A+ A A- Kiểu đọc sách

Các nước khẩn trương ứng phó bệnh đậu mùa khỉ

15:19 30/05/2022
loading...

Cùng với COVID-19, bệnh đậu mùa khỉ đang là mối quan tâm của y tế toàn cầu. Thống kê cho thấy thế giới đã ghi nhận hơn 300 ca bệnh đậu mùa khỉ hoặc nghi mắc.

WHO nhận định bệnh đậu mùa khỉ không gây nguy cơ nghiêm trọng đối với y tế toàn cầu

WHO nhận định bệnh đậu mùa khỉ không gây nguy cơ nghiêm trọng đối với y tế toàn cầu

Bệnh đậu mùa khỉ gây ra "nguy cơ vừa phải" đối với y tế cộng đồng ở mức độ toàn cầu. Tuyên bố này do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra ngày 29/5 trong bối cảnh xuất hiện nhiều ca mắc tại các quốc gia thường không ghi nhận bệnh này.

Hầu hết các ca bệnh hiện nay là ở châu Âu, Bắc Mỹ chứ không phải ở khu vực Tây và Trung Phi - nơi đậu mùa khỉ được xem là bệnh đặc hữu. Dù hiện nay chưa có ca tử vong nào do mắc bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới song giới chức y tế toàn cầu vẫn bày tỏ quan ngại về việc các ca mắc gia tăng tại các nước vốn hiếm khi ghi nhận bệnh.

* Lây lan ra hơn 20 nước

Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu vào năm 1958 trên những con khỉ được nuôi nghiên cứu. Ca bệnh đầu tiên ở người được ghi nhận ở Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1970. Kể từ đó, các ca bệnh chủ yếu xuất hiện ở các nước Trung Phi và Tây Phi.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đậu mùa khỉ có hai chủng chính: chủng Tây Phi thường gây ra các triệu chứng nhẹ, và chủng Trung Phi (hay Congo) có thể gây bệnh nặng hơn. Tỷ lệ tử vong của căn bệnh này là khoảng 1% với chủng Tây Phi và 10% ở chủng Trung Phi.

Tuy nhiên, trong vài tuần qua, nhiều ca mắc đậu mùa khỉ đã xuất hiện ở châu Âu, Bắc Mỹ - vốn không có nhiều mối liên quan dịch tễ đến khu vực Tây hoặc Trung Phi.

ứng phó bệnh đậu mùa khỉ, các nước ứng phó bệnh đậu mùa khỉ, đậu mùa khỉ, ứng phó bệnh, bệnh đậu mùa khỉ, đậu mùa khỉ ghi nhận hàng trăm ca mắc
Bệnh đậu mùa khỉ đã tấn công trên 20 quốc gia

 Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ thường bao gồm sốt cao trên 38,5 độ C, nhức đầu, đau cơ, đau lưng và xuất hiện sưng tấy. Bệnh nhân có bị phát ban từ 1 đến 3 ngày sau khi có dấu hiệu sốt, thường bắt đầu từ mặt và lan đến các nhiều vùng da khác trên cơ thể như lòng bàn tay, bàn chân. Thời gian ủ bệnh thông thường là từ 5-21 ngày.

Tương tự COVID-19, đậu mùa khỉ là căn bệnh lây truyền từ động vật. Hiện chưa rõ loài động vật là trung gian lây truyền sang người, dù theo các chuyên gia thì có thể là các loài gặm nhấm như chuột hay sóc.

Tiếp xúc trực tiếp với máu hay chất dịch của động vật nhiễm bệnh sẽ làm lây bệnh cho người, tuy nhiên khả năng lây nhiễm từ người sang người là không dễ dàng. Đậu mùa khỉ được cho là lây nhiễm từ người sang người do tiếp xúc gần, như nói chuyện mặt đối mặt trong thời gian dài, chạm vào tổn thương da hoặc dịch thể của người mắc bệnh hay từ quần áo bị nhiễm virus.

Kể từ đầu tháng 5/2022 đến nay, bệnh đậu mùa khỉ đã xuất hiện tại hơn 20 quốc gia trên thế giới. Hơn 250 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được ghi nhận và hơn 100 ca nghi mắc đã được phát hiện tại các quốc gia vốn hiếm khi ghi nhận căn bệnh này.

Anh là nước châu Âu đầu tiên ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ vào ngày 13/5. Đến nay số ca mắc tại Anh đã tăng lên hơn 90 người, tiếp đến là Tây Ban Nha (hơn 80 người), Bồ Đào Nha (35 người). Hàng loạt quốc gia khác cũng ghi nhận những ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên, như Cơ quan y tế Mexico thông báo trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ ở nước này là một người đàn ông 50 tuổi, đến từ New York (Mỹ) và nhiều khả năng bị nhiễm bệnh ở Hà Lan.

Ireland và Malta cũng ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ... WHO dự báo dịch bệnh đậu mùa khỉ sẽ tiếp tục gia tăng số trường hợp mắc trong thời gian tới. Tuy nhiên, các nhà khoa học không cho rằng bệnh có thể bùng phát thành đại dịch như COVID-19 vì virus này không lây lan nhanh như virus SARS-CoV-2.

ứng phó bệnh đậu mùa khỉ, các nước ứng phó bệnh đậu mùa khỉ, đậu mùa khỉ, ứng phó bệnh, bệnh đậu mùa khỉ, đậu mùa khỉ ghi nhận hàng trăm ca mắc
 Một phần tế bào da của một con khỉ bị mắc bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: REUTER/TTXVN

Ngày 27/5, WHO cho rằng có thể ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ nhờ việc phát hiện, cách ly và truy vết nhanh chóng. Những người mắc bệnh hoặc tiếp xúc gần với ca bệnh được khuyến nghị cách ly trong vòng 21 ngày.

Giới chuyên gia cho rằng các chính phủ và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không nên lặp lại những sai lầm ban đầu trong đại dịch COVID-19, vốn làm trì hoãn việc phát hiện bệnh, khiến virus lây lan.

Theo các nhà khoa học, dù bệnh đậu mùa khỉ khó có khả năng lây lan hoặc nguy hiểm như dịch COVID-19, song cần có hướng dẫn rõ ràng hơn về cách thức cách ly đối với mỗi ca bệnh đậu mùa khỉ, cũng như có thêm khuyến nghị về cách thức bảo vệ những người có nguy cơ, cũng như cải thiện khâu xét nghiệm và truy vết. Các chuyên gia nêu rõ, WHO cần khuyến khích các nước đưa ra những biện pháp phối hợp, cách ly nghiêm ngặt hơn; đồng thời bày tỏ quan ngại rằng, việc cho rằng bệnh đậu mùa khỉ là căn bệnh nhẹ có thể khiến các cơ quan y tế chậm trễ trong hành động.

 Hiện WHO đang cân nhắc liệu việc bùng phát bệnh đậu mùa khỉ có được coi là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế (PHEIC) như với COVID-19 hay Ebola hay không, qua đó giúp đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và tài trợ để ngăn chặn bệnh dịch.

 * Các nước ứng phó với làn sóng bệnh đậu mùa khỉ

Dù số ca nhiễm đậu mùa khỉ nhìn chung vẫn ở mức thấp, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Châu Âu (ECDC) vẫn khuyến nghị các nước tăng cường việc phát hiện nhanh các ca nhiễm mới cũng như truy vết tiếp xúc.

Bỉ là nước đầu tiên đã yêu cầu các trường hợp mắc hoặc có tiếp xúc gần (F1) phải tự cách ly trong vòng 21 ngày, sau khi ghi nhận các ca bệnh đầu tiên là những người từng tham gia một lễ hội dành cho người trên 18 tuổi hồi đầu tháng.

Đức cũng đưa ra khuyến cáo tương tự vào ngày 25/5. Tại Tây Ban Nha, chính quyền thủ đô Madrid đã tiến hành truy vết và tạm đóng cửa một phòng tắm hơi bị tình nghi là ổ dịch. Theo WHO, số ca mắc đậu mùa khỉ có nguy cơ gia tăng cao trong mùa hè, khi nhiều người tham gia các buổi tụ tập và lễ hội lớn.

Nhằm ngăn ngừa nguy cơ đậu mùa khỉ trở thành dịch bệnh lây lan rộng, vaccine đang là giải pháp mà nhiều nước quan tâm. Hiện không có loại vaccine đặc hiệu nào cho căn bệnh này, tuy nhiên theo WHO, vaccine phòng bệnh đậu mùa vẫn có hiệu quả lên tới 85% đối với đậu mùa khỉ.

ứng phó bệnh đậu mùa khỉ, các nước ứng phó bệnh đậu mùa khỉ, đậu mùa khỉ, ứng phó bệnh, bệnh đậu mùa khỉ, đậu mùa khỉ ghi nhận hàng trăm ca mắc
Các biểu hiện trên da khi mắc bệnh đậu mùa khỉ

Mặc dù bệnh đậu mùa thông thường đến nay được coi là đã loại trừ thành công vào thập niên 1980, song các quốc gia vẫn duy trì một lượng dự trữ vaccine với căn bệnh này nhằm phòng ngừa các nguy cơ.

Hiện có 2 loại vaccine đậu mùa đang được lưu hành trên thị trường, trong đó một loại mới do công ty Bavarian Nordic của Đan Mạch chế tạo, đã được cấp phép sử dụng phòng ngừa cả bệnh đậu mùa và đậu mùa khỉ tại Mỹ, và cũng được EU cấp phép cho đậu mùa. Ngoài vaccine, Mỹ và châu Âu cũng đã cấp phép cho một số loại kháng thể nhằm điều trị các bệnh này.

Từ ngày 20/5, Anh đã bắt đầu khuyến nghị tiêm chủng vaccine đậu mùa để phòng đậu mùa khỉ cho các nhân viên y tế và những người có nguy cơ cao tiếp xúc với mầm bệnh. Pháp cũng tiến hành bước đi tương tự vào ngày 25/5.

Trong khi đó, các nước khác vẫn đang trong giai đoạn bổ sung nguồn vaccine trong nước. Đan Mạch thông báo nước này sẽ nhận 200 liều vaccine từ Hà Lan, và đang xúc tiến mua thêm vaccine từ nhà sản xuất Bavarian Nordic của nước này để tiêm cho những người có nguy cơ lây nhiễm cao.

Đức cũng đã đặt mua thêm 40.000 liều vaccine từ Bavarian Nordic. Còn tại Mỹ, giới chức cho biết vẫn còn khoảng 1.000 liều vaccine đậu mùa dự trữ, và sẽ mua thêm số lượng lớn để ngăn ngừa đậu mùa khỉ lây lan.

Trung Quốc hiện chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ nào, tuy nhiên cũng đang xúc tiến việc sản xuất mới vaccine cho căn bệnh này. China National Biotec, công ty con của tập đoàn Sinopharm và là nhà sản xuất vaccine hàng đầu thế giới cho biết, công ty này có lưu trữ virus đậu mùa khỉ để dự phòng và sẽ sử dụng trong việc sản xuất mới vaccine trong trường hợp cần thiết.

Tuy nhiên, trước việc nhiều nước triển khai mua dự trữ vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi phân phối công bằng vaccine để đảm bảo quyền lợi chung trong cộng đồng. WHO cũng đưa ra cảnh báo những tác động tiêu cực của việc tích trữ thuốc và vaccine khi các ca bệnh vẫn còn tương đối thấp.

Bên cạnh đó, cơ quan y tế Liên hợp quốc cũng khẳng định, thế giới có sẵn công cụ kiểm soát dịch bệnh, đồng thời kêu gọi thiết lập một kho dự trữ để chia sẻ công bằng vaccine và thuốc điều trị căn bệnh này.

* Những khuyến cáo với bệnh đậu mùa khỉ

- Tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa, tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

 - Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường.

 - Che miệng khi ho, hắt hơi.

 - Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời.

 - Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ cần chủ động tự cách ly và tránh quan hệ tình dục; người xác định mắc bệnh phải được cách ly y tế đến khi điều trị khỏi bệnh.

 - Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết hoặc sống) có thể chứa virus đậu mùa khỉ, không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã, không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh…

        Trọng Đức (tổng hợp)/TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...