loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 8-3 đến 18h ngày 9-3, trên địa bàn thành phố ghi nhận 31.365 ca bệnh (giảm 1.285 ca so với ngày hôm qua.
Sơn La vượt 65.000 ca mắc COVID-19, cán bộ y tế làm việc xuyên đêm
Những nhân viên y tế cơ sở ở tỉnh miền núi Sơn La đã phát huy vai trò lực lượng tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh, góp phần đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới.
Trong quá trình xét nghiệm phục vụ công tác giám sát dịch COVID-19 trên địa bàn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Sơn La ghi nhận thêm 4.891 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 (trong đó có đến 3.223 F0 có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng cao).
Luỹ kế từ ngày 1/1/2022 đến nay, Sơn La phát hiện 65.737 ca mắc COVID-19; trong đó có 28.143 ca khỏi bệnh, 7 ca tử vong. Hiện toàn tỉnh có 36.771 người đang cách ly, điều trị tại nhà.
TP Sơn La là địa phương ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất toàn tỉnh với 14.777 bệnh nhân. Cường độ công việc cao, không ít cán bộ y tế làm việc xuyên ngày đêm và luôn đứng trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Bác sỹ Trần Thị Minh Nguyệt, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Chiềng An chia sẻ: Những ngày qua, thời gian làm việc của chúng tôi không tính theo giờ hành chính mà tùy vào diễn biến dịch bệnh trên địa bàn. Mỗi ngày, các cán bộ y tế tiếp nhận và tư vấn cho hàng trăm F0 điều trị tại nhà.
Còn ở Trạm Y tế phường Quyết Thắng, hàng ngày, các cán bộ, nhân viên cũng tất bật với việc tiếp nhận khai báo y tế, lấy mẫu test nhanh cho các trường hợp. Mỗi ngày, Trạm tiếp nhận khai báo y tế cho hàng trăm người, cao điểm có ngày lên đến 300 trường hợp. Mới đây, Trạm được tăng cường thêm 2 cán bộ của Trung tâm Y tế TP Sơn La và 5 sinh viên trường Cao đẳng Y tế Sơn La hỗ trợ công tác phòng chống dịch.
Đảm nhận công việc lấy mẫu cho các trường hợp nghi ngờ hoặc có yếu tố dịch tễ để phục vụ truy vết, khoanh vùng, khống chế ổ dịch, các cán bộ y tế làm việc từ 7 giờ sáng đến 12 giờ đêm và không có ngày nghỉ. Những trường hợp tuổi cao, nhân viên y tế phải đến tận nhà lấy mẫu và hướng dẫn theo dõi sức khoẻ.
"Từ khi triển khai điều trị F0 tại nhà, chúng tôi thực hiện đồng thời nhiều công việc: Khám, chữa bệnh thường xuyên cho người dân; thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng; quản lý, hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân F0 tại nhà... Nhiều hôm, chúng tôi làm việc từ 7 giờ sáng cho đến 2-3 giờ sáng ngày hôm sau", Bác sĩ Lò Thị Diện, Phó trưởng Trạm Y tế xã Chiềng Đen tâm sự.
Do số lượng các ca F0 tăng nhanh, lực lượng y tế mỏng, phải đồng thời triển khai nhiều nhiệm vụ, nhiều cán bộ y tế mắc COVID-19 nên Trung tâm Y tế TP Sơn La đã thành lập thêm các tổ tư vấn hỗ trợ về phòng và điều trị COVID-19 tổ tư vấn hỗ trợ về phòng và điều trị COVID-19 tại nhà.
Bên cạnh đó, Sở Y tế tỉnh Sơn La đã bổ sung các điểm cấp phát thuốc để cung ứng thuốc cho các Trạm y tế xã, Y tế lưu động cấp phát thuốc tại nhà cho người bệnh có chỉ định. Quy trình cấp phát được thực hiện theo chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát của Bộ Y tế…
Hà Nội phát hiện hơn 30.100 ca COVID-19 mới, 12.351 ca cộng đồng
Hà Nội ngày 10/3 ghi nhận 30.157 ca COVID-19, giảm hơn 1.200 ca so với hôm qua. Hiện có hơn 5.000 ca đang điều trị tại các bệnh viện, có 864 bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Đây là ngày thứ 2 liên tiếp số ca COVID-19 ở Hà Nội mỗi ngày được thông báo giảm. Kỷ lục cao nhất ở Hà Nội là 32.650 ca vừa thiết lập hôm 8/3.
Trong hơn 30.100 ca COVID-19 mới có 12.351 ca cộng đồng. Bệnh nhân phân bố tại 521 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoài Đức (1771); Thanh Trì (1681); Long Biên (1664); Nam Từ Liêm (1530).
Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 9/3, thành phố có gần 646.000 ca dương tính đang điều trị, theo dõi (giảm hơn 14.000 ca so với ngày 8/3).
Trong đó có hơn 640.000 người theo dõi cách ly tại nhà (chiếm 99%); gần 600 người cách ly tại cơ sở thu dung, điều trị của thành phố và của các quận, huyện, thị xã (giảm hơn 110 ca).
Có 4.651 người điều trị tại các bệnh viện tầng 2-3 của thành phố (giảm 200 ca) và 360 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Trong hơn 5.000 ca đang điều trị tại các bệnh viện, có hơn 3.300 ca ở mức độ trung bình (chiếm khoảng gần 70%), 864 ca nặng/nguy kịch (giảm khoảng 30 ca so với báo cáo thống kê hôm qua). Số bệnh nhân phải thở oxy mask/gọng kính, HFNC hay thở máy xâm lấn đều giảm so với trung bình 7 ngày trước.
Theo báo cáo của Sở Y tế, tổng hợp từ Trung tâm Y tế các quận,huyện, thị xã về CDC Hà Nội, sau hơn 1 năm triển khai tiêm vaccine COVID-19, đến nay Hà Nội đã tiêm được hơn 16,12 triệu mũi.
Cùng với gần 70.000 mũi nhắc lại được tiêm bởi các bệnh viện trung ương trên địa bàn Hà Nội, đến nay có hơn 3,75 triệu người ở Thủ đô đã tiêm mũi nhắc lại (đạt gần 80%). 243.800 mũi bổ sung đã được tiêm cho người dân từ 18 tuổi trở lên (đạt 99,9%).
Theo thống kê, khoảng 99,7% trẻ từ 12-17 tuổi đã được tiêm 2 mũi vaccine.
Số mắc COVID-19 là 160.676 ca, 3 tỉnh bổ sung hơn 57.000 F0
Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 10/3 của Bộ Y tế cho biết có 160.676 ca mắc COVID-19 mới, giảm gần 4.000 F0 so với hôm qua. Đây là lần đầu tiên số mắc mới trong ngày giảm so với ngày trước đó thay vì liên tiếp gia tăng như thời gian qua; Bình Định, Thanh Hoá và Vĩnh Phúc bổ sung hơn 57.000 F0.
Thông tin các ca mắc COVID-19 mới:
- Tính từ 16h ngày 09/3 đến 16h ngày 10/3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 160.676 ca nhiễm mới, trong đó 15 ca nhập cảnh và 160.661 ca ghi nhận trong nước (giảm 3.915 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 107.465 ca trong cộng đồng).
- Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (30.157), Nghệ An (11.141), Phú Thọ (5.891), Bình Dương (5.302), Sơn La (4.891), Hưng Yên (4.269), Hòa Bình (4.122), Cà Mau (3.914), Tuyên Quang (3.879), Lạng Sơn (3.872), Hải Dương (3.770), TP. Hồ Chí Minh (3.668), Nam Định (3.554), Hải Phòng (3.533), Quảng Trị (3.463), Lào Cai (3.229), Quảng Ninh (2.903), Bắc Giang (2.863), Đắk Lắk (2.814), Vĩnh Phúc (2.756), Thái Bình (2.722), Thái Nguyên (2.720), Quảng Bình (2.641), Ninh Bình (2.597), Hà Nam (2.427), Bình Phước (2.390), Bình Định (2.339), Điện Biên (2.265), Cao Bằng (2.245), Hà Giang (2.162), Lai Châu (2.151), Bắc Ninh (2.122), Yên Bái (2.049), Khánh Hòa (1.850), Đà Nẵng (1.824), Bến Tre (1.528), Lâm Đồng (1.467), Tây Ninh (1.427), Đắk Nông (1.337), Bắc Kạn (1.270), Thanh Hóa (1.105), Bà Rịa - Vũng Tàu (988), Bình Thuận (883), Hà Tĩnh (875), Vĩnh Long (860), Phú Yên (747), Quảng Ngãi (682), Trà Vinh (454), Đồng Nai (431), Thừa Thiên Huế (378), Kon Tum (371), Quảng Nam (326), Bạc Liêu (305), Long An (207), Cần Thơ (145), Kiên Giang (127), An Giang (88), Đồng Tháp (45), Sóc Trăng (45), Hậu Giang (34), Ninh Thuận (24), Tiền Giang (17).
- Ngày 10/3/2022, Sở Y tế Thanh Hoá đăng ký bổ sung 30.000 ca, Sở Y tế Vĩnh Phúc đăng ký bổ sung 21.182 ca và Sở Y tế Bình Định đăng ký bổ sung 6.601 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (-6.946), Gia Lai (-2.551), Hà Nội (-1.208).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (+1.309), Hồ Chí Minh (+1.205), Nghệ An (+845).
- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 147.780 ca/ngày.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 5.260.495 ca nhiễm, đứng thứ 20/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 130/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 53.253 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 5.252.942 ca, trong đó có 2.905.548 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (560.671), Hà Nội (521.523), Bình Dương (327.930), Bắc Ninh (205.710), Nghệ An (183.206).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 53.151 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.908.365 ca
2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.044 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 3.221 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 432 ca
- Thở máy không xâm lấn: 98 ca
- Thở máy xâm lấn: 290 ca
- ECMO: 3 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Từ 17h30 ngày 09/3 đến 17h30 ngày 10/3 ghi nhận 71 ca tử vong tại: Hà Nội (13), Bình Dương (4), Hòa Bình (4), Bình Định (3), Bình Thuận (3), Cà Mau (3), Đà Nẵng (3), Hà Nam (3), Hưng Yên (3), Khánh Hòa (3), Lạng Sơn (3), Thanh Hóa (3), Bắc Giang (2), Bình Phước (2), Gia Lai (2), Nam Định (2), Quảng Ngãi (2), Quảng Ninh (2), Thái Nguyên (2), TP. Hồ Chí Minh (2), An Giang (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bắc Ninh (1), Hậu Giang (1), Lào Cai (1), Quảng Bình (1), Quảng Trị (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 87 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 41.157 ca, chiếm tỷ lệ 0,8% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Tình hình xét nghiệm
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 35.075.303 mẫu tương đương 80.924.444 lượt người, tăng 153.308 mẫu so với ngày trước đó.
Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19
Trong ngày 09/3 có 244.960 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 198.904.850 liều, trong đó:
+ Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 181.862.922 liều: Mũi 1 là 70.884.517 liều; Mũi 2 là 67.736.215 liều; Mũi 3 là 1.492.598 liều; Mũi bổ sung là 14.365.201 liều; Mũi nhắc lại là 27.384.391 liều.
+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.041.928 liều: Mũi 1 là 8.746.907 liều; Mũi 2 là 8.295.021 liều.
Thanh Hóa ghi nhận 1.105 bệnh nhân mắc
Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa: Tính từ 16 giờ, ngày 9/3 đến 16 giờ, ngày 10/3, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 1.105 bệnh nhân mắc COVID-19 mới.
Cụ thể, Thành phố Thanh Hóa: 94; Nghi Sơn: 79; Thường Xuân: 76; Quảng Xương 73; Nông Cống; 69; Cẩm Thủy: 66; Hậu Lộc: 63; Hoằng Hóa: 61; Ngọc Lặc: 61; Triệu Sơn: 59; Lang Chánh: 59; Vĩnh Lộc: 57; Sầm Sơn: 57; Yên Định: 46; Thiệu Hóa: 39; Như Thanh: 37; Bỉm Sơn: 35; Nga Sơn: 31; Đông Sơn: 22; Thọ Xuân: 13; Thạch Thành 7; Bá Thước 1.
Tính từ ngày 27-4-2021 đến nay, Thanh Hoá ghi nhận 83.952 bệnh nhân COVID-19 cộng dồn (Trong ngày bổ sung 30.000 ca bệnh sau khi rà soát, xác minh); 79.096 người điều trị khỏi được ra viện; 67 bệnh nhân tử vong.
Công tác tiêm chủng Vắc xin phòng Covid-19: Toàn tỉnh đã tiếp nhận 6.510.978 liều vắc xin phòng COVID-19, đã và đang triển khai 22 đợt tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 với kết quả cụ thể như sau: Có 2.390.247/2.393.453 người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 1, đạt tỷ lệ 99,8%. Có 2.360.422/2.393.453 người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ mũi, đạt tỷ lệ 98,6%; Có 283.435/285.497 trẻ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm mũi 1, đạt tỷ lệ 99,3%; Có 281.516/285.226 trẻ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm đủ mũi, đạt tỷ lệ 98,6%; Đã có 410.785 người tiêm mũi bổ sung và 527.374 người tiêm mũi nhắc lại.
Mỗi người dân hãy theo dõi chặt chẽ thông tin từ ban chỉ đạo phòng chống dịch của địa phương mình, tiếp tục nâng cao hơn nữa ý thức phòng chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K của Bộ Y tế để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
TP.HCM sẽ cấp giấy hoàn thành cách ly trực tuyến cho F0
Sở Y tế TP.HCM cho biết, để giảm thủ tục hành chính trong việc cấp giấy xác nhận hoàn thành cách ly đối với F0, đơn vị sẽ triển khai thêm tính năng cấp giấy hoàn thành cách ly trên hệ thống quản lý bệnh nhân COVID-19.
Theo đó, người dân không cần phải đến trạm y tế địa phương xin giấy xác nhận hoàn thành cách ly hoặc có thể chủ động khai báo thông tin tại đường link https://tracuuf0.medinet.org.vn/khaibao.htm nếu có kết quả test nhanh mắc COVID-19.
Sau đó, trạm y tế sẽ đánh giá tình trạng F0 bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa và tiếp nhận F0 trên nền tảng quản lý COVID-19.
Trong thời gian cách ly điều trị tại nhà, trạm y tế quản lý và chăm sóc, theo dõi F0 trên hệ thống theo quy định.
Khi đã hoàn thành cách ly tại nhà/nơi lưu trú, trạm y tế sẽ cấp giấy xác nhận bản giấy hoặc gửi bản điện tử qua email mà người dân đã khai báo.
Trước mắt, TP.HCM sẽ chọn quận, huyện để thí điểm việc xác nhận qua trực tuyến, sau đó đánh giá, rút kinh nghiệm và sau đó triển khai đại trà toàn thành phố.
Hiện TP.HCM đang quản lý hơn 93.000 F0, trong đó hơn 90% tổng số bệnh nhân được điều trị tại nhà.
Những ngày qua, tại các trạm y tế phường, xã trên địa bàn TP.HCM, nhiều người dân là F0 phải chen chúc, xếp hàng dài để chờ xét nghiệm, lấy giấy chứng nhận khỏi bệnh, hoàn thành cách ly. Điều này không những gây rắc rối, phiền hà mà còn tăng thêm nguy cơ lây nhiễm.
Số ca cộng đồng ở Quảng Bình vượt 2000 ca/ngày
Ngày 10/3, thông tin từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống COVID-19 tỉnh Quảng Bình được biết, tính từ 6h ngày 9/3 đến 6h ngày 10/3 địa phương này ghi nhận thêm 2.710 ca mắc COVID-19, trong đó có 2.260 ca được ghi nhận trong cộng đồng.
Theo đó, trong các ca mắc mới ghi nhận trong cộng đồng tại TP. Đồng Hới có 476 ca, huyện Quảng Ninh 259, huyện Lệ Thủy 367 ca, huyện Bố Trạch 452 ca, thị xã Ba Đồn 199, huyện Quảng Trạch 236 ca, huyện Tuyên Hóa 181 ca và 90 ca tại huyện Minh Hoá.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tỉnh Quảng Bình, đến ngày 8/3/2022, tổng số liều vaccine đã được Bộ Y tế cấp là 1.462.468 liều. Sở Y tế tỉnh này đã triển khai phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố và đã sử dụng 1.381.748 liều để tiêm cho các đối tượng quy định, đạt 94,4%.
Hiện số người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine là 536.554 người (đạt 99,0%), tiêm đủ 2 mũi là 515.730 người (đạt 95,2%), tiêm đủ 3 mũi có 240.614 người (đạt 44,4%). Người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm ít nhất 1 mũi có 211.549 người (đạt 99,7%), đã tiêm đủ 2 mũi 206.442 người (đạt 97,3%), tiêm đủ 03 mũi 98.119 người (đạt 46,2%). Trẻ em từ 12 - 17 tuổi đã tiêm ít nhất 01 mũi 77.728 em (đạt 97,7%), tiêm đủ 02 mũi 68.944 em (đạt 86,6%).
Trưởng ban Chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tỉnh Quảng Bình yêu cầu các địa phương trong thời gian tới ưu tiên công tác rà soát để không bỏ sót đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19. Thống kê nhu cầu vaccine trên địa bàn, báo cáo kịp thời cho Sở Y tế tổng hợp, chủ động đề xuất với Bộ Y tế xin cấp vaccine.
Ca mắc tăng liên tục, cấp độ dịch 'vàng, cam, đỏ' tăng theo
Theo Bộ Y tế, hiện nay, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch, được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế theo Hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định 218/QĐ-BYT để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP; Căn cứ kết quả đánh giá, các địa phương tổ chức thực hiện linh hoạt các biện pháp đáp ứng phù hợp, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên địa bàn.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, số ca mắc mới COVID-19 có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong thời gian gần đây. Tính từ 16h ngày 08/3 đến 16h ngày 09/3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 164.596 ca mắc COVID-19 mới tăng 2.161 ca so với ngày trước đó.
Cũng theo thông tin của Bộ Y tế, trung bình số ca mắc COVID-19 mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 141.797 ca/ngày.
Ca bệnh tăng nhanh, theo đó, cấp độ dịch trên quy mô xã, phường tại nhiều địa phương đã có sự thay đổi. Cập nhật đánh giá cấp độ dịch COVID-19 tại địa phương theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ trên Cổng thông tin Bộ Y tế đến ngày 9/3 cho thấy cả cả nước hiện có 4.707 số xã, phường thuộc 'vùng xanh', chiếm 44,4% trong tổng số xã, phường đánh giá; 2.645 xã, phường thuộc 'vùng vàng', chiếm 24.9%; số xã, phường thuộc 'vùng cam' là 2.864 chiếm khoảng 27.0%; số xã, phường thuộc 'vùng đỏ' là 369 chiếm khoảng 3.5%.
Những con số này cho thấy số xã, phường thuộc cấp độ dịch 1- tương đương 'vùng xanh' vẫn chiếm nhiều nhất, tuy nhiên so với khoảng 2 tuần trước thì tỷ lệ xã, phường thuộc 'vùng xanh' trên cả nước đã giảm xuống còn dưới 50%; số xã, phường thuộc cấp độ dịch 2,3 và 4 tương đương 'vùng vàng', 'vùng cam' và 'vùng đỏ' có tỷ lệ gia tăng... Tổng cộng 3 vùng này chiếm khoảng hơn 55% tổng số xã, phường đánh giá.
Tại Hà Nội, địa phương liên tục thời gian qua dẫn đầu cả nước về số ca mắc COVID-19, đánh giá cấp độ dịch COVID-19 mới nhất cập nhật đến 9h ngày 4/3 của thành phố cho thấy, ở quy mô xã, phường, thị trấn, Hà Nội đã có 326 xã phường ở cấp độ 3 (tăng gấp khoảng 4,5 lần so với đánh giá được thông báo ngày 26/2); số xã phường 'vùng xanh' (cấp độ 1) giảm còn 66; 187 xã phường cấp độ 2; chưa có xã phường nào cấp độ 4.
Theo hướng dẫn tạm thời mới nhất của Bộ Y tế về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết 128, các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch COVID-19 gồm:
Tiêu chí 1: Tỷ lệ ca mắc mới trên địa bàn/số dân/thời gian.
Tiêu chí 2: Độ bao phủ vaccine.
Tiêu chí 3: Đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.
Về cách xác định các tiêu chí, Bộ Y tế cho biết theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có 2 nhóm để xác định cấp độ dịch gồm có: Nhóm chỉ số về mức độ lây nhiễm và Nhóm chỉ số về khả năng đáp ứng.
Linh hoạt, chủ động các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 16 giờ ngày 8/3 đến 16 giờ ngày 9/3, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 164.596 ca mắc mới, trong đó 20 ca nhập cảnh; 164.576 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.161 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 106.573 ca trong cộng đồng).
Ngày 9/3, Sở Y tế Nghệ An đăng ký bổ sung 45.896 ca; Sở Y tế Bắc Giang đăng ký bổ sung 30.353 ca và Sở Y tế Quảng Ninh đăng ký bổ sung 24.318 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.
Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 5.042.036 ca mắc, trong đó có 2.855.214 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh; 3.878 bệnh nhân nặng đang điều trị; 41.086 ca tử vong.
Tính đến ngày 8/3, tổng số đã có 198.647.028 liều vaccine đã được tiêm.
Ra mắt bộ sổ tay chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà
Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam vừa cho ra mắt bộ 3 sổ tay chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà, gồm: "Sổ tay chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà", "Sổ tay sử dụng thuốc an toàn tại nhà" (cập nhật sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir), "Sổ tay chăm sóc sức khỏe thai phụ trong dịch COVID-19".
Bộ tài liệu được phát hành rộng rãi dưới dạng file ảnh và file sách điện tử, có thể tải về tại địa chỉ: https://bit.ly/3vPXNxG hoặc trên facebook page và website của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam. Bộ sổ tay được trình bày đơn giản, dễ hiểu, khoa học, với nhiều hình ảnh trực quan, gần gũi, nội dung ngắn gọn nhưng đầy đủ, ngoài ra còn cung cấp nhiều tiện ích như hệ thống bảng theo dõi, bảng vi chất đã được đo lường khoa học, chi tiết, kèm theo hệ tham chiếu tính theo các đơn vị tương ứng, tác dụng cụ thể…
Đây là kết quả của sự nghiên cứu, đúc kết từ thực tiễn chăm sóc hơn 40% số bệnh nhân F0 cả nước, được chỉ định điều trị tại nhà.
Triển khai đợt cao điểm chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao
UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản khẩn gửi Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Ðức, Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn về việc triển khai đợt cao điểm chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao.
Trước đó, ngày 18/2, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã phát động “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ năm 2022”. Việc mở đợt cao điểm của chiến dịch hướng đến những người thuộc nhóm nguy cơ cao tại thời điểm này rất cần thiết nhằm giảm số trường hợp mắc COVID-19 nặng. góp phần giảm tử vong.
Theo đề nghị của Sở Y tế, thời gian đợt cao điểm kéo dài đến ngày 31/3/2022, đối tượng là người trên 65 tuổi, có bệnh nền. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 phường, xã, thị trấn tổ chức triển khai "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để cập nhật danh sách người thuộc nhóm nguy cơ cao (trên 65 tuổi có kèm bệnh nền). Hoạt động này hoàn thành trước ngày 15/3.
Các địa phương tăng cường tuyên truyền, thuyết phục và phấn đấu tiêm vaccine cho tất cả người thuộc nhóm nguy cơ cao nhưng chưa được tiêm. Thời gian hoàn thành tiêm vaccine cho người thuộc nhóm nguy cơ cao trước ngày 29/3.
F0,F1 được tham gia làm việc trên tinh thần tự nguyện
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa vừa ký văn bản quy định tạm thời các trường hợp F0, F1 đang trong thời gian cách ly được tham gia làm việc để thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch trong trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Quy định trên áp dụng với các trường hợp F0 (không triệu chứng), F1 là người lao động làm việc trong cơ quan nhà nước và công ty, doanh nghiệp đang trong thời gian cách ly, điều trị.
Cụ thể, các trường hợp F0 (không triệu chứng), F1 là cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động trong tổ chức, cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn tỉnh được đến cơ quan làm việc để thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của cơ quan, đơn vị trên tinh thần tự nguyện và phải có sự đồng ý của thủ trưởng hoặc cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, nếu không bổ sung kịp thời sẽ không hoàn thành các hợp đồng giao hàng cho đối tác đúng thời gian quy định... được phép sử dụng lao động của công ty đang là F0 (không triệu chứng), F1 đang trong thời gian cách ly để làm việc.
Việc sử dụng lực lượng lao động này phải dựa trên tinh thần tự nguyện của người lao động, được sự đồng ý của chủ doanh nghiệp và theo hướng dẫn của Trung tâm Y tế cấp huyện hoặc cấp xã (khi được Trung tâm Y tế cấp huyện phân công).
Các cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp có thể xem xét ưu tiên bố trí cho các trường hợp này thực hiện các công việc trực tuyến. Trường hợp không làm việc trực tuyến được sẽ được bố trí làm việc trực tiếp tại nơi làm việc, đảm bảo không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh.
Chủ động, quản lý rủi ro phòng, chống dịch trong tình hình mới
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ vừa ban hành văn bản triển khai các biện pháp chủ động, quản lý rủi ro phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Theo đó, các địa phương tiếp tục rà soát, phê duyệt danh sách những người thuộc nhóm nguy cơ cao với COVID-19; xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể để quản lý, chăm sóc và tổ chức tiêm vét, tiêm mũi 3 cho tất cả đối tượng chưa tiêm, trừ trường hợp chỉ định không tiêm theo quy định.
Các địa phương kiện toàn Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, Tổ chăm sóc người mắc COVID-19 ở khu dân cư. Mỗi xã bố trí tối thiểu hai số điện thoại đường dây nóng của Trung tâm Chỉ huy cấp xã, thường trực 24/7 để tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ giải quyết thắc mắc của người dân, của F0 về vấn đề không liên quan đến sức khỏe và hai số điện thoại đường dây nóng của cán bộ y tế, thường trực 24/7 để tiếp nhận, tư vấn, theo dõi, hỗ trợ F0 về các vấn đề sức khỏe trong quá trình điều trị COVID-19 tại nhà.
Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hệ thống ứng dụng quản lý F0, F1 điều trị, cách ly tại nhà, nơi cư trú; huy động lực lượng y tế tư nhân tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch tại cơ sở; gắn liền hoạt động của các phòng khám/nhà thuốc/quầy thuốc với công tác xét nghiệm, theo dõi, quản lý, chăm sóc F0 tại khu dân cư. Tỉnh yêu cầu các địa phương hoàn thành mục tiêu tiêm chủng mũi 3 cho người trên 18 tuổi trong tháng 3/2022; chuẩn bị chu đáo điều kiện cần thiết để triển khai tiêm cho nhóm trẻ từ 5-11 tuổi theo hướng dẫn.
Trước số ca mắc tăng cao mỗi ngày, để giảm tải cho y tế cơ sở và giảm nguy cơ lây nhiễm khi tập trung đông người tại các Trạm Y tế, Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh đề nghị các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các xã, phường, thị trấn trên địa bàn phối hợp triển khai và khuyến khích người dân tự làm test nhanh kháng nguyên SARS-COV-2. Đồng thời, cử lực lượng phối hợp với trạm y tế giải quyết các thủ tục hành chính cho bệnh nhân F0. Các địa phương bố trí nhiều địa điểm như nhà văn hóa, trường học để người dân ra khai báo, nhận quyết định hết cách ly đảm bảo đủ điều giãn cách, hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng. ..
Các địa phương tiếp tục cập nhật danh sách trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn gửi về Sở Y tế để tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhóm tuổi này ngay sau khi có hướng dẫn và phân bổ vaccine của Bộ Y tế; phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong công tác tiêm chủng để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu bao phủ tối đa tỷ lệ tiêm vaccine trong quý I/2022, góp phần kiểm soát dịch COVID-19…
Quan tâm hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động khó khăn do dịch bệnh
Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông, đến cuối tháng 2/2022, UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ hơn 110.000 đối tượng, với tổng kinh phí hơn 136 tỷ đồng. Trong số hơn 110.000 người trên, số lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) được nhận hỗ trợ nhiều nhất 27.331 đối tượng (tăng 84% so với dự kiến), với tổng số tiền gần 41 tỷ đồng. Tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ cho gần 2.500 hộ kinh doanh, với số tiền hơn 7,3 tỷ đồng; hỗ trợ cho hơn 24.000 đối tượng là người điều trị COVID-19 (F0) và cách ly y tế (F1) với số tiền hơn 24 tỷ đồng. Bảo hiểm Xã hội tỉnh hỗ trợ giảm mức đóng cho gần 12.000 đối tượng với số tiền hơn 2 tỷ đồng…
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đang tiếp tục hướng dẫn hồ sơ, thủ tục đến các đơn vị, doanh nghiệp để bảo đảm thực hiện chính sách hoàn thành đến ngày 30/6/2022.
Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Nghệ An đã thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho 7.624 đơn vị, tương ứng 182.610 lao động với số tiền 40,447 tỷ đồng; chi trả chính sách hỗ trợ cho 194.665 người lao động 468,042 tỷ đồng.
Dịch COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập của người lao động trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, cùng với các giải pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm cho lao động bị ảnh hưởng, tỉnh Nghệ An đang tập trung các giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ.
Trần Đào - Phương Thảo - Nguyễn Phương (T/h)
loading...