Giảm áp lực kỳ thi vào lớp 10: Giảm áp lực vào trường công
(Thethaovanhoa.vn) - Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông năm học 2019-2020 vừa kết thúc ở nhiều địa phương trên cả nước. Với áp lực trong cuộc đua giành “tấm vé” vào các trường công lập, kỳ thi này được các phụ huynh, học sinh đánh giá là căng thẳng hơn “kỳ thi đại học”.
Mặc dù những năm gần đây, các Sở Giáo dục và Đào tạo ở địa phương đã có nhiều giải pháp đổi mới nhằm giảm áp lực của kỳ thi nhưng chuyển biến chưa thực sự rõ nét, đồng đều ở các địa phương.
Những bước tiến dài
Từ nhiều năm nay, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 do các Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì tổ chức để tuyển chọn những học sinh có nguyện vọng tiếp tục học tập cấp Trung học phổ thông. Tại mỗi tỉnh, thành phố, tùy vào tình hình thực tế, các Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng phương án tổ chức thi, hình thức thi khác nhau nhằm đảm bảo chất lượng thi cử nhưng vẫn thuận lợi và giảm áp lực cho học sinh. Trong đó, nhiều địa phương đã áp dụng khoa học khảo thí hiện đại để xây dựng ngân hàng đề thi, chấm thi và tính điểm; đổi mới môn thi theo hướng tích hợp…
Cụ thể như Thái Nguyên đã chuyển từ hình thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển sang hình thức thi tuyển, không áp dụng cộng điểm khuyến khích. Sự thay đổi này đã giúp cho việc dạy và học đảm bảo theo hướng phân luồng, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Học sinh căn cứ theo kết quả học tập của mình để chọn hình thức học phù hợp, trong đó có nhiều học sinh chọn các trường kết hợp dạy văn hóa và dạy nghề. Bởi hiện nay, học sinh tham gia học nghề có thể được hưởng chính sách hỗ trợ, khi học xong được công nhận tốt nghiệp cả bằng Trung học phổ thông và bằng đào tạo nghề. Họ có thể tham gia học tiếp để nâng cao trình độ hoặc trực tiếp tham gia vào thị trường lao động tại các khu công nghiệp trong và ngoài nước.
Nhằm khắc phục những vấn đề bất cập của năm trước, năm học 2019 – 2020, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Trung học phổ thông tại Hà Nội đã có nhiều thay đổi trong cách thức thi, cách tính điểm xét tuyển, điểm ưu tiên.
Năm nay là năm đầu tiên, học sinh thi vào lớp 10 của Hà Nội phải làm bốn bài thi gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và Lịch sử; bỏ cộng điểm thi nghề; đồng thời, áp dụng theo quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia nên các phòng bảo quản bài thi cũng như phòng chấm bài thi tự luận, trắc nghiệm đều được lắp camera an ninh giám sát ghi hình. Đây cũng là lần đầu tiên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố phổ điểm nhằm giúp thí sinh có thể dự kiến được mức điểm chuẩn vào lớp 10 của từng trường. Điểm chuẩn của các trường được công bố chỉ sau 1 ngày công bố điểm thi của thí sinh, làm giảm bớt thời gian chờ đợi, lo lắng của thí sinh và phụ huynh. Chính vì cách làm khoa học và công khai phổ điểm này, năm nay tình trạng thí sinh chạy xô rút, nộp hồ sơ hoặc tình trạng các trường dân lập thay đổi điểm chuẩn xét tuyển chóng mặt không còn tái diễn như năm trước. Áp lực thi cử vì thế đã giảm đi rất nhiều.
Vẫn còn những bất cập
Tuy nhiên, bên cạnh những đổi mới theo hướng tích cực, kỳ thi vào lớp 10 tại một số tỉnh, thành phố năm nay cũng còn tồn tại những hạn chế, sai sót đáng tiếc, gây bức xúc trong dư luận.
Cụ thể như Đà Nẵng, cận kề ngày thi, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng đã chính thức phát thông báo về việc thay đổi quy định về kỳ thi tuyển sinh lớp 10, với phương thức kết hợp xét tuyển với thi tuyển. Môn thi tuyển gồm Toán và Ngữ văn, không có môn Ngoại ngữ.
Trước đó, tháng 12/2018, Sở Giáo dục và Đà Nẵng đã quy định về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 gồm ba môn thi Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Nếu học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sẽ được miễn thi ngoại ngữ và quy đổi thành điểm 9, 10. Tuy nhiên, qua theo dõi, Sở nhận được nhiều ý kiến chưa đồng tình với cách quy đổi điểm và cộng điểm này. Do vậy, Sở đã báo cáo với UBND Thành phố Đà Nẵng và sau đó, lãnh đạo UBND Thành phố đã có công văn mới thay đổi quy chế thi, bỏ môn thi Ngoại ngữ. Việc thay đổi này nhằm đảm bảo công bằng, khách quan trong thi tuyển. Tuy nhiên, quy định mới này đã khiến nhiều phụ huynh bất ngờ vì nhiều người đã cho con đi học, đi thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, mất nhiều thời gian, tiền bạc vì nghĩ rằng có chứng chỉ sẽ được miễn thi.
Tại Quảng Bình, công tác ra đề thi đã gây hoang mang dư luận khi đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn của tỉnh trùng với đề kiểm tra học kỳ II lớp 9 của học sinh thành phố Đồng Hới. Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc giống nhau ở một số câu trong đề thi là hoàn toàn ngẫu nhiên. Trong nhóm giáo viên ra đề thi môn Ngữ văn không có ai dạy tại Đồng Hới mà đều đến từ các huyện. Việc điều động giáo viên ra đề được giữ bí mật đến phút cuối.
Trước những sai sót xảy ra ở môn thi Ngữ văn, để bảo đảm công bằng, tỉnh Quảng Bình đã quyết định tổ chức thi lại môn này. Tuy nhiên, việc phải thi lại khiến phụ huynh và học sinh Quảng Bình rất bức xúc vì mất thời gian và ảnh hưởng tâm lý của thí sinh.
Việc trùng đề thi khiến dư luận băn khoăn về tính khoa học của công tác ra đề, về sự đa dạng và phong phú của bộ ngân hàng đề thi cũng như cách thức tổ hợp các câu trong mỗi mã đề thi sao cho không thể có sự trùng hợp ... như lộ đề vậy !
Cùng một chương trình - SGK lớp 9 nói riêng và bậc THCS nói chung thống nhất trong toàn quốc nhưng có địa phương như Hà Nội, Thái Nguyên, ... làm đề thi rất tốt, có địa phương lại xảy ra sự cố như Quảng Bình. Việc này cho thấy chủ trương giao quyền chủ động tổ chức kỳ thi THPT cho các địa phương là đúng nhưng cũng cần thiết phải có sự hướng dẫn chung và giám sát để các địa phương đều phải tuân thủ một quy trình biên soạn, tổ hợp đề thi,.... nghiêm ngặt, đảm bảo cho sự thành công của kỳ thi mang tính "bước ngoặt" đối với cả một thế hệ.
Giảm áp lực vào trường công
Với áp lực lớn về dân số, hàng năm, chỉ có khoảng 60 - 70% thí sinh tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có cơ hội vào trường công lập nên kỳ thi vào lớp 10 đối với phụ huynh và học sinh tại hai thành phố này luôn "căng như dây đàn".
Theo các chuyên gia giáo dục, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự căng thẳng này. Trước hết, chủ trương phân luồng giáo dục cấp Trung học phổ thông của nước ta đã có từ lâu nhưng để làm được điều này, phải mất một thời gian rất dài mới có chyển biến, làm thay đổi nhận thức của phụ huynh và học sinh. Đặc biệt, ở các thành phố lớn, cuộc sống đô thị dẫn tới sự lựa chọn của các em và gia đình chủ yếu tập trung vào việc học Trung học phổ thông để tiếp tục học Đại học về sau. Do đó, việc thay đổi nhận thức của xã hội, trong đó có băn khoăn của các bậc phụ huynh về việc học văn hóa hay học nghề… vẫn là bài toán khó.
Để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, nhiều trường Trung học phổ thông công lập đã được mở tại các thành phố lớn, nhưng học sinh và phụ huynh không mấy “mặn mà”. Bởi thời gian qua, cách làm, cách nghĩ của chúng ta khiến cho hệ thống giáo dục phổ thông ngoài công lập có khoảng cách lớn với các trường công lập.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhận định: Cách làm của trường tư hiện còn tồn tại hai vấn đề, thứ nhất là chất lượng giáo dục của nhiều trường còn thấp, thứ hai là học phí cao. Do vậy, những học sinh không vào được trường công mới… bất đắc dĩ phải học trường tư. Để khắc phục tình trạng này, Nhà nước cần tạo cơ chế bình đẳng với hai hệ thống giáo dục công – tư, từ đó dần khắc phục tâm lý học sinh không thích học trường ngoài công lập.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Việc thay đổi áp lực của kỳ thi không chỉ riêng cá nhân nào có thể làm được mà phải thay đổi nhận thức của xã hội nói chung về vấn đề học tập. Về mặt bản chất, cần thay đổi quan niệm “học để thi” sang học vì nghề nghiệp và thành công trong tương lai, học vì hạnh phúc. Mỗi học sinh khi học tập sẽ có những đặc điểm riêng, chúng ta không thể kỳ vọng tất cả các em đi thi đều đạt kết quả như nhau, qua đó đánh giá em này giỏi hơn em kia. Thành công của một cá nhân phụ thuộc vào năng lực của các em phù hợp với công việc tương lai mà các em lựa chọn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam nhấn mạnh: Xã hội cần thay đổi cách nhìn nhận về ngành nghề, bởi có nhiều con đường dẫn đến hạnh phúc và thành công. Ngành nghề nào cũng cao quý như nhau, đều cần bỏ sức lao động thật sự của mình. Vì vậy, đến thời điểm hết lớp 9, một số em lựa chọn con đường khác như đi học nghề thì cũng được đánh giá cao như các em lựa chọn con đường học thuật. Từ thực tế kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, tại một số địa phương, nhiều học sinh đã chủ động không đăng ký tham gia kỳ thi mà lựa chọn con đường khác.
- Nghệ An công bố điểm thi vào lớp 10 năm 2019
- Tra cứu điểm thi vào lớp 10 của 63 tỉnh, thành năm 2019
- Tra cứu điểm thi vào lớp 10 năm 2019 tỉnh Nam Định
Bên cạnh đó, với những thí sinh thi vào lớp 10, sẽ có một tỷ lệ nhất định vào trường công, số khác sẽ học trường ngoài công lập hoặc chọn hướng đi khác. Nhưng chúng ta cũng không thể khẳng định, những học sinh thi đỗ vào trường công ở thời điểm này sẽ là những người thành đạt hơn những học sinh không thi đỗ vào trường công.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Vài năm trở lại đây, có khoảng 30% học sinh Trung học cơ sở không học lên Trung học phổ thông mà chọn con đường khác như học nghề hoặc giáo dục thường xuyên. Đây là một xu hướng tốt trong phân luồng giáo dục phổ thông. Vì thực tế trong khung đào tạo của các trường nghề đều có phần kiến thức phổ thông bắt buộc, khi tốt nghiệp, nếu đáp ứng đủ điều kiện và kiến thức, học sinh có thể học lên cao… mà không nhất thiết vào học Trung học phổ thông. Vì vậy, phụ huynh cần thay đổi cách nhìn nhận để không tạo áp lực quá lớn cho con, dẫn tới việc định hướng sai, vừa mất thời gian, tiền bạc, sức lực của các em vừa ảnh hưởng đến sự lựa chọn hướng đi của học sinh trong tương lai.
Việt Hà/TTXVN