Đem Tết đất liền ra nhà giàn DK1
(Thethaovanhoa.vn) - Giữa trùng khơi trên thềm lục địa phía Nam có cụm nhà giàn DK1 vượt lên đầu sóng ngọn gió để ngày đêm canh giữ chủ quyền Tổ quốc. Mỗi dịp Xuân về, những chuyến tàu mang tình cảm và hương vị Tết để chia sẻ sự nồng ấm từ đất liền với các chiến sĩ đang trực gác nơi đây.
Đoàn công tác mang quà Tết ra DK1 trên hai chuyến tàu xuất phát từ Vũng Tàu do đại tá Nguyễn Quốc Văn, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân làm trưởng đoàn. Chúng tôi chia làm hai hướng đi: một ra cụm nhà giàn DK1 ở các bãi Phúc Tần, Huyền Trân, Ba Kè, Quế Đường; hướng kia đi về Bãi Cạn Cà Mau, Côn Đảo…“Chúc Tết qua loa, tặng quà qua dây”
Trong 5 ngày đầu, sóng biển lúc nào cũng cao trên 4m và gió trên cấp 5 khiến con tàu có trọng tải gần 10.000 tấn chòng chành như chiếc lá giữa mênh mông biển trời. Nhiều nhà báo đi theo đoàn không quen với sóng gió nằm bẹp húp cháo cầm hơi.
Cụm nhà giàn ở bãi Phúc Tần là nơi chuyến tàu chúng tôi tiếp cận đầu tiên. Gọi là bãi nhưng độ sâu ở đây khoảng 2.000m nước. Nhìn từ xa, các nhà giàn khá nhỏ bé lẻ loi trên biển. Mà, với đại dương thì không có gì nổi bên trên có thể to lớn hơn dù được bàn tay con người xây dựng thật kiên cố.
Khách từ tàu được cẩu lên nhà giàn để tặng quà, chúc Tết
Mang tâm trạng háo hức được bước lên nhà giàn Phúc Tần, nhưng rồi các nhà báo đành ngậm ngùi bởi sóng quá lớn không đảm bảo an toàn cho bất cứ ai rời tàu. Những người lính trên nhà giàn cũng mong chờ đón khách từ đất liền ra nhưng rồi thất vọng. Những món quà từ tàu được cẩu lên nhà giàn qua dây ròng rọc một cách nặng nhọc theo độ lắc lư của sóng.
Quà chuyển xong, đại tá Nguyễn Quốc Văn thay mặt đoàn chúc Tết các chiến sĩ nhà giàn qua bộ đàm. Điều này đã được tiên liệu trước, khi mà lính hải quân thường nói vui: “Tặng quà qua dây, chúc Tết qua loa”. Từ các nhà giàn mà đoàn không lên được để tay bắt mặt mừng, các chỉ huy trưởng nhà giàn không giấu được sự xúc động trước tình cảm của đất liền dành cho các anh, dù chỉ nói qua… loa.
Khi tàu chúng tôi đến nhà giàn Huyền Trân, trung tá Nghiêm Xuân Thái, chính trị viên phó DK1 đứng trên boong bần thần. Trung tá Thái nói anh có gần 20 năm ở nhà giàn Huyền Trân trước khi về đất liền nhận nhiệm vụ mới. Nhà giàn Huyền Trân lấy tên nàng công chúa có công lớn mở mang bờ cõi, do vậy thế hệ hôm nay phải nhất mực giữ gìn.
Các chiến sĩ trên nhà giàn DK1 gói bánh chưng đón Tết
Mai vàng, bánh chưng chờ Giao thừa
Mãi đến ngày thứ 9 biển mới sóng êm, gió lặng đôi chút khi tàu tiếp cận nhà giàn Quế Đường. Thế nhưng, vẫn không thể dùng xuồng nhỏ tiếp cận mà phải dùng dây để lên được Quế Đường. Trên tàu có 4 nhà báo nữ thì 3 người xung phong xin lên. Một chiếc lồng có bao lưới bên ngoài được thả xuống, mỗi đợt khoảng 5 người được cẩu lên lửng lơ giữa trời biển.
Đến cụm nhà giàn Ba Kè của những ngày cuối chuyến hải trình, trời trong xanh biển lặng. Khi tàu chạy có đàn cá heo 5 con bơi theo, từng đàn cá chuồn bay trên mặt nước và những cánh hải âu vờn quanh cột buồm. Chúng tôi hạ xuồng nhỏ để lên Ba Kè. Nơi đây, các chiến sĩ chuẩn bị đón Tết tươm tất như trong đất liền. Những cánh mai vàng bằng nhựa được các chiến sĩ gắn cành, những chiếc bánh chưng được gói chờ Giao thừa.
Không lên được Huyền Trân, trung tá Thái rưng rưng gọi điện cho một đồng đội trên nhà giàn: “Sóng lớn quá, anh không lên được, chúc các em sức khỏe và an tâm công tác tốt”. Lời chúc đơn giản là vậy, nhưng cả một trời kỷ niệm gắn bó với nhà giàn Huyền Trân hiện rõ trên ánh mắt và gương mặt của người lính già dâng hiến tuổi thanh xuân nơi trùng khơi của Tổ quốc. |
Tại Ba Kè, chiến sĩ Trung quê ở Q.12, TP.HCM mới ra nhà giàn vào tháng 11/2016, cho biết: “Em rất nhớ nhà, nhớ bạn gái nhưng rất háo hức chờ đón cái Tết đầu tiên của mình trên nhà giàn với các anh đi trước”.
Đại tá Nguyễn Quốc Văn cho rằng: “Tặng quà, chúc Tết là truyền thống văn hóa của người Việt mình. Tặng quà, chúc Tết ở nhà giàn DK1 thể hiện truyền thống tốt đẹp ấy và khẳng định nơi đây là Tổ quốc của mình dù cách xa đất liền”.
Một cái Tết ấm áp đang về trên những cột mốc chủ quyền của Tổ quốc giữa trùng khơi.
Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa