Bay vòng quanh thế giới không tốn một giọt xăng
(Thethaovanhoa.vn) - Với đôi cánh giang rộng để đón thật nhiều ánh nắng mặt trời, một chiếc máy bay chạy bằng quang năng của Thụy Sĩ đã cất cánh rời khỏi Abu Dhabi vào lúc bình minh, bắt đầu một kế hoạch đầy tham vọng nhằm bay vòng quanh thế giới mà không sử dụng chút nhiên liệu hóa thạch nào.
Chiếc máy bay nói trên mang tên Solar Impulse 2.
Kỷ lục chưa từng có
Ngồi sau cần lái máy bay là phi công André Borschberg, sáng lập viên công ty Solar Impulse. Ông đã điều khiển chiếc máy bay một chỗ ngồi này cất cánh từ sân bay Al Bateen ở Abu Dhabi (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất). Borschberg sẽ thường xuyên đổi lái chiếc Solar Impulse với đồng sáng lập hãng là Bertrand Piccard trong hành trình dài hơn 35.000 km.
Một số chặng trong hành trình, như khi bay qua biển Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, sẽ yêu cầu phi công phải bay một mình suốt 5 ngày, 5 đêm. Cả 2 phi công chính đều đã tập luyện rất kỹ càng để chuẩn bị cho hành trình này, dự kiến sẽ gồm tổng cộng 25 ngày bay, trải rộng suốt 5 tháng. Sau khi chu du thế giới, chiếc máy bay sẽ trở lại Abu Dhabi vào cuối tháng 7 hoặc trong tháng 8.
“Chuyện hết sức thú vị bởi dù đã qua mô phỏng và tính toán, chưa ai từng thử nghiệm và làm điều này (bay vòng quanh thế giới trên máy bay chạy bằng quang năng)” - Borschberg nói chỉ vài giờ trước khi cất cánh – “Tất cả chúng tôi đều hết sức tự tin và hy vọng có thể gặp lại nhau tại đây sau 5 tháng nữa”.
Ăn, ngủ, vệ sinh trên trời
Solar Impulse 2 là phiên bản mới và lớn hơn của chiếc máy bay dùng quang năng đời đầu đã cất cánh cách đây 5 năm. Sải cánh của máy bay lên tới 72 mét, tức còn lớn hơn một chiếc Boeing 747. Gắn trên đôi cánh đồ sộ này là 17.248 tấm pin quang điện hiệu năng rất cao. Chúng tạo ra dòng điện đủ lớn để chạy 4 động cơ điện giúp chiếc máy bay cất cánh. Ngoài ra các pin quang điện còn có nhiệm vụ sạc 4 khối pin lithium polymer dung lượng cao để phục vụ việc bay đêm.
Với trọng lượng 2,3 tấn, chiếc Solar Impulse 2 chỉ nặng ngang một chiếc xe tải cỡ nhỏ hoặc xe bán tải cỡ vừa. Để so sánh, một chiếc Boeing 747 khi chưa chở theo gì đã nặng đến 180 tấn.
Theo lộ trình đã định trước, Solar Impulse 2 sẽ bay tới Muscat, Oman và hạ cánh tại đây, kết thúc chặng bay đầu tiên kéo dài 10 tiếng đồng hồ. Một chiếc máy bay phản lực dân dụng thông thường sẽ chỉ mất 1 giờ để tới đích. Piccard cho biết Solar Impulse 2 không bay nhanh được như thế. Tốc độ tối đa mà chiếc máy bay này có thể đạt được chỉ là 45km/h.
Để chuẩn bị cho các chuyến bay kéo dài đầy nhàm chán và mệt mỏi, Borschberg đã học yoga. Piccard thì học thuật tự thôi miên để giảm sự mỏi mệt và giữ tỉnh táo khi bay. 2 người cho biết họ sẽ thường xuyên có những giấc ngủ ngắn trong lúc bay. Cứ mỗi 24 giờ điều khiển máy bay, họ sẽ có tổng cộng 12 lần chợp mắt, với mỗi lần không quá 20 phút. Các phi công sẽ đeo những mắt kính đặc biệt, được trang bị đèn flash để đánh thức họ sau các giấc ngủ ngắn.
Ban ngày chiếc máy bay sẽ đi tới độ cao khoảng 8.500 mét để đón ánh nắng mặt trời. Vào ban đêm nó sẽ hạ xuống độ cao khoảng 1.500 mét, đặc biệt là khi bay trên biển.
Cả 2 phi công sẽ không thể đứng dậy trong khoang lái khi bay. Tuy nhiên ghế ngồi có thể ngả về phía sau, giúp họ duỗi chân thoải mái. Họ cũng có thể dỡ tấm đệm trên ghế ngồi để đi vệ sinh. 2 phi công sẽ sử dụng các dây đeo tay đặc biệt và chúng sẽ rung lên nếu chiếc Solar Impulse 2 không còn giữ được thăng bằng.
Chiếc máy bay cũng không được trang bị khoang lái tăng áp nên Borschberg và Piccard sẽ cảm nhận rõ sự thay đổi về nhiệt độ. Lượng oxy trong máu của 2 phi công sẽ thường xuyên được giám sát và dữ liệu sẽ được gửi trở lại trung tâm kiểm soát mặt đất.
Bắt đầu cuộc phiêu lưu
Sau 2 chặng dừng chân ở Ấn Độ, Solar Impulse 2 sẽ đi vào Trung Quốc. Chiếc máy bay sẽ ở lại đây trong khoảng 1 tháng, tới khi ban ngày đủ dài để máy bay thu lượng quang năng cần thiết. Tiếp đó máy bay sẽ dừng lại ở Myanmar, Hawaii, Phoenix, Arizona và New York (Mỹ). Hành trình đi qua Đại Tây Dương sẽ tùy thuộc vào điều kiện thời tiết. Không loại trừ khả năng máy bay sẽ có các chặng dừng chân ở Nam Âu hoặc Morocco.
Những người quan tâm có thể theo dõi hành trình của Solar Impulse 2 trên trang web của công ty Solar Impulse. Họ có thể biết được tình trạng pin trên máy bay, mức độ tiêu thụ năng lượng, máy bay đang ở đâu và lộ trình bay của nó ra sao. Ngoài ra họ cũng được cung cấp thông tin về giấc ngủ của phi công và còn bao nhiêu nước, thực phẩm trên máy bay. Trang web còn phát hình ảnh thu từ phòng kiểm soát đặt ở Monaco và các đoạn video ghi lại từ khoang lái máy bay. 2 phi công điều khiển Solar Impulse 2 nói rằng chuyến bay có mục đích nâng cao nhận thức của người dân thế giới về tình trạng biến đổi khí hậu.
Trong ngày 9/3, khi chiếc máy bay đang đứng chờ ở sân bay, một hồi chuông ngắn vang lên, báo hiệu có lỗi kỹ thuật và việc cất cánh bị trì hoãn. Tuy nhiên sự cố đã nhanh chóng được xử lý và chiếc máy bay từ từ cất cánh lên trời “Ai cũng hy vọng máy bay sẽ cất cánh” - Piccard nói – “Giờ thì cuộc phiêu lưu đã thực sự bắt đầu”.
Piccard không phải là người xa lạ với việc lập kỷ lục trên không. Năm 1999, ông và một người nữa đã thành công khi dùng khí cầu bay vòng quanh thế giới không nghỉ. |
Tường Linh (Theo WSJ)
Thể thao & Văn hóa