loading...
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số bệnh nhân COVID-19 nặng thời gian gần đây đang gia tăng, do đó các bệnh viện cần đánh giá lâm sàng các ca bệnh nặng nhập viện, gửi xét nghiệm giải trình tự gen...
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết: Ngày 2/9, nước ta ghi nhận 1.548 ca mắc mới COVID-19, giảm hơn 1.100 ca so với ngày trước đó. Như vậy là kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.415.907 ca mắc COVID-19, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đánh giá lâm sàng các ca bệnh COVID-19 nặng nhập viện, gửi xét nghiệm giải trình tự gen
Bộ Y tế cho biết ngày 2/9 có 1.548 ca COVID-19, giảm hơn 1.000 ca so với ngày trước đó. Trong ngày 2/9 có hơn 8.000 bệnh nhân khỏi, gấp hơn 5 lần số mắc mới, có 1 trường hợp tử vong tại Hà Nội.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.415.907 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.042 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã điều trị khỏi ở nước ta là: 10.195.874 ca; hiện nay đang điều trị, giám sát hơn 1,17 triệu trường hợp. Trong số bệnh nhân đang điều trị có 128 trường hợp thở ô xy (tăng 21 trường hợp so với ngày 1/9), trong đó: Số bệnh nhân đang thở ô xy là 128 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 111 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 5 ca; Thở máy xâm lấn: 12 ca.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số bệnh nhân nặng gia tăng trong thời gian gần đây, thường hơn 100 ca/ ngày, có ngày lên đến gần 140 ca, trong khi ở thời điểm tháng 6-7, số bệnh nhân nặng chỉ vài chục ca, có ngày chỉ còn không đến 20 ca.
Tại văn bản mới đây, Bộ Y tế yêu cầu đối với các ca bệnh nặng, ca bệnh nghi ngờ COVID-19 nằm tại các Bệnh viện khuyến cáo thực hiện xét nghiệm PCR để chẩn đoán mắc COVID-19 tránh bỏ sót ca bệnh để dịch bệnh lan rộng (khi kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính nhưng vẫn nghi ngờ COVID-19).
Các Bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến cuối điều trị COVID-19 cần theo dõi, đánh giá lâm sàng các ca bệnh COVID-19 nặng nhập viện hiện nay và gửi xét nghiệm giải trình tự gen để đánh giá mức độ nặng, nguy kịch báo cáo Bộ Y tế để xem xét điều chỉnh các hướng dẫn chuyên môn.
Nhiều địa phương tiêm mũi 3 và 4 vaccine COVID-19 vẫn rất thấp, chậm
Mặc dù Bộ Y tế đã liên tục nhắc tên, đôn đốc công tác tiêm vaccine COVID-19, nhưng đến nay vẫn có nhiều địa phương tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 và mũi 4 cho người trên 18 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế thấp, chậm hơn mức tỷ lệ chung của cả nước.
Về tiêm mũi 3, đến ngày 2/9 tổng số có 50.122.365 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 76,5%), tuy nhiên vẫn có 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp dưới tỷ lệ chung của cả nước, hiện chỉ đạt dưới 60% là: Bình Định (57,4%); Khánh Hòa (55,5%); Đồng Nai (52,7%); Đồng Tháp (58,7%); Bình Phước (58%).
Về tiêm mũi 4, thống kê đến ngày 2/9, tổng số có 14.477.352 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 76,3%), tuy nhiên vẫn có 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp dưới 60%: Quảng Trị (59,2%); Đà Nẵng (47,9%); TP Hồ Chí Minh (50,5%); Đồng Nai (53,7%); Tây Ninh (54,9%).
Trong khi theo thông tin của Bộ Y tế có đến 35% số bệnh nhân COVID-19 nặng và tử vong thời gian gần đây chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vaccine; cùng đó hiệu lực của vaccine giảm tương đối nhanh sau 3-5 tháng, vì vậy, để duy trì hiệu quả bảo vệ, cần phải tiêm mũi 3, mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo Suckhoedoisong.vn
loading...