loading...
Bộ Y tế cho biết đến nay gần 9,6 triệu người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi; hiện còn hơn 1,1 triệu F0 đang giám sát, điều trị. Đến nay hơn 36 triệu người ở nước ta có hộ chiếu vaccine; Biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron có thể dẫn đến sự gia tăng ca mắc COVID-19 trong thời gian tới.
Những người bị dị ứng thực phẩm có ít nguy cơ mắc bệnh COVID-19 hơn so với những người khác. Đây là kết quả của một nghiên cứu do Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) tài trợ, được công bố ngày 1/6 trên tạp chí Allergy and Clinical Immunology.
Gần 9,6 triệu người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi
Theo Bộ Y tế, ngày 16/6, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 774 ca nhiễm mới đều ở trong nước (giảm 92 ca so với ngày trước đó) tại 44 tỉnh, thành phố (có 635 ca trong cộng đồng). Mặc dù số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội đã giảm mạnh nhưng đến thời điểm này, Hà Nội vẫn có số ca mắc COVID-19 hàng ngày nhiều nhất với 145 F0 ngày 16/6; 43 tỉnh, thành phố còn lại ghi nhận từ 1- 45 ca mắc/ ngày, trong đó hơn 1 nửa các địa phương số mắc dưới 10 ca/ ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.734.925 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.383 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.727.159 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.603.518), TP. Hồ Chí Minh (609.751), Nghệ An (485.180), Bắc Giang (387.648), Bình Dương (383.794).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 9.583.105 ca. Hiện nay đang điều trị, giám sát 1.108.737 trường hợp, trong đó có 41 trường hợp nặng đang điều trị, gồm: Thở ô xy qua mặt nạ: 36; Thở ô xy dòng cao HFNC: 2; Xâm lấn: 3.
Việt Nam đã tiếp nhận hơn 251 triệu liều vaccine phòng COVID-19
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ tháng 3/2021 đến ngày 16/6/2022, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 251 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Cơ quan chuyên môn của Bộ đã phân bổ 150 đợt với hơn 228,3 triệu liều.
Đến hết ngày 16/6, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 224.618.268 liều, trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 201.565.489 liều: Mũi 1 là 71.488.085 liều; Mũi 2 là 68.825.867 liều; Mũi 3 là 1.507.422 liều; Mũi bổ sung là 15.024.928 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 43.251.900 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 1.467.287 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.510.814 liều: Mũi 1 là 8.952.753 liều; Mũi 2 là 8.558.061 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi là 5.541.965 liều: Mũi 1 là 4.834.559 liều; Mũi 2 là 707.406 liều.
Bộ Y tế nêu rõ, tiếp tục coi vaccine là "vũ khí chiến lược", là yếu tố quyết định, nền tảng trong phòng, chống dịch COVID-19 đẩy mạnh tiêm vaccine mũi 3 cho đối tượng được chỉ định tiêm trong quý II/2022; hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 12-18 tuổi; đẩy nhanh tiến độ tiếp nhận, phân bổ vaccine cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi, hoàn thành việc tiêm chủng trong quý II/2022 để bảo đảm an toàn cho trẻ trong kỳ nghỉ hè và chuẩn bị cho năm học mới.
Cũng theo Bộ Y tế, trong thời gian qua, Bộ thường xuyên ban hành các Công điện gửi các tỉnh, thành phố về tăng cường công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi và mũi 3 và mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên.
Thống kê của Bộ Y tế cho biết đến nay hơn 36 triệu người ở nước ta đã có hộ chiếu vaccine.
Biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron có thể dẫn đến sự gia tăng ca mắc COVID-19 trong thời gian tới
Theo Tổ chức y tế thế giới, hiện nay số mắc, tử vong do COVID-19 vẫn tiếp tục tăng ở khu vực châu Mỹ và số tử vong tiếp tục gia tăng ở khu vực Tây Thái Bình Dương, châu Phi.
Ngày 13/6/2022, Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) bước đầu nhận định biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều nước châu Âu và gia tăng tại một số nước trong những tuần gần đây, trong đó tại Bồ Đào Nha biến thể phụ BA.5 đã chiếm ưu thế trong số các ca mắc; ECDC cảnh báo 02 dòng biến thể phụ này có thể dẫn đến sự gia tăng các ca mắc COVID-19 trong thời gian tới, các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm (ILI/ARI, SARI), nhất là những chỉ số nhập viện, nặng, tử vong, đặc biệt là đối với người từ 65 tuổi trở lên.
Dự báo thời gian tới dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến khó lường; số ca nhiễm có thể tiếp tục theo xu hướng giảm hoặc tăng trở lại tùy thuộc các điều kiện về tác nhân (xuất hiện các biến thể mới), về chính sách (thay đổi các biện pháp phòng chống dịch); đối tượng cảm nhiễm có thể còn khá lớn; các biến thể, biến thể phụ đáng lo ngại mới vẫn tiếp tục xuất hiện với tốc độ khá nhanh trên thế giới; tình hình dịch bệnh ở một số quốc gia vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, tác động hậu COVID-19 chưa có nghiên cứu đầy đủ;
Hơn nữa miễn dịch do tiêm vaccine phòng bệnh và miễn dịch mắc phải không bền vững. Bên cạnh đó, có nguy cơ gia tăng "gánh nặng kép" cho hệ thống y tế do xu hướng gia tăng các dịch bệnh mùa hè như sốt xuất huyết, tay chân miệng,…; đồng thời không loại trừ nguy cơ xâm nhập các dịch bệnh mới phát sinh như viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân, bệnh đậu mùa khỉ...
Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng.
Theo sức khỏe đời sống
loading...