FED họp bàn chính sách hỗ trợ kinh tế Mỹ trong đại dịch
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 28/7, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã bắt đầu cuộc họp hai ngày bàn về các chính sách tới đây trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy lòng tin người tiêu dùng đang giảm và quốc hội lưỡng viện tiếp tục bất đồng về cách thức hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại Mỹ đang không ngừng tăng khiến nhiều bang phải tái áp đặt các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt, đóng cửa lại một số doanh nghiệp, ảnh hưởng tới hàng chục triệu người lao động, với nhiều vị trí việc làm bị xóa sổ hoàn toàn. Những lao động thất nghiệp cũng đang đối mặt với nguy cơ không được nhận thêm trợ cấp trừ phi quốc hội có các quyết định hỗ trợ mới.
Với lãi suất hiện đang ở mức 0-0,25% và FED đã bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế thông qua các chương trình cho vay, các nhà hoạch định chính sách được kỳ vọng sẽ tập trung vào vấn đề định hướng chính sách tiền tệ, vốn là một công cụ hữu hiệu được sử dụng trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
- Nền kinh tế Mỹ sẽ cần 1 đến 2 năm để phục hồi sau dịch
- Dịch COVID-19: Tổng thống Trump công bố kế hoạch 'mở cửa trở lại' nền kinh tế Mỹ
Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED- nhiều khả năng sẽ tuyên bố rõ ràng rằng FED sẽ không nâng lãi suất cho đến khi Mỹ phục hồi hoàn toàn và tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh từ mức 11,1% hiện nay, đồng thời xác nhận sẽ tập trung ít hơn vào vấn đề lạm phát. Trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế tiếp tục gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, các chuyên gia cho rằng FED cần làm rõ lập trường trong định hướng chính sách, chẳng hạn như sẽ duy trì lãi suất gần 0% cho đến khi nền kinh tế vượt qua được mục tiêu lạm phát 2%.
Dự kiến FOMC sẽ công bố quyết định chính sách vào chiều 29/7 và Chủ tịch FED Jerome Powell sẽ tổ chức họp báo sau đó để giải thích về quyết định này.
Trước đó, Chủ tịch Powell cho rằng ngân hàng trung ương có thể làm nhiều hơn để hỗ trợ nền kinh tế chống đỡ các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Trong ngày 28/7, ban lãnh đạo FED đã thông báo gia hạn việc sử dụng các công cụ cho vay đến cuối năm nay, thay vì chấm dứt vào ngày 30/9 tới như kế hoạch ban đầu. FED nhấn mạnh những chương trình dành cho mọi doanh nghiệp và các bang như vậy sẽ giúp thị trường vận hành tốt hơn và tăng cường dòng chảy tín dụng đến các hộ gia đình, doanh nghiệp, các chính quyền bang và địa phương.
Tuy nhiên, việc dịch bệnh hoành hành đã khiến lòng tin người tiêu dùng giảm mạnh trong tháng 7, qua đó cho thấy nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cụ thể, theo công ty nghiên cứu Conference Board, chỉ số lòng tin người tiêu dùng đã giảm từ 98,3 trong tháng 6 xuống còn 92,6, thấp hơn cả mức dự báo của các nhà phân tích.
Dự kiến vào ngày 30/7, Chính phủ Mỹ sẽ công bố dữ liệu chính thức đầu tiên về ảnh hưởng của dịch bệnh đối với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này trong quý II, được cho là sẽ giảm tới 35%. Chủ tịch Powell và chủ tịch các FED chi nhánh đã nhiều lần khẳng định rằng các biện pháp của FED là giới hạn và chính phủ liên bang cần cấp thêm ngân sách. Khi hạn chót để triển khai trợ cấp thất nghiệp và cho phép hoãn nợ gần kết thúc, ngày 28/7, các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã công bối gói hỗ trợ 1.000 tỷ USD, theo đó sẽ giảm trợ cấp thất nghiệp từ mức 600 USD/tuần xuống 200 USD/tuần, nhưng cũng để ngỏ việc tiếp tục hỗ trợ 1.200 USD cho các cá nhân và cấp thêm ngân sách cho các trường. Trong khi đó, các nghị sĩ đảng Dân chủ đề xuất gói hỗ trợ 3.000 tỷ USD.
Đặng Ánh/TTXVN