loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Kể từ khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020 tới nay, Nhật Bản hầu như không đóng cửa trường học ngay cả khi ban bố tình trạng khẩn cấp.
Bộ Y tế Nhật Bản đã phê chuẩn việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech để tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi.
Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh mắc COVID-19 ở nước này rất thấp, đặc biệt là thời điểm trước khi biến thể Omicron xuất hiện ở nước này vào cuối tháng 11/2021. Vậy đâu là những yếu tố giúp các trường học Nhật Bản đảm bảo an toàn phòng dịch trong khi không làm gián đoạn việc học của trẻ?
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, khi dịch COVID-19 bùng phát ở Nhật Bản, vào cuối tháng 2/2020, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) đã yêu cầu các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông cùng với các trường giáo dục đặc biệt và trường trung học dạy nghề tạm thời đóng cửa từ ngày 3/2. Trong văn bản gửi các địa phương, MEXT nhấn mạnh rằng đây chỉ là “biện pháp mang tính phòng ngừa” và họ không phát hiện chùm lây nhiễm nào trong trẻ em ở Nhật Bản. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, MEXT vẫn cho phép chính quyền địa phương và những đơn vị thành lập trường được tự quyết định có nên đóng cửa trường học hay không và cách thức đóng cửa.
Sau khi hầu hết các trường học mở cửa trở lại vào đầu tháng 6/2020, MEXT đã hạn chế tối đa biện pháp đóng cửa trường học. Nguyên nhân chủ yếu là do giới chức giáo dục nước này lo ngại việc đóng cửa trường học có thể tác động tiêu cực tới sức khỏe thể chất và tinh thần của các học sinh. Phát biểu với các phóng viên ở thủ đô Tokyo hồi cuối tháng 11/2020, ông Koichi Hagiuda, người khi đó đang giữ chức Bộ trưởng MEXT, nhấn mạnh chỉ nên đóng cửa các trường học khi cực kỳ cần thiết sau khi cân nhắc quyền học tập của trẻ em và tác động của việc đóng cửa trường học tới sức khỏe thể chất và tinh thần của các em.
Bên cạnh đó, theo thống kê của MEXT, vào thời điểm đó, 57% số học sinh mắc COVID-19 thông qua con đường lây nhiễm trong gia đình. Đặc biệt, có tới 70% học sinh ở cấp tiểu học mắc COVID-19 theo con đường này. Tỷ lệ lây nhiễm trong trường học khá thấp, chỉ khoảng 5%.
Vì vậy, thay vì đóng cửa các trường học và trường mẫu giáo, Nhật Bản đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo một môi trường học tập an toàn cho các học sinh và thầy cô giáo. Để thực hiện mục tiêu đó, vào tháng 9/2020, MEXT đã ban hành cuốn sách với tiêu đề “Giáo dục ở Nhật Bản vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19: Không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong đó làm rõ các chính sách về tổ chức và thực hiện chương trình giảng dạy nhằm đảm bảo việc học tập hiệu quả cho hơn 12 triệu học sinh ở 35.874 trường học trong cả nước kể từ niên học 2020 (bắt đầu từ tháng 4/2020).
Trong cuốn sách đó, MEXT cam kết phục hồi việc học tập ở trường học bằng cách áp dụng các ngày đi học đặc biệt và/hoặc thời khóa biểu học tập liên tục, sắp xếp lại thời gian biểu, xem xét rút ngắn các kỳ nghỉ dài ngày, cho các trường học mở cửa cả vào ngày Thứ Bảy… Khi không thể hoàn thành chương trình giảng dạy theo kế hoạch ngay cả khi đã áp dụng các biện pháp trên, MEXT cho phép thực hiện các biện pháp đặc biệt như chuyển một số nội dung giảng dạy từ năm nay sang 1 hoặc 2 năm sau đó…
Bên cạnh đó, MEXT cũng đưa ra các sáng kiến nhằm đảm bảo rằng các học sinh không gặp bất lợi trong các kỳ thi trung học phổ thông và đại học như yêu cầu tất cả các trường đại học đưa ra các biện pháp đặc biệt như đánh giá toàn bộ quá trình học tập của học sinh hay phỏng vấn trực tuyến…
Để giúp các trường học trong cả nước có đủ nhân lực và vật lực cần thiết đảm bảo cho việc giảng dạy một cách hiệu quả, MEXT đã phái cử một số lượng lớn các giáo viên và nhân viên hỗ trợ trường học tới hỗ trợ. Bên cạnh đó, MEXT cũng hỗ trợ tài chính cho tất cả các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên toàn quốc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh nhanh chóng, linh hoạt và đảm bảo chất lượng giảng dạy.
Đối với cấp học từ đại học trở lên, MEXT chủ trương khuyến khích các trường tăng cường học tập từ xa. Để hỗ trợ cho các trường học triển khai hình thức học tập này, MEXT đã phân bổ 95 triệu USD trong ngân sách bổ sung của Chính phủ để giúp các trường đại học thiết lập hệ thống và mua sắm trang thiết bị công nghệ thông tin.
Liên quan tới việc phòng chống dịch bệnh trong trường học ở Nhật Bản, cho đến nay, MEXT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về các biện pháp phòng dịch phù hợp với từng giai đoạn của dịch bệnh. Mới đây nhất, ngày 2/2, MEXT đã quyết định rút ngắn thời gian đóng cửa lớp học và trường học có ca dương tính với virus SARS-CoV-2 từ 7 ngày xuống còn 5 ngày.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới ở Nhật Bản đã tăng đột biến và liên tục lập đỉnh mới, khiến cho số học sinh nhiễm bệnh cũng tăng mạnh. Ngày 2/2, Nhật Bản ghi nhận thêm 94.909 ca nhiễm mới. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới ở nước này vượt ngưỡng 90.000 ca/ngày. Trong số 47 tỉnh, thành ở Nhật Bản, có tới 18 địa phương có số ca nhiễm mới tăng cao kỷ lục. Riêng tại thủ đô, chính quyền thành phố ghi nhận thêm 21.576 ca nhiễm mới, cao nhất từ trước tới nay, trong đó có 3.300 người dưới 10 tuổi và 2.458 người từ 10 đến 19 tuổi.
Trong văn bản hướng dẫn gửi các sở giáo dục và các cơ quan liên quan trên toàn quốc, MEXT cho biết các lớp học hoặc trường học chỉ cần đóng cửa trong khoảng 5 ngày nếu có một học sinh hoặc giáo viên mắc COVID-19, giảm 2 ngày so với trước đây. Bên cạnh đó, MEXT cũng đề nghị các trường học cần lưu tâm tới việc đảm bảo cơ hội học tập cho học sinh và cần ưu tiên trước tiên cho biện pháp đóng cửa lớp học có học sinh mắc COVID-19. Đáng chú ý, MEXT nhấn mạnh rằng điều quan trọng là phải linh hoạt trong việc ra quyết định về việc đóng cửa lớp học hay toàn bộ trường học.
Với các biện pháp linh hoạt như vậy, nhiều người tin rằng ngành giáo dục Nhật Bản sẽ tiếp tục đảm bảo được môi trường học tập an toàn cho các học sinh ngay cả khi làn sóng lây nhiễm thứ 6 đang bùng phát dữ dội do sự xuất hiện của biến thể Omicron, qua đó đảm bảo rằng “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Đào Thanh Tùng - TTXVN
loading...