Dịch Covid-19 ngày 9/1: Hải Phòng vượt 15.000 ca mắc, huy động xe tham gia cấp cứu F0
(Thethaovanhoa.vn) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Xem thêm các thông tin về dịch bệnh Covid-19 TẠI ĐÂY
Hải Phòng vượt 15.000 ca mắc COVID-19, huy động xe tham gia cấp cứu F0
Trước việc số ca mắc COVID-19 trên địa bàn ngày một tăng, Hải Phòng đã tạm dừng một số hoạt động dịch vụ và kêu gọi, huy động phương tiện tham gia cấp cứu bệnh nhân là F0.
Theo ngành y tế Hải Phòng, hôm nay (9/1), toàn thành phố đã ghi nhận thêm 842 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc lên 15.491 F0.
Cụ thể, tại 14/15 quận, huyện của thành phố Hải Phòng hôm nay có 842 F0, trong đó 131 trường hợp F1, 1 trường hợp là thuyền viên lấy mẫu tại thuyền, 574 trường hợp tự đi làm xét nghiệm, còn lại là các trường hợp test nhanh dương tính và trường hợp sàng lọc tại công ty thuộc các khu công nghiệp của An Dương và Thủy Nguyên.
Cũng trong hôm nay, Hải Phòng ghi nhận thêm 2 F0 tử vong, nâng số ca tử vong lên 21 trường hợp. Số F0 diễn biến nặng là 48 ca, hồi phục xuất viện 6.815 ca.
Trước diễn biến số ca F0 tiếp tục tăng và thành phố lên cấp độ dịch 4, thành phố Hải Phòng đã cho dừng hoạt động nhiều tuyến vận tải khách nội tỉnh, liên tỉnh.
Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng cũng gửi văn bản đến cơ quan, đơn vị liên quan đề nghị đáp ứng phương tiện, lái xe, thực hiện phương án nâng cao năng lực vận chuyển cấp cứu người bệnh COVID-19 theo từng cấp độ trên địa bàn thành phố.
Cụ thể: Đối với mức độ 500 F0/100.000 dân, sẽ huy động và sử dụng là 16 xe khách từ 4 đến 7 chỗ, dự phòng 1 xe 27 chỗ dùng cho những ổ dịch lớn; mỗi xe cần tối thiểu 2-3 lái xe.
Mức độ 1.000 F0 /100.000 dân, huy động và sử dụng 25 xe khách từ 4 đến 7 chỗ, dự phòng 1 xe 27 chỗ dùng cho những ổ dịch lớn, mỗi xe cần tối thiểu 2 đến 3 lái xe.
Đối với mức độ 3.000 F0/100.000 dân, huy động và sử dụng 60 xe khách từ 4 đến 7 chỗ, dự phòng 1 xe 27 chỗ dùng cho những ổ dịch lớn, mỗi xe cần tối thiểu 2 đến 3 lái xe.
Sở GTVT đề nghị các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn thành phố nếu đáp ứng được các tiêu chí nêu trên thì xây dựng dự toán kinh phí thuê phương tiện theo đơn giá tính gồm kinh phí thuê lái xe và các chi phí phát sinh khác gửi về Sở GTVT trước ngày 12/1/2022 để tổng hợp báo cáo UBND thành phố.
Hà Nội tiến sát mốc 3.000 ca/ngày, 93% F0 thuộc tầng 1
Hà Nội vừa phát hiện thêm 2.811 ca COVID-19 mới. Hiện có hơn 40.000 F0 đang điều trị tại nhà hoặc các cơ sở tầng 1, chiếm gần 93% tổng F0 đang điều trị trên toàn thành phố.
Bản tin COVID-19 TP Hà Nội phát đi tối 9/1 cho thấy trong 24 giờ qua TP ghi nhận 2.811 ca bệnh, phân bố tại 405 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Đây là ngày ghi nhận số ca mắc nhiều nhất từ trước tới nay ở Hà Nội.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đống Đa (136); Hai Bà Trưng (123); Bắc Từ Liêm (112); Ba Đình (105); Hà Đông (102)...
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 70.958 ca.
Trong gần 1 tháng nay, Hà Nội chủ yếu phát hiện ca dương tính qua test nhanh. Lượng F0 phát hiện qua test RT-PCR từ 500-700 ca/ngày. Tính từ ngày 15/12/2021 đến nay, đã có 28.316 trường hợp dương tính được xác định bằng test nhanh kháng nguyên tại 30 quận, huyện, thị xã.
Tới hết ngày 8/1, toàn thành phố có gần 44.000 F0 đang được điều trị. Trong đó có tới gần 34.000 F0 điều trị tại nhà và gần 7.000 F0 điều trị tại cơ sở thu dung của Hà Nội và quận/huyện. Như vậy, có gần 93% F0 ở Hà Nội thuộc tầng 1.
Ngoài ra, các bệnh viện của Hà Nội đang điều trị gần 2.900 bệnh nhân, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội điều trị hơn 330 bệnh nhân của Hà Nội.
Có 15.779 ca mắc COVID-19, Hà Nội vượt mốc 2.800 ca
Bản tin dịch COVID-19 ngày 9/1 của Bộ Y tế cho biết có 15.779 ca mắc COVID-19 tại 60 tỉnh, thành phố; Hà Nội vẫn tiếp tục nhiều nhất vượt mốc 2.800 ca; Trong ngày có hơn 12.200 ca khỏi; 202 trường hợp tử vong.
Thông tin các ca mắc COVID-19 mới:
- Tính từ 16h ngày 08/01 đến 16h ngày 09/01, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 15.779 ca nhiễm mới, trong đó 28 ca nhập cảnh và 15.751 ca ghi nhận trong nước (giảm 762 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 10.217 ca trong cộng đồng).
- Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (2.811), Hải Phòng (836), Khánh Hòa (790), Bình Phước (679), Bình Định (636), Cà Mau (615), Vĩnh Long (532), Hà Giang (492), Tây Ninh (475), TP. Hồ Chí Minh (472), Bến Tre (454), Đà Nẵng (433), Hưng Yên (410), Bắc Ninh (382), Quảng Ninh (315), Thanh Hóa (293), Bà Rịa - Vũng Tàu (285), Thừa Thiên Huế (255), Bạc Liêu (237), Lâm Đồng (228), Hậu Giang (195), Hải Dương (175), Quảng Ngãi (171), Vĩnh Phúc (170), Hòa Bình (169), Thái Nguyên (162), Nam Định (157), Cần Thơ (152), Ninh Bình (140), An Giang (140), Trà Vinh (138), Nghệ An (128), Đồng Tháp (127), Quảng Nam (126), Bắc Giang (126), Kiên Giang (120), Phú Thọ (118), Sóc Trăng (117), Bình Dương (117), Thái Bình (113), Điện Biên (105), Đắk Nông (103), Tiền Giang (97), Hà Nam (96), Đồng Nai (95), Bình Thuận (88), Quảng Bình (74), Yên Bái (73), Bắc Kạn (71), Quảng Trị (63), Hà Tĩnh (54), Lào Cai (47), Tuyên Quang (46), Ninh Thuận (41), Lai Châu (41), Sơn La (38), Phú Yên (34), Kon Tum (34), Long An (32), Cao Bằng (28).
- Ngày 09/01/2022, Sở Y tế Bình Phước đăng ký bổ sung 7.402 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin tại Bình Phước.
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Trà Vinh (-431), Gia Lai (-181), Tây Ninh (-112).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bến Tre (+169), Bà Rịa - Vũng Tàu (+92), Hải Phòng (+88).
- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 16.097 ca/ngày.
- Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 30 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP. Hồ Chí Minh (11), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.899.575 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 19.253 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.893.570 ca, trong đó có 1.497.431 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (507.810), Bình Dương (291.446), Đồng Nai (98.745), Tây Ninh (82.197), Hà Nội (67.776).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 12.210 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.500.248 ca
2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.970 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.257 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 861 ca
- Thở máy không xâm lấn: 136 ca
- Thở máy xâm lấn: 696 ca
- ECMO: 20 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Từ 17h30 ngày 08/01 đến 17h30 ngày 09/01 ghi nhận 202 ca tử vong tại:
+ Tại TP. Hồ Chí Minh (19) trong đó có 4 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Bến Tre (1), Đồng Nai (1), Tiền Giang (1), Vĩnh Long (1).
+ Tại các tỉnh, thành phố khác: An Giang (21), Long An (15), Đồng Tháp (14), Vĩnh Long (14), Kiên Giang (13), Sóc Trăng (11), Cần Thơ (11), Đồng Nai (10), Tiền Giang (10), Bình Dương (9), Bến Tre (9), Bà Rịa - Vũng Tàu (8 ), Tây Ninh (5), Hậu Giang (5), Cà Mau (4), Bình Định (4), Trà Vinh (3), Khánh Hoà (3), Bình Thuận (3), Bạc Liêu (3), Đắk Lắk (2), Bắc Ninh (1), Quảng Ninh (1), Huế (1), Gia Lai (1), Đà Nẵng (1), Lâm Đồng (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 213 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 34.319 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Tình hình xét nghiệm
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 31.001.250 mẫu tương đương 75.685.967 lượt người, tăng 81.829 mẫu so với ngày trước đó.
Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19
Trong ngày 08/01 có 865.962 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 160.033.187 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.247.751 liều, tiêm mũi 2 là 70.900.775 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc xin Abdala) là 10.884.661 liều.
TP.HCM phát hiện 5.437 F0 thuộc nhóm nguy cơ cao
Ngày 9/1, Sở Y tế TP HCM cho biết, trong một tháng qua, các quận, huyện đã lập danh sách quản lý được 639.972 người thuộc nhóm nguy cơ, trong đó, phát hiện 25.642 người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 (chiếm tỷ lệ 4%).
Trong 2 đợt xét nghiệm tầm soát, Sở Y tế đã phát hiện 5.437 người mắc COVID-19 (đợt 1 xét nghiệm được 597.701 người, đợt 2 xét nghiệm 570.014 người). Trạm y tế, Trạm y tế lưu động đã phân loại và đồng ý cho 4.670 F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà (86,4%), có 4.471 người được sử dụng ngay thuốc kháng virus; 767 F0 được chuyển đến cơ sở điều trị để được chăm sóc, điều trị (13,6%).
Tính đến ngày 8/1, hơn 18.000 người thuộc nhóm nguy cơ (70,2%) chưa tiêm chủng đã được thuyết phục và tiêm vaccine. Sở Y tế chỉ đạo các quận huyện đang tăng tốc tiêm vaccine, cố gắng đến ngày 20/1 sẽ vận động tiêm 100% cho những người thuộc nhóm nguy cơ.
Tất cả danh sách người F0 thuộc nhóm nguy cơ được chuyển đến mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" để tư vấn, thăm hỏi sức khỏe định kỳ, bao gồm chăm sóc cả các bệnh nền.
Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ được UBND TP HCM phát động ngày 7/12/2021, mục tiêu là tập trung nguồn lực bảo vệ sức khỏe cho người trên 65 tuổi và người có bệnh nền, hạn chế tỷ lệ mắc và tử vong do COVID-19.
Chiến dịch gồm 6 hành động, gồm: Rà soát người nguy cơ theo từng hộ gia đình; Xét nghiệm nhanh kháng nguyên 2 lần, cách nhau 3 ngày để tìm F0 ở nhóm này; Tăng cường truyền thông, bảo vệ nhóm nguy cơ; Tổ chức tiêm vaccine COVID-19 tại nhà; Cấp phát thuốc kháng virus cho F0; Chăm sóc sức khỏe từ xa.
Chủ động cung ứng đủ oxy cho y tế trong dịp Tết Nguyên đán
Lo ngại tình trạng thiếu oxy có thể tái diễn trong dịp Tết Nguyên đán, ảnh hưởng đến việc điều trị cho bệnh nhân COVID-19, Bộ trưởng Bộ Công Thuơng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Cục Hóa chất chịu tránh nhiệm chính trước Bộ Công Thương trong việc thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ về lĩnh vực sản xuất, cung ứng oxy cho y tế và tiếp tục tham mưu để lãnh đạo Bộ, Chính phủ, các bộ ngành chức năng có chủ trương, chính sách, giải pháp chỉ đạo phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay tại Việt Nam có 12 nhà máy sản xuất oxy thương phẩm trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam có thể cung cấp bình quân 1.150 tấn/ngày và tối đa khoảng 1.400 tấn/ngày (miền Bắc: 570 tấn/ngày; miền Trung: 98 tấn/ngày; miền Nam: 685 tấn/ngày). Tại khu vực phía nam, tổng lượng ôxy cung cấp đến các cơ sở y tế trong các ngày cao điểm là từ 380-400 tấn.
Ông Thanh nêu rõ: Trong điều kiện không bùng phát dịch bệnh, lượng ôxy sản xuất trong nước hoàn toàn đáp ứng nhu cầu trong nước và tham gia xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định, Bộ Y tế sẽ tăng cường, chủ động cung cấp số liệu nhu cầu oxy theo vùng miền, cũng như các tiêu chuẩn ôxy y tế theo quy định để các nhà sản xuất, đơn vị quản lý nắm bắt tình hình.
Các địa phương tăng cường biện pháp phòng, chống trước diễn biến dịch COVID-19 phức tạp
Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày 7/1 đến 16 giờ ngày 8/1, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 16.553 ca mắc mới, trong đó 40 ca nhập cảnh; 16.513 ca ghi nhận trong nước (tăng 259 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 12.055 ca trong cộng đồng).
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (2.791), Khánh Hòa (798), Hải Phòng (748), Bình Định (742), Bình Phước (718), Trà Vinh (575), Tây Ninh (587), Cà Mau (587)...
- WHO lý giải nguyên nhân khiến biến thể Omicron lây lan mạnh
- Biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn 105% so với biến thể Delta
- Các xét nghiệm nhanh có thể không phát hiện được ca nhiễm biến thể Omicron
Đến nay, tại Việt Nam đã ghi nhận 30 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Quảng Nam (14), Thành phố Hồ Chí Minh (11), Thanh Hóa (2), Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội (mỗi địa phương 1),
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.876.394 ca mắc; 1.488.038 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh; 34.117 ca tử vong.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.352 ca, trong đó: thở ô xy qua mặt nạ 4.581 ca; thở ô xy dòng cao HFNC 857 ca; thở máy không xâm lấn 134 ca; thở máy xâm lấn 760 ca; ECMO 20 ca.
Tính đến ngày 7/1 đã có 1.414.067 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 159.152.206 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.206.607 liều, tiêm mũi 2 là 70.770.669 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 10.174.930 liều.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) vừa có công văn khẩn gửi các địa phương về việc sử dụng vaccine AstraZeneca tiêm bổ sung cho người đã tiêm Vero Cell. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị các địa phương có thể sử dụng vaccine AstraZeneca, vaccine Vero Cell (Sinopharm) hoặc vaccine mRNA để tiêm liều bổ sung đối với các đối tượng đã tiêm liều cơ bản bằng vaccine Vero Cell (Sinopharm).
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế Thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này; chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.
Tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 7/1 đến 18 giờ ngày 8/1/2022, Hà Nội ghi nhận thêm 2.791 ca F0, tiếp tục cao nhất cả nước. Bệnh nhân phân bố tại 386 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.
Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản 122/SYT-QLHNYDTN đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Phòng Y tế tăng cường thanh kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh thuốc điều trị COVID-19, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật của các cơ sở bán lẻ thuốc, tập trung kiểm tra việc bán thuốc kháng virus Molnupiravir, Favipiravir…, xử lý nghiêm các cơ sở bán thuốc chưa có giấy phép lưu hành, không rõ nguồn gốc xuất xứ; trong trường hợp có dấu hiệu hình sự thì chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra xử lý theo quy định.
Cùng với việc thanh kiểm tra, các Phòng Y tế cấp quận, huyện đôn đốc các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh dược; giữ ổn định giá, đảm bảo số lượng thuốc, trang thiết bị, hóa chất sát khuẩn, khẩu trang, vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19; bán thuốc kê đơn theo đúng quy định. Các cơ sở cập nhật đủ số lượng, chủng loại thuốc vào phần mềm cơ sở dữ liệu dược quốc gia; không kinh doanh thuốc, trang thiết bị, hóa chất sát khuẩn, khẩu trang… không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc giả, thuốc đình chỉ lưu hành, thuốc không đảm bảo chất lượng, thuốc hết hạn sử dụng.
Tỉnh Quảng Ninh nhận định, dự kiến đến ngày 25/1 sẽ là đỉnh của đợt dịch COVID-19 lần này trên địa bàn với số ca nhiễm mỗi ngày khoảng 1.000 ca.
Tại buổi họp về phòng, chống dịch COVID-19 do Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức ngày 8/1, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh: Việc xây dựng Kế hoạch thu dung, điều trị cho các tình huống có thể xảy ra là rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Vì vậy, ngành Y tế và các địa phương phải nhanh chóng hoàn thiện lại Kế hoạch, trong đó phải bổ sung thêm phương án có trên 1.000 bệnh nhân mắc COVID-19/ngày trở lên.
Các địa phương phải chủ động tổ chức mua sắm các trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm hóa chất, thuốc… theo đúng phương án đã xây dựng, trước mắt là phương án có 1.000 ca mắc mới/ngày; xác định lại về khả năng số bệnh nhân có thể cách ly tại nhà; sẵn sàng đáp ứng về cơ sở hạ tầng của các cơ sở cách ly, điều trị y tế và nhân lực cho từng kịch bản. Trong trường hợp gặp khó khăn về nhân lực, kinh phí, trang thiết bị vật tư y tế, các địa phương phải chủ động báo cáo UBND tỉnh để có phương án tháo gỡ kịp thời.
Thời gian tới, UBND tỉnh cũng sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo những chỉ đạo từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 xuống các cơ sở, địa phương được triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình ghi nhận thêm nhiều trường hợp mắc COVID-19, đặc biệt là các ca bệnh trong cộng đồng và phát sinh một số ổ dịch mới, các chùm ca bệnh liên quan tại các ổ dịch mới tăng, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Riêng ngày 8/1, Quảng Bình tiếp tục ghi nhận thêm 77 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 72 ca tại cộng đồng, 4 ca nhập cảnh và 1 ca trong khu cách ly.
Để tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, các địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ và các hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch COVID-19.
Các đơn vị chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo linh hoạt, khoa học, hiệu quả, tuyệt đối không chủ quan, lơ là; phát huy vai trò hệ thống chính trị cơ sở, nhất là Tổ phòng, chống COVID cộng đồng trong giám sát, theo dõi y tế; không tổ chức các hoạt động tập trung đông người trong dịp Tết Nguyên đán, hạn chế di chuyển khi không thật sự cần thiết.
Ngành Y tế đảm bảo công tác phân luồng, phân tuyến, tổ chức thu dung, điều trị hiệu quả ở các tuyến; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chuyển tuyến, chuyển tầng muộn, chậm, ảnh hưởng đến công tác cấp cứu, chăm sóc, điều trị bệnh, quá tải trong dịp Tết. Ngành Y tế cùng với các địa phương trong tỉnh triển khai an toàn, hiệu quả công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhân dân theo kế hoạch; hoàn thành tiêm mũi 2 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi trong tháng 1/2022; mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I/2022.
PV/TTXVN