại thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, khi con người sử dụng dầu từ cá voi, giá dầu là một câu chuyện của sự bùng nổ và phá sản. Đó là một chu kỳ từ đỉnh đến đáy và thường khi bạn chạm đến đáy, hãy chuẩn bị sẵn sàng vì đỉnh không ở phía trước quá xa".
Giá dầu chạm đáy vào đầu năm 2020, khiến ông Donald Trump, Tổng thống Mỹ vào thời điểm đó, lo ngại về khả năng giải tán các máy khoan dầu trong nước, đến mức ông đã đưa ra tối hậu thư cho Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman trong một cuộc điện đàm vào tháng Tư năm đó rằng: Cắt giảm sản lượng hoặc Mỹ có thể rút quân đội khỏi vương quốc này.
Áp lực của các nhà đầu tư và chính phủ đối với các nhà sản xuất dầu nhằm cắt giảm lượng khí thải cũng đang gia tăng. Vào giữa tháng 5/2021, IEA cho biết không nên cấp vốn mới cho các dự án dầu khí lớn nếu các chính phủ trên thế giới hy vọng có thể ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của hiện tượng Trái Đất ấm lên.
Sai lầm từ giá dầu tăng cao?
Tác động chính trị của việc chuyển đổi năng lượng đã khiến các công ty dầu mỏ châu Âu không sẵn lòng đầu tư vào việc tăng sản lượng. Vì vậy phản ứng của họ khi giá dầu tăng cao (đương nhiên là bơm nhiều dầu hơn), đã chậm hơn bình thường.
Trong khi đó, một số thành viên OPEC+ đơn giản là không có tiền để duy trì các mỏ dầu trong thời kỳ đại dịch giữa bối cảnh nền kinh tế của họ sụp đổ. Những nước có năng lực dự phòng như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) thì không muốn vượt quá các thỏa thuận cắt giảm nguồn cung mà các thành viên OPEC+ đã đạt được.
Ngay cả ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ cũng chậm chạp trong việc khôi phục sản lượng trước áp lực từ các nhà đầu tư để tăng lợi nhuận tài chính hơn là chi tiêu. Tất cả những điều này đã “gieo mầm” cho sự bùng nổ giá dầu hiện nay.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, vừa muốn chống lại biến đổi khí hậu nhưng cũng muốn bảo vệ người tiêu dùng trước giá năng lượng tăng cao, đang khuyến khích các công ty dầu mỏ tăng sản lượng và kêu gọi OPEC+ sản xuất nhiều dầu hơn.
Tuy nhiên, một số người cho rằng, cuối cùng thì tình trạng nguồn cung dư thừa sẽ đến. Và rồi, sự bùng nổ giá dầu luôn xảy ra trước một cuộc sụp đổ. Bob Phillips, Giám đốc điều hành của công ty Crestwood Equity, có trụ sở tại Houston, cho biết: “Giá dầu vượt mức 100 USD/thùng đã khiến chúng ta lại mắc sai lầm khi đẩy nguồn cung tăng quá nhiều, quá nhanh. Tôi không nghĩ rằng xu hướng này là bền vững”.
Minh Trang/TTXVN (Theo Reuters)
loading...