Dải Gaza, vùng đất địa ngục trần gian và nguồn gốc xung đột Israel - Palestine
(Thethaovanhoa.vn) - Dải đất Gaza nhỏ bé ven Địa Trung Hải liên tục trở thành điểm nóng và là địa ngục trần gian với người dân ở đây suốt hàng chục năm qua. Khu vực biên giới giữa dải Gaza và Israel một lần nữa trở thành tâm điểm xung đột giữa người biểu tình Palestine và binh sĩ Israel.
- Vì sao người dân Palestine không rời khỏi Dải Gaza?
- Huyết thư từ Dải Gaza: Trong bóng đêm, hy vọng không quả tên lửa nào tìm đến
Các cuộc biểu tình trong tuần qua đã lên đến đỉnh điểm sau nhiều tuần "nóng" lên tại biên giới. Để hiểu được điểm nóng này, ta cần lần lại lịch sử của Gaza.
Một phần là do có vị trí ven biển đáng thèm muốn nên mảnh đất Gaza từ nhiều thế kỷ luôn là mục tiêu tranh giành giữa các bên. Tuy nhiên, cuộc xung đột thời hiện đại bắt đầu từ năm 1948.
Trước thời gian đó, khu vực Dải Gaza, một dải đất rộng hơn 360km2 ven Địa Trung Hải, thuộc quyền cai trị của người Anh. Khu vực này từ nhiều thế kỷ là nơi sinh sống của người Arab Hồi giáo chiếm đa số và người Thiên chúa giáo, Do Thái thiểu số.
Tuy nhiên, khi người Do Thái ở châu Âu chạy trốn vì bị diệt chủng, cộng đồng Do Thái tăng mạnh ở đây. Các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ dưới thời Tổng thống Harry Truman, đã ủng hộ việc tìm một mảnh đất cho người Do Thái.
Năm 1947, Liên hợp quốc mới thành lập đã thông qua một kế hoạch phân chia khu vực thành một nhà nước của người Arab và một nhà nước của người Do Thái. Người Arab Palestine được Syria, Liban, Jordan và Ai Cập ủng hộ đã phản đối kế hoạch vì Liên hợp quốc trao cho người Palestine ít đất hơn cho dù họ đông gấp đôi người Do Thái. Tuy nhiên, lãnh đạo của khu vực sau này là Israel đã nhất trí với kế hoạch phân chia và tự mình xúc tiến kế hoạch.
Ngày 14/5/1948, ngày người Anh rút khỏi khu vực, các tổ chức phục quốc Do Thái do ông David Ben-Gurion lãnh đạo tuyên bố Israel là một nhà nước. Cuộc chiến tranh giữa người Arab và Israel nổ ra ngay ngày sau đó.
Lực lượng Ai Cập thành lập một căn cứ ở thị trấn Gaza và nỗ lực đẩy bật người Israel trở lại. Tuy nhiên, tới mùa thu năm đó, khu vực mà họ kiểm soát quanh Gaza chỉ dài 40 km, rộng 8km. Khi Ai Cập và Israel đình chiến vào tháng 2/1949, biên giới Dải Gaza được vạch ra và khu vực này thuộc kiểm soát của Ai Cập.
Ai Cập kiểm soát
3/4 trong số một triệu người Palestine chạy trốn hoặc bị đẩy ra khỏi nhà trên mảnh đất trở thành lãnh thổ Israel trong năm 1948. Họ gọi giai đoạn này là Nakba (Ngày Thảm họa).
Mặc dù Ai Cập kiểm soát Gaza, nhưng người tị nạn Palestine ở Dải Gaza không được chính phủ Ai Cập cho vào các khu vực khác ở Ai Cập. Mất nhà cửa và kế sinh nhai, khoảng 500.000 người Palestines phụ thuộc vào viện trợ Liên hợp quốc.
Gaza vẫn do quân đội Ai Cập kiểm soát cho tới cuộc khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956 – khi Ai Cập quốc hữu hóa tuyến đường vận tải biển quan trọng này bất chấp Anh và Pháp phản đối. Ai Cập cấm tàu Israel qua kênh đào Suez. Đáp lại, Israel xâm chiếm Gaza, chiếm dải đất này suốt một năm và buộc phải trả lại Ai Cập trước sức ép của quốc tế.
Cuộc chiến tranh sáu ngày
Tháng 6/1967, trong bối cảnh căng thẳng của Chiến tranh Lạnh, nhiều năm đụng độ nhỏ lẻ ở biên giới đã biến thành cuộc chiến tranh kéo dài sáu ngày.
Để bảo vệ mình, người Israel đã xây dựng một lực lượng quân đội quy củ và hùng mạnh. Sáng 5/6/1967, đoán trước được động thái từ các nước láng giềng Arab, Israel đã tấn công phủ đầu bất ngờ, quét sạch phần lớn không quân Ai Cập, tiếp đó là không quân Jordan và Syria vào buổi chiều.
Quân đội các nước Arab rơi vào trạng thái bị tổn thương và trong vòng 5 ngày tiếp theo, Israel mở rộng lãnh thổ nhanh chóng, chiếm Dải Gaza và Bán đảo Sinai từ Ai Cập, Cao nguyên Golan từ Syria cũng như Bờ Tây và Đông Jerusalem từ Jordan. Lãnh thổ Israel được mở rộng đáng kể.
Sau 2.000 năm lưu vong, toàn bộ khu vực linh liêng của đạo Do Thái giờ nằm trong tay người Do Thái.
Một số chính trị gia Israel cảnh báo rằng quy mô lãnh thổ của Israel mới sẽ khiến nước này không thể tránh khỏi xung đột. Tuy nhiên, người Do Thái mộ đạo cho rằng không thể từ bỏ những khu vực linh thiêng. Israel đóng quân ở Gaza và bắt đầu xây khu tái định cư trên lãnh thổ mới chiếm đóng bất chấp luật pháp quốc tế cấm bên xâm chiếm đưa người dân tới lãnh thổ mình vừa chiếm để định cư.
Ở Gaza, hơn 1 triệu người tị nạn rơi vào cảnh nằm dưới quyền cai trị của Israel. Sau đó, phong trào dân tộc Palestine dần phát triển, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) có ảnh hưởng mới.
Căng thẳng tiếp diễn
Năm 1993, PLO và Israel ký Hiệp ước Hòa bình Oslo. Israel giao lại quyền kiểm soát một số phần Gaza và Bờ Tây cho chính quyền bán tự trị Palestine đổi lại thỏa thuận kiềm chế bạo lực của các nhóm du kích Palestine như Hamas – nhóm được thành lập trong giai đoạn đụng độ bạo lực giữa người Palestine và binh sĩ Israel năm 1987.
Tuy nhiên, chính quyền Palestine không thể ngăn chặn các vụ tấn công và Israel từ chối dỡ bỏ các khu định cư còn lại.
Nhờ thiết lập các chương trình giáo dục và xã hội ở Gaza, Hamas đã giành được sự ủng hộ và thắng cuộc bầu cử năm 2006.
Sau khi Hamas thắng cuộc bầu cử ở Gaza và kiểm soát mảnh đất này cho tới nay, Israel phong tỏa đường biển, đường không và đường bộ ở Dải Gaza khiến kinh tế và cuộc sống ở đây thành thảm họa. Ước tính 80% trong số 1,3 triệu người tị nạn Palestines ở Gaza phải sống nhờ vào viện trợ và hơn nửa triệu người sống trong trại tị nạn.
Các vụ nã tên lửa và tấn công từ Hamas cùng các nhóm khác ở Gaza đã bị Israel đáp trả bằng các cuộc không kích và tấn công trên bộ. Bạo lực, xung đột xảy ra gần như hằng ngày.
Địa ngục trần gian
Hàng năm, cứ vài tuần trước ngày Nakba (ngày 15/5), căng thẳng lại bùng phát nhân dịp kỷ niệm. Bạo lực năm nay có thể là đẫm máu nhất trong lịch sử. Đụng độ giữa người Palestine và Lực lượng Phòng vệ Israel đã khiến hơn 100 người ở Gaza thiệt mạng trong 7 tuần qua, chỉ riêng ngày 14/5 đã là 60 người.
Hàng triệu người ở Gaza sẵn sàng mạo hiểm, kể cả liều chết để vượt qua hàng rào và vào Israel. Trong 11 năm bị Israel và Ai Cập phong tỏa, cuộc sống của những người ở Gaza là một cuộc đấu tranh đau đớn.
Tỷ lệ thất nghiệp lên tới 40%. Với người trẻ, tỷ lệ này là hơn 60% và họ không có tương lai. Điện, thực phẩm đều khan hiếm nặng nề. Tỷ lệ nghèo đói ở đây là 39%. Ước tính 80% dân số ở Gaza cần hỗ trợ xã hội về một mặt nào đó.
Gaza hiện nay nghèo hơn nhiều so với những năm 1990. Nền kinh tế chỉ tăng trưởng 0,5% năm 2017. Thu nhập năm của một người giảm từ 2.659 USD năm 1994 xuống 1.826 USD năm 2018.
Hệ thống trường học ở Gaza chịu áp lực nặng nề. 94% trường học phải chia thành 2 ca sáng và chiều. Cơ quan cứu trợ của Liên hợp quốc điều hành 250 trường học ở Gaza. Xung đột năm 2014 đã phá hủy rất nhiều trường học ở đây.
Khu vực này liên tục bị cắt điện hàng ngày. Trung bình, người Gaza chỉ có 6 giờ dùng điện mỗi ngày.
Dải Gaza lấy nguồn điện chủ yếu từ Israel và một nhà máy điện duy nhất ở Gaza. Lượng điện chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu.
Dải Gaza là một dải đất hẹp ven biển dọc theo Địa Trung Hải, ở Trung Đông, về mặt pháp lý không được quốc tế công nhận là một phần của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào. Tên của nó được đặt theo tên thành phố chính Gaza. Đây là một trong những vùng lãnh thổ có mật độ dân số cao nhất trên trái đất, với khoảng 1,4 triệu người sống trên khu vực diện tích 360 km². Dải Gaza thuộc quyền tài phán của Chính quyền Palestine, và họ cũng kiểm soát biên giới của Dải Gaza với Ai Cập. Israel kiểm soát không phận và đường bờ biển (Nguồn: Wikipedia) |
Theo Thùy Dương - Tin tức