Bảo vệ đội ngũ y bác sỹ tuyến đầu: Muôn vàn áp lực
(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày qua, thông tin về việc đội ngũ y bác sĩ tại Thành phố Hồ Chí Minh đang phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, khó khăn, thiếu thốn khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Chưa bao giờ, việc bảo vệ bác sỹ để bác sỹ bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân lại trở nên "khẩn thiết" như lúc này. Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 2 bài viết về chủ đề này.
Trở thành tâm dịch trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, kể từ tháng 4/2021 đến nay, hàng nghìn lượt y bác sĩ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia vào "trận chiến" giành giật tính mạng của người dân với tử thần. Thế nhưng, cùng với cường độ công việc cao, rất nhiều y bác sỹ đang phải làm việc trong điều kiện thiếu thốn, khắc nghiệt.
Công việc nhiều, áp lực lớn
Hơn 2 tháng kể từ khi tham gia điều trị bệnh nhân tại một bệnh viện dã chiến trên địa bàn huyện Bình Chánh, bác sỹ N.T.H vẫn chưa được về thăm gia đình. Bệnh nhân mỗi ngày một tăng, người này xuất viện lại có người mới lại nhập viện khiến bác sĩ H. và đồng nghiệp chưa một ngày được ngơi nghỉ.
Anh kể, thời gian đầu khi bệnh viện dã chiến mới thành lập, anh và các đồng nghiệp phải kiêm nhiệm tất cả các công việc có tên và không tên khác từ vận chuyển giường bệnh, trang thiết bị y tế đến cả việc phụ giúp lực lượng hỗ trợ phát cơm cho người bệnh... Sau này, khi bệnh viện đi vào hoạt động ổn định, anh chủ yếu phụ trách chuyên môn, mỗi ngày chăm sóc, điều trị từ 80-90 bệnh nhân COVID-19. "Bệnh nhân đông và thường trở nặng rất nhanh nên chúng tôi luôn phải "canh chừng". Chỉ cần sơ sẩy là có thể không cứu kịp. Có những đêm cả ê-kíp trực không thể chợp mắt được bởi các ca cấp cứu liên tục", bác sỹ H. kể về áp lực công việc ở bệnh viện dã chiến.
Tương tự, "trực chiến" ở Bệnh viện Dã chiến Cần Giờ chưa được nghỉ một ngày nào thì điều dưỡng N.T.T lại được phân công đến Bệnh viện Dã chiến số 3 (thành phố Thủ Đức) tiếp tục nhận nhiệm vụ. Và từ đó đến nay, anh liên tục "cắm chốt" ở bệnh viện dù đã được lãnh đạo cho nghỉ giữa kỳ. "Bệnh nhân đông, công việc nhiều, nếu mình nghỉ thì những đồng nghiệp khác lại phải choàng thêm phần việc của mình nữa nên tôi quyết định ở lại chung sức với với mọi người", điều dưỡng T. tâm sự.
Bác sỹ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, từ đợt dịch thứ 4 đến nay, đơn vị này được phân công phụ trách Bệnh viện Dã chiến số 3 và 2 khu cách ly tập trung điều trị COVID-19 là Ký túc xá Đại học Sư phạm và Ký túc xá Cao đẳng Công thương, chưa kể phải "chi viện" nhân sự cho các đơn vị như Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ, Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, Khu cách ly Ký túc xá Đại học Quốc gia....
Ngoài ra, bệnh viện cũng phải cử nhân sự tham gia các hoạt động phòng, chống dịch khác như lấy mẫu cộng đồng, tiêm vaccine... "900 nhân viên của tôi phải thay phiên nhau liên tục để đảm nhiệm tất cả công việc này, kể cả nhân viên hành chính, công tác xã hội. Mặc dù theo quy định sau 5 tuần anh em sẽ được xoay tua nghỉ 1 tuần sau đó mới quay lại tiếp tục công việc nhưng trong bối cảnh thiếu nhân sự nên nhiều anh em tình nguyện không nghỉ mà làm việc xuyên suốt. Đa số anh em đã 2-3 tháng đều chưa được về nhà", bác sỹ Khanh ngậm ngùi.
Trong số các bệnh viện điều trị COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, có lẽ áp lực nhất phải kể đến là các bệnh viện tuyến cuối - nơi điều trị các bệnh nhân nặng, nguy kịch do COVID-19. Và đội ngũ y bác sỹ ở đây trong thời gian qua đã phải làm việc "gấp 3, gấp 4" lần so với bình thường.
Mới trở về từ Bắc Giang trong đợt dịch lần thứ 3 chưa lâu, bác sỹ Trần Thanh Linh, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy nhận được nhiệm vụ đến Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (thành phố Thủ Đức) để thiết lập Bệnh viện Hồi sức COVID-19, bệnh viện tuyến cao nhất trong hệ thống điều trị COVID-19 của Thành phố Hồ Chí Minh. Việc thành lập nhanh một bệnh viện tuyến cuối vô cùng nặng nề và áp lực khiến chỉ sau 10 ngày nhận nhiệm vụ, mái tóc của bác sỹ Linh gần như bạc trắng.
"Chúng tôi bây giờ đã trở thành những nhân viên y tế "đa năng" nhất thế giới vì bác sỹ cũng có thể làm công việc của điều dưỡng, điều dưỡng thì làm cả công việc của hộ lý, không phân biệt là công việc của ai, mọi người hỗ trợ được nhau cái gì thì hỗ trợ, cùng gồng gánh với nhau để làm sao cứu được nhiều người càng tốt", bác sỹ Linh chia sẻ.
Ăn qua bữa, ngủ "dã chiến"
Công việc nhiều, áp lực cao nhưng hơn 3 tháng qua, các nhân viên y tế phải làm việc trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Chị M.T.H (điều dưỡng một bệnh viện dã chiến trên địa bàn Quận 12) chìa bàn tay trắng bệch, nhăn nheo của mình và cho biết, bàn tay của mình gần như đã không còn cảm giác sau một thời gian dài đeo găng tay và tiếp xúc với chất khử khuẩn liên tục. Bên cạnh đó, nhiều đồng nghiệp của chị cũng bị ngứa, nổi mẩn đỏ khắp người do bộ đồ bảo hộ nóng nực gây ra.
"Đa số chúng tôi phải ngủ trên ghế xếp, có người còn trải chiếu nằm thẳng ra sàn nhà, mùa này nhiều kiến ba khoang, đồng nghiệp tôi đã bị kiến đốt đến phồng rộp da", bác sĩ T.H.T (đang công tác tại một khu cách ly F0 ở thành phố Thủ Đức) kể lại. Cũng theo bác sỹ T., phần cơm dành cho đội ngũ nhân viên y tế cũng rất khô và khó nuốt, thậm chí có tình trạng cơm thiu, bánh mốc không thể ăn được. Dù đã đề nghị đổi nhà cung cấp suất ăn đến 3 lần nhưng tình trạng cơm "bữa khô bữa nhão" khiến không ai muốn sử dụng và buộc các y bác sỹ phải dùng uy tín cá nhân kêu gọi sự hỗ trợ của các mạnh thường quân.
"Phải ăn uống đầy đủ thì chúng tôi mới có sức để tiếp tục điều trị cho bệnh nhân", bác sỹ T. kiến nghị.
- Y bác sĩ các tỉnh tiếp tục lên đường hỗ trợ Hà Nội chống dịch Covid-19
- Đoàn y bác sĩ Phú Thọ, Bắc Ninh, Hải Phòng lên đường hỗ trợ Hà Nội chống dịch Covid-19
Không chỉ "miếng cơm, giấc ngủ", đến nay, các chế độ đãi ngộ dành cho lực lượng tuyến đầu họ vẫn "chưa nhìn thấy". 50 ngày tham gia điều trị F0 tại khu cách ly nhưng bác sĩ T.H.T chỉ nhận được vỏn vẹn hơn 4 triệu đồng, bằng 1/5 tổng thu nhập lúc chưa có dịch. Theo bác sỹ T., dù biết rằng dịch bệnh ai cũng bị ảnh hưởng thu nhập nhưng với đội ngũ y bác sĩ đã phải gồng mình suốt thời gian qua thì thu nhập lại đang đi ngược với công sức bỏ ra.
"Chúng tôi cũng có nghe về các chương trình hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu nhưng đến nay chưa nhận được bất kỳ một khoản tiền nào. Thu nhập giảm sút khiến mọi chi tiêu trong gia đình của tôi đều phải trông cậy cả vào bà xã", bác sỹ T. cho biết.
Tương tự, điều dưỡng T.N.H (đang thực hiện nhiệm vụ tại một dã chiến quận Phú Nhuận) cũng chia sẻ, dù công việc vất vả hơn, áp lực hơn và nguy hiểm hơn nhưng thu nhập của chị bị giảm 1/3 so với trước đây. Chị H cho hay: "Nhiều đồng nghiệp của tôi rơi vào tình cảnh chật vật khi phải chi trả tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt phí cho gia đình...".
Thừa nhận nhân viên y tế vẫn chưa có khoản trợ cấp, đãi ngộ phù hợp trong bối cảnh phải "căng sức" chống dịch, bác sỹ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh chia sẻ: Do ảnh hưởng của dịch, nguồn thu của bệnh viện giảm nên ảnh hưởng lớn đến thu nhập của cán bộ nhân viên y tế. Trong khi đó, việc phòng, chống dịch lại vất vả, áp lực nên lãnh đạo bệnh viện phải thường xuyên động viên anh em cố gắng làm việc vì tính mạng, sức khỏe của người dân là trên hết.
Liên quan đến gói “Hỗ trợ động viên hưởng một lần cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch COVID-19" với mức hỗ trợ từ 1,5 - 10 triệu đồng mà HĐND Thành phố Hồ Chí Minh thông qua ngày 24/8, đến nay nhiều bệnh viện cho biết vẫn chưa được nhận. Bác sỹ Trần Văn Khanh cho hay, hiện thủ tục nhận gói hỗ trợ này mới chỉ dừng lại ở bước lên danh sách đề nghị.
"Chúng tôi hy vọng tiền trợ cấp sớm được giải ngân để động viên tinh thần anh em nhân viên y tế tiếp tục chiến đấu với dịch bệnh", bác sỹ Khanh mong mỏi.
Bài 2: Khẩn cấp bảo vệ "chiến binh áo trắng"
Đinh Hằng/TTXVN