loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 23/12, tại Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về công tác phòng, chống COVID-19, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo các cấp, ngành tập trung nâng cao năng lực y tế cơ sở, coi đây là giải pháp có tính quyết định trong cuộc chiến chống dịch hiện nay.
Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Đồng chí cũng yêu cầu toàn thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi người dân thực hiện “5K”, không tụ tập đông người, nhất là trong dịp lễ Giáng sinh, Tết dương lịch 2022, Tết Nguyên Đán Nhâm Dần.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, trong thời gian tới hệ thống chính trị toàn thành phố phải tiếp tục coi phòng, chống dịch là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Các cấp, ngành cần thực hiện nghiêm và có hiệu quả tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy là tập trung tối đa cho tuyến cơ sở; trọng tâm là củng cố, nâng cao năng lực y tế cơ sở để kịp thời hỗ trợ người dân, đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch trên từng địa bàn.
“Chúng ta phải coi đây là giải pháp có tính quyết định, là mấu chốt để nắm thế chủ động trong kiểm soát dịch bệnh và thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.
Bên cạnh đó, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố cần chỉ đạo, cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã vào cuộc tiếp tục rà soát về năng lực, điều kiện y tế của từng phường, xã, thị trấn, từng khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp; tiếp tục triển khai phương án bố trí trạm y tế lưu động, sẵn sàng đáp ứng khi số ca F0 tiếp tục tăng.
Đặc biệt, phương án bố trí trạm y tế lưu động phải gắn với cơ sở vật chất và nhân lực cụ thể. Trong đó, các quận, huyện, thị xã phải chỉ đạo để chính quyền phường, xã, thị trấn và y tế cơ sở nắm chắc thông tin người bệnh trên địa bàn; có phương án duy trì liên lạc để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ chăm sóc, tránh để người dân gọi mà không ai trả lời; lưu ý khâu nắm bắt, theo dõi thông tin người bệnh, quan trọng nhất là phải kịp thời phát hiện nguy cơ chuyển biến nặng để chuyển tầng điều trị phù hợp cho người dân.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo lo đủ cơ số thuốc để cung cấp cho người bệnh, chăm sóc người bệnh ngay từ tuyến cơ sở, giảm tối đa số lượng bệnh nhân nặng phải chuyển tầng điều trị; đồng thời có văn bản kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ thuốc điều trị kháng SASR-CoV-2 cho thành phố. Hiện nay, số lượng thuốc điều trị mà Bộ Y tế cung cấp cho Hà Nội chỉ đáp ứng được một phần và trong thời gian ngắn.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng kêu gọi người dân khi phát hiện là F0 cần bình tĩnh tìm hiểu thông tin, trước hết là tìm hiểu tài liệu “Hướng dẫn quản lý, điều trị và chăm sóc người mắc COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà” do Sở Y tế ban hành, được Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp qua Zalo và phổ biến trên mạng internet.
Khi cần hỗ trợ hoặc phản ánh thắc mắc, người dân có thể liên lạc với UBND phường, xã, thị trấn, các trạm y tế trên địa bàn hoặc đường dây nóng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, Sở Y tế hoặc Sở Thông tin và Truyền thông.
Về công tác tuyên truyền, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo, có kế hoạch tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác phòng, chống dịch bảo đảm chủ động, thống nhất.
Không chỉ cấp thành phố mà từng quận, huyện, phường, xã, thị trấn đều phải có kế hoạch cụ thể để triển khai trên địa bàn. Tất cả nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở; đồng thời kêu gọi người dân thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch.
Bí thư Thành ủy cũng giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo lấy công an là lực lượng nòng cốt phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, quản lý, giám sát di biến động dân cư; đồng thời, lập hồ sơ xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
UBND thành phố, các địa phương có kế hoạch bảo đảm an ninh - trật tự và tránh để tụ tập đông người làm lây lan dịch bệnh trong các dịp lễ Giáng sinh, Tết dương lịch và Tết Nguyên Đán sắp tới. Các đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục tăng cường kiểm tra sát sao về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại địa phương, vừa hướng dẫn, đôn đốc, vừa xử lý kịp thời các tồn tại, vướng mắc tại cơ sở,
Trong hơn một tuần qua, các cấp, ngành từ thành phố xuống cơ sở đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm và có hiệu quả chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch từ cơ sở, trọng tâm là củng cố hệ thống y tế cơ sở, lên phương án, thiết lập các trạm y tế lưu động đáp ứng nhu cầu ở địa bàn có mật độ dân cư cao...
Đến nay, toàn thành phố đã tiếp nhận, điều trị cho hơn 30.000 người mắc SARS-CoV-2, trong đó xấp xỉ 50% đã khỏi bệnh, hiện còn hơn 15.700 người đang được bố trí ở các tầng điều trị và hơn 8.000 người đang được điều trị tại trạm y tế lưu động, các cơ sở thu dung.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp, số ca F0 mới bình quân mỗi ngày tăng cao, trong đó, tính đến 18 giờ ngày 22/12, trong vòng 24 giờ thành phố đã ghi nhận gần 1.650 ca F0, nâng tổng số ca mắc từ đầu đợt dịch thứ tư đến nay lên con số hơn 32.000, trong đó hơn 1/3 là ca mắc ngoài cộng đồng.
Khôi Nguyên
loading...