Dịch Covid-19: Indonesia bắt đầu tiêm vaccine liều 3 cho các nhân viên y tế
(Thethaovanhoa.vn) - Indonesia bắt đầu tiêm nhắc lại vaccine ngừa Covid-19 mũi thứ 3 cho các nhân viên y tế bằng vaccine của công ty dược Moderna (Mỹ).
Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn lời Bộ trưởng Y tế Indonesia, Budi Gunadi Sadikin cho biết chương trình được tiến hành thử nghiệm với 50 giáo sư Khoa Y thuộc Đại học Indonesia (FKUI) và một số bác sĩ Bệnh viện đa khoa trung ương Cipto Mangunkusumo ở thủ đô Jakarta. Trong một tuyên bố bằng văn bản, Bộ trưởng Budi cho hay nếu thử nghiệm thành công, chương trình tiêm nhắc lại cho các nhân viên y tế sẽ được triển khai tại tất cả các tỉnh thành trên cả nước.
Ông Budi hy vọng rằng việc tiêm vaccine mũi thứ 3 có thể giúp tăng cường bảo vệ và giúp các nhân viên y tế an tâm hơn trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân COVID-19. Ông cho rằng chương trình này sẽ dễ triển khai hơn do đối tượng tiếp nhận vaccine đều làm việc tại các cơ sở y tế và Indonesia có thể hoàn tất tiêm chủng cho 1,5 triệu nhân viên y tế.
Giáo sư Aman Bhakti Pulungan, thuộc FKUI và là Tổng Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ nhi khoa Indonesia (IDAI), lạc quan rằng việc tiêm nhắc lại bằng vaccine của Moderna sẽ tăng khả năng miễn dịch cho đội ngũ nhân viên y tế.
Trước đó hôm 9/7, Bộ trưởng Sadikin thông báo rằng vaccine phòng COVID-19 của Moderna đã được lựa chọn để tiêm mũi thứ 3 cho các nhân viên y tế sau các cuộc thảo luận với Nhóm tư vấn kỹ thuật tiêm chủng (ITAGI) và Cơ quan Giám sát thực phẩm và dược phẩm (BPOM). Kế hoạch này cũng đã được Bộ trưởng Điều phối kinh tế Airlangga Hartarto - người đang giữ chức Chủ tịch Ủy ban đối phó dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế quốc gia - phê duyệt.
Indonesia đang tiến hành chương trình tiêm chủng quốc gia vaccine ngừa COVID-19 trong đó chủ yếu dựa vào vaccine của công ty Sinovac (Trung Quốc). Mới đây, hơn 350 nhân viên y tế ở huyện Kudus thuộc tỉnh Trung Java của Indonesia được xác nhận mắc COVID-19, trong đó hàng chục người phải nhập viện, dù đã tiêm vaccine của Sinovac.
Hôm 27/6, truyền thông quốc tế dẫn nguồn từ một hiệp hội y khoa Indonesia cho biết chỉ trong tháng 6 đã có 26 bác sĩ tử vong vì COVID-19, trong đó ít nhất 10 người được tiêm đầy đủ hai liều vaccine của Sinovac.
Cùng ngày 16/7, Thứ trưởng Bộ Doanh nghiệp nhà nước Indonesia, Pahala Nugraha Mansury thông báo quốc gia này đã tiếp nhận lô vaccine phòng COVID-19 thứ 4 của công ty Sinopharm (Trung Quốc) với tổng cộng 1.408.000 liều dùng cho chương trình tiêm chủng Gotong Royong (Hợp tác Cùng nhau) do các công ty tư nhân tài trợ.
Theo ông Pahala, cho đến nay, Indonesia đã tiếp nhận tổng cộng 4,316 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của Sinopharm. Dự kiến, quốc gia này sẽ tiếp tục nhận 1,184 triệu liều vào ngày 19/7 và 2 triệu liều trong tuần cuối tháng 7, nâng tổng số vaccine phòng COVID-19 của Sinopharm mà Indonesia sở hữu lên 6 triệu liều.
- Indonesia ghi nhận ca mắc Covid-19 cao nhất từ trước tới nay
- Dịch Covid-19: Indonesia công bố nghiên cứu vaccine của hãng Sinovac đạt hiệu quả 94%
- Indonesia ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao kỷ lục
Các lô hàng nói trên nằm trong hợp đồng mua 15 triệu liều vaccine được công ty dược phẩm quốc doanh Kimia Farma ký với hãng Sinopharm phục vụ cho chương trình Gotong Royong.
Trong một diễn biến khác, ngày 16/7, Bộ trưởng Điều phối phát triển con người và văn hóa Indonesia, Muhadjir Effendy cho biết lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp sẽ được kéo dài đến cuối tháng 7.
Bộ trưởng Muhadjir cho hay việc gia hạn PPKM khẩn cấp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 đã được Tổng thống Joko Widodo quyết định trong cuộc họp nội các mới đây. Theo ông, mặc dù chưa được chính phủ thông báo, nhưng trên thực tế Indonesia đang phải đối mặt với “tình trạng khẩn cấp” và đối phó với một “kẻ thù vô hình” trong “cuộc chiến bất cân xứng”.
Trước đó, Chính phủ Indonesia đã quyết định triển khai PPKM khẩn cấp tại 2 hòn đảo Java và Bali đông dân trong khoảng thời gian từ ngày 3-20/7 và mở rộng sang 15 khu vực khác từ ngày 12/7 nhằm ứng phó với sự gia tăng đột biến các ca mắc COVID-19.
Tại khu vực Đông Nam Á, diễn biến dịch bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành một trong những ổ dịch nóng của khu vực. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh suốt mấy tuần vừa qua. Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 6.194 và 190 ca tử vong COVID-19. Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. |
Hữu Chiến/TTXVN