loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 16h ngày 27/2 đến 16h ngày 28/2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 94.385 ca mắc mới, trong đó 9 ca nhập cảnh; 94.376 ca ghi nhận trong nước.
Xem thêm các thông tin về dịch bệnh Covid-19 TẠI ĐÂY
Hà Giang cho học sinh 4 huyện, thành phố nghỉ học trực tiếp đến ngày 12/3
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, UBND tỉnh Hà Giang đã quyết định cho học sinh các cấp tại 4 địa phương bao gồm: thành phố Hà Giang, huyện Vị Xuyên, Bắc Quang và huyện Quang Bình nghỉ học trực tiếp từ nay đến hết ngày 12/3.
Đối với 7 huyện còn lại gồm: Đồng Văn, Mèo Vạc, Xín Mần, Bắc Mê, Hoàng Su Phì, Yên Minh, Quản Bạ căn cứ tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, lãnh đạo các địa phương chủ động xem xét quyết định cho học sinh các cấp nghỉ học trực tiếp. Trường hợp cần thiết cho học sinh toàn huyện nghỉ học, yêu cầu báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trước khi quyết định.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động thương binh và Xã hội, Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với chính quyền, cơ sở y tế địa phương và người dân nắm bắt tình hình, tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19. Tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khuôn viên cơ quan, đơn vị trường học. Theo dõi, quản lý chặt chẽ sức khỏe của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và người học nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi vấn mắc bệnh dịch để được thăm khám, điều trị kịp thời. Các trường cũng chủ động tổ chức các hình thức dạy học linh hoạt, phù hợp, hiệu quả.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tỉnh Hà Giang đã cho học sinh các cấp học trở lại trường học trực tiếp. Mặc dù đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch nhưng thời gian gần đây, số học sinh, cán bộ, giáo viên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Hà Giang nhiễm COVID-19 tăng nhanh.
Từ ngày 1/1/2022 đến nay, Hà Giang đã ghi nhận 17.524 ca mắc COVID-19. Chỉ tính riêng trong ngày 1/3 Hà Giang đã ghi nhận 2.444 ca bệnh. Số ca F0 đang điều trị là 4.007 ca; số ca đã khỏi bệnh là 13.480, chiếm tỷ lệ 76,92%, trong đó có 11.171 trường hợp FO theo dõi tại nhà hoàn thành điều trị. Tuy nhiên trong những ngày gần đây, tốc độ phát sinh ca bệnh trên địa bàn tỉnh trung bình là 1.704,57 ca/ngày; trong đó số ca mắc trong cộng đồng 7 ngày qua trung bình 34,14 ca/ngày. Công tác tiêm chủng được ngành Y tế Hà Giang tập trung triển khai tại 11 huyện, thành phố. Đến nay Hà Giang đã tiêm mũi 3 cho 314.988 người từ 18 tuổi trở lên, đạt tỷ lệ 64,72%. Tiêm mũi 2 cho trẻ 12 - 17 tuổi được 77.654 người, đạt tỷ lệ 88,14%.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 có xu hướng tăng trở lại tại các địa phương, nhất là thành phố Hà Giang, huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình. Tỷ lệ ca mắc COVID-19/tổng dân số toàn tỉnh là 1,11%... Chính vì vậy, Thường trực UBND tỉnh Hà Giang đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, các địa phương trong tỉnh thực hiện nghiêm văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Tăng cường tuyên truyền cho nhân dân thực hiện nghiêm thông điệp “5K”, đặc biệt là trong các cơ quan công sở, trường học, đơn vị sản xuất, kinh doanh. Chỉ đạo quyết liệt chiến dịch tiêm vắc xin phòng dịch COVID-19 để đẩy nhanh tiến độ tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng. Trong đó, ngành Y tế chuẩn bị mọi điều kiện về nhân lực, vật lực hoàn thành tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 2 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi trước ngày 6/3.
Bộ Y tế: Tăng cường kiểm tra niêm yết giá thuốc điều trị COVID-19, xử nghiêm vi phạm
Ngày 1/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường các biện pháp quản lý đối với việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị COVID-19.
Công văn được ban hành trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng thuốc điều trị tăng cao. Mới đây, Bộ Y tế đã cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cho 3 thuốc kháng virus có dược chất Molnupiravir điều trị COVID-19.
Để tránh việc mua, bán thuốc điều trị COVID-19 không có nguồn gốc xuất xứ, không đúng quy định về bán thuốc theo đơn, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý nhằm trục lợi, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các đơn vị những biện pháp quản lý đối với việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị COVID-19.
Bộ đề nghị các tỉnh/thành chỉ đạo Sở Y tế chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến cho các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dược và người dân về việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị COVID-19 đúng quy định.
Ngoài việc tăng cường tập huấn cho các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dược trên địa bản các quy định về kê đơn, bán thuốc theo quy định, Bộ Y tế đề nghị chỉ đạo hệ thống kiểm nghiệm tăng cường lấy mẫu để giám sát chất lượng thuốc, phát hiện thuốc không đạt chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ và xử lý nghiêm theo quy định; báo cáo kết quả về Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược).
Bộ Y tế đề nghị các tỉnh/thành chỉ đạo các cơ quan chức năng, quản lý thị trường tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và ngăn chặn các hoạt động mua, bán thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc giả, thuốc nhập lậu; mua bán thuốc không đúng quy định về bán thuốc.
"Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán thuốc đúng giá niêm yết; kiểm tra hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm thuốc trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán thuốc điều trị COVID-19 bất hợp lý" - Bộ Y tế đề nghị các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
"Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự thì kịp thời lập hồ sơ chuyển sang cơ quan Công an để xử lý theo quy định" - công văn nêu rõ.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ sở tham gia chuỗi cung ứng thuốc điều trị COVID-19 có trách nhiệm hướng dẫn đầy đủ cho người dân về sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn. Tuân thủ đầy đủ các quy định về mua, bán thuốc điều trị COVID-19 và bán theo đúng giá thuốc đã niêm yết, kê khai; thực hiện đầy đủ các yêu cầu thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP), thực hành tốt phân phối thuốc (GDP), thực hành tốt bán lẻ thuốc (GPP) theo đúng quy định của Bộ Y tế và các quy định khác trong kinh doanh dược...
Bà Rịa-Vũng Tàu: F0 có chiều hướng gia tăng trở lại
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, kể từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến nay, số ca nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh có chiều hướng tăng lên nhanh trở lại.
Theo đánh giá từ Ban Chỉ đạo, thời điểm trước Tết Nguyên đán, Bà Rịa-Vũng Tàu đã ghi nhận rất ít số ca dương tính, có ngày chỉ 10 ca. Tuy nhiên, ngay sau Tết, số ca mắc đã tăng nhanh đáng kể, có ngày tới hơn 800 ca. Điển hình, ngày 25/2 toàn tỉnh ghi nhận 866 ca và ngày 1/3 là 839 ca.
Như vậy, từ ngày 1/2 đến 1/3, Bà Rịa-Vũng Tàu có 8.861 ca mắc mới, trong đó, có hơn 1.800 F0 là học sinh.
Cũng theo Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh, đến ngày 1/3, toàn tỉnh đã có hơn 564.000 người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19, đạt 62,16%. Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine cho người dân. Đến hết quý 1/2022, Bà Rịa-Vũng Tàu dự kiến có khoảng 912.000 người được tiêm mũi 3 (đạt 99,6%) và cơ bản hoàn thành mục tiêu tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên. Toàn tỉnh hiện có khoảng 124.000 trẻ từ 5 đến 11 tuổi đủ điều kiện tiêm. Sở Y tế tỉnh cũng đã đăng ký số lượng vaccine với Bộ Y tế và sẽ tổ chức tiêm ngay khi có vaccine.
Trước diễn biến phức tạp của dịch, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu các địa phương tiếp cận, triển khai nhanh các văn bản chỉ đạo Trung ương và tỉnh về thực hiện công tác phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả. Các địa phương cần quản lý chặt chẽ F0 tại nhà, tránh tình trạng người đang nhiễm bệnh tự ý rời khỏi gia đình, làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
Mặt khác, ngành Y tế cần nâng cao hơn nữa khả năng điều trị cho người bệnh, nhất là ở các trạm y tế lưu động xã, phường, thị trấn; chuẩn bị đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư và nhân lực bảo đảm công tác theo dõi và điều trị cho những F0 tại nhà. Ngành Y tế cần phối hợp với quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát các nhà thuốc về giá cả và chất lượng thuốc hỗ trợ điều trị, sinh phẩm xét nghiệm; đồng thời xử lý nghiêm những đơn vị nâng giá làm bất ổn thị trường.
Lần đầu số mắc mới cả nước lên tới gần 99.000 ca, riêng Hà Nội hơn 13.300 ca
Bộ Y tế cho biết, tính từ 16 giờ ngày 28/2 đến 16 giờ ngày 1/3, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 98.762 ca mắc mới, trong đó 19 ca nhập cảnh và 98.743 ca ghi nhận trong nước (tăng 4.367 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 66.861 ca trong cộng đồng).
Hà Nội ghi nhận số ca mắc tăng cao với 13.323 ca, tiếp đó là Quảng Ninh (4.011 ca), Bắc Ninh (3.933 ca), Nghệ An (3.864 ca), Lào Cai (3.398 ca), Hưng Yên (3.393 ca), Sơn La (3.087 ca), Nam Định (3.072 ca), Phú Thọ (2.966 ca), Vĩnh Phúc (2.913 ca), Thái Nguyên (2.788 ca), Hòa Bình (2.574 ca), Lạng Sơn (2.534 ca), Hà Giang (2.444 ca), Hải Dương (2.355 ca), Hải Phòng (2.309 ca), Bắc Giang (2.209 ca), Ninh Bình (2.174 ca), Yên Bái (2.118 ca), Đắk Lắk (2.116 ca), Tuyên Quang (2.063 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (2.022 ca), Thái Bình (1.960 ca), Khánh Hòa (1.880 ca), Cao Bằng (1.718 ca), Quảng Bình (1.659 ca), Gia Lai (1.392 ca), Đà Nẵng (1.387 ca), Cà Mau (1.303 ca), Bình Phước (1.291 ca), Điện Biên (1.228 ca), Hà Nam (1.095 ca), Lâm Đồng (1.092 ca), Lai Châu (1.045 ca), Bình Định (995 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (856 ca), Đắk Nông (855 ca), Bình Dương (846 ca), Hà Tĩnh (786 ca), Phú Yên (675 ca), Quảng Trị (524 ca), Tây Ninh (507 ca), Thanh Hóa (493 ca), Bắc Kạn (474 ca), Quảng Nam (392 ca), Quảng Ngãi (381 ca), Bình Thuận (375 ca), Thừa Thiên Huế (319 ca), Bạc Liêu (218 ca), Trà Vinh (198 ca), Kon Tum (196 ca), Bến Tre (193 ca), Đồng Nai (163 ca), Vĩnh Long (162 ca), Cần Thơ (154 ca), Long An (88 ca), Kiên Giang (47 ca), Đồng Tháp, Sóc Trăng, Ninh Thuận (mỗi địa phương 32 ca), An Giang (21 ca), Tiền Giang (8 ca), Hậu Giang (5 ca).
Ngày 1/3/2022, Sở Y tế Hà Giang đăng ký bổ sung 15.382 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin tại Hà Giang.
Các địa phương ghi nhận số ca mắc giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Quảng Ninh (5.094 ca), Lai Châu (618 ca), Quảng Trị (454 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó: Gia Lai (1.392 ca), Thái Nguyên (1.296 ca), Sơn La (984 ca).
Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua 80.898 ca/ngày.
Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 3.557.629 ca mắc, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 36.014 ca mắc).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca mắc ghi nhận trong nước là 3.550.249 ca, trong đó có 2.477.066 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Thành phố Hồ Chí Minh (536.115 ca), Bình Dương (298.294 ca), Hà Nội (285.273 ca), Đồng Nai (101.399 ca), Tây Ninh (90.932 ca).
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 40.932 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 2.479.883 ca.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.851 ca.
Số bệnh nhân tử vong trong ngày là 86 ca; Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 94 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.338 ca, chiếm 1,1% so với tổng số ca mắc.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay là 33.776.222 mẫu tương đương 79.309.194 lượt người.
Trong ngày 28/2 có 1.574.507 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 194.970.502 liều, trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 178.190.280 liều; mũi 1 là 70.744.790 liều; mũi 2 là 67.456.673 liều; mũi 3 là 1.444.684 liều; mũi bổ sung là 13.979.774 liều và mũi nhắc lại là 24.564.359 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.780.222 liều, với 8.629.081 liều mũi 1 và 8.151.141 liều mũi 2.
Ngày 1/3, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 457/QĐ-BYT về việc sửa đổi Điều 1 Quyết định số 2908/QĐ-BYT ngày 12/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Theo đó, Bộ Y tế cho phép tiêm vaccine Pfizer phòng COVID-19 liều 0,2 ml chứa 10 mcg cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Bộ Y tế ban hành Quyết định số 437/QĐ-BYT sửa đổi, bổ sung một số điểm của "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19" ban hành kèm theo Quyết định 250/QĐ-BYT ngày 28/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Trong đó, bổ sung hướng dẫn sử dụng của 02 loại thuốc kháng virus là Remdesivir và Molnupiravir.
Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường tiêm vaccine phòng COVID-19, tổ chức tiêm vaccine mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành trong quý I/2022; chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo quản, địa điểm, nhân lực để tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi ngay sau khi được cung ứng vaccine.
Số ca mắc 9 ở Quảng Trị tăng nhanh, trên 500 ca mỗi ngày
Ngày 1/3, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Trị thông tin vừa ghi nhận thêm 527 trường hợp xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Trong 527 ca mắc mới này, phát hiện qua giám sát cộng đồng 190 trường hợp, cách ly tại nhà 321 trường hợp, cách ly y tế 2 trường hợp, nhập cảnh 3 trường hợp, trở về từ vùng dịch 11 trường hợp. Các địa phương có ca mắc qua giám sát cộng đồng gồm huyện Triệu Phong 11 ca, huyện Hải Lăng 60 ca, TP. Đông Hà 86 ca, TX Quảng Trị 11 ca, huyện Vĩnh Linh 3 ca, huyện Đakrông 19 ca.
Ông Đỗ Văn Hùng - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành truy vết các trường hợp liên quan, tổ chức chức cách ly, lấy mẫu kịp thời các trường hợp tiếp xúc gần. Cùng với đó, triển khai xét nghiệm nhằm rà soát tình hình dịch tễ COVID-19 trên địa bàn tỉnh và xét nghiệm tại các khu vực nguy cơ và người có liên quan các mốc dịch tễ.
Theo Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, hiện nay, do ca mắc COVID-19 tăng nhanh đã dẫn đến thiếu vật tư, hóa chất, test phục vụ công tác xét nghiệm, phòng xét nghiệm SARS-CoV-2 luôn quá tải. Do đó, đơn vị này đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo cơ chế xã hội hóa trong công tác xét nghiệm SARS-CoV-2. Người dân có thể tự mua test xét nghiệm nhanh kháng nguyên để cán bộ y tế thực hiện, công nhận kết quả dương tính xét nghiệm nhanh do người dân tự thực hiện. Đồng thời, trang bị thêm oxy và một số phương tiện điều trị tại cơ sở thu dung, điều trị tầng 2 và tầng 3.
Bộ Y tế phê duyệt vaccine Pfizer cho trẻ từ 5-11 tuổi, liều 0,2ml
Ngày 1/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã ký Quyết định số 457/QĐ-BYT sửa đổi Điều 1 Quyết định số 2908/QĐ-BYT phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Văn bản 2908 trước đó được ký ngày 12/6/2021.
Theo Quyết định 457 có hiệu lực từ hôm nay, vaccine được phê duyệt có tên Comirnaty (Tên khác: Pfizer BioNTech Covid-19 Vaccine).
- Về thành phần hoạt chất, nồng độ/hàm lượng, theo Quyết định này: Người từ 12 tuổi trở lên được tiêm mỗi liều 0,3 ml chứa 30 mcg vaccine mRNA Covid-19 (được bọc trong các hạt nano lipid). Vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, mỗi liều 0,2 ml chứa 10 mcg.
- Về dạng bào chế: Đối với vaccine cho người từ 12 tuổi trở lên là hỗn dịch đậm đặc pha tiêm và hỗn dịch tiêm; với vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là hỗn dịch đậm đặc pha tiêm.
- Về quy cách đóng gói: Đối với vaccine cho người từ 12 tuổi trở lên, vaccine được đóng gói gồm 1 khay chứa 195 lọ, mỗi lọ chứa 6 liều; 1 hộp chứa 25 lọ, mỗi lọ chứa 6 liều; 1 hộp chứa 10 lọ, mỗi lọ chứa 6 liều.
Đối với vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: 1 khay chứa 195 lọ, mỗi lọ chứa 10 liều; 1 hộp chứa 10 lọ, mỗi lọ chứa 10 liều.
Vaccine này do công ty Pfizer Manufacturing Belgium NV (Bỉ); BioNTech Manufacturing GmbH (Đức); Pharmacia and Upjohn Company LLC (Hoa Kỳ); Hospira Incorporated (Hoa Kỳ) sản xuất.
Quyết định 457 này có hiệu lực kể từ ngày 1/3, bãi bỏ Quyết định số 4035/QĐ-BYT ngày 21/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết thủ tục mua vaccine phòng COVID-19 tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi cơ bản đã hoàn tất.
Chính phủ đã đồng ý mua gần 22 triệu liều vaccine COVID-19 của Pfizer để tiêm cho trẻ em từ 5-12 tuổi.
Ghi nhận ca mắc cao kỷ lục, Điện Biên triển khai mạnh biện pháp phân tầng điều trị
Theo Sở Y tế tỉnh Điện Biên, ngày 28/2 trên địa bàn ghi nhận 1.228 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó có 412 bệnh nhân được phát hiện thông qua giám sát y tế ho, sốt tại cộng đồng.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Điện Biên cho biết, tính trong đợt dịch mới từ ngày 5/2 đến nay, lực lượng y tế phát hiện 12.237 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó nhiều ca được phát hiện thông qua sàng lọc tại các cơ sở y tế.
Việc triển khai xét nghiệm diện rộng, xác mình nguồn lây, điều tra truy vết và sàng lọc tại các cơ sở y tế nhằm đánh giá nguy cơ lây nhiễm để phát hiện sớm những trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng, không để dịch bùng phát và lây lan rộng.
Tình hình dịch COVID-19 tại tỉnh Điện Biên hiện đang diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng cao sau dịp Tết Nguyên đán và liên tục ghi nhận mức "đỉnh" với hơn 1.000 ca mắc mới mỗi ngày.
Hiện ngành y tế địa phương đang triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng chống dịch, trong đó chú trọng điều tra truy vết, sàng lọc y tế và phân cấp điều trị tại tuyến cơ sở. Trong đó, mô hình phân tầng điều trị đã phát huy nhiều hiệu quả tích cực, đặc biệt là với những địa phương vùng sâu, vùng xa giáp biên giới, là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc ít người.
Trao đổi với PV, ThS.BS Nguyễn Thúy Hồng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Chà cho biết: "Hiện ở huyện Mường Chà thực hiện phân quyền, phân cấp quản lý, điều trị bệnh nhân COVID-19, những bệnh nhân nhẹ sẽ điều trị tại cơ sở tuyến xã, nếu nặng thì chuyển lên huyện. Thời gian qua huyện Mường Chà đã nâng cấp khu điều trị tập trung, tách làm 2 khu vực cho bệnh nhân thông thường và các bệnh nhân đặc biệt. Trường hợp cần phẫu thuật hay các ca sản thì ngay lập tức có thể xử lý được".
Mô hình này hiện đã đem lại nhiều hiệu quả khi Trung tâm Y tế huyện Mường Chà vừa kịp thời cấp cứu cho sản phụ mắc COVID-19 đang mang thai gần 34 tuần, chuyển dạ đẻ non lần 1, vỡ ối sớm, suy tim thai. Trước đó là những trường hợp đặc biệt như người cao tuổi có bệnh nền hay một trẻ nhỏ có bệnh về phổi.
Lần đầu tiên số ca mắc trong ngày ở Sơn La vượt 3.000
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La, tính từ 7h ngày 28/2 đến 7h ngày 1/3, trên địa bàn ghi nhận thêm 3.087 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Đây là ngày đầu tiên địa phương này ghi nhận số ca mắc kỷ lục với hơn 3.000 bệnh nhân.
Theo đánh giá của CDC Sơn La, đa số các ca mắc đều được phát hiện tại cộng đồng và đã tiếp xúc với nhiều người nên nguy cơ lây nhiễm cao.
Luỹ kế từ ngày 1/1/2022 đến nay, Sơn La phát hiện 28.209 ca mắc COVID-19; trong đó có 10.029 ca khỏi bệnh, 6 ca tử vong. Hiện toàn tỉnh có 14.508 người đang theo dõi, cách ly tại cơ sở y tế, cách ly tập trung, cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe cộng đồng.
Thời điểm này, dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp, số ca mắc cộng đồng tăng nhanh nên nhu cầu mua các thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch của người dân trên địa bàn tỉnh Sơn La cao, nhất là các loại kit test nhanh xét nghiệm COVID-19.
Khảo sát tại một số hiệu thuốc, đa phần khách hàng đều đến để tìm mua các bộ kit có xuất xứ từ Hàn Quốc, tuy nhiên lượng hàng này đang khan hiếm, một số nhà thuốc đã bắt đầu tăng giá bán, nhất là với loại kit test bằng dịch họng (hầu) và dịch mũi, giá tăng trung bình từ 10.000-30.000 đồng/bộ. Nhiều cửa hàng khác cho biết không có kit test nhanh COVID-19 để bán và đang trong tình trạng đợi hàng về.
Ông Trần Trọng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế Sơn La cho biết: Sở đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế và các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm việc kinh doanh kit test nhanh xét nghiệm COVID-19 theo đúng các quy định của pháp luật. Lực lượng thanh tra Sở y tế đang tăng cường kiểm tra việc kinh doanh tất cả các thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm trong phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở kinh doanh thuốc, các cơ sở quản lý, điều trị COVID-19 trên địa bàn; đặc biệt là kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, giá bán các loại khẩu trang y tế, thuốc điều trị, kit test nhanh xét nghiệm COVID-19.
Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, việc xét nghiệm COVID-19 chỉ thực hiện khi có một trong các triệu chứng như sốt, ho, mệt mỏi hoặc khó thở; người không có triệu chứng nhưng tiếp xúc gần với người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 hoặc bị nghi ngờ có nhiễm bệnh; người tham gia vào các hoạt động làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 và không ở cách xa những người khác ít nhất 2m như đi du lịch, tụ tập đông người hoặc trong nhà đông đúc.
Vì thế, người dân cần nắm rõ các quy định để sử dụng kit test nhanh hợp lý, tránh gây lãng phí, tốn kém. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa việc thanh tra, kiểm tra thị trường các loại khẩu trang y tế, thuốc điều trị COVID-19, kit test nhanh xét nghiệm COVID-19; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá, góp phần bình ổn thị trường, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Trẻ khỏi COVID-19, cần những giấy tờ gì để đến trường trở lại?
Tại buổi họp định kỳ về phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP HCM chiều ngày 28/2, liên quan đến tình trạng F0 tại cơ sở giáo dục gia tăng, theo ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng Phòng công tác Chính trị và Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, các trường học cần chuyển đổi linh hoạt giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến. Do đó, các cơ sở giáo dục cần duy trì song song hai hình thức học tập để đảm bảo yêu cầu chuyên môn.
Đối với những lớp có 2 ca F0 trở lên, Sở Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn cơ sở giáo dục phối hợp ngành y tế địa phương đánh giá yếu tố dịch tễ. Từ kết quả đánh giá, nhà trường sẽ cân nhắc chuyển đổi hình thức học tập phù hợp. Đối với trường học có 2 lớp ghi nhận 2 ca F0 trở lên, ngành y tế, ngành giáo dục cũng tiếp tục căn cứ yếu tố dịch tễ để quyết định hình thức học tập tiếp theo.
Giải đáp thắc mắc của nhiều phụ huynh về việc sau điều trị, trẻ cần những giấy tờ gì để quay lại trường học, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM cho biết, đối với các em phải nhập viện, khi xuất viện sẽ có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính. Còn các trẻ điều trị tại nhà, phụ huynh cần báo ngay cho trạm y tế địa phương để thực hiện xét nghiệm vào ngày 5 và ngày 7, cấp giấy xác nhận sau thời gian cách ly hoặc điều trị. Đó là những điều kiện để các em quay lại trường.
Hiện TP.HCM đang điều trị 3.557 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó có 306 trẻ em dưới 16 tuổi, 47 bệnh nhân nặng đang thở máy, 7 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 27-2, có 477 bệnh nhân nhập viện, 215 bệnh nhân xuất viện, 2 ca tử vong (gồm 1 ca từ tỉnh khác chuyển đến).
Không phải ai là F0 cũng cần sử dụng gói thuốc kháng virus Molnupiravir
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết: Tính từ 16 giờ ngày 27/2 đến 16 giờ ngày 28/2, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 94.385 ca mắc mới, trong đó 9 ca nhập cảnh; 94.376 ca ghi nhận trong nước (tăng 7.410 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 66.227 ca trong cộng đồng).
Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 74.773 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 3.443.485 ca mắc, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 34.859 ca mắc).
Trong ngày 28/2, cả nước có 27.039 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 2.438.951 trường hợp. Hiện có 3.473 bệnh nhân nặng đang điều trị. Từ 17 giờ 30 phút ngày 27/2 đến 17 giờ 30 phút ngày 28/2, nước ta ghi nhận 108 ca tử vong. Tính đến nay, Việt Nam có tổng số 40.252 ca tử vong do COVID-19, chiếm 1,2% so với tổng số ca mắc.
Theo nhận định của Bộ Y tế, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại các địa phương trên toàn quốc. Số trường hợp mắc COVID-19 tăng cao đặc biệt trong thời gian từ sau Tết Nguyên đán, phần lớn số ca mắc thường không có triệu chứng lâm sàng hoặc có triệu chứng nhẹ nên được thực hiện việc quản lý, cách ly, theo dõi tại nhà, nơi lưu trú.
Để tăng cường quản lý chất thải phát sinh từ các trường hợp F0 đang quản lý tại nhà, Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp tăng cường vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo kịp thời và an toàn phòng, chống dịch.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp UBND cấp tỉnh kiểm tra việc vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch COVID-19 theo thẩm quyền, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành và đơn vị liên quan tại địa phương thực hiện quản lý chất thải phát sinh đối với các trường hợp F0 đang quản lý tại nhà.
Hà Nội ngày 28/2 ghi nhận thêm 12.850 ca F0, trong đó có 4.265 ca tại cộng đồng; 8.585 ca đã cách ly. Trước tình trạng số F0 tăng nhanh, Sở Y tế Hà Nội vừa có công văn khẩn gửi 22 trung tâm y tế quận/huyện và 5 bệnh viện (Tâm thần, Thanh Nhàn, Phổi, Đống Đa, Hà Đông) phân bổ 401.000 viên Molnupiravir 200mg điều trị COVID-19. Sở Y tế đề nghị Bệnh viện đa khoa Đống Đa liên hệ với nhà cung ứng, làm thủ tục nhận thuốc Molnupiravir 200mg và có trách nhiệm bảo quản; cấp, phát cho các đơn vị tham gia Chương trình thử nghiệm theo phân bổ của Sở Y tế.
Trước đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội có Công điện chỉ đạo tăng cường việc cung cấp đảm bảo túi thuốc, gói thuốc C (có thuốc kháng virus) cho các bệnh nhân tại các tầng điều trị, đặc biệt là những người ở nhà để hạn chế người bệnh chuyển tầng điều trị.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn 36.000 liều Molnupiravir miễn phí. Ngày 28/2, Sở Y tế đã yêu cầu y tế địa phương cấp phát thuốc này cho những người đủ điều kiện sử dụng, không chỉ ưu tiên cho nhóm đối tượng nguy cơ.
Trước phản ánh nhiều người dân cho rằng khó mua thuốc Molnupiravir, theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Sở đã có văn bản đề xuất với Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng và kinh doanh thuốc Molnupiravir.
Thông tin về tình hình bán thuốc Molnupiravir tại các nhà thuốc, theo ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, thuốc đã có tại các nhà thuốc nhưng việc bán chưa phù hợp với Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Theo Điều 3 của Luật này, bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus và các bệnh truyền nhiễm có khả năng lan truyền nhanh nhưng chưa rõ tác nhân gây bệnh thì thuộc nhóm A. Theo đó, người mắc bệnh dịch thuộc nhóm này được khám và điều trị miễn phí.
Vì vậy, trong tình trạng hiện nay, ông Phạm Đức Hải đề nghị, các bệnh nhân mắc COVID-19 nên đến trạm y tế để khai báo, bởi có nhiều lợi ích như được quản lý, chăm sóc, theo dõi đúng theo quy định và không phải ai là F0 cũng cần sử dụng gói thuốc B hay thuốc C (thuốc kháng virus Molnupiravir). Trong thực tiễn, sau khi bác sỹ thăm khám có rất nhiều bệnh nhân không nhất thiết phải kê và sử dụng gói C. Ông Phạm Đức Hải cũng kiến nghị các nhà thuốc hãy chờ hướng dẫn đầy đủ của Bộ Y tế.
Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 437/QĐ-BYT sửa đổi, bổ sung một số điểm của “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19” ban hành kèm theo Quyết định 250/QĐ-BYT ngày 28/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Bộ Y tế sửa đổi một số nội dung cụ thể như: Nguyên tắc điều trị người bệnh COVID-19 và các thuốc kháng virus trong điều trị COVID-19.
Theo đó, bảng tổng hợp nguyên tắc điều trị người bệnh COVID-19 được bổ sung thêm nội dung về thuốc Molnupiravir. Cụ thể, người bệnh ở mức độ nhẹ, trung bình được bổ sung thêm thuốc kháng virus Molnupiravir. Các bệnh nhân không triệu chứng, nặng, nguy kịch vẫn giữ nguyên theo Quyết định 250/QĐ-BYT.
Bộ Y tế cũng bổ sung hướng dẫn sử dụng của 2 loại thuốc kháng virus trong điều trị COVID-19 là Remdesivir và Molnupiravir.
Đối với Remdesivir, chỉ định cho người bệnh nội trú, mức độ nhẹ và có ít nhất một yếu tố nguy cơ tiến triển nặng; mức độ trung bình và nặng, khởi phát bệnh chưa quá 10 ngày có suy hô hấp phải thở oxy, thở HFNC, thở máy không xâm nhập.
Đối với Molnupiravir, được chỉ định cho bệnh nhân COVID -19 người lớn từ 18 tuổi trở lên mức độ nhẹ đến trung bình và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.
Trần Đào - Phương Thảo - Nguyễn Phương
loading...