loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Trung bình, số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 148 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 37.010 ca, chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng số ca mắc.
Xem thêm các thông tin về dịch bệnh Covid-19 TẠI ĐÂY
Hải Dương có số ca mắc kỷ lục, thêm 2 bệnh nhân tử vong
Hôm nay (27/1), tỉnh Hải Dương có số bệnh nhân mắc COVID-19 đạt kỷ lục với 418 trường hợp ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố và thêm 2 trường hợp tử vong.
Trong số những ca mắc nói trên có 297 trường hợp F1, 49 ca ho sốt cộng đồng, 31 trường hợp sàng lọc cộng đồng, 3 bệnh nhân sàng lọc ở bệnh viện, 1 trường hợp nhân viên y tế, 35 bệnh nhân về từ các tỉnh khác và 2 trường hợp nhập cảnh.
Trong ngày huyện Kim Thành và TP. Hải Dương có số ca mắc nhiều nhất. Riêng huyện Kim Thành ghi nhận 65 trường hợp mới; trong đó 56 ca là đối tượng F1, 5 bệnh nhân ho sốt cộng đồng và 4 trường hợp từ vùng dịch về.
Đối với 4 ổ dịch trên địa bàn gồm: Công ty TNHH công nghệ Ducar (KCN Phú Thái), công ty Injea Vina (KCN Phú Thái), công ty may Tinh Lợi 2 và công ty TNHH Long Sơn (xã Kim Xuyên) đều ghi nhận ca mắc.
Tại TP. Hải Dương tiếp tục phát hiện thêm 59 bệnh nhân mắc COVID-19 và 2 ổ dịch: phường Thanh Bình, công ty Sumidenso (KCN Đại An) trong ngày đều có ca mắc mới. Trong đó 36 trường hợp F1, 11 ca ho sốt cộng đồng, 8 trường hợp sàng lọc cộng đồng, 3 ca vùng dịch về và 1 nhân viên y tế.
Cũng theo ngành Y tế Hải Dương, hôm nay địa phương này tiếp tục ghi nhận 2 bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong ở TP. Hải Dương và TP. Chí Linh.
Trường hợp thứ nhất: Bệnh nhân 2058236 (42 tuổi, nữ), trú tại khu 18, phường Thanh Bình (TP. Hải Dương). Trường hợp này có tiền sử nhiều bệnh nền như đái tháo đường, suy thượng thận, viêm gan B, đã tiêm 1 mũi vaccine phòng COVID-19.
Ca bệnh này là trường hợp ho sốt cộng đồng được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 vào 17/1/2022, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh. Trong ngày 17/1, ca bệnh được chuyển đến Bệnh viện Phổi Hải Dương và tử vong lúc 17h20 chiều 26/1.
Trường hợp thứ hai: Bệnh nhân 2125047 (67 tuổi, nam), địa chỉ huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn; hiện thường trú tại TP. Chí Linh). Bệnh nhân có tiền sử ung thư hạch, thể trạng suy kiệt, đã tiêm 1 mũi vaccine phòng COVID-19.
Ca bệnh này là trường hợp F1 được phát hiện dương tính ngày 18/1/2022, điều trị tại Bệnh viện Phổi Hải Dương và đến 13h15 chiều nay (27/1), bệnh nhân tử vong tại bệnh viện.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Hải Dương có 17 trường hợp mắc COVID-19 tử vong ở 6 huyện (Bình Giang 2, Nam Sách 1, Gia Lộc 3, Thanh Miện 3, Kim Thành 2, Thanh Hà 1) và 2 Thành phố (Chí Linh 3, Hải Dương1).
Thanh Hóa ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất từ trước tới nay
Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa cho biết trong ngày 27/1, toàn tỉnh đã ghi nhận 727 bệnh nhân mắc COVID-19 mới. Đây là số ca mắc cao nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Trong đó có 237 bệnh nhân phát hiện trong cộng đồng, 223 bệnh nhân ghi nhận qua sàng lọc tại cơ sở y tế và 267 bệnh nhân đang được cách ly theo quy định. Cụ thể, tại thành phố Thanh Hóa ghi nhận tổng cộng 115 ca mắc, thị xã Nghi Sơn 96 ca, huyện Hoằng Hóa 78 ca, huyện Thạch Thành 60 ca, huyện Hậu Lộc 46 ca… Thanh Hóa có 79 khu cách ly sẵn sàng hoạt động với khả năng thu dung 9.637 người. Hiện tỉnh đang cách ly tập trung cho 338 trường hợp trong đó có 225 trường hợp tại các khu cách ly tuyến huyện và 113 trường hợp cách ly tại các khách sạn. Ngoài ra, Thanh Hóa có 8.539 trường hợp đang cách ly tại nhà/nơi cư trú.
Trong ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định phê duyệt Phương án quản lý, theo dõi và điều trị người mắc COVID-19 không triệu chứng tại nhà/nơi cư trú trên địa bàn tỉnh. Phương án nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người mắc COVID-19 được tiếp cận sớm nhất, nhanh nhất với dịch vụ y tế, chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần cũng như các điều kiện nghỉ ngơi, sinh hoạt tại nơi cư trú để sớm phục hồi sức khỏe. Nâng cao nhận thức, ý thức, thái độ và trách nhiệm của người dân về phòng, chống dịch COVID-19 đối với xã hội. Người mắc COVID-19 không triệu chứng được quản lý, theo dõi, chăm sóc y tế tại nhà/nơi cư trú theo đúng các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế và các quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Thanh Hóa sẽ triển khai điều trị người mắc COVID-19 không triệu chứng tại nhà/nơi cư trú trên phạm vi toàn tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện, thị xã, thành phố thống nhất, quyết định phạm vi địa bàn, thời gian thực hiện.
Tính từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, Thanh Hóa ghi nhận 18.817 bệnh nhân COVID-19 trong đó có 13.152 người điều trị khỏi được ra viện, 22 bệnh nhân tử vong.
Tính đến ngày 27/1, Thanh Hóa đã tiếp nhận 5,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19 và triển khai 22 đợt tiêm với 2,33 triệu người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ mũi (đạt 97,7%); 274 nghìn trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm đủ mũi (đạt 96,3%); hơn 240 nghìn người tiêm mũi bổ sung và 79,5 nghìn người tiêm mũi nhắc lại./.
Cả nước có 15.727 ca mắc COVID-19, Hà Nội tiếp tục nhiều nhất, hơn 2.900 F0
Bản tin dịch COVID-19 ngày 27/1 của Bộ Y tế cho biết có 15.727 ca mắc COVID-19 tại 63 tỉnh, thành phố; Hà Nội vẫn nhiều nhất với hơn 2.900 F0; trong ngày có hơn 21.000 trường hợp khỏi bệnh và 146 ca tử vong.
Thông tin các ca mắc COVID-19 mới:
- Tính từ 16h ngày 26/01 đến 16h ngày 27/01, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 15.727 ca nhiễm mới, trong đó 55 ca nhập cảnh và 15.672 ca ghi nhận trong nước (giảm 213 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 10.627 ca trong cộng đồng).
- Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (2.907), Đà Nẵng (873), Bắc Ninh (794), Thanh Hóa (727), Hải Phòng (719), Quảng Nam (527), Nam Định (469), Vĩnh Phúc (462), Bình Định (437), Hải Dương (417), Hòa Bình (414), Đắk Lắk (378), Quảng Ngãi (374), Hưng Yên (372), Phú Thọ (347), Nghệ An (316), Bình Phước (293), Quảng Ninh (275), Bắc Giang (272), Lâm Đồng (235), Thừa Thiên Huế (220), Thái Bình (207), Gia Lai (183), Sơn La (170), TP. Hồ Chí Minh (168), Lạng Sơn (167), Cà Mau (165), Hà Giang (144), Hà Nam (139), Tây Ninh (135), Phú Yên (129), Quảng Bình (123), Ninh Bình (115), Khánh Hòa (113), Vĩnh Long (112), Thái Nguyên (111), Bến Tre (105), Tuyên Quang (100), Lào Cai (100), Quảng Trị (96), Đắk Nông (95), Bình Dương (92), Lai Châu (90), Trà Vinh (82), Điện Biên (81), Cao Bằng (80), Bình Thuận (66), Bạc Liêu (64), Yên Bái (63), Kon Tum (62), Bà Rịa - Vũng Tàu (57), Đồng Nai (55), Đồng Tháp (50), Hậu Giang (49), Hà Tĩnh (48), Long An (41), An Giang (40), Bắc Kạn (34), Kiên Giang (32), Ninh Thuận (26), Cần Thơ (26), Sóc Trăng (22), Tiền Giang (7).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bắc Giang (-213), Bến Tre (-196), Kon Tum (-130).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (+376), Gia Lai (+180), Thanh Hóa (+140).
- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 15.437 ca/ngày.
- Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 166 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại TP. Hồ Chí Minh (92), Quảng Nam (27), Hà Nội (14), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8 ), Kiên Giang (4), Quảng Ninh (2), Thanh Hóa (2), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Long An (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (1), Lâm Đồng (1).
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.203.208 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 22.320 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.196.351 ca, trong đó có 1.942.794 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (513.259), Bình Dương (292.752), Hà Nội (120.175), Đồng Nai (99.811), Tây Ninh (87.706).
Tình hình điều trị COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 21.002 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.945.611 ca
2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.485 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 2.767 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 614 ca
- Thở máy không xâm lấn: 115 ca
- Thở máy xâm lấn: 582 ca
- ECMO: 17 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Từ 17h30 ngày 26/01 đến 17h30 ngày 27/01 ghi nhận 126 ca tử vong tại:
+ Tại TP. Hồ Chí Minh (11) trong đó có 7 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Tây Ninh (2), Tiền Giang (1), Bình Thuận (1), Long An (1), Lâm Đồng (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1).
+ Tại các tỉnh, thành phố khác: Hà Nội (31), Vĩnh Long (11), Sóc Trăng (6), Đồng Tháp (6), An Giang (6), Hậu Giang (5), Hải Phòng (4 ca trong 02 ngày), Bắc Ninh (4), Bình Thuận (4), Tiền Giang (4), Kiên Giang (4), Khánh Hòa (3), Bình Dương (3), Cần Thơ (3), Cà Mau (3), Hải Dương (2), Thái Nguyên (2), Đà Nẵng (2), Bình Phước (2), Tây Ninh (2), Bạc Liêu (2), Quảng Ninh (1), Bình Định (1), Nam Định (1), Ninh Bình (1), Đắk Lắk (1), Bến Tre (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 146 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 37.291 ca, chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 25/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Tình hình xét nghiệm
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 32.053.283 mẫu tương đương 76.975.916 lượt người, tăng 42.772 mẫu so với ngày trước đó.
Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19
Trong ngày 26/01 có 930.725 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 179.593.670 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.987.718 liều, tiêm mũi 2 là 73.908.501 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 26.697.451 liều.
Bộ Y tế tiếp tục hỏa tốc đề nghị không ‘ngăn sông cấm chợ’ dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần
Bộ Y tế vừa có văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước về việc tăng cường phòng chống dịch dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội đầu năm 2022.
Trong văn bản do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ký ban hành, Bộ Y tế nêu rõ tước diễn biến dịch COVID-19 phức tạp và để tăng cường phòng chống dịch trong mùa Đông- Xuân nhất là dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và mùa lễ hội đầu năm 2022; sự gia tăng đi lại giao lưu của người dân sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo UBND các cấp, các Sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị triển khai các giải pháp "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch" theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Thực hiện nghiêm công văn số 357 của Bộ Y tế, "tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê dịp Tết, không ngăn sông cấm chợ, tổ chức chăm lo cho người dân đón Tết, vận động người dân trở lại làm việc ngay sau kỳ nghỉ, nhất là việc hỗ trợ người lao động trở lại thành phố lớn đảm bảo an toàn, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội".
Cũng tại văn bản này, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo Sở Y tế xây dựng trình UBND tỉnh, thành phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm 2022 tổ chức triển khai thực hiện sớm nhất có thể, phân công cụ thể các đơn vị liên quan theo từng nội dung và địa bàn phụ trách.
Tăng cường triển khai công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh mùa đông –xuân, tập trung giám sát các trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là COVID-19 và biến thể mới, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán sớm tác nhân gây bệnh, triển khai xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch phát triển lây lan trong cộng đồng.
Bảo đảm an toàn tiêm chủng và phòng, chống COVID-19 trong dịp Tết Nguyên đán
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 16 giờ ngày 25/1 đến 16 giờ ngày 26/1, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 15.954 ca mắc mới, trong đó 69 ca nhập cảnh;15.885 ca ghi nhận trong nước (tăng 186 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố; có 10.571 ca trong cộng đồng.
Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 2.187.481 ca mắc, trong đó có 1.924.609 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh; 4.402 bệnh nhân nặng đang điều trị; 37.165 ca tử vong.
Tính đến ngày 25/1, đã có tổng số 178.818.612 liều vaccine được tiêm, trong đó tiêm mũi 1 là 78.945.692 liều; tiêm mũi 2 là 73.967.094 liều; tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 25.905.826 liều.
Đến nay, tại Việt Nam đã ghi nhận 166 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại Thành phố Hồ Chí Minh (92 ca), Quảng Nam (27 ca), Hà Nội (14 ca), Khánh Hòa (11 ca), Đà Nẵng (8 ca), Kiên Giang (4 ca), Quảng Ninh, Thanh Hóa (mỗi địa phương 2 ca), Hải Dương, Hải Phòng, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Lâm Đồng (mỗi địa phương 1 ca).
Tối 26/1, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 14 ca nhiễm biến chủng Omicron gồm 13 trường hợp nhập cảnh và 1 người ngoài cộng đồng (tiếp xúc với 13 người nhập cảnh trên). Trường hợp nhiễm biến chủng Omicron ghi nhận tại cộng đồng đã được xác định khỏi bệnh.
Cụ thể, bệnh nhân là nữ, sinh năm 1980, trú tại quận Đống Đa, nhân viên vệ sinh buồng phòng tại Khách sạn Grand Vista Hà Nội (là khách sạn thực hiện cách ly người nhập cảnh theo quy định của thành phố).
Trong khoảng thời gian từ ngày 28/12/2021 đến ngày 9/1/2022, bệnh nhân làm việc tại khách sạn, phục vụ các đoàn khách nhập cảnh cách ly tại khách sạn, trong đó có 7 trường hợp nhiễm Omicron (do Bệnh viện Bạch Mai xét nghiệm và thông báo ngày 21/1/2022). Bệnh nhân được cách ly tại khách sạn trong quá trình làm việc, được xét nghiệm PCR định kỳ hàng tuần, có kết quả âm tính vào ngày 3/1 và dương tính vào ngày 9/1.
Bệnh nhân được cách ly điều trị tại khách sạn từ ngày 9-18/1, hiện đã khỏi bệnh. Kết quả điều tra dịch tễ sơ bộ chưa phát hiện thêm người nhiễm thứ phát, toàn bộ nhân viên khách sạn và người nhà đều có kết quả xét nghiệm âm tính.
* Tạo điều kiện thuận lợi cho người nhập cảnh vào Việt Nam dịp Tết Nguyên đán
Ngày 26/1, Bộ Y tế có văn bản gửi các Bộ: Ngoại giao; Quốc phòng; Công an; Giao thông Vận tải và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người nhập cảnh vào Việt Nam nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2022.
Bộ Y tế cho biết, hiện nay, tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại các tỉnh, thành phố đã đạt tỷ lệ cao; người từ 18 tuổi trở lên được tiêm 1 mũi đạt gần 100%, tiêm đủ 2 mũi đạt 95,6%, tiêm mũi 3 đạt 18,6%; trẻ em (12-17 tuổi) tiêm mũi 1 đạt 94,1%, tiêm đủ 2 mũi đạt 82,2%.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người nhập cảnh vào Việt Nam nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2022 và đảm bảo công tác phòng, chống dịch, Bộ Y tế đề nghị các bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tiếp tục thực hiện các nội dung quy định tại Công văn số 10688/BYT-MT ngày 16/12/2021 của Bộ Y tế về việc phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đơn vị hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho người nhập cảnh vào Việt Nam nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2022; hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch gồm thực hiện 5K, khai báo y tế trước khi nhập cảnh và ngay khi về đến địa điểm lưu trú; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 như sốt, ho, khó thở... thì hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm SARS-CoV-2 và xử trí theo quy định.
Các bộ, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát các biện pháp phòng, chống dịch, xét nghiệm trong thời gian người nhập cảnh thực hiện tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú hoặc cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú; kịp thời chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp.
Công văn số 10688 đưa ra yêu cầu chung về phòng, chống dịch đối với người nhập cảnh bao gồm: Phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh trong 72 giờ trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi, thực hiện khai báo y tế trước khi nhập cảnh. Khi nhập cảnh Việt Nam cần cài đặt và sử dụng ứng dụng khai báo y tế (PC-COVID) để khai báo y tế, theo dõi sức khoẻ theo quy định của Việt Nam (đối với khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ thì khuyến khích sử dụng).
Trường hợp người nhập cảnh là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân (gồm vợ, chồng, con) chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine COVID-19 sẽ thực hiện tiêm chủng vaccine COVID-19 (tiêm miễn phí) trong thời gian thực hiện cách ly (nếu có nhu cầu). Thực hiện chi trả chi phí xét nghiệm, chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và các chi phí liên quan khác (nếu có) trong phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8/2/2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ Y tế cũng đưa ra yêu cầu phòng, chống dịch đối với các trường hợp cụ thể như người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 và người nhập cảnh chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine COVID-19.
* Tổ chức tiêm chủng xuyên Tết Nguyên đán
Ngày 26/1, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, trước các diễn biến mới của dịch, sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron, để thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19 liều bổ sung và nhắc lại nhằm tăng cường miễn dịch, hiệu quả phòng bệnh cho người dân.
Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân bằng cách tiếp tục tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 trong suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trên địa bàn 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Người dân đang ở tại thành phố (thường trú và tạm trú) có nhu cầu tiêm vaccine có thể đến bất kỳ địa điểm tiêm nào trên địa bàn để được tiêm chủng (không cần đăng ký danh sách trước). Thành phố sẽ nỗ lực bao phủ vaccine phòng COVID-19 trong cộng đồng đến hết tháng 2/2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Hầu hết trường hợp tử vong do COVID-19 trên địa bàn Thành phố ghi nhận ở người thuộc nhóm nguy cơ như người lớn tuổi, người có bệnh nền, người chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều. Mặc khác, hiệu quả vaccine có thể giảm dần theo thời gian. Vì vậy, việc tiêm mũi 3 sẽ giúp tăng khả năng bảo vệ của cơ thể trước biến chủng Omicron và các biến thể khác của COVID-19. Nếu đã từng mắc COVID-19 trước đó vẫn nên tiêm vaccine, vì thực tế cho thấy, vẫn có khả năng tái nhiễm biến chủng này, nguy cơ bị bệnh nặng, truyền virus cho người khác. Do đó, việc tiêm đủ liều vaccine cho người dân là cách tốt nhất để bảo vệ cơ thể với biến chủng Omicron, tránh các diễn biến bệnh chuyển nặng, nhập viện và giảm nguy cơ tử vong.
Từ ngày 10/12/2021 đến 23/1/2022, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai tiêm được 4.420.960 mũi, trong đó có 623.696 mũi bổ sung và 3.797.264 mũi nhắc lại. Công tác tổ chức tiêm diễn ra trật tự, đảm bảo an toàn tiêm chủng và an toàn phòng, chống COVID-19.
* Hỗ trợ để người mắc COVID-19 được điều trị tốt nhất
Ngày 26/1, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh tổ chức khai trương Tổng đài 1022 tư vấn sức khỏe cho người mắc COVID-19 điều trị tại nhà.
Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh Nghiêm Văn Hách, sau thời gian khẩn trương phối hợp thiết lập, hệ thống Tổng đài tư vấn sức khỏe cho người mắc COVID-19 điều trị tại nhà trên địa bàn tỉnh qua đầu số 1022 chính thức đi vào hoạt động. Với định hướng xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ người dân, lắng nghe, giải đáp, hỗ trợ nhanh chóng, chính xác những khó khăn của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực hành chính công và các vấn đề kinh tế-xã hội khác, giải pháp “Tổng đài tư vấn sức khỏe cho người mắc COVID-19 điều trị tại nhà trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh” do Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) xây dựng và phát triển, được kỳ vọng sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Để thuận tiện cho người dân trong việc tư vấn, Tổng đài 1022 được chia 3 nhánh: Nhánh 1 - Thông tin chung về dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh; nhánh 2 - Gặp bác sĩ tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân điều trị COVID-19 tại nhà; nhánh 3 - Kết nối Đường dây nóng của các Trung tâm Y tế huyện, thành phố.
Người dân trong tỉnh có thể trực tiếp bấm 1022 từ điện thoại cố định, người dân ngoại tỉnh và người dân sử dụng điện thoại di động có thể gọi 02221022 để được tư vấn, hỗ trợ.
Bộ phận thường trực tiếp nhận, trả lời thông tin tại VNPT Bắc Ninh sẽ tiếp nhận, trả lời các nội dung phản ánh, kiến nghị, yêu cầu cần hỗ trợ của người dân, tổ chức liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 qua hình thức trả lời trực tiếp hoặc qua hệ thống phần mềm trên cơ sở bộ câu hỏi và trả lời của các sở, ban, ngành, địa phương. Trường hợp các thông tin cần trả lời phản ánh không nằm trong hệ thống cơ sở dữ liệu có sẵn hoặc vượt quá khả năng bộ phận thường trực sẽ kết nối đến đội ngũ bác sĩ đồng hành, sàng lọc, cập nhật trên phần mềm của hệ thống tổng đài.
Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cho biết: Tiền Giang là một trong các tỉnh, thành phố được Bộ Y tế chọn thí điểm sử dụng thuốc Molnupiravir cho bệnh nhân COVID-19 vừa và nhẹ.
Thực hiện Quyết định 5890 ngày 28/12/2021 của Bộ Y tế về việc phê duyệt bổ sung đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, tỉnh Tiền Giang được phân bổ 3.000 đối tượng tham gia nghiên cứu.
Sở Y tế tỉnh Tiền Giang đã tiếp nhận 120 ngàn viên Molnupiravir 200 mg; xây dựng kế hoạch phân bổ số lượng thuốc cho các cơ sở thu dung điều trị và quản lý F0 tại nhà cho chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát COVID-19; đồng thời, ban hành Quyết định 01 ngày 2/1/2022 phân bổ số lượng thuốc Molnupiravir 200 mg cho các cơ sở tham gia nghiên cứu chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát COVID-19.
Để triển khai chương trình nghiên cứu, Sở Y tế Tiền Giang đã phân bổ theo tỷ lệ số ca F0 tại các cơ sở thu dung điều trị và F0 tại nhà theo từng địa bàn quản lý. Quy trình triển khai như sau: Trước tiên người bệnh sẽ được bác sĩ khám sàng lọc và chọn bệnh nhân theo tiêu chuẩn nghiên cứu. Sau đó thực hiện tư vấn người bệnh về việc tham gia thử nghiệm; lấy phiếu xác nhận đồng ý tham gia chương trình nghiên cứu (gọi tắt là ICF); nhập bệnh án; cập nhật vào danh sách người bệnh tham gia nghiên cứu hằng ngày; xuất thuốc, giao thuốc đã phân sẵn theo liều và hướng dẫn bệnh nhân sử dụng thuốc, tự chăm sóc tại nhà. Quá trình dùng thuốc của bệnh nhân được theo dõi và ghi nhận thông tin hiệu quả cũng như những bất lợi khi sử dụng thuốc…
PV/TTXVN
loading...