loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 2/12, thế giới ghi nhận tổng cộng 263.987.862 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.245.883 ca tử vong. Hiện hơn 20,48 triệu ca đang được điều trị.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 1/12, thế giới ghi nhận tổng cộng 263.286.429 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 5.237.310 ca tử vong.
Tại Đông Nam Á, Bộ Y tế Lào ngày 2/12 ghi nhận 1.333 ca mắc mới, đều là ca cộng đồng, tại 18 tỉnh, thành phố và 8 ca tử vong. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục ghi nhận số ca cộng đồng tăng cao, với 605 ca tại 204 bản thuộc 9 quận, nhiều nhất cả nước. Đáng chú ý, số ca tử vong do COVID-19 tại Lào tiếp tục tăng, với 16 ca chỉ trong 2 ngày.
Trong bối cảnh biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 đang gây lo ngại trên toàn thế giới, Lào đã tăng cường các biện pháp kiểm soát nhập cảnh đối với du khách đến từ 9 nước châu Phi gồm Nam Phi, Namibia, Zimbabwe, Botswana, Lesotho, Eswatini, Seychelles, Malawi và Mozambique.
Thái Lan ghi nhận thêm 4.971 ca mới cùng 33 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay lên 2.125.729 ca, trong đó có 20.847 người không qua khỏi. Cục Di trú và Bộ Y tế Thái Lan đang truy vết khoảng 783 khách từ châu Phi nhập cảnh nước này từ ngày 15/11 để xét nghiệm tầm soát biến thể Omicron nhằm đảm bảo an toàn cộng đồng.
Indonesia đã triển khai các quy định phòng dịch mới như siết chặt quản lý biên giới, kéo dài thời gian cách ly và hạn chế lưu lượng người đi lại trên các trục đường chính nhằm ngăn chặn nguy cơ biến thể Omicron xuất hiện tại quốc gia lớn nhất Đông Nam Á. Indonesia đã ra lệnh cấm nhập cảnh đối với người đến từ 11 nước, trong đó có Nam Phi, Botswana, Namibia và Nigeria. Công dân Indonesia từ những nước trên về nước sẽ phải tự cách ly trong 14 ngày.
Cuộc chiến chống dịch COVID-19 của Singapore đang tiến triển tích cực. Tỷ lệ lây nhiễm trung bình 7 ngày qua là 258 ca/1 triệu dân, giảm so với mức gần 700 ca/1 triệu dân hồi cuối tháng 10. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong trung bình 7 ngày qua là 1 ca/1 triệu dân, so với mức đỉnh điểm 2,57 ca/1 triệu dân vào ngày 10/11. Có tới 99% số ca mắc mới đều là không có triệu chứng hoặc ở thể nhẹ, do vậy hệ thống y tế quốc gia không bị rơi vào tình trạng quá tải. Cho đến nay, Singapore ghi nhận 265.000 ca mắc COVID-19, trong đó 718 ca tử vong.
Tại Đông Bắc Á, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 2/12 cho biết kế hoạch dần trở lại cuộc sống bình thường mới đang đối mặt với thách thức khi nước này phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Hàn Quốc khẳng định chính phủ sẽ nỗ lực hết sức để vượt qua thách thức hiện nay. Trong ngày 2/12, nước này ghi nhận thêm 5.266 ca mới, trong đó có 5.242 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca bệnh ở nước này 457.612 ca. Đây là ngày thứ hai liên tiếp, số mắc ở Hàn Quốc tăng trên 5.000 người/ngày. Hàn Quốc cũng có thêm 47 ca tử vong do COVID-19, nâng số người không qua khỏi lên 3.705 người.
Cùng ngày, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết cơ quan chức năng đã rút lại yêu cầu các hãng hàng không tạm dừng nhận đặt chỗ cho tất cả các chuyến bay được lên lịch trình trong tháng này, đồng thời nhấn mạnh các hãng phải đáp ứng nhu cầu đặt vé máy bay về nước của công dân Nhật Bản.
Trước đó, ngày 1/12, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) đã đột ngột yêu cầu các hãng hàng không tạm dừng nhận đặt chỗ trên các chuyến bay quốc tế đến Nhật Bản cho đến cuối tháng 12 do lo ngại biến thể Omicron. Nhật Bản đã xác nhận ca thứ hai nhiễm biến thể Omicron, là một nam thanh niên, khoảng 20 tuổi, đến sân bay Narita ngày 27/11 sau khi trở về từ Peru.
Tại châu Đại Dương, giới chức y tế bang New South Wales của Australia ngày 2/12 xác nhận thêm một trường hợp nhiễm biến thể Omicron. Ca nhiễm là một em bé chưa đến tuổi tiêm chủng. Đây là ca nhiễm Omicron thứ 8 được xác nhận tại nước này. Bộ trưởng Y tế bang NSW, ông Brad Hazzard, cho biết các nhà chức trách vẫn cảnh giác cao độ trước nguy cơ từ biến thể mới.
Tại Nam Á, Ấn Độ thông báo đã ghi nhận 2 trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron. Hiện giới chức y tế đang thực hiện truy vết những người từng tiếp xúc với 2 ca mắc này.
Tại châu Phi, Nam Phi – nơi công bố đầu tiên về biến thể Omicron – đang chứng kiến sự gia tăng các ca tái mắc COVID-19 do biến thể này. Giáo sư Anne von Gottberg, nhà vi trùng học thuộc Viện các dịch bệnh truyền nhiễm quốc gia Nam Phi nêu rõ những người từng mắc COVID-19 đã được bảo vệ trước biến thể Delta, song hiện giờ sự bảo vệ này trước biến thể Omicron dường như không có tác dụng. Tuy nhiên, nhà khoa học này khẳng định việc tiêm vaccine phòng COVID-19 sẽ vẫn giúp người mắc tránh được nguy cơ bệnh chuyển nặng và tử vong.
Tại châu Mỹ, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cảnh báo biến thể Omicron có khả năng sẽ sớm lây lan sang các quốc gia Bắc Mỹ và Nam Mỹ sau khi Canada và Brazil vừa xác nhận đã phát hiện các ca đầu tiên. Ecuador và Colombia cũng tuyên bố trì hoãn kế hoạch mở lại biên giới trên đất liền giữa hai nước cho đến ngày 15/12 tới nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm biến thể Omicron.
Trong khi đó, Cơ quan Môi trường và biến đổi khí hậu Canada (ECC) xác nhận nước này đã phát hiện các con hươu đuôi trắng đầu tiên mắc COVID-19. ECCC nhấn mạnh phát hiện mới nói trên cho thấy tầm quan trọng của công tác giám sát dịch COVID-19 đang được triển khai hiện nay với các loài động vật hoang dã, qua đó tăng cường nhận thức về tác động của virus SARS-COV-2 đối với không chỉ con người mà cả các loài động vật.
Trước sự lây lan của biến thể Omicron, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Maria Van Kerkhov đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc đẩy mạnh tiêm vaccine ngừa COVID-19, ngay cả khi thông tin về biến thể Omicron hiện chưa rõ ràng. Một số nước châu Âu cũng đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19. Tại Đan Mạch, Thủ tướng Mette Frederiksen ngày 1/12 tuyên bố tiêm vaccine và tiêm mũi nhắc lại là “siêu vũ khí” trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 và nỗ lực mở cửa các hoạt động kinh tế-xã hội.
TTXVN
loading...