Cháy nhà ống, tập thể cũ: Đừng để tái diễn những bi kịch đau lòng
Vụ cháy nhà dân ở B9 Kim Liên, phố Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội vào rạng sáng 21/4 làm 5 người chết và 2 người bị thương, đã khiến cả xã hội bàng hoàng trước sự nguy hiểm của giặc hỏa.
Sững sờ, rúng động và thương cảm cho những người xấu số... và một lần nữa, cả xã hội lại âu lo, nhức nhối trước những ngôi nhà, căn hộ trong tập thể cũ gắn với “chuồng cọp”, “nhà ống” bị bịt kín bằng lưới sắt, không có lối thoát hiểm. Tác nhân gây nhiều mối họa cho cuộc sống này đã được cảnh báo, khuyến cáo và được minh chứng bởi nhiều bi kịch đau đớn tương tự, nhưng tất cả dường như không có tác dụng, mà vẫn dai dẳng tồn tại nhiều thập niên…
Lược lại thời gian trước mốc vụ cháy làm 5 người chết và 2 người bị thương nói trên, trong cả nước, đặc biệt là tại Hà Nội đã xảy ra không ít vụ cháy gây những bi kịch đau lòng từ những ngôi nhà có gắn lồng sắt bao quanh ban công, sân thượng thường không có lối mở mà người dân hay gọi là “chuồng cọp”.
Xã hội chưa quên vụ cháy vào đêm 13/7/2017 tại ngôi nhà bốn tầng ở ngõ 205 đường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm khiến bốn người trong nhà tử vong do ngạt khói.
Cửa sổ của ngôi nhà này được hàn song sắt kiên cố, lối lên tầng tum cũng bị khóa chặt. Hàng xóm đã nỗ lực phá cửa chính để cứu các nạn nhân nhưng bất thành.
Chưa đầy một tuần sau, rạng sáng 19/7, ngôi nhà bốn tầng ở số 48, ngõ 41 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng xảy ra cháy làm hai mẹ con tử vong, một trong những nguyên nhân được xác định do các tầng trên ngôi nhà không có lối thoát. Năm 2021, là vụ hỏa hoạn xảy ra trong ngôi nhà ống tại số 311 Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội khiến 4 người thiệt mạng.
Trở lại vụ cháy nhà ở B9 Kim Liên, phố Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa, Hà Nội, theo lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, diện tích đám cháy chỉ khoảng 10m2, đồ vật bị cháy cũng hết sức đơn giản như gỗ ván, nhựa, xe máy.
- Cháy nhà dân trong đêm, năm người tử vong ở Bình Dương
- Cháy nhà tại Thừa Thiên - Huế khiến ba người tử vong
- Cháy nhà nghiêm trọng tại TP HCM, gia đình 5 người thiệt mạng
Từ khi lực lượng chức năng đến hiện trường cho tới lúc ngọn lửa được khống chế chỉ trong vòng đúng 5 phút. Nghĩa là đám cháy không quá phức tạp, chưa kịp cháy lan.
Nhưng kết cấu của ngôi nhà, đặc biệt điểm cháy ngay tại tầng 1, đã bịt mọi lối thoát. Từng ấy thời gian đã đủ để giặc lửa cướp đi sinh mạng của 5 người.
Những thảm kịch nói trên sẽ mãi là nỗi ám ảnh với không chỉ các thành viên trong nhà gia đình nạn nhân. Thế nhưng hiện nay ở Hà Nội đã và đang tồn tại quá nhiều điểm với tác nhân… tương tự, đe dọa cuộc sống, sự an toàn của con người.
Nếu hầu hết các tập thể cũ ở Hà Nội tồn tại tình trạng hộ dân cơi nới thêm chỗ ở theo dạng "chuồng chim”, thì không ít hộ tại các chung cư cao tầng, khu đô thị mới lại lắp đặt lồng sắt làm “chuồng cọp” nhằm mục đích bảo đảm an ninh, an toàn.
Chính những “chuồng chim”, “chuồng cọp” này đã bịt lối thoát hiểm của mỗi căn hộ tại các tập thể, chung cư, khu đô thị mới này.
Thông tin mới đây từ Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, Công an Thành phố Hà Nội đã cho thấy những tồn tại đáng lo ngại: Qua rà soát trên địa bàn thành phố hiện có 2.483 cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước thời điểm Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực. Trong đó, có 1.569 nhà tập thể cũ.
Đó là chưa kể đến các vi phạm liên quan như không có công trình bảo đảm giao thông phục vụ chữa cháy; chưa trang bị đầy đủ hệ thống, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, không thực hiện việc kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ.
Không ít chủ đầu tư, người đứng đầu cơ sở chưa thực hiện nghiêm trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật; ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy của không ít cư dân còn hạn chế...
Vẫn biết, “nhất thủy, nhì hỏa”. Nếu như thủy với tác hại vô cùng thảm khốc nhưng nguyên nhân phần lớn do thiên tai gây ra thì hỏa, ngược lại, chủ yếu do yếu tố con người. Như một quy luật luôn phải sống chung cùng thủy và hỏa, thế nhưng nếu con người chủ động thì mọi thiên tai cũng như tác nhân gây họa đều có thể khắc chế và giảm thiểu hậu quả.
Bởi vậy, ý thức – trách nhiệm phòng ngừa hỏa hoạn cũng như những sự cố do “bà hoả” gây ra là điều khẩn thiết phải được nâng cao. Công tác tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn, thậm chí xử lý vi phạm nguyên tắc phòng cháy, cũng cần được đẩy mạnh, thường xuyên và quyết liệt.
Bên cạnh đó, những tác nhân thường trực hiện hữu gây họa cho cuộc sống của con người nói trên, nếu không được loại bỏ mà vẫn tồn tại như thời gian qua, thì những thảm kịch, những câu chuyện đau lòng về cháy nổ rất có thể sẽ còn kéo dài dai dẳng.
Hạnh Quỳnh/TTXVN