Cuộc chiến giữa Twitter và Elon Musk chưa có hồi kết
Phiên tòa xét xử vụ kiện giữa tỷ phú công nghệ Elon Musk và mạng xã hội Twitter xung quanh thương vụ mua lại trị giá 44 tỷ USD sẽ kéo dài trong 5 ngày, bắt đầu từ 17/10 tới.
Bên tám lạng, người nửa cân
Theo bảng xếp hạng tỷ phú thời gian thực của công ty truyền thông toàn cầu Forbes, tỷ phú Elon Musk có tài sản ròng khoảng 269,5 tỷ USD và là người giàu nhất thế giới. Giám đốc điều hành tập đoàn xe điện Tesla từng chia sẻ ông đang cân nhắc khả năng lập một nền tảng truyền thông xã hội mới.
Nếu hiện thực hóa ý tưởng này, tỷ phú người Mỹ gốc Nam Phi này sẽ tham gia cuộc đua cùng các "đại gia" công nghệ lôi kéo người dùng từ các nền tảng Twitter, Facebook và YouTube. Ông hiện có hơn 80 triệu người theo dõi trên mạng xã hội Twitter kể từ khi tham gia năm 2009.
Mạng xã hội Twitter cũng không hề kém cạnh khi có một lịch sử phát triển vang dội, bắt đầu hoạt động vào tháng 7/2006, có trụ sở chính tại San Francisco (Mỹ) và đã có hơn 35 văn phòng trên toàn thế giới. Trải qua rất nhiều khó khăn, Twitter đã không ngừng thay đổi và cải tiến để trở thành một trong những trang mạng xã hội phổ biến như ngày nay.
Ngoài việc nhắn tin, hiện người sử dụng mạng xã hội này còn có thể đăng các đoạn hội thoại, ảnh, video, ảnh động… Twitter đã tiến triển từ một mạng xã hội để cập nhật tin tức của bạn bè thành một luồng tin mang tính cá nhân ít hơn để theo dõi tin tức xảy ra trên khắp thế giới. Các nhà quan sát cho rằng Twitter có vai trò như một nền tảng cho các nhà lãnh đạo chính trị, cho các chuyên gia trong ngành và là nguồn thông tin cho hàng triệu người dùng bình thường.
Ngày 25/4/2022, Twitter đã chấp nhận lời đề nghị của tỷ phú Elon Musk để mua lại công ty với giá 54,20 USD/cổ phiếu, qua đó định giá nền tảng truyền thông xã hội này ở mức 44 tỷ USD. Giao dịch đã được hội đồng quản trị của Twitter nhất trí chấp thuận và có thể hoàn tất trong năm 2022 sau quy trình phê duyệt của các cổ đông.
Tuy nhiên, vào ngày 8/7 vừa qua, tỷ phú Elon Musk đã chính thức tuyên bố chấm dứt kế hoạch mua Twitter với cáo buộc Twitter đã gian lận về số lượng tài khoản giả mạo và tin nhắn rác trên nền tảng này, đồng thời từ chối trao cho ông toàn quyền xử lý lượng dữ liệu này. Trong khi đó, Twitter cho biết các số liệu thống kê ước tính của công ty do trí tuệ nhân tạo thực hiện do đó có thể không hoàn toàn chính xác, song ông Elon Musk đã lấy điều này làm lý do để "lật kèo" trong hợp đồng mua bán trị giá 44 tỷ USD giữa hai bên.
Ngày 12/7, mạng xã hội Twitter đã kiện tỷ phú Elon Musk phá vỡ hợp đồng mua lại công ty công nghệ này. Đơn kiện được trình lên tòa án bang Delaware (Mỹ), đề nghị tòa yêu cầu ông Elon Musk thực hiện thỏa thuận mua Twitter, với lập luận rằng không mức án phạt tài chính nào có thể bù đắp được thiệt hại mà ông đã gây ra. Tới ngày 29/7, ông Elon Musk cũng đệ đơn kiện “ngược” Twitter lên tòa án bang Delaware, trong đó phản đối việc Twitter yêu cầu ông phải hoàn tất thỏa thuận đã ký hồi tháng 4/2022 về việc mua lại mạng xã hội này.
Cuộc chiến pháp lý lớn nhất lịch sử Phố Wall
Trong diễn biến mới nhất của cuộc chiến pháp lý đang ngày càng trở nên gay gắt giữa Twitter và Elon Musk, Twitter ngày 4/8 đã kịch liệt bác bỏ các cáo buộc của tỷ phú Elon Musk đưa ra trong đơn kiện rằng ông đã bị "lừa" để ký thỏa thuận mua mạng xã hội này. Trước đó, trong đơn kiện “ngược” công bố cùng ngày, ông Elon Musk cáo buộc Twitter cố tìm cách che giấu số người dùng thực tế trong khi thị trường này đang đi xuống, đồng thời cáo buộc Twitter đã gian lận về số lượng tài khoản giả mạo và tin nhắn rác trên nền tảng này.
Những diễn biến căng thẳng giữa mạng xã hội Twitter và tỷ phú Elon Musk, theo nhận định của giới chuyên gia, đã tạo tiền đề cho một cuộc chiến pháp lý có thể kéo dài trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm và mở màn cuộc chiến pháp lý lớn nhất trong lịch sử Phố Wall.
Khi Elon Musk và Twitter lần đầu ký thỏa thuận mua bán, cả hai bên đã đồng ý trả khoản phí bồi thường 1 tỷ USD nếu rút khỏi thỏa thuận vì những lý do cụ thể. Elon Musk đã đồng ý trả nếu ông không thể đảm bảo nguồn tài chính để mua lại Twitter. Còn Twitter đồng ý trả nếu họ tìm thấy một đối tác khác trả giá cao hơn hoặc hội đồng quản trị của họ khuyến nghị cổ đông bỏ phiếu chống lại giao dịch.
- Vụ kiện ngược Twitter của tỷ phú Elon Musk nóng lên
- Ông chủ Tesla kiện ngược Twitter về thỏa thuận 44 tỷ USD
- Phiên tòa phân xử thắng bại giữa Twitter và tỷ phú Elon Musk sẽ diễn ra vào tháng 10
Các nhà quan sát cho rằng Twitter có lợi thế để giành chiến thắng trong vụ kiện yêu cầu khoản bồi thường trị giá 1 tỷ USD hoặc cao hơn nữa. Tuy nhiên trên thực tế, cả Elon Musk và Twitter đều tổn hại trong vụ kiện này. Vụ kiện là “một thất bại” đối với Elon Musk khi sẽ khiến cho ông mất cả tiền và uy tín cũng như đối mặt với cuộc chiến pháp lý dai dẳng giữa bối cảnh giá trị tài sản của vị tỷ phú này đã “bốc hơi” hàng chục tỷ USD trong những tháng gần đây.
Về phần mình, Twiter cũng chịu nhiều thiệt thòi bởi không công ty nào muốn dính vào một cuộc chiến pháp lý kéo dài. Ngay cả việc xác định số tài khoản ảo theo yêu cầu của Elon Musk cũng đã khiến Twitter mất đi một nguồn lực đáng kể. Theo tờ New York Times, cổ phiếu của Twitter đã giảm 40% tính từ khi ông Elon Musk đồng ý mua lại. Twitter sẽ phải đối mặt với nhiều vụ kiện từ phía cổ đông trong những tháng tới, bất kể kết quả cuộc tranh chấp với Elon Musk như thế nào. Kể từ khi Elon Musk lên kế hoạch mua lại công ty, Twitter đã dừng tuyển dụng và bắt đầu sa thải một số nhân viên do áp lực cắt giảm chi phí vận hành từ đối tác.
Harry Kraemer, Giáo sư quản lý và chiến lược tại Đại học Northwestern, dự đoán vụ tranh chấp có thể kéo dài ít nhất một năm. Trong trường hợp một thẩm phán ra phán quyết chống lại Elon Musk và vị tỷ phú này kháng cáo, vụ kiện có thể kéo dài đến ba năm.
Minh Trà/TTXVN (Tổng hợp)