loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 4-1 đến 18h ngày 5-1, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.506 ca Covid-19, trong đó có 594 ca tại cộng đồng, 1.878 ca tại khu cách ly và 34 ca tại khu phong tỏa. Như vậy, đây là ngày thứ 2 liên tiếp Hà Nội ghi nhận hơn 2.500 ca/ngày.
Xem thêm các thông tin về dịch bệnh Covid-19 TẠI ĐÂY
Hải Phòng số F0 tăng vọt trở lại với 929 ca
Tối ngày 6/1, thông tin từ ngành y tế Hải Phòng cho biết, số ca nhiễm SARS-CoV-2 của toàn thành phố bất ngờ tăng vọt trở lại với 929 F0. Trong số này, có 419 trường hợp F1, 456 trường hợp tự đi làm xét nghiệm, 48 trường hợp sàng lọc tại công ty thuộc các khu công nghiệp của An Dương và Thủy Nguyên, còn lại là test nhanh dương tính.
Tính đến 18h00 ngày 06/01/2022, đã có 5.744 bệnh nhân mắc COVID-19 được xuất viện, 808 ca công bố khỏi bệnh trong ngày, các bệnh viện đang điều trị 8.084 ca và có 14 F0 diễn biến nặng.
Toàn thành phố Hải Phòng hiện đang thực hiện cách ly tập trung 428 người, cách ly tại khách sạn 108 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 29.094 người.
Trước tình hình trên, ngành y tế thành phố tiếp tục tăng tốc bao phủ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân, đặc biệt triển khai tiêm mũi bổ sung cho nhóm đối tượng cao tuổi, có bệnh lý nền.
Đến thời điểm này, toàn thành phố đã tiêm 3.324.103 mũi, trong đó người lớn: 2.977.436 (Mũi 1 là 1.485.246 liều bằng 102,96% bao gồm cả người ngoại tỉnh; Mũi 2 là 1.426.443 liều bằng 98,89%; mũi nhắc lại: 44.008; Mũi bổ sung: 21.739).
Nhóm trẻ em từ 12-17 tuổi đã tiêm phủ 346.667 liều trong đó mũi 1 có 173.402 liều đạt 100%; mũi 2 có 173.143 liều đạt 99,98%; Mũi nhắc lại: 120 liều.
Riêng trong ngày hôm nay (6/1/2022), Hải Phòng đã tiêm 10.659 liều vaccine.
Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận thêm 5 trường hợp nhiễm biến thể Omicron
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, báo cáo từ hệ thống giám sát ca bệnh ngày 6/1, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận thêm 5 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron, nâng tổng số ca Omiron được phát hiện tại Thành phố hiện nay là 11 ca.
Cả 5 trường hợp mới ghi nhận đều là người nhập cảnh trong tháng 12/2021. Các trường hợp này đều đã được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm. Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, các trường hợp này được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 12. Mẫu xét nghiệm được làm giải trình tự gen và có kết quả là nhiễm biến chủng Omicron.
Thành phố đã tiến hành các biện pháp điều tra, truy vết các trường hợp liên quan 5 ca trên gồm tổ bay và hành khách đi cùng chuyến bay, nhân viên phục vụ tại khu cách ly. Những trường hợp liên quan đều đang cách ly tập trung. Cả 223 trường hợp liên quan hiện có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Trước đó, Thành phố đã ghi nhận 6 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron, đều là các ca nhập cảnh.
Từ ngày 1/1/2022, khi quy định cách ly người nhập cảnh thay đổi, để đảm bảo kiểm soát người nhập cảnh trước sự xuất hiện của biến chủng Omicron, ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai xét nghiệm COVID-19 ngay tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Người có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ chuyển cách ly ngay tại Bệnh viện Dã chiến số 12 và thực hiện xét nghiệm giải trình tự gen. Người có kết quả âm tính sẽ được theo dõi, giám sát theo quy định mới của Bộ Y tế.
Ngày 6/1: Có 16.472 ca, riêng Hà Nội 2.716; Vĩnh Long 'bổ sung' 9.370 F0
Bản tin dịch COVID-19 ngày 6/1 của Bộ Y tế cho biết có 16.472 ca mắc COVID-19 tại 60 tỉnh, thành phố; Hà Nội vẫn là địa phương có số mắc nhiều nhất với 2.716 ca; Trong ngày có hơn 28.000 bệnh nhân khỏi; 170 ca tử vong; Vĩnh Long 'bổ sung' thêm 9.370 F0.
Thông tin ca mắc COVID-19 tại Việt Nam
- Tính từ 16h ngày 05/01 đến 16h ngày 06/01, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 16.472 ca nhiễm mới, trong đó 55 ca nhập cảnh và 16.417 ca ghi nhận trong nước (giảm 580 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 10.555 ca trong cộng đồng).
- Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (2.716), Hải Phòng (923), Tây Ninh (853), Khánh Hòa (800), Bình Phước (798), Cà Mau (702), Bình Định (575), Trà Vinh (553), Vĩnh Long (519), Bến Tre (492), TP. Hồ Chí Minh (442), Hưng Yên (397), Bắc Ninh (347), Quảng Ninh (327), Bạc Liêu (301), Đà Nẵng (299), Hà Giang (264), Thừa Thiên Huế (247), Lâm Đồng (230), Quảng Ngãi (230), An Giang (230), Thanh Hóa (217), Bắc Giang (213), Thái Nguyên (193), Vĩnh Phúc (186), Quảng Nam (179), Cần Thơ (163), Nam Định (156), Bà Rịa - Vũng Tàu (152), Thái Bình (143), Phú Yên (142), Nghệ An (139), Bắc Kạn (134), Đồng Nai (132), Bình Thuận (124), Đồng Tháp (120), Hòa Bình (119), Kiên Giang (118), Tiền Giang (117), Sơn La (117), Phú Thọ (110), Đắk Nông (106), Sóc Trăng (104), Gia Lai (104), Hà Nam (95), Bình Dương (91), Ninh Bình (87), Cao Bằng (86), Long An (64), Quảng Bình (59), Quảng Trị (54), Hậu Giang (48), Yên Bái (46), Tuyên Quang (45), Ninh Thuận (42), Lào Cai (42), Lai Châu (37), Điện Biên (37), Hà Tĩnh (29), Lạng Sơn (22).
- Ngày 06/01/2022, Sở Y tế Vĩnh Long đăng ký bổ sung 9.370 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin tại Vĩnh Long.
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Thuận (-205), Bình Định (-160), Vĩnh Long (-138).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (+211), Hải Phòng (+131), Bình Phước (+116).
- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 16.053 ca/ngày.
- Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 25 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP. Hồ Chí Minh (6), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.843.563 ca nhiễm, đứng thứ 30/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 18.686 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.837.650 ca, trong đó có 1.461.598 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (506.413), Bình Dương (291.218), Đồng Nai (98.418), Tây Ninh (80.552), Hà Nội (59.450).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 28.369 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.464.415 ca
2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.626 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.766 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 917 ca
- Thở máy không xâm lấn: 203 ca
- Thở máy xâm lấn: 721 ca
- ECMO: 19 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Sở Y tế Hải Dương đính chính số ca tử vong ngày 05/01/2022 tại Hải Dương là 01 ca, tổng số ca tử vong cộng dồn do COVID-19 tại Hải Dương từ đầu vụ dịch là 02 ca và tổng số ca tử vong trên cả nước đến ngày 05/01/2022 là 33.474 ca.
- Từ 17h30 ngày 05/01 đến 17h30 ngày 06/01 ghi nhận 170 ca tử vong tại:
+ Tại TP. Hồ Chí Minh (21) trong đó có 3 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Đồng Nai (1), Đồng Tháp (1), Tây Ninh (1).
+ Tại các tỉnh, thành phố khác: An Giang (19), Bà Rịa - Vũng Tàu (13), Tiền Giang (13), Bến Tre (12), Đồng Tháp (12), Vĩnh Long (12), Cần Thơ (9), Bạc Liêu (9), Bình Dương (8 ), Kiên Giang (8 ), Bình Thuận (6), Trà Vinh (5), Tây Ninh (5), Long An (5), Cà Mau (3), Hậu Giang (2), Bình Định (2), Hải Phòng (1), Quảng Ngãi (1), Quảng Nam (1), Khánh Hòa (1), Đắk Nông (1), Ninh Thuận (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 211 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 33.644 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Tình hình xét nghiệm
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 30.735.429 mẫu tương đương 75.383.396 lượt người, tăng 103.643 mẫu so với ngày trước đó.
Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19
Trong ngày 05/01 có 1.692.955 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 156.902.083 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.110.585 liều, tiêm mũi 2 là 70.279.466 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc xin Abdala) là 8.512.032 liều.
Ca mắc tăng rất nhanh, lần thứ 6 Hà Nội điều chỉnh phân tầng điều trị F0
F0 ở Hà Nội có nguy cơ rất cao như tình trạng cấp cứu, SpO2 dưới 90% sẽ được chuyển vào tầng 3 gồm 5 bệnh viện của Hà Nội, bệnh viện Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Ngày 6/1, Sở Y tế Hà Nội có văn bản gửi các bệnh viện công lập và ngoài công lập; Trung tâm Y tế các quận/huyện/thị xã; Trung tâm cấp cứu 115 về phân luồng tiếp nhận, điều trị F0. Đây là lần điều chỉnh thứ 6 của ngành Y tế Thủ đô liên quan đến vấn đề này.
Theo đó, nguyên tắc đầu tiên của việc phân luồng, quản lý, điều trị F0 là tuỳ theo mức độ lâm sàng, mức độ nguy cơ của người bệnh. Trong lần hướng dẫn này, Hà Nội điều chỉnh khá nhiều về tiêu chí phân tầng so với các lần trước.
Theo chỉ đạo của Sở Y tế, các bệnh viện tầng 3 sẽ tiếp nhận F0 nếu F0 được đánh giá ở nguy cơ rất cao (có tình trạng cấp cứu, Sp02 dưới 90%). Cơ sở tiếp nhận bệnh nhân tầng 3 gồm 5 bệnh viện của Hà Nội là Đức Giang, Thanh Nhàn, Hà Đông, Xanh Pôn và Sơn Tây; các bệnh viện Trung ương/bộ/ngành; Riêng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân sản khoa.
Trước đây, bệnh viện tầng 3 ở Hà Nội sẽ tiếp nhận F0 có tuổi từ trên hoặc bằng 65 và chưa tiêm đủ liều vaccine; mắc bệnh lý nền; có tình trạng cấp cứu chuyên khoa.
F0 ở mức độ nguy cơ cao sẽ được xếp vào tầng 2 (như mắc bệnh lý nền có triệu chứng đợt cấp; phụ nữ có thai, vừa sinh con dưới 42 ngày, trẻ em dưới 3 tháng tuổi và F0 có Sp02 từ 90-96%). Các cơ sở tiếp nhận gồm các bệnh viện thuộc tầng 2 (thường là các bệnh viện các quận/huyện và một số bệnh viện thuộc Thành phố); riêng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận F0 sản khoa cần can thiệp chuyên khoa.
Trước đây, bệnh viện tầng 2 dành cho trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, mức độ trung bình với nguy cơ cao, nay chỉ có trường hợp nguy cơ cao mới vào tầng 2.
F0 có nguy cơ thấp hoặc trung bình sẽ được điều trị ở tầng 1. Cụ thể, nhóm có nguy cơ trung bình gồm: Người từ 65 tuổi trở lên chưa phát hiện bệnh nền hoặc mắc bệnh nền ổn định (nghĩa là không dùng thuốc hoặc uống thuốc theo đơn tại nhà, không có triệu chứng của đợt tiến triển); người từ 50-64 tuổi chưa phát hiện bệnh nền và chưa tiêm vaccine; người mắc bệnh nền ổn định; có dấu hiệu như sốt, ho, đau họng, khó thở… và Sp02 từ 97% trở lên. Nhóm này sẽ điều trị tại cơ sở thu dung điều trị của thành phố.
Nhóm nguy cơ thấp gồm: những người từ 50-64 tuổi chưa phát hiện bệnh nền nhưng đã tiêm đủ liều vaccine; người từ 3 tháng tới dưới 49 tuổi không có bệnh lý nền hoặc bệnh nền đã ổn định, chưa tiêm đủ vaccine và Sp02 từ 97% trở lên. Nhóm này sẽ điều trị tại cơ sở thu dung của quận/huyện.
Nhóm F0 được quản lý, điều trị tại nhà gồm người từ 3 tháng đến dưới 49 tuổi chưa phát hiện bệnh nền, tiêm đủ vaccine, không mang thai, sức khoẻ chưa có dấu hiệu bất thường và Sp02 từ 97% trở lên.
Sở Y tế cũng có hướng dẫn phân luồng điều trị với nhóm bệnh nhân đặc biệt như người chạy thận nhân tạo, người có bệnh lý tâm thần hay người đang cai nghiện tại cộng đồng.
Theo yêu cầu của Sở Y tế, cơ sở điều trị thường xuyên đánh giá diễn biến, mức độ lâm sàng, mức độ nguy cơ và kết quả xét nghiệm F0 để quyết định chuyển tuyến, ra viện, kết thúc cách ly. Bên cạnh đó, Sở yêu cầu tập trung điều trị F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại cơ sở thu dung điều trị, hạn chế chuyển tầng, chuyển độ.
"Ưu tiên giường bệnh tại bệnh viện để tiếp nhận người bệnh tầng 2, 3" – Sở Y tế Hà Nội yêu cầu.
Trong gần 1 tháng nay, Hà Nội ghi nhận số ca mắc liên tục tăng mỗi ngày. Trong những ngày gần đây, số ca mắc tại Hà Nội đều trên 2.500 ca/ngày, cao nhất cả nước.
Tới hết ngày 5/1, có hơn 35.500 bệnh nhân COVID-19 ở Hà Nội đang điều trị, trong đó có hơn 320 F0 điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Cơ sở 2) và Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Hơn 2.600 F0 điều trị tại các bệnh viện của Hà Nội (tầng 2 và 3). Khoảng 6.700 F0 điều trị ở tầng 1 tại cơ sở thu dung điều trị của TP và quận/huyện. Số F0 điều trị tại nhà là gần 25.800 người.
Quảng Bình: Thêm 54 ca COVID-19 thì có 49 ca cộng đồng
Theo thông tin tổng hợp từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Bình, trong 24 giờ qua (từ 6 giờ ngày 5/1/2022 đến 6 giờ ngày 6/1/2022), Quảng Bình ghi nhận thêm 54 ca mắc COVID-19, trong đó, có 49 ca cộng đồng; liên quan đến chùm ca bệnh Chợ Ba Đồn 10 ca; trong ngày có 29 ca xuất viện.
Tổng số người về từ vùng dịch dương tính với virus SARS-CoV-2 là 658 ca
Tổng số ca COVID-19 của tỉnh đến nay là 4.088; số ca điều trị khỏi là 3.580, còn 185 bệnh nhân đang điều trị, 7 ca tử vong; 262 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại nhà.
Hiện 95,72 % người trên 18 tuổi ở Quảng Bình đã tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1; mũi 2 là 90,4%; Có 98,81% người trên 50 tuổi tại Quảng Bình tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19.
Thái Bình: Số ca mắc COVID-19 tăng đột biến sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch
Nguyên nhân khiến số ca mắc tại tỉnh Thái Bình tăng cao kỷ lục là do số lượng người đến, về tỉnh trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch vừa qua từ các tỉnh, thành phố bên ngoài, đặc biệt là từ những nơi đang có dịch diễn biến phức tạp.
Theo Sở Y tế tỉnh Thái Bình, trong ngày 5/1, tỉnh Thái Bình ghi nhận 148 ca F0 mới tại 8 huyện, thành phố. Đây là con số mắc COVID-19 mới ghi nhận trong một ngày cao nhất từ trước tới nay trên địa bàn tỉnh.
Trong số gần 150 ca mắc mới, có 55 ca cộng đồng được ghi nhận tại huyện Vũ Thư 5 ca; Quỳnh Phụ 10; Tiền Hải 4; Thành phố 2; Đông Hưng 29 ca; Thái Thụy 4; Hưng Hà 1 ca. Các ca mắc mới đã và đang xác định, kiểm soát chặt chẽ nguồn lây, tổ chức điều trị, truy vết, cách ly theo đúng quy định.
Tính từ 10/11/2021 đến nay, tỉnh Thái Bình ghi nhận 2.938 ca COVID-19.
Về nguyên nhân khiến số ca mắc trong tỉnh tăng cao kỷ lục, theo Sở Y tế tỉnh Thái Bình do trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2022 vừa qua, số lượng người đến, về tỉnh từ các tỉnh, thành phố bên ngoài, đặc biệt là từ những nơi đang có dịch diễn biến phức tạp, ví dụ như Hà Nội. Dự kiến, số ca mắc sẽ tiếp tục tăng cao trong một vài ngày tới.
Hiện ngành y tế tỉnh Thái Bình vẫn duy trì việc cách ly, điều trị F0 theo phân tầng từ xã, phường lên tuyến huyện, thành phố và cuối cùng là tuyến tỉnh. Trong đó, tầng 1 điều trị bệnh nhân nhẹ không triệu chứng; tầng 2 điều trị bệnh nhân vừa, trung bình và tầng 3 điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Sở Y tế Thái Bình đã huy động nhân lực, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện để chi viện, hỗ trợ cho các cơ sở đang thu dung, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. Nhân lực được huy động tại các Bệnh viện Đa khoa tuyến huyện, thành phố là những người đã được tập huấn về hồi sức tích cực, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngành y tế tỉnh Thái Bình dự báo số ca mắc sẽ tăng lên trong dịp Tết nếu không kiểm soát tốt. Do vậy, để thực hiện nghiêm các biện pháp trong phòng chống dịch, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, hạn chế đi lại, giao lưu, không tập trung đông người; thực hiện tốt "5K", chủ động tiêm vaccine khi đến lượt… để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Ninh Bình: Số ca mắc liên tục tăng, xuất hiện nhiều ổ dịch mới
Tình hình dịch COVID-19 tại Ninh Bình hiện đang có diễn biến hết sức phức tạp. Trên địa bàn đã xuất hiện các ổ dịch tại cộng đồng (trong trường học, công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh...) ở tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Y tế, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vừa ghi nhận thêm 2 ổ dịch mới và 102 ca bệnh được ghi nhận. Trong đó, 2 ổ dịch mới là ổ dịch liên quan đến trường Tiểu học Lý Tự Trọng (thành phố Ninh Bình), ghi nhận 9 ca bệnh và ổ dịch liên quan đến Công ty Regris (huyện Nho Quan), ghi nhận 6 ca bệnh.
Theo Sở Y tế tỉnh Ninh Bình, hiện trên địa bàn tỉnh đang có 3 xã có số ca bệnh COVID-19 ghi nhận nhiều trong cộng đồng, thuộc vùng dịch cấp độ 4, đã thực hiện thiết lập cách ly y tế. Đó là ổ dịch xã Kim Đông (huyện Kim Sơn), với 161 ca bệnh; ổ dịch xã Khánh Thịnh (huyện Yên Mô) ghi nhận 104 ca bệnh và ổ dịch liên quan đến xã Yên Nhân (huyện Yên Mô), đã ghi nhận gần 100 ca bệnh.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nguy cơ xuất hiện thêm nhiều ca bệnh và ổ dịch trong cộng đồng, ngành y tế tỉnh Ninh Bình khuyến khích người dân tự thực hiện test nhanh COVID-19 tại nhà nhằm phát hiện sớm các ca F0 trong cộng đồng, thông báo cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý dập dịch. Mỗi người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K + vaccine. Tích cực và ủng hộ việc cài đặt, sử dụng ứng dụng PC-COVID trong phòng, chống dịch để khai báo y tế điện tử, tạo thuận lợi cho cơ quan chức năng trong việc kiểm soát, khoanh vùng và triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với tình hình mới.
Bên cạnh đó, BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Ninh Bình yêu cầu các huyện, thành phố trên cơ sở thực tế của địa phương, thành lập thêm các khu cách ly, điều trị F0; phối hợp với ngành Y tế để điều phối, tổ chức cách ly, điều trị kịp thời cho các ca F0 ghi nhận mới tại địa phương mình.
Ca COVID-19 nhiễm Omicron tại Việt Nam, chủ yếu không có triệu chứng
Bộ Y tế cho biết, đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 25 ca mắc COVID-19 do biến chủng Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP. Hồ Chí Minh (6), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2). Đây đều là các ca nhập cảnh, đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Ca nhiễm Omicron đầu tiên được phát hiện tại nước ta là đã được ra viện ngày 2/1 sau 2 tuần theo dõi sức khỏe. Trường hợp này không có triệu chứng lâm sàng. Đến nay ca nhiễm tại Hải Dương cũng đã được ra viện.
Trong đó 14 ca tại Quảng Nam, đều không có triệu chứng lâm sàng. Các ca tại TP HCM sức khỏe ổn định hiện đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
TS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, các ca nhiễm Omicron này đều là người đã tiêm vaccine. Bình thường người đã tiêm vẫn có thể nhiễm bệnh nhưng chủ yếu ở thể nhẹ, thậm chí không có triệu chứng. Điều này cũng tương tự ở các nước khác như Mỹ, Nhật...
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cuộc chiến phòng COVID-19 vẫn còn trước mắt, mỗi ngày vẫn có hơn 200 người tử vong do dịch bệnh, nếu để Omicron lan tràn sẽ dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống y tế.
"Tốc độ lây nhiễm của Omicron cao gấp 7 lần trong nhóm chưa tiêm chủng và gấp 3 lần với nhóm đã tiêm chủng đầy đủ nên dẫn đến tăng rất nhanh số mắc, gây quá tải hệ thống y tế, con số tử vong sẽ tăng lên vì vậy vẫn phải đặt trọng tâm cho công tác phòng chống dịch"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Bộ Y tế cho rằng thời gian tới, nguy cơ tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc biến chủng Omicron từ các trường hợp nhập cảnh và lây lan ra cộng đồng là rất lớn.
Do đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, lưu ý kiểm tra điều kiện lưu trú của các trường hợp này nhằm đảm bảo không tiếp xúc với người xung quanh khi mới nhập cảnh theo quy định; tăng cường giám sát tại cộng đồng để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch không để lây lan ra cộng đồng.
Phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để gửi mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm biển chủng Omicron đến để tiến hành xét nghiệm, giải trình tự gen khăng định.
Bộ Y tế yêu cầu khi phát hiện trường hợp mắc COVID-19, đặc biệt là biến chủng Omicron, thực hiện mở rộng điều tra dịch tễ, thông báo cho các địa phương liên quan để phối hợp truy vết thần tốc, lập danh sách tất cả những người tiếp xúc gần và có liên quan với các bệnh nhân, thực hiện cách ly y tế kịp thời, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1; trả kết quả nhanh nhất để triển khai các biện pháp phòng chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả.
Người dân cần tiêm đầy đủ mũi tăng cường vaccine phòng COVID-19 để đảm bảo sức khỏe
Bộ Y tế cho biết, từ 16 giờ ngày 4/1 đến 16 giờ ngày 5/1, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 17.017 ca mắc mới, trong đó 20 ca nhập cảnh và 16.997 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.168 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 12.299 ca trong cộng đồng). Trong đó, Hà Nội đứng đầu cả nước với 2.505 ca mắc mới.
Đến nay, tại Việt Nam đã ghi nhận 25 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là ca nhập cảnh, được cách ly ngay tại Hà Nội (1 ca), Quảng Nam (14 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (6 ca), Hải Dương (1 ca), Hải Phòng (1 ca) và Thanh Hóa (2 ca).
Trong ngày 5/1 có 22.662 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 1.436.046 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.257 ca.
Từ 17 giờ 30 phút ngày 4/1 đến 17 giờ 30 phút ngày 5/1 ghi nhận 230 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 33.475 ca, chiếm 1,8% so với tổng số ca mắc.
Trong ngày 4/1, có 752.474 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, đã tiêm tổng số 155.199.486 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 77.987.940 liều, tiêm mũi 2 là 69.803.846 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 7.407.700 liều.
Hà Nội hiện là địa phương tiêm mũi 3 nhiều thứ 2 cả nước, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh (với khoảng hơn 1,1 triệu mũi nhắc lại; hơn 320.000 mũi bổ sung).
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, Sở đã chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine mũi tăng cường cho người già, người nhiều bệnh nền, nguy cơ cao bằng cách đưa vaccine đến tận nhà người dân. Hiện lượng vaccine Bộ Y tế phân bổ cho thành phố đủ để triển khai tiêm vaccine mũi 3 diện rộng, nhưng chưa thể tiêm hết ngay do phải chờ để đảm bảo khoảng cách tối thiểu với mũi 2.
Bà Trần Thị Nhị Hà đề nghị người dân tích cực phối hợp với chính quyền, cơ quan y tế, tham gia tiêm đầy đủ mũi vaccine tăng cường để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình. Mũi vaccine tăng cường sẽ đặc biệt phát huy hiệu quả chống diễn biến nặng, nhất là với biến chủng mới của SARS-CoV-2.
Bình Dương thêm nhiều F0 trong cộng đồng
Ngày 5/1, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, trong tuần qua trên địa bàn tỉnh phát hiện 159 ca F0 trong cộng đồng, trung bình 23 ca/ngày; so với tuần trước giảm 8,6%. Trong 7 ngày gần nhất, toàn tỉnh ghi nhận 825 ca mắc mới qua xét nghiệm RT-PCR (giảm 16,9% so với tuần trước); trung bình mỗi ngày có hơn 100 ca mắc; trong khi đó số ca mắc bệnh được chữa trị khỏi, ra viện ngày càng nhiều, góp phần giảm tải cho các bệnh viện.
Tuy nhiên, trước sự xuất hiện biến chủng mới Omicron có thể xâm nhập vào địa bàn và chuẩn bị bước vào Tết Nguyên đán, tỉnh đang tập trung đẩy mạnh tiêm vaccine mũi 3 với tiến độ 100.000 mũi/ngày, hoàn thành mục tiêu 100% đối tượng được tiêm mũi 3 trong tháng 2 năm 2022.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương đánh giá, đến nay, việc thích ứng linh hoạt, an toàn phòng, chống dịch đã phát huy hiệu quả. Cuộc chiến với đại dịch COVID-19 tại “điểm nóng” Bình Dương được cho là thắng lợi nhờ chiến lược đẩy nhanh tiêm chủng vaccine phòng ngừa cho toàn người dân. Mặt khác, việc tạo điều kiện để F0 điều trị tại nhà là một bước đột phá trong phòng, chống dịch, góp phần giảm áp lực cho các hệ thống cơ sở y tế; qua đó tập trung vào chuyên môn điều trị, giảm được tỷ lệ tử vong. Đặc biệt, việc mở ra mô hình Trạm Y tế lưu động, đưa y tế đến gần với dân, nhằm giúp người dân tiếp cận y tế ngay tại cơ sở, góp phần giảm nhanh số ca bệnh chuyển nặng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, vaccine là một trong những “chìa khóa” quan trọng nhất giúp Bình Dương trở lại “bình thường mới”, góp phần giúp tỉnh phục hồi kinh tế - xã hội mạnh mẽ, hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng trong năm 2021; qua đó tạo điều kiện để tỉnh tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa thích ứng linh hoạt, an toàn phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế trong năm 2022.
Kiểm tra, xác minh việc đăng tải các thông tin liên quan đến mua, bán thuốc điều trị COVID-19
Nhằm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, ngày 5/1, UBND Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo thành lập Đoàn liên ngành để thanh tra, kiểm tra đột xuất việc mua bán, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR xác định COVID-19 tại một hoặc một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn.
UBND Thành phố yêu cầu Công an Thành phố kiểm tra, xác minh việc đăng tải các thông tin liên quan đến mua, bán thuốc điều trị COVID-19 đang thử nghiệm lâm sàng, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiện… phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 không có nguồn gốc xuất xứ thông qua mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến khác; xử lý nghiêm, răn đe các trường hợp vi phạm, phòng ngừa yếu tố tiềm ẩn phát sinh tội phạm kinh tế và chức vụ...
PV/TTXVN
loading...