loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 6/2 theo giờ Việt Nam, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 394.686.439 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 5.754.420 ca tử vong. Số người đã bình phục là 313.423.604, trong khi có 90.851 ca phải điều trị tích cực.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9h ngày 6/2 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 393.663.996 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.752.505 ca tử vong.
Mỹ có tổng số ca nhiễm nhiều nhất thế giới với 77.966.691 ca, tiếp theo là Ấn Độ với 42.188.138 ca; Brazil với 26.473.273 ca. Về số ca tử vong, Mỹ cũng ghi nhận nhiều nhất, với 925.655 ca, tiếp đó là Brazil với 631.869 ca, trong khi con số này ở Ấn Độ là 502.008 ca.
Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, với 134.920.881 ca nhiễm, trong đó có 1.636.515 ca tử vong. Tiếp đến là châu Á với 103.938.266 ca nhiễm và 1.303.560 ca tử vong. Bắc Mỹ ghi nhận 91.374.876 ca nhiễm và 1.341.088 ca tử vong; Nam Mỹ có 50.335.408 ca nhiễm và 1.224.999 ca tử vong.
Tại Đông Nam Á, Campuchia ngày 6/2 ghi nhận 111 ca nhiễm mới biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Đây là ngày thứ hai liên tiếp nước này ghi nhận số ca nhiễm biến thể này tăng ở mức 3 con số. Bộ Y tế Campuchia cho biết trong số ca nhiễm mới có 16 ca nhập cảnh và 95 ca lây nhiễm trong nước. Bộ này cho biết thêm Campuchia đã không ghi nhận ca tử vong nào do COVID-19 trong 33 ngày qua.
Cho đến nay, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng 1.332 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó có 544 ca nhập cảnh và 788 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Như vậy, Campchia đã ghi nhận tổng cộng 121.773 ca mắc COVID-19 và 3.015 ca tử vong. 118.122 bệnh nhân đã phục hồi.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết nước này đang ở giữa làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron và số ca mắc mới COVID-19 sẽ sớm tăng lên tới 15.000 ca/ngày, trong khi vẫn còn 1 triệu người cao tuổi chưa tiêm liều vaccine tăng cường.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Bộ Y tế Malaysia, Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah dự báo số ca mắc mới hằng ngày ở nước này sẽ quay trở lại thời kỳ cao điểm khoảng 22.000 ca vào cuối tháng 3 tới nếu mức độ lây nhiễm (R0) vẫn ở mức 1,2. Tuy nhiên, do mức độ bao phủ vaccine của Malaysia đang rất tốt nên sẽ hạn chế được những ca bệnh có biểu hiện nghiêm trọng. Ông cũng khuyến cáo người dân nên tiêm liều vaccine tăng cường cũng như tuân thủ các quy trình vận hành tiêu chuẩn (giãn cách xã hội) để hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19.
Tính đến ngày 4/2 vừa qua, 78,8% dân số Malaysia đã hoàn thành tiêm chủng, theo đó 25,7 triệu liều vaccine đã được tiêm. Song song với đó, 517.107 trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 11 đã đăng ký tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer, qua đó hơn 80% dân số nước này sẽ được tiêm chủng đầy đủ.
Tại châu Âu, giới chức Nga ngày 6/2 cho biết nước này ghi nhận 180.071 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua. Đây là số ca mắc mới ghi nhận hằng ngày cao kỷ lục kể từ khi dịch bệnh này bùng phát ở Nga, trong bối cảnh biến thể Omicron tiếp tục lây lan rộng. Bên cạnh đó, giới chức Nga xác nhận có thêm 661 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này lên 335.414 ca trong tổng số 12.810.118 ca bệnh.
Tại châu Mỹ, Cuba ghi nhận 1.380 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, mức thấp nhất tại đảo quốc này trong nhiều tuần qua, nâng tổng số ca mắc lên 1.052.220 ca. Cuba cũng ghi nhận thêm 4 ca tử vong do COVID-19.
Tính đến nay, 9,8 triệu trong tổng số 11,2 triệu dân Cuba đã tiêm đủ liều cơ bản vaccine ngừa COVID-19 và 5,4 triệu người đã tiêm mũi tăng cường. Cuba sử dụng các loại vaccine nội địa trong chiến dịch tiêm chủng đại trà, gồm Abdala, Soberana-02 and Soberana Plus.
Thêm một số nước nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong bối cảnh làn sóng dịch do biến thể Omicron vẫn phức tạp. Bồ Đào Nha đã quyết định nới lỏng quy định về nhập cảnh đối với du khách nhằm nhanh chóng nối lại hoạt động đi lại xuyên biên giới và thúc đẩy ngành du lịch phục hồi.
Thông báo của Hội đồng Bộ trưởng Bồ Đào Nha cho biết nước này hủy bỏ quy định bắt buộc người nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 7/2.
Thay vào đó, những người nhập cảnh Bồ Đào Nha chỉ cần xuất trình chứng nhận tiêm chủng kỹ thuật số của Liên minh châu Âu (EU) hoặc các bằng chứng khác "được công nhận hợp lệ".
Tại Australia, Thủ tướng Scott Morrison cho biết sẽ sớm mở cửa trở lại biên giới của nước này để đón khách du lịch quốc tế và Quốc hội sẽ bàn thảo vấn đề này trong tuần. Theo ông Morrison, việc mở cửa biên giới sẽ diễn ra khi Australia có thể đạt được trạng thái an toàn. Ông hy vọng kế hoạch này còn không xa.
Australia đóng cửa biên giới từ tháng 3/2020, tuy nhiên trong những tháng gần đây nước này đã bắt đầu quá trình mở cửa trở lại một cách thận trọng, theo đó chỉ cho phép nhập cảnh đối với công dân và cư dân Australia người di cư có tay nghề cao, sinh viên quốc tế và một số lao động thời vụ.
TTXVN
loading...