loading...
Ngày 16/9, đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ năm 1985 sau khi số liệu về doanh số bán lẻ thấp hơn dự kiến làm tăng thêm lo ngại rằng kinh tế Anh đối mặt với nguy cơ suy thoái kéo dài.
Đồng USD đã tăng mạnh trở lại trong phiên giao dịch ngày 13/9, sau khi Mỹ công bố lạm phát ở mức cao hơn dự kiến, thúc đẩy kỳ vọng của các nhà đầu tư vào việc Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục tăng lãi suất.
Theo dữ liệu của Refinitiv, đồng bảng Anh giảm 0,8% trong phiên giao dịch sáng ngày 16/9 xuống 1.137 USD/bảng, lần đầu tiên phá kỷ lục dưới mốc 1,14 USD/bảng trong gần 4 thập kỷ qua. Đồng bảng xuống giá phản ánh sức mạnh của đồng USD cũng như lo ngại đặc biệt về tình hình kinh tế Anh. Đồng bảng cũng giảm khoảng 0,4% so với đồng euro ở mức 1,142 euro/bảng, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021.
Số liệu do Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 16/9 cho thấy doanh số bán lẻ đã giảm mạnh trong tháng Tám do người tiêu dùng Anh phải vật lộn với giá cả tăng vọt và chi phí năng lượng cao.
Lượng hàng hóa mua ở Anh đã giảm 1,6% trong khoảng thời gian từ tháng Bảy đến tháng Tám, so với mức giảm 0,5% được các nhà kinh tế dự báo và là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 7/2021, sau khi các hạn chế phòng dịch COVID-19 được dỡ bỏ.
ONS cho biết "giá cả và chi phí sinh hoạt tăng" đã ảnh hưởng đến lượng hàng được bán, vốn tiếp tục có xu hướng giảm kể từ mùa Hè năm 2021, sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau các đợt phong tỏa phòng dịch.
Số liệu cũng cho thấy tác động lớn của lạm phát cao tới người tiêu dùng và nền kinh tế rộng. Gói hỗ trợ giá năng lượng trị giá 150 tỷ bảng được chính phủ công bố trong tháng này được kỳ vọng sẽ hạn chế tác động từ đợt tăng giá khí đốt gần đây, song không loại bỏ được nguy cơ suy thoái.
Trưởng bộ phận đầu tư tại Interactive Investor, Victoria Scholar, cho đồng bảng Anh giảm so với đồng USD và đồng euro cho thấy “đây không phải là một động thái liên quan đến đồng USD... mà do các nhà giao dịch bán đồng bảng trong bối cảnh tâm lý tiêu cực đối với triển vọng kinh tế và đầu tư của Anh”. Nhà kinh tế học tại Capital Economics, Olivia Cross, cũng cho rằng số liệu cho thấy "đà giảm đang tăng tốc" và cho rằng "nền kinh tế đã suy thoái".
Dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng cho thấy tỷ giá hối đoái hiệu quả của đồng bảng Anh, một thước đo khả năng cạnh tranh của đồng bảng, đã giảm 6,5% kể từ đầu năm.
BoE dự kiến sẽ tăng lãi suất lần thứ bảy liên tiếp trong cuộc họp vào tuần tới nhằm ứng phó với tỷ lệ lạm phát tăng gần gấp năm lần so với mục tiêu 2%.
Trong một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Anh đang gặp khó khăn, lượng hàng hóa mà người tiêu dùng mua gần như đã giảm xuống mức trước đại dịch từ mức đỉnh gần 10% vào tháng 4/2021.
Tất cả các lĩnh vực chính đều giảm trong tháng Tám, song hàng hóa phi thực phẩm giảm nhiều nhất. Doanh số bán hàng ở các cửa hàng bách hóa giảm 2,7%, đồ gia dụng giảm 1,1% và quần áo giảm 0,6%.
Doanh số bán hàng trực tuyến cũng giảm mạnh, 2,6%, trong đó thực phẩm là nhóm hàng lớn thứ ba đóng góp vào sự sụt giảm doanh số trong tháng.
Theo ONS, trong những tháng gần đây, các nhà bán lẻ cho biết ghi nhận sự sụt giảm về số lượng thực phẩm bán ra do tác động của giá thực phẩm và chi phí sinh hoạt tăng.
Doanh số bán nhiên liệu cũng giảm 1,7% và thấp hơn 9% so với mức trước đại dịch, phản ánh tác động của việc tăng giá tại các trạm xăng mặc trong tháng Tám đã giảm nhẹ so với tháng trước.
Minh Hợp (P/v TTXVN tại London)
loading...