Hà Nội: Chuẩn bị chu đáo, toàn diện để đón học sinh lớp 1-6 đến trường
(Thethaovanhoa.vn) - Từ ngày 6/4, khoảng hơn 1 triệu học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ trở lại trường học trực tiếp sau thời gian dài học trực tuyến để phòng, chống dịch COVID-19.
Đây là đợt đón học sinh có quy mô lớn, tuổi của các em còn nhỏ nên việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch sẽ khó khăn hơn so với các cấp học khác.
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, công tác chuẩn bị đã và đang được các địa phương, cơ sở giáo dục ráo riết thực hiện, đảm bảo chu đáo, toàn diện, hoàn thành trước khi học sinh trở lại trường.
* Chuẩn bị chu đáo các phương án
Ngay sau khi nhận được văn bản chỉ đạo, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) đã xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn phòng, chống dịch khi học sinh quay trở lại trường. Toàn trường có 61 lớp với 3.595 học sinh, nhà trường đang khẩn trương triển khai các công tác chuẩn bị để đón học sinh trở lại.
Bà Nguyễn Thị Bích Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Tân cho biết, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng hướng dẫn tại các văn bản của Trung ương và thành phố Hà Nội. Công tác vệ sinh, khử khuẩn được triển khai trong chiều 5/4, trước khi học sinh tới trường. Quá trình học sinh học tập tại trường, việc vệ sinh các khu vực được thực hiện thường xuyên, đặc biệt là phòng học, khu vệ sinh chung, vị trí tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can...
“Nhà trường sẽ bố trí người đón và giao học sinh tại 4 cổng, không để cha mẹ học sinh vào trường và hạn chế người không có nhiệm vụ vào trường. Trước mắt, nhà trường không tổ chức hoạt động tập trung đông người, tổ chức chào cờ tại lớp học.
Để hạn chế tập trung đông học sinh vào một thời điểm, nhà trường bố trí giờ vào lớp, giải lao, tan học xen kẽ giữa các khối lớp, đồng thời quy định học sinh không sang lớp khác”, bà Nguyễn Thị Bích Nga cho biết thêm.
Đối với công tác bán trú, nhà trường đang triển khai xin ý kiến phụ huynh học sinh. Khi thực hiện, nhà trường yêu cầu nhân viên tham gia phải đảm bảo đã tiêm đủ 3 mũi vaccine phòng COVID-19, sức khỏe bình thường, phải tuân thủ tuyệt đối công tác phòng dịch như, đeo khẩu trang, khử khuẩn, hạn chế tiếp xúc đông người...
Bếp ăn của trường sử dụng nguồn hàng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm quy trình một chiều.
- Học sinh Hà Nội đi học trở lại: Phải vừa an toàn, vừa bảo vệ thành quả phòng, chống dịch
- Dịch Covid-19: Học sinh Hà Nội sẽ học trực tuyến từ ngày 17/2
Mỗi khối lớp học sẽ thực hiện giờ phân luồng đi vệ sinh, rửa tay riêng để đảm bảo hạn chế tiếp xúc đông người.
Học sinh ăn bán trú tại trường sẽ tham gia sinh hoạt tại lớp, không sang các lớp khác chơi, dùng cốc, khăn lau riêng, bát thìa được vệ sinh sấy khô hàng ngày. Những học sinh không tham gia bán trú sẽ được gia đình đón vào 11 giờ và trở lại trường vào 13 giờ 30 phút, đồng thời thực hiện nghiêm túc công tác vệ sinh khử khuẩn phòng, chống dịch.
Để công tác đón học sinh trở lại trường được chu đáo, UBND huyện Quốc Oai đã yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học, cơ sở giáo dục chuẩn bị tốt điều kiện về cơ sở vật chất, xây dựng phương án đón học sinh và kế hoạch tổ chức dạy học.
Phòng Y tế thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác phòng, chống dịch, đánh giá mức độ an toàn của các trường học. UBND các xã, thị trấn quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, tạo điều kiện giúp đỡ các trường thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho học sinh khi quay trở lại trường học.
Ông Nguyễn Khắc Thắng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quốc Oai cho biết, đến nay, các trường, cơ sở giáo dục trên địa bàn đã xây dựng xong phương án phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn khi học sinh trở lại trường.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phối hợp với các phòng, ban liên quan kiểm tra việc thực hiện tại các trường. Đặc biệt, yêu cầu các trường tạo thuận lợi nhất cho cha mẹ học sinh và học sinh, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc bảo đảm an toàn thực phẩm khi tổ chức bán trú.
Hỗ trợ tâm lý cho học sinh
Việc học trực tuyến trong một thời gian dài có thể khiến học sinh không tránh khỏi những ảnh hưởng nhất định về tâm lý khi trở lại trường. Do đó, bên cạnh việc chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng, chống dịch, nhiều trường đã xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học chi tiết, tăng cường hoạt động giao lưu, làm quen trong những ngày đầu đến trường, nhất là các em lớp 1, lớp 6 để tránh căng thẳng, áp lực đối với học sinh.
Anh Mai Quốc Thắng (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) khá lo lắng cho ngày đầu tiên đến trường của con. Con gái anh học lớp 1, khá nhút nhát nên sự lo lắng càng lớn. Ngay khi nhận thông báo con sẽ đi học trực tiếp, anh đã đưa con đi mua thêm đồ dùng học tập, quần áo, bình đựng nước uống…
“Hai bố con tôi vừa mua đồ, vừa trò chuyện. Cháu khá háo hức và có phần hồi hộp khi nghe tôi kể về những hoạt động sẽ diễn ra ở trường. Tôi cũng tranh thủ dặn con chú ý thực hiện những lời cô giáo nói, đặc biệt là việc ăn, ngủ tại trường”, anh Thắng cho biết.
Chia sẻ với sự lo lắng của các phụ huynh, trong những ngày đầu học sinh trở lại trường, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) đã đề nghị các giáo viên giúp học sinh làm quen, tăng cường hoạt động tương tác, giao lưu, tạo điều kiện để các em thấy hứng thú khi học trực tiếp.
Các giáo viên năng khiếu chuẩn bị các trò chơi tương tác - vận động để nâng cao sức khỏe và tinh thần cho học sinh. Tại các phòng học, giáo viên và phụ huynh đã phối hợp vệ sinh, trang trí, viết vẽ những khẩu hiệu chào đón học sinh tới trường.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Sở đã chỉ đạo các trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để nắm bắt diễn biến tâm lý học sinh; thường xuyên quan tâm, động viên, khích lệ các em trong học tập, rèn luyện.
Trong những ngày đầu học sinh trở lại trường, các nhà trường tăng cường tổ chức hoạt động tương tác, giao lưu, cho học sinh làm quen với hoạt động, quy định của lớp, của trường, đặc biệt quan tâm tới học sinh lớp 1, lớp 2 và lớp 6, tạo cho các em tâm thế vui tươi, phấn khởi, thích được đến trường.
Trong các giờ thể dục, giáo viên có bài tập phù hợp, bảo đảm việc nâng dần khối lượng vận động của học sinh, chưa bố trí bài tập nặng có khối lượng vận động lớn để học sinh có thời gian thích nghi.
Nguyễn Cúc/TTXVN