A+ A A- Kiểu đọc sách

Biến thể Omicron tiếp tục lây lan mạnh, nhiều nước liên tiếp ghi nhận kỷ lục mới về số ca mắc

22:49 04/01/2022
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 4/1 (theo giờ Việt Nam), trên toàn cầu có 293.207.113 ca mắc COVID-19 và 5.468.116 ca tử vong. Số ca hồi phục hiện là 255.515.903 ca.

Nhiều nhà khoa học nhận định thế giới cần học cách chung sống với đại dịch Covid-19

Nhiều nhà khoa học nhận định thế giới cần học cách chung sống với đại dịch Covid-19

Theo phóng viên TTXVN tại London, Omicron cho đến nay được xem là biến thể dễ lây lan nhất của virus SARS-CoV-2 với số ca mắc đang gia tăng nhanh chóng trên khắp thế giới.

Biến thể Omicron tiếp tục lây lan mạnh, khiến nhiều nước liên tiếp ghi nhận những kỷ lục mới về số ca mắc. Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu cập nhật của Đại học Johns Hopkins cho biết ngày 3/1 Mỹ ghi nhận hơn 1 triệu ca mắc mới COVID-19. Theo thống kê,  số ca mắc mới ghi nhận ngày 3/1 cao gần gấp đôi mức kỷ lục 590.000 ca vừa ghi nhận 4 ngày trước đó ở Mỹ - vốn đã cao gấp đôi so với tuần trước đó.         

Số ca mắc mới Mỹ ghi nhận ngày 3/1 cũng cao hơn gấp đôi so với số ca mắc mới ghi nhận theo ngày tại bất kỳ quốc gia và vùng lãnh thổ nào khác ở bất kỳ thời điểm nào kể từ khi đại dịch bùng phát cách đây 2 năm.   

Trong khi đó, Bộ Y tế Ấn Độ ngày 4/1 thông báo đã ghi nhận 37.379 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 34,96 triệu ca. Đây là số ca mắc mới theo ngày cao nhất tại Ấn Độ kể từ đầu tháng 9/2021 khi biến thể Omicron lấn át Delta trở thành biến thể trội tại nhiều địa phương ở quốc gia Nam Á này, trong đó có thủ đô New Delhi.   

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Siliguri, Ấn Độ ngày 1/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Dịch bệnh tại Australia vẫn phức tạp khi nước này tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục. Theo đó, Australia cùng ngày đã ghi nhận 47.799 ca mắc mới COVID-19, tăng gần 33% so với mức kỷ lục ghi nhận một ngày trước đó. Dù chỉ ghi nhận thêm 4 ca tử vong vì COVID-19, song số ca nhập viện đang có chiều hướng tăng mạnh và lên tới mức cao chưa từng thấy kể từ khi dịch bùng phát.         

Mặc dù gia tăng số ca nhiễm do biến thể Omicron, tỷ lệ tiêm đủ hai mũi vaccine lên tới 92% giúp Australia hạn chế đáng kể số ca tử vong so với những đợt dịch trước. Tới nay, Australia đã ghi nhận tổng cộng 547.160 ca mắc và 2.270 ca tử vong vì COVID-19.       

Còn tại Singapore, Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung cho biết rằng mặc dù tình hình dịch bệnh cho đến nay vẫn "ổn định”, song số ca nhiễm biến thể Omicron ngày càng tăng báo hiệu một làn sóng lây nhiễm mới biến thể này "trong những ngày hoặc những tuần tới". Bộ trưởng Ong Ye Kung nêu rõ biến thể Omicron hiện chiếm 17% số ca lây nhiễm trong nước.        

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia ngày 10/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Hiện 87% dân số Singapore đã tiêm đủ liều vaccine cơ bản và 88% đã tiêm ít nhất 1 mũi. Tính tới cuối năm 2021, khoảng 41% dân số đã tiêm mũi vaccine tăng cường. Hơn 20.000 trẻ em từ 9 đến 11 tuổi đã được tiêm 1 mũi vaccine ngừa COVID-19.   

Tại Trung Quốc, hơn 1 triệu người ở thành phố Vũ Châu (Yuzhou), miền Đông nước này đã được yêu cầu ở trong nhà từ ngày 4/1 sau khi giới chức y tế ghi nhận 3 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 không triệu chứng trong những ngày gần đây. Trung Quốc hiện vẫn theo đuổi chính sách "Zero COVID" với các biện pháp phong tỏa và siết chặt biên giới kể từ khi bùng phát dịch. Nhưng chiến lược này đang đối mặt với không ít sức ép khi hàng loạt ổ dịch mới bùng phát chỉ một tháng trước khi bắt đầu Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh.   

Tại châu Âu, Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này ghi nhận 44.869 ca COVID-19 mới, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ cuối tháng 4/2021, và 160 ca tử vong. Số ca nhiễm mới tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng hơn gấp đôi chỉ trong vòng 1 tuần qua trong bối cảnh biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 trở thành biến thể lây lan chính tại nước này.     

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Wakiso, Uganda ngày 9/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Tây Ban Nha, Bộ Y tế cho biết số ca mắc mới ở nước này đã tăng vọt vào dịp lễ đón Năm mới 2022. Từ ngày 30/12/2021 đến ngày 3/1/2022, Tây Ban Nha ghi nhận 372.766 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca bệnh trên cả nước lên 6.667.511 ca. Tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Tây Ban Nha đã tăng lên 89.573 người sau khi có thêm 168 người không qua khỏi trong cùng thời gian trên. Tỷ lệ lây nhiễm trong 14 ngày tại nước này cũng tăng lên mức chưa từng thấy, lên 2.295 ca/100.000 người. Đây là tỷ lệ lây nhiễm trong 14 ngày cao nhất từ trước đến nay, lần đầu tiên vượt ngưỡng 2.000 ca/100.000 người.      

Trong khi đó, tại CH Séc, nhà chức trách nước này cảnh báo biến thể Omicron có thể sẽ phổ biến trong 10 ngày tới. Viện Y tế công cộng nhà nước (SZÚ) ngày 3/1 cho biết biến thể Omicron dễ lây lan hơn có thể sẽ lan rộng ở Séc sau 10 đến 14 ngày tới. Trong tuần trước, kết quả hơn 18.000 xét nghiệm từ 74 phòng thí nghiệm đã cho thấy 15% các trường hợp nghi nhiễm Omicron, trong khi Delta và các biến thể phụ chiếm 85%. Theo dự báo của Viện Thông tin và Thống kê y tế (ÚZIS), làn sóng Omicron có thể làm tăng 50.000 ca mắc mới mỗi ngày và khoảng 7.000 ca nhập viện.     

Chú thích ảnh
Khu vực điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Romania, số ca mắc theo ngày đã tăng hơn 2 lần vào ngày 4/1 sau khi nước này nới lỏng một số biện pháp trong kỳ nghỉ Đông. Giới chức nước này dự đoán làn sóng dịch thứ 5 có thể chứng kiến số ca mắc mới cao 2 lần so với làn sóng thứ 4 hiện nay. Romania ngày 4/1 đã ghi nhận 3.900 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, gấp đôi với ngày trước đó, và 47 ca tử vong mới. Giới chức Romania cảnh báo số ca lây nhiễm có thể tăng hơn nữa khi mà học sinh trở lại trường học sau kỳ nghỉ. Bộ trưởng Y tế Romania Alexandru Rafila cho biết nhiều khả năng nước này sẽ chứng kiến số ca mắc mới gia tăng mạnh vào ngày 15/1 tới.    

Một số quốc gia cũng siết chặt các biện pháp phòng dịch khi số ca mắc không ngừng gia tăng. Philippines thông báo mở rộng áp dụng các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19 ra các khu vực bên ngoài thủ đô Manila từ ngày 5/1, theo đó sẽ có hơn 11 triệu người dân sống gần thủ đô thực hiện các quy định mới khi số ca mắc tăng. Theo các quy định mới có hiệu lực đến giữa tháng 1, những người chưa tiêm phòng phải ở trong nhà và chỉ ra ngoài khi cần mua đồ thiết yếu hoặc tập thể dục. Các nhà hàng, công viên, nhà thờ và cơ sở thẩm mỹ sẽ phải giảm công suất hoạt động trong khi các lớp học trực tiếp và hoạt động thể thao có tiếp xúc sẽ tạm dừng.      

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em tại Selangor, Malaysia,, ngày 14/8/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Indonesia, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết nước này đã chuẩn bị 120.000 giường bệnh, tương đương 30% trong số 400.000 giường bệnh trên cả nước,  cũng như các trang thiết bị và vật tư y tế để ứng phó với các đợt lây nhiễm COVID-19 mới do biến thể Omicron gây ra. Ông Sadikin nói rõ đến nay các bệnh viện và cơ sở y tế tại nước này mới sử dụng khoảng 2.400-2.500 giường bệnh và vẫn còn hơn 110.000 giường dành cho các bệnh nhân COVID-19.     

Chính phủ Indonesia cũng lắp đặt bổ sung các thiết bị sản xuất oxy phòng trường hợp số ca lây nhiễm tăng đột biến như hồi tháng 7 năm ngoái khi nhu cầu oxy y tế tăng hơn gấp ba lần từ mức trung bình 700 tấn lên 2.200 tấn mỗi ngày.   

Tại Nhật Bản, Thủ tướng Kishida Fumio đã chỉ thị tăng cường các biện pháp sẵn sàng ứng phó với làn sóng lây lan COVID-19 mới. Thủ tướng Kishida Fumio đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương sẵn sàng ứng phó với làn sóng dịch tiếp theo, nhất là biến thể Omicron. Theo đó, các địa phương cần tăng cường hơn nữa các khâu phòng ngừa, xét nghiệm và điều trị sớm, sẵn sàng chuyển trạng thái khi dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn.    

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 23/8/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Về đảm bảo thuốc điều trị COVID-19, Thủ tướng Kishida Fumio cho biết chính phủ đặt mục tiêu đưa thuốc viên dạng uống của hãng dược phẩm Pfizer vào  điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 kể từ đầu tháng sau. Người phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 sẽ được thăm khám và tư vấn điều trị ngay trong ngày có kết quả xét nghiệm hoặc chậm nhất là ngày hôm sau, thuốc điều trị sẽ được chuyến đến tay người bệnh trong thời gian sớm nhất, bao gồm cả điều trị tại nhà.     

Cùng ngày, Israel công bố kết quả sơ bộ về việc tiêm bổ sung vaccine mũi 4. Theo đó, mũi tiêm vaccine phòng COVID-19 này giúp làm tăng gấp 5 lần lượng kháng thể trong 1 tuần sau khi tiêm. Theo Thủ tướng Israel Naftali Bennett,  điều này có nghĩa là mũi tiêm tăng cường thứ 4 có khả năng đáng kể ngăn chặn sự gia tăng số ca nhiễm mới, số ca cần nhập viện điều trị hoặc có triệu chứng nặng.     

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt du khách đến Perth, Tây Australia từ Brisbane, bang Queensland (Australia) nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan. Ảnh: EPA-EFE/TTXVN

Thủ tướng Bennett công bố thông tin trên trong bối cảnh nước này quyết định sẽ tiêm bổ sung vaccine ngừa COVID-19 mũi 4 cho những người trên 60 tuổi và đội ngũ nhân viên y tế. Bệnh viện Sheba lớn nhất tại Israel cũng thông báo sẽ mở rộng chiến dịch thử nghiệm tiêm bổ sung bằng một chiến dịch mới là tiêm mũi 4 bằng loại vaccine khác.

Loại vaccine mới được sử dụng là của hãng Moderna, sẽ được tiêm cho những người đã từng tiêm 3 mũi vaccine của Pfizer. Việc thử nghiệm nhằm đánh giá hiệu quả chống lại biến thể Omicron và tác dụng của việc sử dụng trộn lẫn các loại vaccine khác nhau trên cùng một bệnh nhân. Sheba cũng là bệnh viện đầu tiên triển khai tiêm thử nghiệm mũi 4 chính thức cho những người bình thường.

TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...