Cao tốc Trung Lương 'ế' vì thu phí cao
Ông Nguyễn Văn Phòng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (công ty Cửu Long, đơn vị quản lý cao tốc TP HCM - Trung Lương) cho biết, trong 22 tiếng (từ 8h ngày 25/2 đến 6h ngày 26/2) có khoảng 18.000 xe qua trạm, chủ yếu là ôtô con, xe chở khách và xe tải nhẹ. Khi chưa thu phí, tuyến đường này có từ 32.000 đến 35.000 xe lưu thông mỗi ngày. Theo dự đoán, lượng xe sẽ tiếp tục giảm trong những ngày tới.
|
"Dù việc nhiều xe tải, container chuyển sang quốc lộ 1A để né trả tiền đã được công ty Cửu Long dự đoán trước. Nhưng thực tế trong ngày thứ 2 thu phí, lượng xe qua cao tốc đã giảm đến gần 50%, điều này là ngoài dự đoán của chúng tôi", ông Phòng nói.
Theo tìm hiểu của VnExpress.net, hiện nay nhiều doanh nghiệp vận tải tại TP HCM không cho tài xế của mình đi qua đường cao tốc để chở hàng về miền Tây mà yêu cầu chạy theo quốc lộ 1A.
"Mức phí qua cao tốc quá cao. Nếu ở nơi khác cũng đoạn đường chừng ấy km chỉ phải đóng cùng lắm là 200.000 đồng, trong khi ở đây họ thu cao gấp 3. Vì vậy từ ngày 25/2 tất cả xe của công ty chuyển sang đi quốc lộ 1A", anh Tài, lái xe đầu kéo cho một doanh nghiệp vận tải ở quận Thủ Đức cho biết.
Cũng theo anh Tài, nếu đi quốc lộ 1A, từ Bình Chánh đến Trung Lương sẽ xa hơn đi cao tốc chừng 11 km, tốn hơn chưa đến 2 lít dầu nhiên liệu (khoảng 30.000 đồng). Trong khi mức phí đi qua cao tốc cả nửa triệu đồng nên cánh tài xế vẫn chấp nhận đi đường vừa xa, vừa xấu hơn.
Cùng quan điểm, ông Đặng Đức Tiệp, giám đốc doanh nghiệp vận tải Đặng Tiến, cho rằng với mức phí hiện nay là quá "khủng", doanh nghiệp vận tải không thể có lãi. "Một chuyến hàng từ TP HCM đi các tỉnh Miền Tây chúng tôi lời khoảng một triệu đồng. Nếu đi bằng đường cao tốc Trung Lương phải đóng cho 2 lượt đi và về là 640.000 đồng thì doanh nghiệp chỉ còn nước phá sản", ông Tiệp phân tích.
Ông Tiệp cho biết thêm, hiện tuyến cao tốc dù đã được sửa chữa nhưng những vết vá tạo thành gờ cao hơn mặt đường nên xe không thể chạy tốc độ cao vì nguy cơ tai nạn. Vì vậy, mức phí thu như hiện nay với một tuyến đường không tốt là bất hợp lý. "Doanh nghiệp vận tải chỉ chịu lỗ trong thời gian đầu vì chúng tôi sẽ tăng mức phí vận tải, khi đó chắc chắn chủ hàng cũng sẽ tăng giá bán hàng. Cuối cùng chịu thiệt hại là người tiêu dùng", ông Tiệp nói.
Trong khi đó, đơn vị quản lý cao tốc TP HCM - Trung Lương lại cho rằng phí thu phù hợp. "Mức này có thể gây sốc ban đầu nhưng dần mọi người sẽ quen. Hai năm qua Nhà nước đưa đường cao tốc vào sử dụng miễn phí thì nay việc thu phí là để thể hiện sự công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ đối với người đi đường cao tốc", ông Nguyễn Văn Phòng nêu quan điểm.
|
Trao đổi với VnExpress.net, luật sư Thái Văn Chung, Tổng thư ký hiệp hội vận tải TP HCM cho biết, nếu lập trạm thu phí trên quốc lộ 1A để "ép" xe vào đường cao tốc là tận thu và thiếu công bằng. Người dân có quyền lựa chọn giải pháp di chuyển cho mình.
"Trạm thu phí hoàn vốn cho đường cao tốc nhưng lại đặt trên quốc lộ 1A là sai đối tượng, sai nguyên tắc, vi phạm quy định. Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ theo pháp lệnh Phí và lệ phí", ông Chung nói.
Sẽ bán quyền thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương Theo ông Dương Tuấn Minh, Tổng giám đốc Công ty Cửu Long, trước đây theo chủ trương của Chính phủ, việc bán quyền thu phí đường cao tốc TP HCM - Trung Lương đã được Bộ GTVT đàm phán với Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc BIDV (BEDC - thuộc Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam - BIDV). Tuy nhiên, do khó khăn trong việc vay vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài và hiệu quả tài chính của dự án thấp, nên cuối năm 2011 BIDV thông báo không mua quyền thu phí đường cao tốc TP HCM - Trung Lương nữa. Sau đó, được sự đồng ý của Thủ tướng, Bộ GTVT giao công ty Cửu Long thu phí, đồng thời chỉ đạo tìm kiếm nhà đầu tư muốn mua lại quyền thu phí đường cao tốc để lấy tiền đầu tư các dự án khác. |