Cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu sẽ vẫn còn khắc nghiệt
(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu bắt đầu vào mùa Xuân năm 2021 và đến mùa Thu thị trường khí đốt đã lên "cơn sốt" khi tăng gấp 3 lần trong khi giới chức Liên minh châu Âu (EU) vẫn loay hoay tìm lời giải cho bài toán năng lượng. Giới chuyên gia dự báo từ giờ đến cuối mùa Xuân 2022, thị trường khí đốt sẽ tiếp tục trải qua các thử thách, có thể với các mức giá kỷ lục mới.
* "Cơn sốt" trên thị trường khí đốt
Sự tăng giá khí đốt ở châu Âu bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 5, khi giá giao ngay trên chỉ số TTF dao động trong khoảng 250-300 USD/1.000m3. Trong những ngày cuối cùng của mùa Hè, giá trị của hợp đồng giao hàng đã vượt quá 600 USD và tháng 10/2021 đã vượt qua ngưỡng 1.000 USD.
Giá khí đốt tăng gấp đôi vào tháng 12/2021, đạt mức cao nhất trong lịch sử thị trường kỳ hạn với 2190,4 USD/1.000 m3 vào ngày 21/12/2021. Bà Maria Belova, Giám đốc nghiên cứu tại hãng Tư vấn VYGON cho biết kể từ năm 1996, chưa từng có mức giá cao liên tục như vậy ở châu Âu trong toàn bộ lịch sử hoạt động của các trung tâm khí đốt.
Giá khí đốt tự nhiên tăng vọt tới 600% khiến nguồn cung ở châu Âu bị thiếu trầm trọng. Tình trạng mất điện trên diện rộng buộc các doanh nghiệp và nhà máy phải đóng cửa khiến người tiêu dùng và nhiều doanh nghiệp kiệt quệ tài chính, đồng thời đe dọa tiến trình phục hồi kinh tế sau COVID-19.
Sang năm mới, vào ngày 4/1/2022, giá khí đốt châu Âu đột ngột tăng hơn 30% trong bối cảnh châu lục này đang bước vào thời tiết lạnh giá hơn. Cụ thể, vào lúc 11h41 theo giờ GMT, giá khí đốt giao trước 1 tháng theo hợp đồng của Hà Lan ở mức 99,50 euro/MWh, tăng 27,5 euro. Trong khi, giá khí đốt giao trước 1 ngày có mức tăng 30,50 euro lên 97 euro/MWh.
Các chuyên gia cho rằng giá khí đốt tăng vọt do một số yếu tố trong đó chủ yếu là do nguồn cung khí đốt hạn chế từ Nga, trong khi một đường ống chính vẫn luôn chuyển khí đốt từ Siberia sang châu Âu tiếp tục đổi hướng chuyển khí đốt từ Đức sang Ba Lan.
Tại Ukraine - một tuyến đường trung chuyển khác cho khí đốt của Nga đến châu Âu, người đứng đầu công ty điều hành hệ thống truyền dẫn khí đốt của nước này cho biết nhà cung cấp Gazprom của Nga đã giảm công suất vận chuyển khí đốt hằng ngày qua lãnh thổ Ukraina từ mức 109 triệu m3 xuống chỉ còn 87,7 triệu m3.
Các nhà lập pháp EU nhiều lần cáo buộc Nga chơi "lá bài chính trị" về khí đốt bởi Moskva cung cấp hơn 40% tổng lượng khí đốt cho châu Âu, trong khi Nga nhiều lần bác bỏ cáo buộc này. Nga vẫn luôn khẳng định đang đáp ứng tất cả các hợp đồng khí đốt đã thỏa thuận cung cấp.
Cùng với đó là việc Cơ quan Quản lý năng lượng Đức thông báo tạm đình chỉ tiến trình phê duyệt dự án đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đưa khí đốt trực tiếp từ Nga tới Đức. Lý do được đưa ra là vì công ty vận hành dự án này chưa tuân thủ luật pháp Đức. Yếu tố thời tiết lạnh giá hơn khiến nhu cầu sử dụng khí đốt cho hệ thống sưởi tăng cao cũng được xem là một nguyên nhân.
* Loay hoay tìm lời giải
Đối phó với vấn đề tăng giá năng lượng, đặc biệt là khí đốt, hầu hết các nước EU đều đã lên kế hoạch dự phòng để bảo vệ người tiêu dùng, bao gồm giảm thuế năng lượng và trợ cấp cho các hộ gia đình nghèo nhất.
Ủy ban châu Âu (EC) cũng dự tính các giải pháp trung và dài hạn bằng cách đánh giá hoạt động của thị trường khí đốt và điện, cũng như thị trường giao dịch quyền CO2 đồng thời xem xét xây dựng dự trữ khí đốt chiến lược và nhóm mua khí đốt, cũng như kết nối tốt hơn và đa dạng hóa hơn các nhà cung cấp khí đốt. Song dường như lời giải cho bài toán năng lượng vẫn khiến các nước EU loay hoay.
Tại hội nghị thượng đỉnh cuối cùng trong năm 2021 tại Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo EU đã không đạt được tiến triển đáng chú ý nào khi tiếp tục tìm cách giữ giá năng lượng trong tầm kiểm soát. Vấn đề chia rẽ là liệu cuộc khủng hoảng giá có dẫn tới sửa đổi các quy tắc của thị trường năng lượng châu Âu hay không.
Các biện pháp dài hạn gây tranh cãi nhiều hơn liên quan đến những yêu cầu hành động mà các quốc gia thành viên muốn EU thực hiện để bảo vệ khối trước những đợt tăng giá đột biến trong tương lai. Ba Lan, CH Czech và Tây Ban Nha kêu gọi EU hạn chế sự tham gia của các nhà đầu cơ tài chính vào thị trường carbon, mà các nước này cho rằng đã đẩy giá CO2 lên mức cao kỷ lục. Ba Lan cũng muốn EU xem xét liệu hành vi của tập đoàn Nga Gazprom có góp phần làm tăng giá khí đốt ở châu Âu hay không.
Việc tìm kiếm những nguồn năng lượng khác cũng là biện pháp để đối phó với cuộc khủng hoảng giá năng lượng hiện nay. Tại hội nghị, Chủ tịch EC Ursula Von der Layen đã nhấn mạnh tới năng lượng hạt nhân và khí tự nhiên. Tuy nhiên, đề xuất này không được tất cả các thành viên EU chào đón.
Được xem là "nhà quảng bá" nhiệt tình cho năng lượng hạt nhân, Pháp đã tìm cách tập hợp càng nhiều quốc gia càng tốt để công nhận vai trò của loại năng lượng này trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Một nhà ngoại giao châu Âu cho biết phần lớn các nước thành viên muốn đưa cả khí đốt, vốn ít gây ô nhiễm hơn than đá và vẫn còn rất phổ biến ở nhiều nước Đông Âu, cùng với năng lượng hạt nhân vào danh sách các khoản đầu tư được phân loại là bền vững cho tài chính xanh để được hưởng khoản đầu tư của EC.
Trong khi đó, Tây Ban Nha bảo vệ quan điểm "mua theo nhóm" các kho dự trữ khí đốt. Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo chia sẻ ý kiến của Tây Ban Nha mặc dù hệ thống trên sẽ không mang lại lợi ích cụ thể cho Bỉ do sự đa dạng và liên kết của thị trường năng lượng của nước này. Thủ tướng Bỉ cũng lưu ý "cần phải đảm bảo rằng các khoản đầu tư vào lưu trữ và kết nối với nhau không chỉ liên quan đến khí, mà còn cả CO2 và hydro.
Là đầu tàu của khối, Đức cũng ủng hộ cách tiếp cận quốc gia, ủng hộ phản ứng theo định hướng thị trường. Tuy nhiên, Berlin lại bác bỏ mối liên hệ mà các nước như Ba Lan và Hungary đang cố gắng tạo ra giữa giá cả tăng cao và chi phí chuyển đổi năng lượng, thông qua việc mở rộng hệ thống thương mại cho phép phát thải CO2 (ETS) với các lĩnh vực vận tải đường bộ và sưởi ấm trong tòa nhà.
* Dự báo vẫn khắc nghiệt
Tình hình thị trường khí đốt châu Âu vẫn phức tạp: giá duy trì trên 1.000 USD/1.000 m3, việc lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt ở châu Âu đang ở mức thấp nhất trong 10 năm qua, mùa Đông đang tiếp tục và cho đến nay không ai có thể nói liệu có đủ khí đốt cho người tiêu dùng hay không. Cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài được dự báo sẽ khiến cho mùa Đông năm nay ở "lục địa già" thêm khắc nghiệt.
Giới chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược nhận định, từ giờ đến cuối mùa Xuân 2022, không loại trừ khả năng xuất hiện các kỷ lục mới về giá. Theo giới chuyên gia, thị trường khí đốt châu Âu hiện đang mất cân bằng dưới tác động của không chỉ các yếu tố đầu cơ mà còn cả các yếu tố cơ bản, bất kỳ phản ứng nào cũng có thể xảy ra, bao gồm tăng trưởng nhất thời và giá thậm chí có thể lên tới 3.000 USD/1.000 m3.
Rủi ro còn gia tăng khi Belarus cảnh báo sẽ ngừng vận chuyển khí đốt sang châu Âu qua đường ống dẫn khí đốt xuyên quốc gia Yamal-Europe nếu EU mở rộng các biện pháp trừng phạt chống lại Minsk liên quan đến vấn đề di cư.
Giới chuyên gia cũng cảnh báo cho đến khi kết thúc giai đoạn rủi ro về thời tiết (khoảng cuối tháng 3/2022), không nên kỳ vọng giá khí đốt sẽ giảm nhiều lần.
Thanh Lâm (tổng hợp)/TTXVN