Đường đi dích dắc của một khu đất vàng hơn 18.000m2
Hệ quả là khu đất công này đã rơi vào tay Cty cổ phần Đầu tư xây dựng phát triển nhà Hoàng Phúc, một Cty tư nhân chỉ được thành lập trước thời điểm giao đất có 2 tháng.
Những văn bản kỳ lạ
Gần 17 năm trước, vào 16/6/1992, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ra Quyết định số 219 thu hồi toàn bộ diện tích gần 652.000m2 đất thuộc hai phường 10 và 11 (quận 6) để giao cho Cty Xây dựng và Phát triển kinh tế quận 6 (là doanh nghiệp nhà nước) xây dựng Khu công nghiệp - Cụm dân cư Bình Phú (trong đó có chợ Bình Phú).
Đến tháng 3/2007, không hiểu vì lý do gì, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã ký Quyết định 885/QĐ-UB, điều chỉnh một phần Quyết định 219 của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (?). Theo quyết định này, chợ Bình Phú có diện tích 18.400m2 được chuyển sang cho chủ đầu tư mới là TCty Xây dựng Sài Gòn. Tuy vậy, điều mâu thuẫn là cũng chính trong quyết định 885/QĐ-UB, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín vẫn khẳng định: Các nội dung khác của Quyết định 219 của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, vẫn giữ nguyên giá trị pháp lý.
Ngay sau đó, cũng không hiểu vì nguyên nhân gì, cả 3 nơi là Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận 6, TCty Xây dựng Sài Gòn lại “tốt bụng” đề nghị chuyển giao diện tích 18.400m2 chợ Bình Phú cho Cty cổ phần Đầu tư xây dựng phát triển nhà Hoàng Phúc (Cty Hoàng Phúc)?
Theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp vào tháng 10/2007, thì Cty Hoàng Phúc có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trụ sở chính đóng tại 7/1 Thành Thái, phường 14 (quận 10).
Căn cứ vào đề nghị này, ngày 12/12/2007, nguyên Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín lại ký văn bản 8633 “chấp thuận cho chuyển giao khu đất chợ Bình Phú từ TCty Xây dựng Sài Gòn sang Cty Hoàng Phúc”. Mạnh tay hơn, văn bản 8633 còn cho phép Cty này “được chuyển mục đích sử dụng khu đất trên làm Trung tâm Thương mại dịch vụ và căn hộ”. Số phận các tiểu thương cũng được giao cho TCty Xây dựng Sài Gòn và Cty Hoàng Phúc “làm việc với các hộ tiểu thương thuê lại sạp đang buôn bán trong chợ Bình Phú về kế hoạch di dời, thanh lý hợp đồng thuê sạp của các tiểu thương”.
Và nhiều dấu hiệu sai luật
Nhìn nhận về sự việc này, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Điều 32 Luật Đất đai năm 2003 quy định: “Việc quyết định giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được thực hiện sau khi có quyết định thu hồi diện tích đất đó”. Đồng thời, theo quy định pháp luật về đất đai, cơ quan có thẩm quyền quyết định giao đất, thu hồi đất không được ủy quyền cho cơ quan khác làm thay mình. Đến nay, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) vẫn chưa hề ban hành một quyết định nào điều chỉnh đối với Quyết định 219/CT ngày 16/6/1992. Do đó, việc UBND TP.HCM có văn bản số 8633/UBND-ĐTMT ngày 12/12/2007 chỉ đạo chuyển giao khu đất chợ Bình Phú cho Cty Hoàng Phúc chưa đúng quy định pháp luật về đất đai.
Ngoài ra, cũng theo luật sư Quynh, Quyết định 219/CT nêu rõ: “Xác định giá trị khu đất được giao bằng tiền và giao cho Cty làm vốn cố định để phát triển sản xuất theo chức năng, nhiệm vụ của Cty”. Như vậy, đây là tài sản Nhà nước giao vốn bằng giá trị đất cho Cty xây dựng và phát triển kinh tế quận 6. Theo Công văn số 8633 trên, một phần vốn của Nhà nước do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng giao cho Cty quận 6 chuyển sang cho Cty Hoàng Phúc dưới hình thức giao đất có thu tiền, nhưng không thông qua đấu giá. Việc làm này là chưa phù hợp quy định pháp luật về quản lý vốn Nhà nước.
Rõ ràng, diện tích đất khu chợ Bình Phú đã được giao cho Cty quận 6 sử dụng và chưa có cơ quan có thẩm quyền nào ra quyết định thu hồi. Việc UBND TP.HCM vội vã có công văn chấp nhận chuyển giao đất khu chợ Bình Phú cho Cty Hoàng Phúc là vi phạm pháp luật về đất đai. Gần 700 tiểu thương và người dân đang mong chờ các cơ quan chức năng làm rõ những sai phạm này để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, cũng như tránh để thất thoát đất công của Nhà nước.